Sau khi bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc tài chính Huawei, và Bộ Tư pháp Mỹ đạt được thỏa thuận hoãn khởi tố, bà đã được thả tự do và trở về Trung Quốc. Ngày 27/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình đích thân ra lệnh xử lý vụ án Mạnh Vãn Châu. Ngoại giới phân tích, việc bà Mạnh trở về nước không hề thay đổi cục diện cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc và Canada – Trung Quốc.

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Alexander Khitrov/Shutterstock).

Sau khi bà Mạnh Vãn Châu được thả, phía Trung Quốc lập tức thả cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor, chính quyền Trung Quốc từng cáo buộc họ tội gián điệp.

Bà Hoa Xuân Oánh nói về việc này tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng “Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã đưa ra chỉ thị quan trọng.” Tuy nhiên bà Hoa không nói chi tiết ông Tập Cận Bình đã chỉ thị những việc cụ thể nào.

Bà Hoa Xuân Oánh còn cho biết, tối muộn tuần trước, Michael Kovrig và Michael Spavor trở về Canada là được chấp thuận bảo lãnh vì lý do sức khỏe. Tuy nhiên, bà không trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình sức khỏe của 2 công dân Canada này.

Đài CBC của Canada cho biết, bà Hoa Xuân Oánh nói như thế là vì để làm mờ nhạt mối liên hệ giữa việc 2 công dân Canada được thả và bà Mạnh Vãn Châu trở về Trung Quốc.

Bà Mạnh Vãn Châu đã thừa nhận toàn bộ sự thực về những cáo buộc gian lận của phía Bộ Tư pháp Mỹ đối với bà, thừa nhận “hành vi bất hợp pháp” của bản thân để làm điều kiện trao đổi việc Mỹ hoãn truy tố.

Hôm thứ Hai (27/9), Nhà Trắng đã thừa nhận rằng trong cuộc điện đàm hôm 9/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dấy lên vụ án Mạnh Vãn Châu với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, chính quyền Biden phủ nhận vụ thả đồng thời Mạnh Vãn Châu và hai công dân Canada là “trao đổi tù nhân”.

Trong cuộc họp báo thường nhật hôm 27/9, khi được hỏi liệu Nhà Trắng có tham gia vào việc môi giới một vụ “trao đổi tù nhân” với Trung Quốc, thư ký báo chí Jen Psaki đã bác bỏ giả thuyết này.

Bà Psaki nói thêm rằng thỏa thuận dừng truy tố bà Mạnh là “do Bộ Tư pháp thực hiện, vốn là hành động độc lập của Bộ Tư pháp. Đây là vấn đề thực thi pháp luật. Không có liên quan [đến Nhà Trắng]”.

Tuy nhiên, bà Psaki cũng đã thừa nhận rằng trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 9/9, nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh đã nêu ra vụ án của bà Mạnh và người đứng đầu Nhà Trắng cũng đã nhấn mạnh về việc thả tự do cho hai công dân Canada, doanh nhân Michael Spavor và cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig.

Hai nhà lãnh đạo [Mỹ – Trung] đã dấy lên các vụ án của những cá nhân này, nhưng họ không có đàm phán về nó”, bà Psaki nói.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rầm rộ về việc bà Mạnh trở về nước, ngược lại, thông tin hai công dân Canada được trả tự do chỉ có tờ Thời báo Hoàn cầu đưa tin. Các kênh truyền thông quốc gia khác như Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Tân Hoa Xã, v.v, đều không đưa tin.

Trả lời phỏng vấn trong chương trình Rosemary Barton Live của Đài CBC hôm 26/9, Ngoại trưởng Canada, ông Marc Garneau cho biết, báo cáo tin tức của truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chủ yếu là dùng để tuyên truyền tại bản địa (trong nước Trung Quốc).

Người ngoài đa phần tin rằng 2 công dân Canada bị bắt giữ là hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với vụ án Mạnh Vãn Châu, Bắc Kinh mượn đó để gây áp lực với Ottawa. Canada và các nước phương Tây khác cũng chỉ trích kiểu “ngoại giao con tin” này của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ĐCSTQ trước sau vẫn luôn phủ nhận hai vụ việc không có bất cứ liên hệ nào. Hôm 28/9, bà Hoa Xuân Oánh vẫn kiên quyết nói hai vụ việc không có bất cứ liên quan nào.

