Trong 13 năm từ 2008 – 2021, người tiêu dùng Trung Quốc đã phát động 90 cuộc tẩy chay “hừng hực khí thế” đối với công ty nước ngoài. Nghiên cứu của một tổ chức tư vấn châu Âu đã phát hiện, thực trạng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đứng sau các phong trào này với mục đích phục vụ các chương trình nghị sự chính trị quốc tế.

shutterstock 1176501982
Đóng cửa siêu thị Lotte ở Bắc Kinh tháng 11/2018. (Nguồn: zhangjin_net/ Shutterstock)

Một nghiên cứu từ Trung tâm Quốc gia Thụy Điển về Trung Quốc (Swedish National China Centre) được công bố vào tháng Bảy cho thấy, thập kỷ qua vấn đề người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay các công ty nước ngoài đã trở thành một hiện tượng ngày càng phổ biến. Từ năm 2008 – 2021 đã có ít nhất 90 cuộc tẩy chay đối với các công ty nước ngoài.

Báo cáo cho biết gần 1/3 các cuộc tẩy chay được thúc đẩy bởi nhà chức trách ĐCSTQ hoặc tổ chức trực thuộc nhà nước Trung Quốc. Trong hầu hết các trường hợp còn lại thì nhà nước cũng đóng một vai trò quan trọng.

Mục đích đằng sau việc nhà chức trách ĐCSTQ thúc đẩy những cuộc tẩy chay này là liên quan đến tình hình chính trị của họ, bao gồm trừng phạt Hàn Quốc vì lắp đặt THAAD (hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ), củng cố khái niệm “Đài Loan thuộc về Trung Quốc” trên phạm vi quốc tế, chống lại đà phát triển dân chủ của Hồng Kông, và nhắm vào những chỉ trích về đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ…

Hàn Quốc lắp đặt THAAD

Một chiến dịch tẩy chay do ĐCSTQ trực tiếp chỉ đạo là hành động chống lại Lotte ở Hàn Quốc. Năm 2016 Hàn Quốc tuyên bố sẽ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ trên đất Hàn Quốc. Trong động thái này, công ty bán lẻ Lotte đã cung cấp đất để lắp đặt hệ thống THAAD.

Vì lý do đó, cơ quan quản lý ĐCSTQ đã trực tiếp trừng phạt Lotte bằng cách đóng cửa một nửa chuỗi cửa hàng Lotte ở Trung Quốc với lý do vi phạm an ninh, sau đó còn phạt một chuỗi cửa hàng còn lại 20.000 nhân dân tệ (2965 USD) vì “phát tín hiệu không dây bất hợp pháp” từ hệ thống liên lạc không dây nội bộ trong cửa hàng.

Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ cũng đã phát động một cuộc tấn công ngôn luận đối với Lotte. Tân Hoa Xã bình luận: “Nếu chúng ta thấy rằng việc triển khai THAAD là một nhát dao đâm sau lưng Trung Quốc thì quyết định liều lĩnh và vội vàng của Lotte lần này như con cọp nhe nanh, người Trung Quốc không hoan nghênh như vậy!” Tờ Thanh niên Trung Quốc (China Youth Daily) đăng bình luận: “Cuối cùng Lotte đứng về phía nào trong vấn đề THAAD thì xã hội Trung Quốc đã có câu trả lời cần thiết hợp lý trong việc tẩy chay Lotte”.

Dưới kích động của chính quyền, người dân bắt đầu phong trào tẩy chay “hừng hực khí thế”: Tại thành phố Tri Bác tỉnh Sơn Đông, những người biểu tình cầm một biểu ngữ dài 10 mét có nội dung: “An toàn của đất nước không thể bị xâm phạm”; ở thành phố Hứa Chang tỉnh Hà Nam, nhân viên của một trung tâm mua sắm đứng thành hàng hát quốc ca và giơ cao biểu ngữ phản đối Lotte…

Vấn đề Đài Loan, Hồng Kông đưa vào danh sách nước ngoài

Kể từ tháng 1/2018, ngày càng nhiều công ty nước ngoài bị ĐCSTQ chỉnh đốn nhân danh “phá hủy sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Phát súng đầu tiên phải kể là khách sạn Marriott của Mỹ.

Tháng 1/2018, Văn phòng Thông tin Internet Thượng Hải đã đóng cửa trang web tiếng Trung và ứng dụng di động tiếng Trung của Marriott trong một tuần. Chính quyền quận Hoàng Phố – Thượng Hải (nơi đặt trụ sở chính của Marriott tại Trung Quốc) đã cáo buộc công ty này vi phạm luật quảng cáo và an ninh mạng và đã mở một cuộc điều tra, nhà chức trách đã triệu tập cả giới quản lý cấp cao của Marriott.

Marriott đã bị trừng phạt vì trong một hoạt động khảo sát của họ đã liệt kê Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao ra ngoài danh sách Trung Quốc.

Sau khi nhà chức trách ĐCSTQ hành động, nhiều công ty Trung Quốc cũng theo đó tẩy chay Marriott, ban đầu một số công ty hủy đặt hàng ​​tổ chức họp thường niên tại các khách sạn của Marriott. Ngay cả các trang web mua theo nhóm như Dianping và Meituan cũng đã rút thông tin về các khách sạn và nhà hàng trực thuộc Marriott (bao gồm cả thông tin thương hiệu khách sạn như Marriott, Courtyard, Renaissance, Ritz Carl).

Tháng 5/2018, chính quyền Trung Quốc bắt đầu tấn công vào các hãng hàng không nước ngoài. Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã gửi thư tới 44 hãng hàng không nước ngoài, yêu cầu các trang thông tin của họ phải đánh dấu rõ ràng là Đài Loan thuộc Trung Quốc, nếu không sẽ bị phạt.

