Bắc Kinh có thực sự viện trợ vô điều kiện cho châu Phi?
- Huệ Anh
- •
Theo Tạp chí Quartz, chi phí mà Trung Quốc viện trợ châu Phi đã tăng nhanh chóng trong 20 năm qua, năm 2018 đạt mức cao kỷ lục là 15 tỉ USD. Khi đề xuất các phương án viện trợ, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh viện trợ vô điều kiện, và Bắc Kinh không tìm kiếm lợi ích chính trị trong đầu tư và hợp tác tài chính.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới cho thấy, viện trợ của Trung Quốc tại châu Phi đã được chứng minh là mang tính chính trị, ít nhất là tại tầng địa phương. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Phát triển kinh tế học, đã phân tích 1650 dự án phát triển mà Trung Quốc đã hoàn thành tại châu Phi trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2012, trong đó bao gồm 117 địa phương (là nơi sinh của các lãnh đạo các nước châu Phi) ở 49 nước như Kenya, Ghana, Ai Cập, Ethiopia, Nam Phi, Nigeria. Tổng số tiền cho các dự án này dự tính vào khoảng 83,3 tỉ USD.
Nhà nghiên cứu cho biết, so với các thời kỳ khác, trong thời gian các lãnh đạo các nước châu Phi chấp chính, khoản viện trợ nhận được từ Bắc Kinh dường như tăng 2 lần ở nơi mà tổng thống các nước châu Phi sinh ra. Trước khi đến cuộc tổng tuyển cử, những người đang tại vị sẽ nhận được lượng lớn các khoản tài trợ từ Trung Quốc cho quê hương của họ, để “nâng cao cơ hội tiếp tục nắm quyền của họ”. Họ không chỉ phân chia phần lớn các khoản viện trợ tại quê hương mình, mà còn mở rộng ra cả tỉnh đó, “để nâng cao tối đa tỉ lệ khu vực bỏ phiếu”.
Nghiên cứu chỉ ra, ngược lại, trước và sau khi các lãnh đạo châu Phi này nhậm chức và giải nhiệm, các khoản viện trợ từ Trung Quốc không hề gia tăng.
Để tiến hành so sánh, nghiên cứu này đã thẩm tra 533 dự án viện trợ châu Phi trị giá 43,3 tỉ USD do Ngân hàng Thế giới gánh vác. Nhà nghiên cứu cho biết, họ không chú ý đến phân bổ dự án và ưu đãi đối với các khu vực liên quan, bởi vì trước khi Ngân hàng Thế giới tiến hành rót vốn, cũng cần phải tiến hành thủ tục đánh giá phân tích hiệu quả để biết được nguồn vốn dùng chỗ nào sẽ có hiệu quả nhất.
Những số liệu này cho thấy kế hoạch viện trợ của Trung Quốc là dựa vào tính chất “cần thiết”, và việc lãnh đạo các nước châu Phi làm thế nào để dùng khoản viện trợ này cho lợi ích chính trị của họ. Điểm khác biệt về khoản viện trợ đến từ Trung Quốc và phương Tây là: Bắc Kinh thông thường sẽ không yêu cầu chính phủ nhận viện trợ cải thiện quản trị và trách nhiệm; còn cách làm phổ biến của phương Tây là chính phủ nhận viện trợ cần phải xử lý tham nhũng, cải thiện hiệu quả quản lý của chính phủ.
Mặc dù ông Tập Cận Bình cho biết, sự hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi cần phải mang đến “lợi ích thực tại”, nhưng chỉ cần những nước châu Phi này ủng hộ chính sách “một Trung Quốc”, thì thông thường Bắc Kinh đều sẽ cung cấp viện trợ.
Cách làm không theo xu hướng quốc tế của Trung Quốc này lại được một số lãnh đạo các nước nhận viện trợ tại châu Phi “khen ngợi”, những lãnh đạo này cho rằng đây là mối quan hệ đối tác “đôi bên cùng thắng”. Năm ngoái, các nước châu Âu và Ngân hàng Thế giới đã giảm kinh phí viện trợ cho chính phủ Tanzania vì hồ sơ nhân quyền xấu chính phủ nước này, Tổng thống Tanzania là ông John Pombe Joseph Magufuli khen ngợi Trung Quốc cung cấp viện trợ mà “không có bất cứ điều kiện ràng buộc nào”.
Điều đáng chú ý là, đầu tư vào cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại châu Phi và kim ngạch thương mại song phương Trung Quốc – Châu Phi trong 10 năm qua đã vượt quá nguồn tài trợ. Hiện tại, trọng điểm trong quan hệ Trung Quốc – Châu Phi đã chuyển hướng sang tăng nợ, thâm hụt thương mại, chủ nghĩa thực dân mới và “ngoại giao bẫy nợ”. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với văn hoá, kinh tế và chính trị tại châu Phi ngày càng sâu sắc.
Vì Trung Quốc không thuộc khung đa phương toàn cầu như Câu lạc bộ Paris (Câu lạc bộ Paris, thành lập năm 1956, là một nhóm không chính thức 19 quốc gia chủ nợ, là những nước giàu có nhất thế giới, chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính như cho vay tái thiết đất nước, nợ ân hạn và hoãn nợ, xoá nợ cho các nước mắc nợ khó trả), nên các nhà quan sát cũng tỏ ra nghi ngờ về độ minh bạch, tính bền vững và khả năng thương mại của các dự án mà Trung Quốc tài trợ.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc châu Phi Trung Quốc viện trợ châu Phi Tập Cận Bình