Ai mới thực sự là người giàu nhất Trung Quốc?
- Minh Ngọc
- •
Theo danh sách tỷ phú thế giới năm 2019 do Forbes bình chọn, một trong những người giàu nhất Trung Quốc phải kể đến Mã Hóa Đằng của Tencent, Mã Vân (Jack Ma) của Alibaba hay Hứa Gia Ấn của tập đoàn bất động sản Evergrande. Tuy nhiên trên thực tế, ai mới là người giàu nhất Trung Quốc?
Những năm gần đây, cùng với chiến dịch chống tham nhũng và sự rò rỉ hồ sơ quan chức cao cấp của chính quyền Bắc Kinh, hàng loạt những tỷ phú ẩn mình đã bị phơi bày, đáng chú ý là nhiều người trong số đó giàu lên một cách bất chính và có liên hệ chặt chẽ với các chóp bu chính trị ở Trung Quốc. Những tiết lộ mới chỉ rõ rằng, dòng tộc con cháu của Giang Trạch Dân – cựu lãnh đạo 92 tuổi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – mới chính là nhóm sở hữu tài phú vượt xa bất kỳ tỷ phú nào tại Trung Quốc.
Giang Chí Thành (Alvin Jiang) sinh năm 1986 và là cháu nội của Giang Trạch Dân. Cha của anh ta là Giang Miên Hằng, con trai trưởng của Giang Trạch Dân. Năm 2010, Giang Chí Thành (khi đó 24 tuổi) đã nghỉ việc ở ngân hàng Goldman Sachs sau gần một năm làm việc và thành lập một công ty cổ phần tư nhân của riêng mình có tên gọi Boyu Capital (Quỹ Tiền tệ Bác Dụ).
Năm 2014, Reuters đã công bố một báo cáo chi tiết về việc Giang Chí Thành đã sử dụng địa vị “thái tử đảng” của quan chức ĐSCTQ nhằm tích lũy tiền trong thị trường cổ phần tư nhân mới nổi lớn nhất thế giới.
Tháng 4 vừa qua, tỷ phú Trung Quốc Quách Văn Quý đã cáo buộc gia tộc họ Giang đã tích lũy ít nhất 1.000 tỷ USD tiền biển thủ ngân quỹ Trung Quốc và Giang Chí Thành đã nỗ lực rửa một nửa số tiền đó ra nước ngoài.
Ông Quách đã đào thoát khỏi Trung Quốc đến Mỹ vào năm 2015 và hiện đang sống tại Manhattan. Tỷ phú này có nhiều mối quan hệ với quan chức ĐCSTQ đã về hưu, đặc biệt là các quan chức thuộc phe Giang Trạch Dân. Giang và đồng minh chính trị của mình đã ngồi trên đỉnh cao quyền lực chính trị Trung Quốc từ năm 1997 đến 2012, thời điểm ông Tập Cận Bình chuẩn bị lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ.
Ông Quách cũng tiết lộ, top 10 công ty hàng đầu Trung Quốc, bao gồm cả các công ty được coi là sở hữu tư nhân như Huawei, Alibaba và Tencent, thực chất đều là “các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước được quân sự hóa” do gia tộc Giang Trạch Dân kiểm soát. Nhiều công ty lớn ở nước ngoài cũng một phần trong khoản đầu tư của gia tộc họ Giang.
Trước những lời khẳng định của ông Quách, người ta cũng tìm thấy khá nhiều bằng chứng gián tiếp cho thấy Giang Chí Thành đã tích lũy hàng trăm tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua.
Tham nhũng truyền qua từng thế hệ
Giang Chí Thành và cha mình là Giang Miên Hằng đều là những “thái tử đảng”. Trong một xã hội mà ĐCSTQ kiểm soát chặt chẽ, những “thái tử đảng” này có thể dễ dàng tận dụng các mối liên hệ chính trị của gia tộc để tích lũy gia tài kếch xù.
Vào những năm 1980, các thái tử đảng đã tận dụng vị trí của mình để đạt được lợi ích khổng lồ. Sự giận dữ của công chúng đối với hành vi của họ đã góp phần tạo nên cuộc biểu tình của học sinh sinh viên năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn.
Sau cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, Giang Trạch Dân đã bước lên vị trí lãnh đạo ĐCSTQ, bắt đầu một thời kỳ “cai trị bằng tham nhũng”, dung túng cho các thái tử đảng lạm dụng địa vị để tham gia vào hoạt động kinh tế bất hợp pháp trên diện rộng.
