3 cuộc đàn áp tín ngưỡng lớn vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc
- Duy Minh
- •
Trung Quốc Đại lục là nơi xảy ra những vụ vi phạm nhân quyền lớn nhất và tàn bạo nhất trên thế giới. Từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền vào năm 1949, những tín đồ người Trung Quốc bị đàn áp, bị bắt, tra tấn, bị đưa vào trại lao động như những tù nhân lương tâm, và thậm chí bị sát hại hàng loạt để lấy nội tạng của họ.
Phật giáo Tây Tạng
Tây Tạng tuyên bố độc lập tự trị, tách khỏi triều đại cuối cùng của Trung Quốc từ năm 1913 và duy trì tình trạng đó cho đến ngày 10/7/1950, khi quân đội ĐCSTQ tiến vào chiếm đóng các khu vực và đánh bại quân đội địa phương, bắt đầu cuộc bức hại Phật giáo và văn hóa Tây Tạng.
ĐCSTQ là một đoàn thể vô thần, tuy nhiên lại đòi hỏi kiểm soát tất cả các nhóm tôn giáo. Năm 1957, Chính phủ Tây Tạng đã nổi dậy chống lại các chính sách kinh tế và tôn giáo khắc nghiệt của ĐCSTQ. Để đàn áp cuộc nổi dậy, ĐCSTQ đã thực hiện khủng bố và phá hoại hàng loạt: nhiều thường dân Tây Tạng bị tra tấn và sát hại; quân đội Trung Quốc cũng phá hủy các tòa nhà và đền thờ ở Tây Tạng; con gái của những người Tây Tạng, những người bày tỏ sự bất mãn, đã bị lột quần áo và bị binh lính Trung Quốc quấy nhiễu; để làm nhục Phật giáo Tây Tạng, nhiều ni cô đã bị hãm hiếp tập thể; cả hòa thượng và ni cô đã bị buộc phải kết hôn để phá bỏ lời thề nguyền sống độc thân của họ, v.v…
Ngoài ra, trong thời Đại nhảy vọt, Tây Tạng cũng là địa khu bị ảnh hưởng rất nặng nề. Vì ĐCSTQ bắt người dân Tây Tạng từ bỏ cách chăn nuôi truyền thống và tham gia vào các trang trại của xã nhưng không hiệu quả, nên dẫn đến cái chết của hơn một triệu người. Thời Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Hồng Vệ Binh đã phá hủy hàng ngàn tu viện Tây Tạng, chỉ có rất ít tu viện là còn tồn tại. Ngày nay, ĐCSTQ vẫn đàn áp Phật giáo Tây Tạng và thực thi các chính sách phân biệt đối xử với người dân và văn hoá Tây Tạng.
Thiên chúa giáo ở Trung Quốc
ĐCSTQ sợ tôn giáo vì tôn giáo khiến người dân tin vào lời của một đấng tối cao khác ngoài lý thuyết của chủ nghĩa Marx và người lãnh đạo đất nước. Kitô giáo cũng không thoát khỏi số phận bị đàn áp và sát hại rất nhiều từ lúc ĐCSTQ bắt đầu cai trị Trung Quốc. Ngày nay, chỉ Kitô giáo được thực hành bởi các tín đồ của Giáo hội Công giáo và đạo Tin lành do ĐCSTQ kiểm soát được phép hoạt động, ngoài ra, họ không cho phép người Công giáo Trung Quốc công nhận quyền lực của Tòa thánh Vatican.
Các Kitô hữu tham dự các giáo đoàn không do ĐCSTQ kiểm soát có thể bị bắt giữ và bị đưa đi làm việc như nô lệ. Vào năm 2014, hơn 2.000 cây thánh giá đã bị dỡ khỏi các nhà thờ ở tỉnh Chiết Giang, thường là với lý do vi phạm các quy định về xây dựng. Các linh mục đã bị bắt giam và một số đã bị tra tấn hoặc bị sát hại trong khi giam giữ.
Theo báo cáo của China Aid (Tổ chức nhân quyền phi lợi nhuận tại Mỹ):
“Phản ứng trước sự phát triển của Kitô giáo ở Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng các chiến dịch khác nhau trên khắp Trung Quốc để đàn áp các hội thánh tư gia và cả những hội thánh thuộc Phong trào Tam-Tự Ái quốc (TSPM) đã được nhà nước chấp thuận, bằng cách quấy nhiễu, lạm dụng, bắt bớ và trong nhiều trường hợp, đã kết án bỏ tù các mục sư và thành viên hội thánh.”
“Thật là đúng khi nói rằng sự gia tăng nhanh chóng số lượng Kitô hữu ở Trung Quốc trong thập kỷ qua, đã gây ra một cảm giác khủng hoảng khác thường trong ĐCSTQ. Khi mà đức tin Kitô giáo tiếp tục phát triển ở Trung Quốc, thì số lượng những người dân Trung Quốc đi theo đường lối thượng tôn pháp luật, chống lại chế độ độc tài toàn trị, và hỗ trợ việc mở rộng xã hội dân sự cũng theo đó phát triển lên. Sự phát triển liên tục của các hội thánh tư gia ở cả khu vực nông thôn và thành thị bị ĐCSTQ coi là một mối đe dọa nghiêm trọng, nên việc đàn áp Phật giáo Tây Tạng, Hồi giáo ở Tân Cương và các khu vực xung quanh, và người tập Pháp Luân Công vẫn còn tồn tại.”
