10 sự cố ngoại giao đáng hổ thẹn của ĐCSTQ trong năm 2019
- Tuyết Mai
- •
Chính sách ngoại giao “lang sói” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) những năm gần đây đã bị cả thế giới lên án, khiến họ ngày càng bị cô lập. Ở đây xin điểm lại 10 sự cố ngoại giao đáng hổ thẹn của ĐCSTQ trong năm 2019.
1. Sự kiện NBA
Ngày 5/10, Daryl Morey – Tổng giám đốc NBA (bóng rổ nhà nghề Mỹ) của đội Houston Rockets đã chia sẻ trên Twitter hình ảnh ủng hộ tự do cho Hồng Kông (Fight For Freedom Stand With Hong Kong), động thái này đã chạm vào dây thần kinh nhạy cảm của ĐCSTQ.
Sau đó ĐCSTQ đã phỏng tỏa toàn diện đối với NBA và đội Houston Rockets. Đài Truyền hình Trung ương ĐCSTQ (CCTV) cũng như các nền tảng xã hội của công ty công nghệ Tencent Trung Quốc đã tuyên bố tạm dừng phát sóng các sự kiện NBA, nhiều đối tác Trung Quốc cũng đã ngừng hợp tác với NBA. Nhưng sau nhiều ngày tự ái dân tộc, giới chức ĐCSTQ lại bất ngờ hạ nhiệt.
Tencent chỉ tẩy chay chưa đầy một tuần đã lặng lẽ khôi phục một phần chương trình phát sóng trực tiếp thi đấu NBA (trừ đội Rockets), làm bẻ mặt giới dư luận viên của ĐCSTQ trước đó đã làm đủ trò công kích NBA.
Quan điểm của Tổng giám đốc NBA Rockets đã bị ĐCSTQ tổ chức chiến dịch tẩy chay. Hình ảnh Adam Silver – người phụ trách Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ, cho biết ông sẽ không hạn chế quyền tự do ngôn luận của đội bóng và cầu thủ (Ảnh: Takashi Aoyama/Getty Images)
>> Chủ tịch NBA từ chối yêu cầu sa thải Morey của ĐCSTQ
2. South Park liên tục phản đòn ĐCSTQ
Phim hài kịch tình huống South Park nổi tiếng của Mỹ đã “xin lỗi” ĐCSTQ theo một hình thức đặc biệt.
Trong một tuyên bố trực tuyến vào ngày 7/10, South Park đã tuyên bố: “Giống như NBA, chúng tôi rất hoan nghênh Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành đánh giá chuyên sâu về ngôi nhà và trái tim của chúng tôi, chúng tôi yêu tiền hơn yêu tự do và dân chủ.”
Vì vào đầu tháng 10, South Park phát sóng tập 2 mùa thứ 23 của “Dàn nhạc tại Trung Quốc” (Band in China) có nội dung liên quan nhiều vấn đề nhạy cảm của ĐCSTQ, bao gồm các trại tập trung, thu hoạch nội tạng sống, chiến dịch bỏ ĐCSTQ, kiểm duyệt truyền thông, lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm ĐCSTQ xây dựng chính quyền, phong trào biểu tình chống Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông… vì vậy bị ĐCSTQ ngăn chặn tại Trung Quốc Đại Lục.
Nhưng khác với nhiều công ty lớn của nước ngoài thường chịu khuất phục ĐCSTQ để tìm kiếm lợi nhuận, South Park đã không ngừng phản công ĐCSTQ.
>> South Park bị ĐCSTQ ngăn chặn nhưng vẫn thu về 500 triệu USD
3. Mỹ thông qua Dự luật Nhân quyền Hồng Kông
Ngày 19/11, Thượng viện Mỹ đã thông qua Dự luật về Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông mà không có nghị viên nào phản đối, ngày 20/11 lại tiếp tục thông qua tại Hạ viện Mỹ với số phiếu là 417:1. Động thái này khiến ĐCSTQ phản ứng dữ dội, giới truyền thông của ĐCSTQ đồng loạt phản đối mạnh mẽ rằng Mỹ “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”.
Vào sáng ngày 21/11, người khởi xướng dự luật là Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Marco Rubio đã lên tiếng rằng dự luật là một chính sách pháp lý nội bộ của Mỹ, đây là vấn đề nội bộ của Mỹ, vì thế Trung Quốc (ĐCSTQ) nên ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ.
Ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Trump đã ký Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Sau khi luật này chính thức có hiệu lực, truyền thông ĐCSTQ đã phản đối và cho biết từ chối cho giới nghị sĩ Mỹ nhập cảnh Trung Quốc.
Tổng biên tập Hồ Tích Tiến tờ Thời báo Hoàn cầu của ĐCSTQ đã tweet rằng các thành viên của Quốc hội Mỹ ủng hộ dự luật này sẽ bị ĐCSTQ được đưa vào danh sách cấm nhập cảnh, cấm họ vào Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao.
Tuy nhiên, Solomon Yue – nghị viên đảng Cộng hòa Mỹ đã ngay lập tức phản hồi rằng rất mong được ĐCSTQ ra lệnh trừng phạt các nhà lập pháp Mỹ, vì Quốc hội có thể trả đũa và hủy bỏ thị thực của 360.000 sinh viên Trung Quốc.
Tháng 8 năm nay, Julie Eadeh – người đứng đầu Vụ Chính trị của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông và Ma Cao, đã được giới truyền thông tiết lộ rằng sau cuộc gặp với thành viên của đảng Demosistō Hồng Kông là Hoàng Chi Phong thì đã bị tờ Đại Công Báo thân ĐCSTQ phanh phui đời tư của chồng con bà.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích ĐCSTQ làm rò rỉ thông tin riêng tư cá nhân của nhà ngoại giao Mỹ là cách làm của chính quyền lưu manh.
>> TT Trump ký thông qua hai luật ủng hộ biểu tình Hồng Kông
4. Chính giới Ý lên tiếng ủng hộ Hồng Kông
Biểu tình của người Hồng Kông chống Dự luật Dẫn độ đã được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.
Ngày 28/11, Quốc hội Ý đã mời Tổng thư ký đảng Demosistō Hồng Kông là Hoàng Chi Phong phát biểu trước Quốc hội Ý.
Chiều ngày 29, Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đã cáo buộc quốc hội Ý trên Twitter, cho biết rằng “Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các lực thế lực ngoài không can thiệp vào vấn đề Hồng Kông, việc giới chính trị Ý tổ chức đối thoại qua video với Hoàng Chi Phong là cách làm vô trách nhiệm.”
Ngay khi dòng tweet vô lý này xuất hiện, chính giới Chính phủ Ý lập tức cho biết đặc biệt không hài lòng phát ngôn của phía Trung Quốc. Một số hãng truyền thông Ý cho biết tweet đã gây phản ứng đồng loạt của đông đảo chính giới Ý, trở thành làn sóng chống ĐCSTQ lớn nhất trong những năm gần đây.
5. Bản ghi âm bí mật tiết lộ thủ đoạn của ĐCSTQ tại Đan Mạch
Mạng 5G của Huawei Trung Quốc đã gây làn sóng lo ngại về an ninh trên toàn thế giới, khiến các nước phương Tây đồng loạt tẩy chay.
Giữa tháng 12, băng ghi âm bí mật ghi lại vụ việc quan chức ĐCSTQ đe dọa hòn đảo thuộc quyền tài phán của Đan Mạch để ký hợp đồng với Huawei đã được tiết lộ.
Băng ghi âm cho thấy Đại sứ Phùng Thiết (Feng Tie) của ĐCSTQ tại Đan Mạch đã cảnh báo Thủ tướng Bárður Nielsen của Quần đảo Faroe rằng nếu Quần đảo Faroe không ký thỏa thuận mạng 5G với Huawei thì cũng không thể ký thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. Tòa án địa phương cũng ban hành lệnh cấm đài truyền hình địa phương Kringvarp Føroya tiết lộ đoạn ghi âm.
Vụ việc này đã gây làn sóng dư luận tại Đan Mạch, khiến giới chức sắc Đan Mạch đồng loạt lên tiếng yêu cầu bảo vệ lợi ích của Quần đảo Faroe và an ninh của nước Đan Mạch. Các hãng truyền thông quốc gia Đan Mạch như DR đã sở hữu nội dung bản ghi âm và công bố bản ghi hoàn chỉnh.
Søren Espersen – người phát ngôn đối ngoại của đảng Nhân dân Đan Mạch cho biết: “Chúng tôi không thể ký kết bằng kiểu đe dọa như ĐCSTQ. Đối với loại như vậy chúng tôi chỉ có cách tống cổ ra ngoài”.
6. Prague của Cộng hòa Séc hủy bỏ quan hệ thành phố chị em với Bắc Kinh
Ngày 7/10, Hội đồng thủ đô Prague của Cộng hòa Séc đã thông qua nghị quyết chấm dứt hợp tác hữu nghị với Bắc Kinh. Thị trưởng của Prague và các nhà lập pháp tuyên bố họ sẽ không khuất phục chế độ độc tài ĐCSTQ.
Tối ngày 9/10 chính quyền thành phố Bắc Kinh cũng ra tuyên bố rằng Bắc Kinh từ bỏ quan hệ thành phố chị em với Prague và đình chỉ tất cả các liên hệ chính thức.
Khi quan hệ “chị em” không còn, ĐCSTQ đã áp dụng nhiều hành động trả thù khác nhau. Sau đó, Đại sứ quán ĐCSTQ tại Cộng hòa Séc và Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng liên tiếp ra tuyên bố rằng Prague can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đình chỉ mọi trao đổi chính thức giữa hai bên.
Đáp lại, người phát ngôn của Thượng viện Séc là Jaroslav Kubera đã lên án Đại sứ ĐCSTQ tại Cộng hòa Séc rằng đã gây chia rẽ sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước, yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền của Séc.
Zdeněk Hřib, thị trưởng Prague cho biết, kể từ sau khi ông nhậm chức vào cuối năm ngoái ông đã có kế hoạch bãi bỏ điều khoản “Một Trung Quốc” của thỏa thuận thành phố chị em với Bắc Kinh. Ông cũng đã nhắc lại nhiều cam kết đầu tư của ĐCSTQ tại Cộng hòa Séc đã không được thực hiện, ông tin rằng bây giờ là lúc Cộng hòa Séc suy nghĩ lại về chính sách của mình đối với Trung Quốc.
>> Thành phố Praha của Séc muốn cắt đứt quan hệ chị em với Bắc Kinh
7. Quốc hội Canada thành lập ủy ban đặc biệt để kiểm tra quan hệ Canada-Trung Quốc
Kể từ cuối năm ngoái quan hệ Trung Quốc – Canada đã xấu đi do sự cố của Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu. Chính phủ Canada luôn rất cứng rắn trước hàng loạt đe dọa từ Chính phủ Trung Quốc.
Ngày 17/1, Lư Sa Dã (Lu Shaye) – Đại sứ của Chính phủ Trung Quốc tại Canada đã tổ chức họp báo công khai đe dọa Chính phủ Canada: nếu cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G thì sẽ phải đối mặt với “hậu quả”.
Liên quan đến phát biểu đe dọa này, vào ngày hôm sau Bộ trưởng Công an Liên bang Canada là Ralph Goodale đã trả lời: Canada sẽ không nhượng bộ Bắc Kinh về các vấn đề an ninh quốc gia và sẽ không bị ảnh hưởng bởi các mối đe dọa của Trung Quốc liên quan đến mạng 5G. “Chúng tôi sẽ đưa ra đánh giá của riêng mình về những gì là hữu ích cho Canada.”
Ngày 19/11, Mỹ đã thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông. Ngày 23, Đại sứ mới của ĐCSTQ tại Canada là Tùng Bồi Vũ (Cong Peiwu) cảnh báo Canada không nên học theo cách tiếp cận của Mỹ trong việc hỗ trợ người biểu tình Hồng Kông, điều này sẽ “rất nguy hiểm”.
Đáp lại, ngày 10/12 Quốc hội Canada đã thành lập một ủy ban đặc biệt để kiểm tra quan hệ với Trung Quốc.
8. Potter King nổi tiếng Đài Loan: Ngay từ đầu đã không thỏa hiệp
Vụ việc gần đây khiến cộng đồng quốc tế quan tâm là chuyện King Porter nổi tiếng Đài Loan không chấp nhận yêu cầu của đối tác Đại Lục. Tên thật của Potter King là Trần Gia Tấn (Chen Jiajin), có nhiều người hâm mộ ở hai bờ eo biển (Đại Lục và Đài Loan).
Gần đây, vì Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn muốn thu hút phiếu bầu của giới trẻ nên đã thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với giới trẻ nổi tiếng trên internet.
Ngày 14/12, bà Thái Anh Văn đã hợp tác sản xuất video với Potter King, nhưng công ty Papitube – đối tác truyền thông mới của King Porter tại Đại Lục vì thấy bà Thái Anh Vân xuất hiện trong video với tư cách là “Tổng thống Đài Loan” nên yêu cầu Potter King gỡ bỏ video, đồng thời cũng chấm dứt hợp đồng với Potter King, thậm chí thay đổi mật khẩu tài khoản Weibo của Potter King.