Trả lời phỏng vấn của kênh tin tức CTV hôm 25/9, cựu quan chức ngoại giao Canada, ông Colin Robertson cho biết, thông tin “hai Micheal” được thả cho thấy thực tế việc họ bị giam giữ là có tính trả đũa. Ông nói: “Hiển nhiên là thừa nhận, đây xác thực là bắt giữ con tin có tính trả đũa vì Mạnh Vãn Châu bị bắt.” 

Hôm 26/9, khi Đại sứ Canada tại Mỹ Kirsten Hillman được hỏi rằng đây liệu có phải là vụ án ngoại giao con tin hay không, bà Đại sứ nói sự thực đã chứng minh điều này. Bà nói “Tôi cho rằng mỗi người đều cảm nhận được sự thực, chứng minh kết luận về vấn đề này.” 

Ông Sophie Richardson, giám đốc về Trung Quốc của Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) nói với Mạng truyền hình ARD (tại Đức) rằng, việc này cho thấy “tầng lãnh đạo Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị sẵn sàng lấy bất cứ người vô tội nào nào làm con bài mặc cả để có được những thứ mà họ muốn từ quốc gia khác. Đây là điều đáng lo ngại.”

Mặc dù ông Tập Cận Bình đã đích thân ra lệnh xử lý vụ Mạnh Vãn Châu, nhưng liệu bà Mạnh Vãn Châu có được tự do khi trở về Trung Quốc? Chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc Hoành Hà (Heng He) đã nói trong chương trình “Quan điểm Hoành Hà” số mới nhất rằng, ĐCSTQ muốn bà Mạnh Vãn Châu quay về nước, không nhất thiết phải để bà ấy trở thành một anh hùng. Bà ấy có thể sẽ có những khoảnh khắc vinh quang trong vài ngày đầu tiên. Về lâu dài lại là chuyện khác, huống hồ bà ấy đã thừa nhận những cáo buộc của phía Mỹ là sự thực và để lại chứng cứ. Đối với ĐCSTQ mà nói, bà ấy chính là người đã có vết nhơ nên sẽ không bỏ qua cho bà ấy. Trong lịch sử, ĐCSTQ đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để đưa những người từ nước ngoài trở về, không ai là anh hùng hay nhân vật quan trọng trong một nhóm đặc quyền đặc lợi nào đó. Những người được đưa trở về đều là những người cần bị trừng phạt và chấn chỉnh. Ví dụ, có một trăm tội phạm truy nã đỏ, còn có những người bất đồng chính kiến.

Mặc dù Bắc Kinh luôn nhấn mạnh rằng Mỹ nên thực hiện bước đầu tiên để cải thiện quan hệ Mỹ – Trung, nhưng cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ Van Jackson nói với Financial Times rằng chính quyền Biden dường như có ý coi việc giải quyết vụ Mạnh Vãn Châu là bàn đạp để Mỹ – Trung hợp tác nhiều hơn. Dù vậy, so với mối quan hệ tiêu cực sâu sắc giữa hai nước, vấn đề này quá tầm thường. “Mỹ và Trung Quốc vốn đã là đối thủ cạnh tranh về thể chế. Mặc dù hai bên có cơ hội để hợp tác trong sự đối địch, nhưng họ không thể thay đổi tình hình chung.”

Tờ Thời báo Hoàn Cầu hôm 25/9 đưa tin trích dẫn lời của một chuyên gia nói rằng, phía Trung Quốc thả người Canada “đã gỡ được nút thắt quan hệ Trung Quốc – Canada”. Nhưng bà Lynette Ong, Phó giáo sư chính trị học tại Đại học Toronto cho biết, quan hệ song phương không có quá nhiều khả năng lập tức tan băng, cảm giác mệt mỏi vẫn luôn tồn tại.

Bà cho biết “Triển vọng trong tương lai, tôi cho rằng quan hệ Trung Quốc – Canada sẽ không giống 1000 ngày trước đó (hai công dân Canada bị chính quyền Trung Quốc giam giữ khoảng 1000 ngày).” “[Mối quan hệ Trung Quốc – Canada] từ căn bản đã khác, … Tôi cho rằng phía Trung Quốc đã đánh giá thấp chi phí khi chơi trò ngoại giao con tin này. Danh dự của họ (ĐCSTQ) đã bị tổn hại cực lớn.”

Một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện năm nay cho thấy, hơn 70% người Canada có nhìn nhận “bất lợi” đối với Trung Quốc, đây là một mức cao kỷ lục, cao hơn nhiều so với mức 45% vào năm 2018.

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: