Báo cáo “Hệ thống 110 Hải ngoại” của tổ chức nhân quyền châu Âu Safeguard Defenders cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thành lập hơn 50 “đồn cảnh sát” tại nước ngoài, theo đó cho thấy “đàn áp xuyên quốc gia” của nhà cầm quyền này đang ngày càng gia tăng.

shutterstock 1735262831
ĐCSTQ thiết lập hệ thống đồn cảnh sát ở nước ngoài để thúc đẩy trấn áp xuyên biên giới (Ảnh minh họa: justoomm / Shutterstock).

Báo cáo của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố vào giữa tháng Chín tiết lộ rằng ĐCSTQ đã thành lập 54 “Trạm dịch vụ cảnh sát Hoa kiều” do ĐCSTQ quản lý, những trạm này trải khắp 5 châu lục. Tài liệu chính thức của họ cho thấy từ tháng 4/2021 – 7/2022 có hơn 230.000 người Trung Quốc đã bị văn phòng cảnh sát ở nước ngoài này “thuyết phục trở về nước” và tất cả họ đều phải đối mặt với các thủ tục tố tụng hình sự.

Báo cáo điều tra dài 18 trang cũng tiết lộ rằng công dân Trung Quốc không được phép sống ở 9 quốc gia bao gồm Campuchia và Myanmar, trừ khi có lý do đặc biệt…

Truyền thông Tân Hoa xã của ĐCSTQ đưa tin, năm 2018 ĐCSTQ mở đường dây nóng 110 ở nước ngoài (110 là số đường dây nóng báo cảnh sát tại Trung Quốc Đại Lục), qua hệ thống này mà “vụ án gian lận mạng viễn thông xuyên biên giới đầu tiên” đã được phá. Ngoài đường dây nóng, Ban An ninh Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến đã thiết lập hơn 50 “đồn cảnh sát” ở 5 châu lục, ít nhất 3 trong số đó ở Khu vực Đại Toronto (Canada).

Các “đồn cảnh sát” này bề ngoài được thiết kế để hỗ trợ công dân Trung Quốc, nhưng theo một nghiên cứu mới của tổ chức Safeguard Defenders, họ thường vượt quá thẩm quyền như tìm cách “thuyết phục” các “tội phạm” bị họ cáo buộc trở về Trung Quốc để hầu tòa.

Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã vào tháng Hai, Giám đốc Công an Phúc Châu là ông Wang Xizhang cho biết họ cung cấp “các dịch vụ hiệu quả, chất lượng cao và tiện lợi” cho người Hoa ở nước ngoài, chẳng hạn như đường dây nóng 110 ở nước ngoài, đồng thời “ngăn chặn tội phạm và các hoạt động bất hợp pháp liên quan”.

Safeguard Defenders cảnh báo rằng những hoạt động này cho phép ĐCSTQ và các cơ quan an ninh của họ bỏ qua các cơ chế hợp tác song phương thông thường trong hoạt động cảnh sát và tư pháp, đồng thời phá hoại nghiêm trọng pháp quyền quốc tế và sự toàn vẹn lãnh thổ của nước sở tại. Cách làm khiến các cư dân Trung Quốc hợp pháp ở nước ngoài lại thành mục tiêu của pháp luật ĐCSTQ như thể họ không được bảo vệ của luật pháp tại nước họ cư trú hay của quốc tế.

Vào tháng Giêng, ủy viên Brenda Lucki của cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) cho biết vấn đề đe dọa và quấy rối người Canada gốc Hoa đang “không ngừng gia tăng”.

Tờ Globe and Mail đã phỏng vấn 3 địa chỉ tại Toronto có trong “danh sách đồn cảnh sát ở nước ngoài” được các phương tiện truyền thông ĐCSTQ công bố, phát hiện 2 địa chỉ ở Markham và ở Scarborough là nơi sinh sống của người Hoa.

Những người được The Globe and Mail phỏng vấn không biết có đồn cảnh sát cũng như chưa nghe nói về Ban Công an Phúc Châu. Địa chỉ ở Markham là dinh thự tư nhân, địa chỉ kia là trung tâm mua sắm do các doanh nghiệp và nhà hàng Trung Quốc chi phối. Địa chỉ thứ 3 nằm trong một công viên kinh doanh gần xa lộ và thuộc sở hữu của Phòng Thương mại Fuqing – Toronto.