Pháp Luân Công
Người Trung Quốc đã có truyền thống thiền định và tu tâm tính trong hàng ngàn năm qua. Vào những năm 1980, Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ của phong trào khí công trên toàn quốc, với hàng triệu người thực hiện các bài luyện công truyền thống như Thái Cực Quyền.
Pháp Luân Công, một môn tu luyện có nguồn gốc cổ xưa, đã được giới thiệu ra công chúng Trung Quốc từ năm 1992. Bởi vì miễn phí, dễ học và hiệu quả trong việc cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần, Pháp Luân Công đã thu hút được khoảng 100 triệu người tham gia chỉ trong vòng 7 năm. Chính phủ Trung Quốc cũng từng ủng hộ Pháp Luân Công vì môn này dạy các học viên áp dụng các nguyên tắc của chân, thiện và nhẫn vào cuộc sống hàng ngày.
Nhưng có một số người trong chính quyền Trung Quốc xem đức tin và các bài giảng đạo đức truyền thống của Pháp Luân Công là mối nguy hiểm đối với quyền lực của ĐCSTQ. Cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, người đứng đầu ĐCSTQ lúc đó, đã chỉ đạo toàn thể lực lượng truyền thông nhà nước tuyên truyền, vu khống và nói xấu Pháp Luân Công, tô vẽ Pháp Luân Công như là một tà giáo nguy hiểm. Vào ngày 20/7/1999, ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch trên toàn quốc, nhằm tiêu diệt môn tu luyện phi chính trị và ôn hòa này.
Cảnh sát trên khắp Trung Quốc đã bắt giữ hàng triệu người tập Pháp Luân Công, những người đã trở thành nhóm người Trung Quốc lớn nhất, bị bức hại vì tín ngưỡng của mình. Nhiều người đã bị tra tấn đến chết trong tù, hoặc bị cưỡng bức lao động nặng nhọc.
Từ năm 2006, các cuộc điều tra về nhân quyền cho thấy ĐCSTQ đã tiến hành mổ cướp nội tạng rộng rãi đối với tù nhân Pháp Luân Công trong khi các nạn nhân này vẫn còn sống. Một báo cáo tập hợp những con số được báo cáo công khai từ các bệnh viện trên khắp Trung Quốc của ba nhà hoạt động nhân quyền gồm: cựu luật sư người Canada David Kilgour, luật sư nhân quyền David Matas, và nhà báo Ethan Gutmann cho thấy, có sự khác biệt lớn giữa số ca cấy ghép chính thức và số lượng nội tạng được hiến tặng trên cả nước. Bản báo cáo tiết lộ rằng Chính phủ Trung Quốc, ĐCSTQ, hệ thống y tế, bác sĩ và bệnh viện, đều có liên quan đến nạn mổ cướp nội tạng.
“ĐCSTQ nói rằng tổng số ca cấy ghép hợp pháp là khoảng 10.000 ca mỗi năm. Nhưng chúng tôi nhận thấy có thể dễ dàng vượt qua con số chính thức của Trung Quốc, chỉ bằng việc xem xét 2 hoặc 3 bệnh viện lớn nhất”, luật sư nhân quyền David Matas cho biết.
- Vì sao bức hại Pháp Luân Công là cuộc bức hại nhân quyền lớn nhất hiện nay?
- Vì sao đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc chưa chấm dứt hẳn?
“Chính phủ Trung Quốc đã buôn bán nội tạng vì lợi nhuận trong thời gian quá dài, và chúng tôi có bằng chứng mạnh mẽ rằng các học viên Pháp Luân Công đã bị lựa chọn để mổ cướp nội tạng“, Nghị sĩ Chris Smith, đồng Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cho biết.
Trong một tuyên bố được phát hành trực tuyến, Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen, cựu Chủ tịch của Ủy ban Đối ngoại Hoa Kỳ cho biết: “Thực tiễn độc ác và cực kỳ ghê tởm của Chính phủ Trung Quốc trong việc cướp đi tự do cá nhân của mọi người, ném họ vào các trại lao động hoặc nhà tù, và sau đó sát hại họ và mổ cướp nội tạng của họ cho cấy ghép tạng, đã vượt quá giới hạn của sự nhận thức, và phải bị phản đối rộng rãi và chấm dứt vô điều kiện. “
Vào ngày 13 tháng 6 năm 2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua Nghị quyết 343, lên án nạn mổ cướp nội tạng và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công. Các nghị quyết tương tự đã được thông qua ở châu Âu và Israel.
Duy Minh (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa Pháp Luân Công Tây Tạng Giang Trạch Dân Kitô Hữu Phật giáo Tây Tạng Đàn áp tôn giáo