Bà Lâm Trịnh Nguyệt nga đã gia nhập ĐCSTQ hơn 20 năm?
- Trí Đạt
- •
Gần đây, có thông tin trên mạng tiết lộ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) từ năm 1998, sự việc liên quan đến “Kế hoạch Hồng đăng” tuyệt mật của Đảng này. Trước đó, một cựu Đảng viên ngầm tên Lương Mộ Nhàn đã tiết lộ nội tình liên quan đến quy trình vận hành mạng lưới Đảng phái ngầm của ĐCSTQ tại Hồng Kông, bao gồm việc sau khi Đảng viên làm Trưởng Đặc khu thì sẽ làm việc thế nào.
Tài khoản Twitter “Tin nóng” (Breaking News) hôm 16/10 đã công bố thông tin cho biết, một người là cựu quản lý hồ sơ bí mật của ĐCSTQ đã di dân ra nước ngoài tiết lộ, nhiều yếu nhân, danh nhân tại Hồng Kông và Đài Loan là Đảng viên bí mật của ĐCSTQ, bài viết liệt kê danh sách 4 người theo thứ tự gia nhập Đảng, đứng đầu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng các ghi chú liên quan, trong đó bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga gia nhập ĐCSTQ vào năm 1998.
- Lâm Trịnh Nguyệt Nga, vào Đảng năm 1998; che đậy dưới vỏ bọc tín ngưỡng Kitô giáo. Hoạn lộ do ĐCSTQ nâng đỡ.
- Hà Quân Hiểu (Junius Kwan-yiu Ho), gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc năm 1974, năm 1984 gia nhập ĐCSTQ.
- Hàn Quốc Du (hiện là Thị trưởng Thành phố Cao Hùng, Đài Loan), năm 2002 được Liên Chiến (Lien Chan) dẫn dắt và giới thiệu nên đã gia nhập vào ĐCSTQ.
- Thái Diễn Minh (Tsai Eng-meng, doanh nhân Đài Loan), gia nhập ĐCSTQ năm 1998, được ĐCSTQ hỗ trợ để mua lại và sáp nhập truyền thông Đài Loan nhằm định hướng dư luận.
Bên cạnh đó, tra lại tài liệu có thể thấy, tài khoản twitter này từng đăng tweet tiết lộ, Chính phủ Hồng Kông có người tự xưng “Nhìn không đặng” cho biết: Thân phận tín đồ Kitô giáo của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là để che giấu thân phận thực, thực ra bà là Đảng viên ĐCSTQ và đã hơn 20 năm tuổi Đảng. Những gì mà hiện tại bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga muốn không phải là thành tích chính trị của Trưởng đặc khu, thực tế là lập công với Bắc Kinh. Thông tin còn chỉ ra, việc bà Lâm gia nhập ĐCSTQ và hoạn lộ của bà có liên quan đến “Kế hoạch Hồng đăng” tuyệt mật của ĐCSTQ.
Được biết, Kế hoạch Hồng đăng (Redlight Plan) của ĐCSTQ, lấy ý từ đèn tín hiệu giao thông màu đỏ, kế hoạch bắt đầu từ những năm 1980. Được Trung ương đàm phán triển khai, do Ủy ban Chính trị Pháp luật và Ban Tổ chức thực thi, nghe lệnh trực tiếp là Ủy viên Bộ Chính trị, người nhận quyết sách đầu tiên là Trần Vân, và cũng là người khởi xướng kế hoạch này. Mục đích đưa ra kế hoạch này là để bổ sung lực lượng cho các tổ chức ở hải ngoại trước đây của ĐCSTQ vốn chú trọng kín tiếng và thiếu sức mạnh từ giới lãnh đạo cấp cao, bồi đắp sức mạnh khi không thể thực thi trực tiếp, thuộc cấp độ cơ mật tuyệt đối.
Kế hoạch này nhấn mạnh tính dài hạn, nhấn mạnh tuyệt đối kiểm soát – giúp đỡ, bồi dưỡng người được chọn trở nên thành thục, nắm được tài liệu đen của họ, kiểm soát người nhà họ, v.v.
Nhân sĩ giấu tên tiết lộ thông tin còn nói, bản thân mình cũng là người được chọn trong Kế hoạch Hồng đăng này. Giữa những người được chọn sẽ liên hệ với cấp trên bằng kênh kết nối riêng, không biết thân phận của nhau. Việc biết được thân phận bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là do cấp trên chỉ ra và yêu cầu toàn lực phối hợp với bà, do đó suy đoán bà Lâm biết rõ tất cả những người được lựa chọn trong Chính phủ Hồng Kông.
Những thông tin được tiết lộ nói trên không thể tìm kiếm thêm được bằng chứng phụ, tuy nhiên, Đảng ngầm của ĐCSTQ phân bố tại Hồng Kông từ lâu đã là bí mật công khai. Tờ Epoch Times trước đó từng trích dẫn tư liệu nói rằng số lượng Đảng viên ngầm của ĐCSTQ tại Hồng Kông lên đến 200.000 người, nhà bình luận nổi tiếng Luyện Ất Tranh cũng từng ước tính Hồng Kông có khoảng 350.000 Đảng viên ĐCSTQ.