Trong bầu không khí chính trị này, Giang Trạch Dân đã sử dụng quyền lực của mình để chuyển giao các doanh nghiệp nhà nước có giá trị chiến lược sang cho con trai là Giang Miên Hằng. Giang Miên Hằng mua lại các công ty với giá rất rẻ hoặc trong một số trường hợp chỉ mua và để đó. Đáng chú ý nhất là Giang Miên Hằng đã giành được toàn quyền kiểm soát Công ty Đầu tư Liên minh Thượng Hải (Shanghai Alliance Investment Ltd), một nhánh vốn tư nhân và đầu tư mạo hiểm của Ủy ban Kinh tế Thượng Hải. Thông qua việc đầu tư vào công ty này, Giang Miên Hằng đã xây dựng một đế chế viễn thông khổng lồ và nhúng tay vào hầu hết các ngành công nghiệp độc quyền như bất động sản, tài chính hay chăm sóc sức khỏe. Có thể nói rằng, dưới sự hậu thuẫn của cha mình, Giang Miên Hằng khét tiếng là “đệ nhất tham nhũng ở Trung Quốc”.
Theo tỷ phú Quách Văn Quý, Giang Miên Hằng còn được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng của chế độ ĐCSTQ. Trong năm 2017 và 2018, ông Quách nói rằng Giang Miên Hằng đã tiến hành ba cuộc phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Quân đội Nam Kinh từ năm 2004 đến 2008 nhờ vào nguồn nội tạng thu hoạch được từ những người còn sống.
>>Doanh nhân tiết lộ con trai ông Giang Trạch Dân giết người thay thận và diệt khẩu (Video)
Nếu “nhị phú đại” dưới thời Giang Trạch Dân kiếm tiền từ chính người dân Trung Quốc thì thế hệ thứ ba là Giang Chí Thành lại nhắm mục tiêu vào các nước ngoài, chẳng hạn như Mỹ.
Giang Chí Thành không nhắm vào doanh nghiệp hay người Trung Quốc, mà chọn phương thức hiệu quả và dễ che đậy hơn, chính là thao túng tài chính.
Giang Chí Thành nhận thấy có thể dễ dàng kiếm hàng trăm tỷ USD từ Hồng Kông, Mỹ hay các thị trường chứng khoán nước ngoài bằng cách sử dụng các công ty Trung Quốc cho các hoạt động tài chính. Giang Chí Thành đã lợi dụng quyền lực của ông nội để thao túng, gây áp lực lên các công ty Trung Quốc, coi đó là món mồi hấp dẫn các tổ chức tài chính và công ty nước ngoài gia nhập nhóm quyền lực thân ĐCSTQ.
Thao túng doanh nghiệp Trung Quốc để tích lũy tài sản nước ngoài
Giang Chí Thành dường như đã có được món hời đầu tiên trong hành trình tham nhũng của mình khi mua cổ phần kiểm soát tại Sunrise Duty Free vào giữa năm 2011. Sunrise, nhà bán lẻ lữ hành chuyên kinh doanh độc quyền hàng miễn thuế – lĩnh vực cần phải có trợ cấp đặc biệt từ chính quyền Trung Quốc, được thành lập vào năm 1999 bởi Giang Thế Can (Fred Kiang) – một người Mỹ gốc Hoa có quan hệ mật thiết với gia tộc Giang Trạch Dân.
Theo Reuters, vào năm 2011, công ty Bác Dụ của Giang Chí Thành đã định giá Sunrise ở mức 200 triệu USD và chi 80 triệu USD để mua lại 40% cổ phần của Sunrise. Năm 2013, Bác Dụ định giá thương vụ với Sunrise trên sổ sách của mình ở mức khoảng 800 triệu USD.
Reuters cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, các giám đốc ngân hàng đã định giá Sunrise ở mức khoảng 1.6 tỷ USD (tức gấp hai lần con số 800 triệu USD) dựa trên số liệu doanh thu năm 2012 công ty này trình với nhà cầm quyền Trung Quốc mà Reuters đã xem xét lại.” Điều đó có nghĩa là bằng việc mua cổ phần của Sunrise, Bác Dụ đã kiếm được lợi nhuận ít nhất gấp 7 lần số tiền đầu tư ban đầu.
Các nhà đầu tư đều hết sức ấn tượng với thương vụ này. Việc Giang Chí Thành gần như không tốn công sức nào đã mua được Sunrise chứng minh rằng anh ta không những có thể dạo chơi trong các ngành công nghiệp độc quyền hoàn toàn mà còn biến những tài sản này thành các khoản lợi nhuận khổng lồ. Đối với các thái tử đảng, thị trường cổ phần tư nhân mờ ám đã trở thành một phân khúc đặc biệt hái ra tiền.
Năm 2013, trong bài viết “Giới quyền quý của triều đại đỏ hoành hành ở Trung tâm Hồng Kông: Vạch trần ngân quỹ siêu cấp của cháu nội Giang Trạch Dân”, Next Media (Hồng Kông) đã phác thảo con đường thống trị lĩnh vực tài chính Hồng Kông của các thái tử đảng. Các thái tử đảng này ban đầu làm việc tại các ngân hàng đầu tư quốc tế rồi tìm kiếm các công ty cổ phần ở Hồng Kông, lôi kéo những cá nhân giàu có từ trong và ngoài Trung Quốc, sau đó chuyển sang tiếp quản các doanh nghiệp ở Trung Quốc. Các ngân hàng đầu tư nơi thái tử đảng làm việc hoặc các công ty cổ phần mà họ tìm thấy dễ dàng thao túng hàng trăm tỷ USD để thu về lợi nhuận khổng lồ.
Chẳng hạn, Bác Dụ đã huy động nguồn vốn đầu tiên tiên trị giá 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư cao cấp như Lý Gia Thành, nhân vật giàu nhất châu Á. Ngày nay, Bác Dụ là một trong những công ty có vốn tư nhân lớn nhất của Trung Quốc, quản lý gần 10 tỷ USD trong quỹ đô la Mỹ của Trung Quốc.
Giang Chí Thành cũng hợp tác với CITIC Capital, một công ty do các thái tử đảng kiểm soát, có chức năng chính là khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc. Qua CITIC Capital, Giang Chí Thành đã mua số cổ phần trị giá 390 triệu đô Hồng Kông (khoảng 49 triệu USD) tại China Cinda Asset Management, một công ty quản lý tài sản và mua lại nợ xấu. Tuy nhiên, mục tiêu thực sự của Giang có thể lại là Alibaba, chiến lợi phẩm tài chính lớn nhất của Trung Quốc.
Mục tiêu tham nhũng của Giang Chí Thành: Alibaba tiền đồ vô hạn
Vào thời điểm Bác Dụ thành lập, Alibaba đã là công ty thương mại điện tử lớn nhất của Trung Quốc, và Alipay là nền tảng thanh toán trực tuyến và di động của bên thứ ba hàng đầu Trung Quốc.
Nhưng cũng kể từ đó, Alibaba đã trải qua một số biến động bất thường. Tháng 5/2011, Tập đoàn Alibaba đã chuyển nhượng Alipay cho Alibaba Chiết Giang (Zhejiang Alibaba), một công ty do Jack Ma và người đồng sáng lập Simon Xie cùng chung cổ phần kiểm soát, trong khi không được sự đồng ý của các cổ đông kiểm soát tại Alibaba, bao gồm cả Yahoo.
Trước động thái gây tranh cãi này, Alibaba tuyên bố công khai rằng điều đó nhằm tuân thủ các chính sách của ĐCSTQ và tránh kiểm soát của các thỏa thuận tài trợ nước ngoài để có được giấy phép cho phần mềm thanh toán bên thứ ba. Tuy nhiên, truyền thông Đại Lục lại bác bỏ tuyên bố này, nói rằng các chính sách của chính phủ Trung Quốc không quá cụ thể và Alibaba Chiết Giang không thể chứng minh được mình không chịu nhiều ảnh hưởng của các thỏa thuận nước ngoài. Quan trọng hơn, một nửa trong số 27 công ty tài trợ đã được trao chứng nhận liên quan đến các quỹ nước ngoài và không công ty nào trong số đó bị bác bỏ vì dính líu đến các thỏa thuận nước ngoài.
Việc nhượng lại Alipay đã phá hủy các khoản lợi nhuận hợp pháp của các cổ đông tại Alibaba và sự thật đằng sau động thái này đến nay vẫn còn là một bí ẩn. Tuy nhiên, theo truyền thông nước ngoài, nguyên nhân gốc rễ của động thái chuyển nhượng là do động cơ của Giang Chí Thành. Giang Chí Thành muốn tiếp quản Alipay sau khi nó được tách khỏi Alibaba.
Năm 2014, Alibaba Chiết Giang đổi tên thành Ant Financial. Trước năm 2018, Ant Financial đã trở thành “con kỳ lân” lớn nhất thế giới với giá trị 160 tỷ USD. Thuật ngữ “con kỳ lân” chỉ một công ty công nghệ sáng tạo chưa niêm yết hoạt động chưa đến một thập kỷ nhưng lại được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.
Đã có rất nhiều tin đồn về mối tương tác giữa Bác Dụ và Alibaba. Hồi tháng 9/2012, Bác Dụ cùng với CITIC và CBD Capital đã giúp Alibaba mua lại tất cả cổ phần mà Yahoo nắm giữ.
Tháng 9/2014, Tập đoàn Alibaba đã ra mắt trên Sàn giao dịch chứng khoán New York với IPO kỷ lục 25 tỷ USD, trở thành một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới. Có vẻ như cột mốc này đã biến Jack Ma trở thành người đàn ông giàu nhất Trung Quốc.
Trước đó, năm 2012, Bác Dụ đã đầu tư 400 triệu USD vào Alibaba. Sau khi Alibaba niêm yết, Bác Dụ đã kiếm về hơn 2 tỷ USD chỉ trong hai năm. Nhưng đây chỉ là phần nhỏ trong tổng lợi nhuận mà Giang Chí Thành có được từ Alibaba. Tận dụng thân phận cháu nội của Giang Trạch Dân, Giang Chí Thành còn chiếm đoạt tiền lãi từ quyền chọn mua cổ phiếu ngầm từ Alibaba để tạo ra khối lợi nhuận khổng lồ cho mình.
Cái nhìn về khối tài sản “quỷ dị” của Giang Chí Thành
Sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán lần đầu tiên (Post-IPO), tuyên bố của Alibaba cho thấy vào năm 2014, Alibaba nắm giữ 14,6% cổ phần của công ty (trong đó Jack Ma nắm giữ 7,8%), SoftBank nắm giữ 32,4% và Yahoo nắm giữ 16,3%. Điều đáng nói là tuyên bố này không đề cập ai là bên sở hữu 1/3 cổ phần còn lại của Alibaba. Nếu kết hợp dữ liệu tài chính của Alibaba lại với nhau, người ta sẽ thấy được khối tài sản trong bóng tối của Giang Chí Thành.
Theo Mẫu 20-F mà Alibaba đệ trình lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ năm 2018, Alibaba có 2.592.184.258 cổ phiếu phổ thông đang lưu hành kể từ ngày 18/7. Trong đó, có khoảng 1,67 triệu cổ phiếu (tức 64,4% trên tổng số) do 128 cổ đông danh nghĩa có địa chỉ đăng ký tại Mỹ nắm giữ, bao gồm các nhà môi giới và các chủ ngân hàng thay mặt khách hàng của họ nắm giữ cổ phần. Trong báo cáo thường niên của mình, Alibaba chỉ xem xét lại một phần trong cơ cấu sở hữu của công ty, bao gồm ban quản trị và những người sở hữu quyền thừa hưởng nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên.
Tuy nhiên, theo phân tích của Yahoo! Finance về báo cáo quý 13-F của Alibaba, dữ liệu cho thấy tính đến ngày 31/12/2017, có tới 1.926 công ty Mỹ nắm giữ 1,05 tỷ cổ phiếu, tức 40,54% cổ phiếu đang lưu hành của Alibaba. Điều này có nghĩa là mặc dù số lượng cổ đông đăng ký tại Mỹ đã giảm 15 lần nhưng cổ phiếu của họ đã tăng từ 2/5 lên hơn 3/5 của tổng số.
Phần lớn trong số 2.000 cổ đông đăng ký tại Mỹ đã bán hoặc chuyển nhượng cổ phần Alibaba của họ cho 128 cổ đông còn lại, điều này hoàn toàn trùng khớp với dòng cổ phiếu lớn của Alibaba tràn vào Mỹ. Một kế toán người Mỹ có biệt danh Deep Throat đưa ra giả thuyết đây có thể là kết quả của việc chế độ ĐCSTQ thao túng số lượng lớn công ty offshore (công ty đăng ký thành lập và được bảo hộ bởi một địa chỉ ngoài biên giới quốc gia mà nó hoạt động, cũng không có hoạt động kinh doanh trực tiếp mà chủ yếu lưu trữ tài sản, cùng một chiến lược mà ĐCSTQ đã sử dụng để thao túng đồng nhân dân tệ.)
Sự thay đổi mạnh mẽ trong việc kết hợp quyền sở hữu của Alibaba có thể có liên quan đến chiến dịch điều tra toàn cầu về trốn thuế bắt đầu vào năm 2018. Vào tháng 11/2017, 13,4 triệu tài liệu đã bị rò rỉ từ một công ty tài chính offshore lớn, vụ rò rỉ này được gọi là Hồ sơ Paradise. Cũng như Hồ sơ Panama năm 2016, Hồ sơ Paradise phanh phui số lượng lớn chính trị gia, người nổi tiếng và các doanh nghiệp quốc tế đã trốn thuế bằng cách đăng ký các công ty offshore tại các thiên đường thuế. Hồ sơ Paradise cũng tiết lộ nhiều chủ sở hữu khối tài sản ẩn danh cho đến nay, bao gồm cả tài sản của các quan chức Trung Quốc và con cái của họ.
Hồ sơ Paradise đã khiến Mỹ và EU phải đương đầu với các thiên đường thuế như Quần đảo Cayman và Bermuda. Tháng 12/2017, EU đã ban hành danh sách đầu tiên về các thiên đường thuế. Một năm sau đó, Bộ Tư pháp Mỹ đã có thông báo ủng hộ đấu tranh chống trốn thuế trên quy mô lớn nhất, trong đó bao gồm các tội danh lừa gạt Mỹ bằng các chiêu trò cản trở hoạt động của Sở Thuế vụ Nội địa trong công tác thực thi Đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ (FATCA).
Dưới áp lực của Mỹ và EU, các thiên đường thuế như Bermuda, Quần đảo Virgin thuộc Anh, Quần đảo Cayman và Luxembourg đã triển khai hệ thống Tiêu chuẩn Báo cáo chung (CRS) để trao đổi thông tin tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực chống trốn thuế.
Điều này đã buộc những người trốn thuế và các nhà đầu tư ẩn danh phải chuyển các khoản đầu tư của họ trở lại Mỹ để che giấu hợp pháp danh tính thực sự của mình. Và trong đó có các cổ đông ẩn danh của Alibaba. Trong 6 tháng đầu năm 2018, các cổ đông có đăng ký tại Mỹ của Alibaba đại diện cho khách hàng đã giảm 93% trong khi 20% cổ phiếu đang lưu hành (khoảng 620 triệu cổ phiếu) đã chảy lại về Mỹ.
New York Times trong một bài viết vào tháng 7/2014 có tiêu đề “IPO của Alibaba có thể là vận đỏ cho các doanh nhân ‘hồng nhị đại’”. Theo bài viết, một phần cổ phần của Bác Dụ tại Alibaba được nắm giữ thông qua Athena China Limited, một công ty được đăng ký tại Quần đảo Virgin thuộc Anh. Bài viết sau đó nói rằng “Athena được kiểm soát bởi một thực thể offshore khác – Prosperous Wintersweet BVI mà thực thể này sau đó thuộc sở hữu của Boyu Capital Fund I đăng ký tại Quần đảo Cayman.”
Cơ cấu quyền sở hữu phức tạp của Bác Dụ dường như được thiết kế để che đậy danh tính của Giang Chí Thành với tư cách là một cổ đông của Alibaba. Điều nay cho thấy hoàn toàn có cơ sở để phỏng đoán 20% cổ phần của Alibaba “chảy lại” về Mỹ hồi năm 2018 có khả năng là từ các công ty offshore do Giang kiểm soát. Alibaba đã từng trị giá hơn 500 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao, còn hiện tại trị giá của tập đoàn này là 450 tỷ USD. Dựa vào con số 20% chỉ riêng từ Alibaba, Giang Chí Thành có thể đã thu được và che giấu khối tài sản hơn 100 tỷ USD.
Không chỉ Alibaba, còn có Ant Financial – công ty sở hữu Alipay – chuẩn bị niêm yết và có giá trị hiện tại là 160 tỷ USD. Truyền thông nước ngoài nhận định, Alipay đang nằm trong túi của Giang Chí Thành. Và theo tuyên bố của tỷ phú Quách Văn Quý, Giang Chí Thành cũng nắm giữ cổ phần kiểm soát tại Huawei, Tencent và nhiều doanh nghiệp lớn khác của Trung Quốc.
Ông Quách còn nói, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của Ngân hàng Thượng Hải, Tập đoàn Công nghiệp Thượng Hải và công ty holding JiuShi Thượng Hải, Giang Chí Thành bán đất của Trung Quốc với giá rẻ cho nhóm các doanh nghiệp ở nước ngoài để thu về lợi nhuận.
Chỉ riêng chuyện Giang Chí Thành sử dụng Alibaba để hút tài sản từ thị trường vốn của Mỹ, đủ để thấy khẳng định của ông Quách Văn Quý về tài sản của gia tộc Giang Trạch Dân là sự thật.
Minh Ngọc (Theo EpochTimes)
Xem thêm:
Từ khóa gia tộc Giang Trạch Dân Giang Chí Thành quan chức Trung quốc tham nhũng Giang Miên Hằng