Xét xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong: Nhiều ý kiến trái chiều
- Nguyễn Quân
- •
Nửa năm sau vụ bé gái V.A (8 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) bị bạo hành đến tử vong, hai bị cáo là Nguyễn Kim Trung Thái (cha ruột cháu A.) và Nguyễn Võ Quỳnh Trang (bạn gái của ông Thái) sẽ bị đưa ra xét xử vào ngày 21/7 theo hình thức xử kín.
- TP.HCM: Cha ruột bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong bị bắt khẩn cấp
- Khởi tố bổ sung tội Giết người, Che giấu tội phạm trong vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong
Sáng ngày 21/7 tới, TAND TP.HCM sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm các bị cáo Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái tại trụ sở theo hình thức xử kín trong vụ án “Giết người” và “Che giấu tội phạm” xảy ra tại quận 1, TP.HCM. Nạn nhân là cháu N.T.V.A (8 tuổi) là con của ông Nguyễn Trung Kim Thái và chị N.T.H (vợ cũ của ông Thái), tử vong vào ngày 22/12/2021.
Bị can Thái (SN 1985, ngụ quận 1, TP.HCM) bị truy tố về tội “Hành hạ người khác” và “Che giấu tội phạm” theo Điều 140 và Điều 389 Bộ luật Hình sự 2015; tổng hợp khung hình phạt cao nhất là 8 năm tù.
Bị can Trang (27 tuổi, ngụ Gia Lai, là bạn gái, sống chung không hôn thú với ông Thái) bị truy tố về tội “Giết người” và “Hành hạ người khác” theo Điều 123 và Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015; tổng hợp khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Tuấn. Đại diện Viện KSND TP.HCM là kiểm sát viên Lê Thị Yến Như, Phan Trung Hải.
Bảo vệ quyền lợi cho bị hại cháu V.A có 4 luật sư:
1. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội bảo vệ trẻ em TP.HCM.
2. Luật sư Phạm Công Hùng và bà Khưu Mỹ Vinh – Luật sư Công ty Luật TNHH MTV Công Hùng và cộng sự, Đoàn luật sư TP.HCM.
3. Luật sư Nguyễn Anh Thơm – Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Bào chữa cho các bị cáo có luật sư Nguyễn Ngọc Trâm, do Tòa chỉ định, bào chữa cho bị cáo Trang; các luật sư Phạm Thị Ngọt và Võ Thị Xuân Thuỳ, do gia đình yêu cầu, bào chữa cho bị cáo Thái.
Tòa triệu tập 5 người làm chứng và 2 giám định viên tư pháp pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM để phục vụ cho việc xét xử.
Xét xử kín vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong – Cần thiết hay không?
Từng là tâm điểm truyền thông vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 do mức độ bạo lực mà nạn nhân phải gánh chịu, thông tin vụ án sẽ được xét xử kín gây nên nhiều ý kiến trái chiều.
Về phía công luận, một bộ phận người dùng mạng cho rằng vụ án nên được xét xử công khai, đưa tin rộng “nhằm răn đe các trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai”.
Trước ý kiến vụ án được xét xử kín nhằm bảo vệ nạn nhân là trẻ em, những người phản đối cho rằng vì nạn nhân đã mất, nên công khai vụ xét xử để mọi người nhìn đó mà có cách sống tốt hơn. Một số dẫn chứng vụ án bé Minh Minh (3 tuổi, ngụ Hà Nội) bị mẹ ruột và bố dượng bạo hành đến tử vong đã xét xử công khai hồi tháng 11/2020…
Ở chiều ngược lại, một số người ủng hộ việc xử kín cho rằng trong phiên tòa, nhiều tình tiết, hình ảnh và video cháu bé bị bạo hành sẽ được đưa ra. Việc xử kín để tránh việc những hình ảnh bé bị hành hạ phơi bày, tràn lan trên mạng gây ảnh hưởng không tốt, gây nỗi đau cho mẹ và gia đình cháu bé.
Sự bất đồng chưa ngã ngũ khi một số luật sư cũng đưa ra các quan điểm trái chiều. Trên trang cá nhân, luật sư Nguyễn Anh Thơm – một trong 4 luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại – cháu V.A, bày tỏ sự không đồng tình với quyết định xét xử kín vụ án.
Ông Thơm dẫn Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, quy định: “Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.”
Và điểm d, khoản 1 Điều 7 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC, quy định: “Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự”.
Theo luật sư Thơm, vụ án được xét xử vì lý do bị hại là cháu V.A sinh năm 2013 đang là người dưới 18 tuổi. “Tuy nhiên, vụ án này là vụ án Giết người, bị hại V.A đã tử vong thì việc xét xử kín theo tinh thần Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 09 năm 2018 của Tòa án nhân dân tối cao là có cần thiết hay không” – ông Thơm nêu vấn đề.
