29 người gồm Hoàng Chi Phong nhận tội trong vụ “âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước”
- Bình Minh
- •
Cuối tháng 2/2021, 47 nhân vật ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông bị buộc tội “âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước”, vì đã tổ chức và tham gia cuộc bầu cử sơ bộ ủng hộ dân chủ năm 2020 của Hội đồng Lập pháp. Theo báo cáo của “Independent” (Truyền thông Độc lập), 29 trong số 47 người đã chọn nhận tội, gồm Hoàng Chi Phong.
Vụ án được đưa ra tòa lần đầu tiên vào ngày 1/3 năm ngoái, trải qua 7 lần hầu tòa và 6 ngày xét xử, cuối cùng đã được giao cho Tòa án cấp cao xét xử vào tháng Bảy năm nay. Cách đây vài ngày, Thẩm phán La Đức Tuyền đã dỡ bỏ các hạn chế báo cáo về thủ tục chuyển giao trong vụ án này, nghĩa là từ tháng Bảy năm ngoái đến nay, ý định bào chữa của các bị cáo đã được công khai ra bên ngoài.
Theo báo cáo của “Independent” (Truyền thông Độc lập), 29 trong số 47 người đã chọn nhận tội, gồm các ông Đới Diệu Đình (Benny Tai), Âu Nặc Hiên (Au Nok-hin), Hoàng Chi Phong, v.v …; 18 người còn lại chọn không nhận tội, gồm cô Hà Quế Lam (Gwyneth Ho), ông Trần Chí Toàn (Raymond Chan Chi-chuen), ông Lâm Trác Đình (Lam Cheuk-ting), v.v. Hoàng Chi Phong nhận tội “cấu kết để làm suy yếu quyền lực nhà nước” vào ngày 18/8, theo Hoàn Cầu Thời báo.
Theo trang web của Cơ quan Tư pháp Hồng Kông, các bị cáo được chia thành 2 vụ án, 29 người nhận tội được chia thành 11 đợt và họ được lên lịch xét xử vào tháng Chín và tháng Mười Một. Ngũ Kiến Vĩ (Ng Kin-wai), người không nhận tội, sẽ được lên lịch cho các phiên điều trần về quản lý hồ sơ vào tháng Mười Một. 17 người còn lại vẫn chưa được lên lịch, phiên tòa sẽ không có bồi thẩm đoàn.
34 bị cáo hiện đang bị tạm giữ, trong đó 32 bị cáo đã bị tạm giam hơn 17 tháng, chỉ có 13 người được tại ngoại.
“Vụ án 47 người” (còn được gọi là “Vụ án bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ”) là vụ án đầu tiên trong lịch sử Hồng Kông liên quan đến “âm mưu lật đổ quyền lực nhà nước”.
Cơ quan công tố đã cung cấp 414 đoạn về tình tiết vụ án, dài 139 trang, chỉ ra rằng các bị cáo đã tổ chức và tham gia vào cuộc bầu cử sơ bộ, nhằm giành được hơn một nửa số ghế trong Hội đồng Lập pháp, sau đó phủ quyết dự án ngân sách, làm tê liệt hoạt động của chính quyền Hồng Kông, hiện thực hóa kế hoạch “đầu cơ” do ông Đới Diệu Đình chủ trương.
Bên công tố cáo buộc các ông Đới Diệu Đình, Âu Nặc Hiên, Triệu Gia Hiền (Andrew Chiu), Chung Cẩm Lâm (Ben Chung) và Ngô Chính Hanh là “những người tổ chức chính” của cuộc bầu cử sơ bộ.
Tình tiết vụ án nói rằng từ ngày 25/6 – 4/7/2020, các ông Đới Diệu Đình, Âu Nặc Hiên, Triệu Gia Hiền đã tổ chức một diễn đàn bầu cử sơ bộ, tất cả các ứng cử viên, ngoại trừ ông Doãn Triệu Kiên (Andrew Wan) và cô Dư Huệ Minh (Winnie Yu), đều tham dự.
Và rằng khi đó, tất cả những người tham dự đều biết rằng Luật An ninh Quốc gia sẽ hoặc đã được thực hiện, nhưng họ vẫn không rút khỏi kế hoạch, mà cùng nhau tuyên truyền chủ trương của mình; gán cho chính quyền trung ương là “chế độ độc tài”, gieo rắc nỗi sợ hãi về Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung ương và chính quyền đặc khu; chủ trương tư tưởng tách Hồng Kông khỏi Trung Quốc, như “đầu cơ” và “quang phục Hồng Kông, cách mạng thời đại”.
Tình tiết vụ án tiếp tục chỉ ra, những người tham dự đã đề xuất chủ trương 3 mặt trận lớn. Trong đó có “mặt trận quốc tế”, thúc đẩy nước ngoài áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trưởng đặc khu và các quan chức chủ chốt, kêu gọi các chính phủ nước ngoài phản đối việc thông qua Luật An ninh Quốc gia.
“Mặt trận đường phố” kích động người dân “phản kháng” và cổ vũ “Hòa dũng bất phân” (không phân chia giữa phái ôn hòa với phe kháng nghị quyết liệt), và gọi những người biểu tình/ côn đồ là “thủ túc nơi tiền tuyến”.
“Mặt trận quốc hội” kiên quyết sẵn sàng đấu tranh tại quốc hội, ngăn chặn việc thông qua ngân sách và phá hoại các cơ quan của chính quyền đặc khu thực hiện các chức năng của họ một cách hợp pháp. Vụ án cũng cho rằng các bị cáo đã “nhân danh dân chủ” để biện minh cho những lời nói và hành động của mình.
Tờ Independent đưa tin, các bị cáo tại tòa đều già nua, gầy gò. Mọi người đều “nhận tội” và “không nhận tội” theo cách của mình, nhưng cũng không quên thể hiện tính cách hồn nhiên, hài hước của mình trong khoảng thời gian đó.
Có người nói: “Tôi không có tâm trạng để chống lại một vụ kiện vô nghĩa. Tôi nhận tội, tôi nhận tội, và tôi đấu tranh để nhận tội.” Có người nói: “Vụ án này rất đúng đến từng câu chữ, là một dấu ấn trong lịch sử, và tôi đồng ý với tất cả các tình tiết của vụ án.”
Có người nói bằng tiếng Quan Thoại (tiếng phổ thông): “Tôi nhận tội, tôi biết mình đã sai.” Những người khác hét lên: “Đồng ý với tình tiết vở kịch!” Bên trong vành móng ngựa lại vang lên tiếng cười.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án Luật An ninh Quốc gia là “hồi chuông báo tử” cho “quyền tự trị cao độ” của Hồng Kông. Ông Pompeo nói rằng bất kỳ quyết định nào vi phạm quyền tự trị và tự do của Hồng Kông chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của Mỹ về “một quốc gia, hai chế độ”.
Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự do và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ngày 24/5, “Hội đồng Dân chủ Hồng Kông” (HKDC) đã công bố một báo cáo nghiên cứu với tựa đề “Hồng Kông đã đạt đến một cột mốc nghiêm trọng”.
Trong đó chỉ ra rằng có hơn 1.000 vụ án chính trị đang được tiến hành, hầu hết đều liên quan đến bạo loạn, phạm tội theo Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông và tội kích động phản loạn. HKDC dự đoán con số này sẽ tiếp tục gia tăng, với khoảng 1.500 – 2.000 tù nhân chính trị ở Hồng Kông.
Từ khóa Hoàng Chi Phong Dòng sự kiện Luật An ninh quốc gia Hồng Kông Hồng Kông