Dưới thúc đẩy của ĐCSTQ, tháng 8/2019 làn sóng tẩy chay “các công ty nước ngoài chia rẽ Trung Quốc” này lại cuốn vào các thương hiệu thời trang quốc tế như Coach, Versace và Givenchy, vì những chiếc áo sơ mi mà họ bán bị cáo buộc xác định là quốc gia đối với Đài Loan và Hồng Kông. Vụ việc khiến những người phát ngôn của các thương hiệu liên quan như Dương Mịch, Lưu Văn, Dịch Dương Thiên Tỉ, Quan Hiểu Đồng… đã thay nhau tuyên bố chấm dứt hợp đồng.

Ủng hộ dân chủ Hồng Kông

Vấn đề ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông cũng trở thành lý do khiến các công ty nước ngoài bị tẩy chay.

Tháng 10/2019, giám đốc điều hành cấp cao Daryl Morey của NBA Houston Rockets đã đăng trên các trang mạng xã hội để bày tỏ ủng hộ đối với các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, hệ quả là các bên truyền thông liên quan hàng đầu của Trung Quốc như kênh thể thao của CCTV và công ty Tencent… ngừng phát sóng các trận của NBA Mỹ, Hiệp hội bóng rổ Trung Quốc ngừng hợp tác với NBA.

Vậy là đồng cảm về nhân quyền cũng trở thành lý do khiến các công ty nước ngoài bị tẩy chay tại Trung Quốc.

Tháng 3/2021, thương hiệu quần áo Thụy Điển H&M đã bị dội “mưa đạn” trên mạng xã hội Trung Quốc. Tài khoản Weibo của Ủy ban Trung ương Đoàn Thanh niên ĐCSTQ chia sẻ: “Vừa tung tin đồn tẩy chay bông Tân Cương vừa muốn kiếm tiền ở Trung Quốc? Ngông cuồng!”

Động thái leo thang của nhà chức trách ĐCSTQ xuất phát từ tuyên bố do H&M đưa ra trước đó 8 tháng cho biết họ “quan ngại sâu sắc trước các cáo buộc lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử đối với các dân tộc ít người và tôn giáo ở Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương”, do đó công ty đã ngừng mua bông từ những người trồng ở Tân Cương.

Kể từ đó, thương hiệu này đã bị chính quyền Trung Quốc trấn áp vì các lý do như vấn đề chất lượng sản phẩm, và H&M được cho là đã bị phạt ít nhất 8 lần vào năm 2021. Không chỉ hiệu quả hoạt động của H&M tại Đại Lục sụt giảm do sự cố “bông Tân Cương”, Công ty Hennes & Mauritz (Thượng Hải), công ty chính tại Trung Quốc, cũng bị phạt hành chính 31 lần.

Nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo, JD.com và Tmall đã xóa H&M khỏi kết quả tìm kiếm và gỡ bỏ các sản phẩm của hãng ra khỏi trang sau khi các phương tiện truyền thông ĐCSTQ công kích H&M, đồng thời những người phát ngôn thương hiệu của H&M là Hoàng Hiên và Tống Xuyến cũng tuyên bố rút khỏi hợp tác.

Trung tâm Quốc gia Thụy Điển về Trung Quốc báo cáo rằng không phải ngẫu nhiên mà Trung ương Đoàn Thanh niên ĐCSTQ phát động cuộc tấn công vào H&M ngày 24/3/2021. Vì chỉ trước đó 2 ngày, các nước bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ và Canada đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ có liên quan đến vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Hôm 24/6/2022, cửa hàng H&M tại số 651 đường Hoài Hải, một con phố thương mại truyền thống ở Thượng Hải, đã chính thức đóng cửa, đây là cửa hàng đầu tiên mà H&M mở tại thị trường Trung Quốc Đại Lục vào năm 2006. Theo thống kê, kể từ năm 2021, từ 505 cửa hàng tại đây, H&M đã đóng cửa còn 362 cửa hàng.

Ngày 22/3/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố biện pháp trừng phạt đối với hai quan chức Tân Cương là Phó Bí thư Vương Quân Chính và Giám đốc Sở Công an Trần Minh Quốc; EU và Anh cũng đã trừng phạt hai quan chức này cùng với 2 quan chức Tân Cương khác là Vương Minh Sơn – ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, và Chu Hải Luân – cựu Phó bí thư Đảng ủy và Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật.

Mục tiêu thường xuyên nhất là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á

Theo nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Thụy Điển về Trung Quốc, mục tiêu tẩy chay thường xuyên nhất của người tiêu dùng Trung Quốc là các công ty ở Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Bắc Á. Trong đó những nước tiêu biểu nhất như: 27 lần tẩy chay nhắm vào công ty của Mỹ, 11 lần của Nhật Bản, 11 lần của Pháp, 8 lần của Đức, và 6 lần của Hàn Quốc.

Báo cáo phân tích công ty của Mỹ và châu Âu thường là mục tiêu nhiều nhất. Lý do quan trọng là Chính phủ Mỹ và các nước châu Âu cùng công chúng ở đó thường lo ngại về tình hình nhân quyền tại Trung Quốc và các chính sách của ĐCSTQ đối với Hồng Kông và Đài Loan. Các công ty tại các vùng đó khi kinh doanh tại Trung Quốc phải làm rõ lập trường về việc bảo vệ nhân quyền cho người tiêu dùng trong nước họ, nhưng quan điểm đó của họ lại thường bất đồng với ĐCSTQ khiến họ dễ trở thành mục tiêu bị ĐCSTQ thanh trừng.

Mộc Vệ (t/h)