Quan điểm của luật sư Thơm là việc xét xử kín trong vụ án này là “không cần thiết”.
“Mục đích xử kín là bảo vệ người dưới 18 tuổi, giữ bí mật đời tư, tránh gây tâm lý bất ổn và đảm bảo tương lai cho các cháu. Nhưng vụ án này thì bị hại đã tử vong nên cần phải xét xử công khai nhằm mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm nói chung”, theo ông Thơm.
“Nếu vụ án được xử công khai, mọi người được biết về nhân thân đối tượng, sinh ra trong một gia đình như vậy thì sẽ không hiểu tại sao đối tượng lại có thể tàn ác đến tột cùng như vậy đối với một cháu bé gái 8 tuổi”, ông Thơm viết.
Báo Lao Động dẫn ý kiến của luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc TAND TP.HCM tổ chức phiên tòa theo hình thức xét xử kín là hợp lý.
Ông Điền cho hay trong phiên tòa sẽ có rất nhiều đoạn clip diễn biến có thể được trình chiếu công khai, những lời khai về hành vi bạo hành… được đưa ra để các bên tranh tụng và HĐXX xem xét. Nếu xét xử công khai, những hình ảnh nhạy cảm bị truyền tải công khai trên mạng xã hội có thể khuấy lại những nỗi đau người thân, gia đình nạn nhân và một phần nào cũng sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ em và các bậc phụ huynh.
“Mặc dù cháu bé N.T.V.A đã tử vong, nhưng cũng nên cần bảo vệ hình ảnh, danh dự cho cháu. Đồng thời, vụ việc này liên quan đến bạo lực gia đình, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, thậm chí hành hạ, bạo hành trẻ đến tử vong, rất trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Do đó, tòa cấp xét xử sơ thẩm có quyết định đưa vụ án ra xét xử kín là phù hợp với Điều 25 Bộ Luật tố tụng Hình sự 2015”, ông Điền nhận định.
Ông Điền cho hay phần tuyên án sẽ được công khai, và mục đích cuối cùng hình thức xét xử kín hay công khai cũng là để xác định sự thật.
Trên Dân Trí, luật sư Đặng Văn Cường – Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) đưa ra ý kiến tương tự, cho rằng vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành thuộc trường hợp những vụ án có đương sự là người dưới 18 tuổi. Tòa án sẽ xem xét bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi dù là bị cáo hoặc bị hại.
Ông Cường cho hay đối với vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong, tòa án xét xử kín nếu gia đình nạn nhân có yêu cầu hoặc tòa án xét thấy cần phải thực hiện để đảm bảo bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ trẻ em theo quy định.
Với hình thức xét xử kín, chỉ có những người có giấy triệu tập mới được tham dự phiên tòa. Các cơ quan báo chí không được phép đưa tin về diễn biến phiên tòa tuy nhiên có thể đưa tin về phần thủ tục và kết quả phiên tòa.
Hai bị cáo cho rằng bạo hành bé V.A là chuyện ngoài ý muốnTrước thông tin vụ án sẽ được xét xử kín, trên trang Facebook cá nhân, luật sư Nguyễn Anh Thơm tiếp tục công bố một số thông tin liên quan đến vụ án, trong đó có việc mẹ của nạn nhân – chị H. phủ định việc đã gặp gia đình bị cáo, đã tha thứ và nhận khắc phục một phần hậu quả như phía gia đình bị cáo nêu trong Đơn xin cứu xét tội ngày 9/5/2022. Ngoài ra, luật sư Thơm cho hay cả hai bị cáo Trang và Thái đều phủ định việc chủ đích bạo hành bé V.A, cho rằng đây là việc ngoài ý muốn. Theo trích dẫn của luật sư Thơm, bị cáo Trang biện luận về hành vi của mình như sau: “Tai nạn xảy ra với cháu V.A là chuyện ngoài mong muốn, tôi không đánh bé vì bất kỳ lý do riêng tư nào ngoài chuyện học. Trong phút nóng giận mất bình tĩnh tôi đã làm bé tử vong. Tôi thành thật ân hận và ăn năn với tất cả những gì đã xảy ra. Mong Tòa xem xét khoan hồng để tôi còn được trở về chăm sóc cha mẹ….” Bị cáo Thái cho rằng: “Các lần Trang đánh V.A khi tôi vào đến thì Trang đã thực hiện đánh V.A trước như lời khai. Trang yêu cầu tôi không can trước mặt V.A nên tôi đã sai khi không có hành động quyết liệt mà chỉ nói chuyện với Trang trong phòng riêng. Mong cơ quan điều tra xem xét lại tội danh “Hành hạ người khác”…. |
Nguyễn Quân
Từ khóa bạo hành trẻ em trẻ em bị xâm hại bạo lực bạo hành đến tử vong