Tổng biên tập Tạp chí Khai Phóng là ông Kim Chung từng cho biết, từng có truyền thông Hồng Kông phỏng vấn một nhân vật chính trị có trọng lượng nhưng không muốn tiết lộ danh tính nói rằng, cựu Tổng Biên tập tờ Văn Hối báo là Kim Hiểu Như từng nói với vị này, khi đó “tam Lương” bên cạnh Trưởng đặc khu Đổng Kiến Hoa là Đảng viên ĐCSTQ, “tam Lương” chính là chỉ Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying), Lương Ái Thi (Elsie Leung Oi-sie) và Lương Cẩm Tùng (Antony Leung Kam-chung).
Cựu Đảng viên ngầm của ĐCSTQ Lương Mộ Nhàn từng công khai “suy đoán”, Lương Chấn Anh là Đảng viên ngầm của ĐCSTQ. Lương Mộ Nhàn là cựu Chủ tịch của Học Hữu xã (Hok Yau Club) – tổ chức Đảng ngầm của ĐCSTQ. Năm 1974, Lương Mộ Nhàn di cư đến Canada, từ đó bà quyết định thoát ly khỏi ĐCSTQ.
Khi Lương Mộ Nhàn đến Hồng Kông để công bố sách mới “Tôi và Đảng ngầm tại Hồng Kông” có nói, người Hồng Kông đã bị lừa gạt, “thì ra ‘một quốc gia, hai chế độ’ vẫn còn một thứ ngầm bên dưới, chính là dùng những đảng viên ngầm để thâm nhập vào chính phủ và các cơ quan”.
Ngày 25/10/2018, Đài Phát thanh Trung ương Đài Loan phát sóng cuộc phỏng vấn với bà Lương Mộ Nhàn, bà đã tiết lộ về quy trình vận hành bí mật của Đảng viên ngầm tại Hồng Kông.
Bà Lương Mộ Nhàn nói: Đơn vị thống lĩnh Đảng ngầm của ĐCSTQ tại Hồng Kông là “Ủy ban Công tác Hồng Kông”, nó có một tấm biển công khai, đó chính là “Văn phòng Liên lạc Trung ương (tức chi nhánh Hồng Kông của Tân Hoa Xã trước khi chủ quyền Hồng Kông được trao trả). Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Trung ương kỳ thực chính là Bí thư Ủy ban Công tác Hồng Kông, thống lĩnh tất cả các sự vụ tại Hồng Kông. Mỗi tuần, mỗi một Đảng viên ngầm sẽ có ít nhất một lần bí mật gặp mặt lãnh đạo được Ủy ban Công tác Hồng Kông phái đến, thông qua báo cáo công việc và tình hình đời sống của bản thân để nghe truyền đạt và chỉ thị từ cấp trên. Phương thức liên lạc có thể là gặp mặt đơn độc, được gọi là liên hệ đơn tuyến, cũng có thể là chi bộ Đảng gồm mấy người. Nếu là Đảng viên ĐCSTQ làm Trưởng Đặc khu sẽ do đảng viên đặc biệt xử lý, do Trung ương trực tiếp lãnh đạo, không thuộc hệ thống “Ủy ban Công tác Hồng Kông”, và được miễn quy định gặp mặt hàng tuần. Để tránh lộ thân phận nên sẽ dựa vào liên lạc viên để giữ liên lạc với Trung ương.
Bà nói: Như thế, thực tế Hồng Kông có một mạng lưới lãnh đạo ngầm, bí mật quyết định tất cả các phương châm chính sách, Trưởng Đặc khu là Đảng viên sẽ biến chỉ thị của lãnh đạo cấp trên thành chính sách công khai và tuyên bố cho toàn Hồng Kông chấp hành. Những Đảng viên thành lập chi bộ Đảng che giấu thân phận bản thân trong chính Đảng, tổ chức, cơ quan, trường học, cơ cấu, và quản lý các sự vụ của Hồng Kông, liên tiếp đứng ra biểu đạt thái độ ủng hộ Bắc Kinh. Người Hồng Kông chỉ nhìn thấy Trưởng Đặc khu tại Hội đồng lập pháp, hoạt động của Hội nghị Hành chính, nhưng lại không biết các chính sách là đến từ đâu. Thực tế của 20 năm Hồng Kông trao trả về Trung Quốc, đã hoàn toàn chứng minh “người Hồng Kông cai trị Hồng Kông” đã biến thành “người của ĐCSTQ cai trị Hồng Kông”.
Giới quan sát phát hiện, từ khi phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ bùng nổ đến nay, biểu hiện của Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho thấy bà chỉ là con rối của chính quyền ĐCSTQ, mọi việc thực tế vẫn cần lãnh đạo Bắc Kinh gật đầu.
Reuters từng tiết lộ đoạn ghi âm phát biểu nội bộ của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, bà cho biết nếu có thể lựa chọn, việc đầu tiên muốn làm chính là từ chức và xin lỗi. Ý của bà là, việc bà có từ chức hay không, không phải là do bà quyết định.
Tối ngày 17/10 vừa qua, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cùng thảo luận về Báo cáo thực thi chính sách năm 2019 với người dân trên Facebook, lần đầu tiên biểu đạt thái độ rõ ràng đối với 5 yêu cầu của người biểu tình, bà nói ngoài việc rút lại Dự luật Dẫn độ (đã được Bắc Kinh phê chuẩn cho rút lại), thì 4 yêu cầu khác bà khó có thể đáp ứng được.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa ĐCSTQ Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga Dòng sự kiện Carie Lam