17 năm động đất ở Vấn Xuyên: Phụ huynh của học sinh thiệt mạng tố chính quyền nuốt lời hứa
- Bình Minh
- •
Trận động đất ở Vấn Xuyên năm 2008 đã khiến hàng loạt trường học bị cho là “công trình đậu phụ” kém chất lượng sụp đổ, hàng trăm, hàng ngàn học sinh bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Đã 17 năm trôi qua, chính quyền vẫn nuốt lời hứa. Ngày 12/5, phụ huynh của những học sinh thiệt mạng lại tiếp tục tổ chức tưởng niệm vào ngày kỷ niệm trận động đất, đồng thời tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi.
Trận động đất lớn ở Vấn Xuyên năm 2008 đã khiến hàng loạt tòa nhà trường học sụp đổ, hàng trăm, hàng ngàn học sinh bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Đã 17 năm trôi qua, chính quyền địa phương vẫn chưa truy cứu trách nhiệm về chất lượng xây dựng trường học kém chất lượng, đồng thời cũng không thực hiện các chính sách hỗ trợ và ưu đãi đã hứa với phụ huynh các học sinh thiệt mạng.
Theo Đài Á Châu Tự Do đưa tin, sáng ngày 12/5, phụ huynh các học sinh thiệt mạng tại Trường Trung học Cơ sở Tụ Nguyên ở Đô Giang Yển và Trường Tiểu học Phú Tân Nhị ở Miên Trúc lại đến nơi xảy ra sự cố để tưởng niệm con em mình như mọi năm. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và công an đã sớm lập rào chắn quanh hiện trường để ngăn cản hoạt động tưởng niệm của phụ huynh.
Bà Chu Hưng Dung, mẹ của học sinh thiệt mạng Lư Tiền Lượng, đã quay video ghi lại tình hình hôm đó. Bà nói: “Hôm nay là ngày tưởng niệm giáo viên và học sinh thiệt mạng do ‘công trình đậu phụ’ (kém chất lượng) ở Trường Trung học Tụ Nguyên, Vấn Xuyên. Chúng tôi, những phụ huynh của các nạn nhân là học sinh, hiện giờ ngay cả việc muốn đốt tiền giấy cho con mình cũng không được phép đến gần. Khắp nơi đều là công an và nhân viên công tác.”
Trong video, bà Chu chất vấn: “Họ đang sợ điều gì?… Số tiền quyên góp cứu trợ sau thảm họa rốt cuộc đã đi đâu?”
Bà Chu cho biết, hơn 10 năm qua bà đã nhiều lần đi khiếu nại, nhưng lần nào cũng bị chính quyền địa phương cưỡng ép đưa về. Năm nay, khi đoàn thanh tra trung ương về Tứ Xuyên, bà định đi khiếu kiện nhưng rất thất vọng, vì đoàn thanh tra hoàn toàn không tiếp dân, thậm chí không thấy người đâu, họ không hề lắng nghe tiếng lòng dân.
“Mỗi ngày số người bị chặn khiếu kiện, bị đưa đi bằng xe buýt và xe cảnh sát rất nhiều. Ngay cả số điện thoại công khai cũng không thể gọi được.”
Bà Chu nói thêm, hơn 10 năm nay bà không từ bỏ việc yêu cầu chính quyền truy cứu trách nhiệm về công trình kém chất lượng tại trường học, nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi hay giải quyết nào. “Từ trên xuống dưới, chẳng ai thèm để ý đến cái gọi là ‘đậu phụ’, họ chỉ biết đàn áp.”
Bà Đặng, một phụ huynh có con thiệt mạng ở Trường Tiểu học Phú Tân Nhị, cho biết ngoài việc không công khai báo cáo giám định, chính quyền địa phương còn không thực hiện lời hứa hỗ trợ chi phí học hành cho con cái mới sinh của các gia đình có học sinh thiệt mạng sau trận động đất.
“Chính quyền nuốt lời,” bà Đặng nói. “Họ không cho chúng tôi lên Bắc Kinh khiếu kiện. Phòng Giáo dục địa phương phát cho mỗi gia đình một giấy chứng nhận miễn học phí từ mẫu giáo đến trung học phổ thông. Khi con gái tôi vừa vào trung học phổ thông, chúng tôi nộp giấy đó cho phòng giáo dục thì giám đốc bảo rằng giấy này do phòng giáo dục thời điểm trận động đất ngày 12/5 phát ra, giờ phòng giáo dục đã thay người, không liên quan đến họ.”
Bà Đặng cho biết, phụ huynh rất tức giận trước lời nói vô trách nhiệm của quan chức phòng giáo dục. Học trung học phổ thông bình thường mỗi người phải đóng 65.000 nhân dân tệ (khoảng 9.000 USD). Phụ huynh đi khiếu kiện thì bị chính quyền thành phố cử người đến đàn áp, ngăn cản không cho khiếu nại.
Ông Tang Quân, phụ huynh có con thiệt mạng tại Trường Tiểu học Phú Tân Nhị, nói thêm rằng không chỉ có bà Đặng, mà còn rất nhiều gia đình sau động đất nghe lời chính quyền sinh thêm con.
Ông nói: “Bất kể chính quyền có thay người hay không, lời hứa với chúng tôi, giấy tờ cấp cho chúng tôi, đều phải thực hiện. Giờ họ trở mặt, phủi sạch trách nhiệm. Phụ huynh cảm thấy vô cùng đau lòng. Nếu biết trước như vậy, chúng tôi thà không sinh nữa, vì sợ con lại phải chịu khổ. Rất nhiều phụ huynh cũng thấy phẫn nộ.”
Theo ông Tang, sau dịch bệnh, kinh tế địa phương càng khó khăn. Nếu không có trợ cấp từ chính quyền, nhiều phụ huynh sẽ phải rời quê đi làm thuê để kiếm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho con.
Sự việc đã thu hút sự chú ý trên các nền tảng mạng xã hội quốc tế. Có cư dân mạng đặt câu hỏi: “Trong trận động đất Vấn Xuyên, Đài Loan quyên góp rất nhiều tiền, nhưng người dân bị nạn không nhận được. Số tiền đó đã đi đâu?”
Một cư dân mạng khác tiết lộ: “Năm đó, một chính quyền huyện ở Tứ Xuyên đã dùng tiền cứu trợ mua một loạt xe Land Cruiser.”
Vào lúc 14:28 ngày 12/5/2008, một trận động đất mạnh 8.0 độ Richter đã xảy ra tại Vấn Xuyên và Bắc Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên. Sau đó, chính quyền công bố số người thiệt mạng là 69.227 người, 374.643 người bị thương, 17.923 người mất tích.
Tuy nhiên, theo điều tra của tổ chức dân sự “Liên minh Ba Thục”, con số tử vong thực tế có thể lên tới khoảng 300.000 người, trong đó hơn 30.000 học sinh, nhiều em còn là trẻ mẫu giáo.
Đây là trận động đất gây thương vong nặng nề nhất sau động đất Đường Sơn kể từ khi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập. Năm 2021, bà Lỗ Bích Ngọc, mẹ của một học sinh thiệt mạng, nói trong cuộc phỏng vấn với Đài Phát thanh Hồng Kông rằng bà tin chắc con trai mình chết vì “công trình đậu phụ” kém chất lượng.
Ngoài ra, trước khi trận động đất xảy ra, nhiều hiện tượng bất thường đã xuất hiện trong dân gian, được cho là dấu hiệu báo trước. 7 nhân viên của Cục Địa chấn Tứ Xuyên đã từng báo cáo rằng vài ngày trước đó họ đã phát hiện dấu hiệu động đất, nhưng cục này yêu cầu giữ im lặng để đảm bảo “ổn định xã hội” trước kỳ Thế vận hội.
Động đất xuất hiện ở Tây Tạng vào ngày kỷ niệm 17 năm trận đại động đất Vấn Xuyên
Ngày 12/5 là kỷ niệm 17 năm trận đại động đất ở Vấn Xuyên, năm nay đúng ngày này đã xảy ra một trận động đất mạnh 5,5 độ richter tại huyện Lhatse, thành phố Shigatse, Tây Tạng.
Theo Tân Hoa Xã đưa tin, Mạng lưới Động đất Trung Quốc xác định, vào lúc 5 giờ 11 phút sáng ngày 12/5/2025, đã xảy ra một trận động đất mạnh 5,5 độ richter tại huyện Lhatse, thành phố Shigatse, Tây Tạng, với tâm chấn sâu 10 km. Đây là trận động đất mạnh xảy ra một lần nữa sau 4 tháng tại khu vực này.
Sau khi động đất xảy ra, các thị trấn ở huyện Lhatse nhanh chóng kiểm tra tình hình ảnh hưởng do động đất, lực lượng cứu hộ cứu nạn lập tức đến khu vực tâm chấn. Hiện tình hình sập nhà và thương vong vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.
Theo thông tin từ China Tower (Công ty Tháp Viễn thông Trung Quốc), tại huyện Lhatse có tổng cộng 186 trạm tháp viễn thông, trong đó 2 trạm bị mất điện và 2 trạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của trận động đất.
Chi nhánh Shigatse của China Tower đã kích hoạt ứng phó khẩn cấp cấp độ 3 đối với sự cố động đất, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý khẩn cấp và các nhà mạng viễn thông, bố trí nhân viên bảo trì, xe cộ và máy phát điện, kịp thời đáp ứng nhu cầu đảm bảo dịch vụ viễn thông.
Từ khóa Động đất ở Tứ Xuyên Tứ Xuyên Động đất ở Trung Quốc