Đáp lại, Potter King trả lời rằng “Nếu nguyên thủ quốc gia không thể được gọi là Tổng thống thì cũng không cần số tiền này”. Sau đó, điện thoại của công ty Potter King thường xuyên bị quấy rối và bị cáo buộc từng quỳ gối trước ĐCSTQ.
Ngày 18/12, Potter King đã phản hồi bằng công bố bản hợp đồng: “Ngay từ đầu tôi đã không quỳ gối”, “Chỉ có chúng tôi mới dám viết ROC (Trung Hoa Dân Quốc) và Đài Loan!”, Potter King cũng chuyển tiếp bài viết liên quan và viết: “Nội dung hợp đồng là đây ~ ngay từ đầu ông đây đã không quỳ gối đúng không?”
>> Trung Quốc đòi gỡ video có bà Thái Anh Văn, Youtuber Đài Loan từ chối
9.Phóng viên Khổng Lâm Lâm của CCTV bị kết án ở Anh
Trong chuyến công tác tại London (Anh) hồi năm ngoái, phóng viên Khổng Lâm Lâm của CCTV đã phạm tội đánh người. Ngày 29/11 đã bị Tòa án quận Birmingham của Anh kết án.
Ngày 30/9, năm ngoái, đảng Bảo thủ Anh đã tổ chức một cuộc họp thường niên tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Birmingham (ICC), đồng thời tổ chức hội thảo về tự do và pháp trị của Hồng Kông. Tại hội nghị, Khổng Lâm Lâm đã tấn công một đại biểu của đảng Bảo thủ Anh là Enoch Lieu đến từ Hồng Kông. Sau đó nữ phóng viên CCTV này đã bị buộc tội tấn công thông thường.
Gần đây, Thẩm phán quận Shamim Qureshi của Anh đã tuyên bố bản án của mình tại Tòa án sơ thẩm ở Birmingham: kết án Khổng Lâm Lâm 12 tháng tù và yêu cầu phải trả các chi phí liên quan, bao gồm tiền phạt bổ sung 100 bảng, tổng số tiền phạt là 2115 bảng.
Trong vụ việc này, ĐCSTQ đã lên án phán quyết này rằng, “Phán quyết gây sốc và tức giận”, tuyên bố rằng chính Khổng Lâm Lâm đã bị “xâm phạm nhân thân”.
10. Chính phủ Thụy Điển khen thưởng doanh nhân kinh doanh sách Hồng Kông
Giải thưởng Tukhovsky năm 2019 của Thụy Điển đã trao cho doanh nhân Quế Mẫn Hải (Michael Gui) người Thụy Điển gốc Hoa bị ĐCSTQ bắt giữ, để ghi nhận những đóng góp của ông cho tự do ngôn luận.
Lễ trao giải được tổ chức vào ngày 15/11 theo giờ địa phương tại Stockholm, Thụy Điển.
Trước đó, đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển là Quế Tùng Hữu (Gui Congyou) đã gây áp lực đối với Bộ trưởng Văn hóa Thụy Điển Amanda Lind rằng, nếu trao giải cho Michael Gui thì ĐCSTQ sẽ có “biện pháp đối phó” với Thụy Điển và sẽ cấm Amanda Lind vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Amanda Lind không quan tâm áp lực của ĐCSTQ, vẫn trao giải cho Michael Gui. Vài giờ trước lễ trao giải, bà cho biết: “Khi một Chính phủ nước ngoài tố cáo Chính phủ nước khác thì phải làm gì, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng.” Hôm đó bà đã phát biểu tại buổi lễ, tuyên bố rằng ở Thụy Điển tự do ngôn luận là một quyền lợi.
Về vụ việc này, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cũng lên tiếng rằng Thụy Điển sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước các mối đe dọa kiểu như vậy, không bao giờ. “Chúng tôi tận hưởng tự do ngôn luận ở Thụy Điển và đó là điểm quan trọng.”
Doanh nhân Michael Gui (54 tuổi) kinh doanh sách tại Hồng Kông, vốn là người Thụy Điển. Vào tháng 10/2015 khi ông đến Thái Lan thì đã bị an ninh ĐCSTQ bắt cóc về Trung Quốc Đại Lục; đến nay ông đã bị chính quyền ĐCSTQ giam giữ hơn 4 năm.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Potter King phong trào dân chủ Hong Kong Ngoại giao Trung Quốc Dòng sự kiện NBA South Park