Trang web của phòng cho thấy Phòng Thương mại Fuqing được thành lập “dưới hướng dẫn” của một số tổ chức Chính phủ Trung Quốc và địa phương Phúc Kiến, bao gồm Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. Chủ tịch danh dự Weng Guoning của phòng thương mại này cho biết tại Đại hội Nhân đại tỉnh Phúc Kiến lần thứ 13 tổ chức vào tháng Ba rằng “hệ thống 110 hải ngoại” khiến ông cảm thấy “hơi ấm của tổ quốc”.

Báo cáo của Safeguard Defenders cũng tiết lộ rằng một số tổ chức Hoa kiều (như các hiệp hội đồng hương…) có quan hệ chặt chẽ với hệ thống Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ. Họ “tìm cách thu hút và gây ảnh hưởng đối với ‘các đại diện’ và các nhóm tổ chức trong và ngoài Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào các cộng đồng tôn giáo, dân tộc và cộng đồng Hoa kiều”. Báo cáo viết: “Hiệp hội đồng hương người Hoa ở nước ngoài tuy từng là nơi cung cấp các dịch vụ hữu ích cho Hoa kiều, nhưng giờ đây đã hợp tác với Tổ chức Công tác Mặt trận Thống nhất của ĐCSTQ để ngày càng kiểm soát người Hoa hải ngoại.”

Người phát ngôn của RCMP là cảnh sát Camille Boily-Lavoie nói với Globe and Mail rằng các sĩ quan cảnh sát nước ngoài, bao gồm cả người của Bộ Công an ĐCSTQ, “có thể được cử đến Canada như một phần của phái đoàn ngoại giao hoặc lãnh sự để thực hiện nhiệm vụ trong tư cách người đại diện hoặc người liên lạc”. RCMP nhận thức được “khả năng nước ngoài có thể tìm cách đe dọa hoặc gây hại cho các cộng đồng hoặc cá nhân sống tại Canada”, qua đó đã xem xét những mối đe dọa như vậy một cách nghiêm túc. Cô Camille Boily-Lavoie khuyến khích bất cứ ai gặp phải sự quấy rối như vậy hãy báo cảnh sát Canada.

Hồi đầu tháng Chín, tờ Il Foglio của Ý đưa tin người dân gốc Hoa ở thành phố Prato của nước này đã được thông báo có “Đồn cảnh sát hải ngoại Phúc Châu” mới được xây dựng tại một địa chỉ trùng với Hiệp hội văn hóa Cộng đồng người Hoa Phúc Kiến, có chứng cứ cho thấy rằng địa chỉ đó có dấu hiệu “hoạt động thu thập thông tin tình báo”.

Vào tháng 1/2022, Safeguard Defenders đã phát hành báo cáo “Không tự nguyện trở về Trung Quốc”, trong đó xem xét hoạt động Skynet của ĐCSTQ chống lại các nghi phạm mục tiêu chính và hoạt động ‘Fox Hunt’ (săn cáo) trực thuộc của nó. Qua đó, báo cáo tiết lộ ĐCSTQ đã sử dụng 3 phương pháp không tự nguyện để khiến nghi phạm của họ quay trở lại Trung Quốc: đe dọa thành viên gia đình ở Trung Quốc; quấy rối trực tiếp họ ở nước ngoài; bắt cóc từ nước ngoài đưa về Trung Quốc.

Kể từ năm 2014, trong Chiến dịch Skynet và Chiến dịch Fox Hunt, tin đồn cho rằng thế lực nước ngoài này của ĐCSTQ đã hồi hương thành công khoảng 10.000 người từ hơn 120 nước, đại đa số những người này là “trở về không tự nguyện”. Một báo cáo mới vào tháng Chín cho thấy cảnh sát và các cơ quan tư pháp địa phương của ĐCSTQ cũng đang ngày càng có xu hướng sử dụng “các con tin người thân” tại Đại Lục để hồi hương các mục tiêu ở nước ngoài.

Tổ chức Safeguard Defenders tuyên bố rằng những người bị buộc hồi hương tuyệt đối thiếu hụt các bảo đảm tư pháp, bị áp dụng thủ đoạn dùng người thân của họ để răn đe, sử dụng các biện pháp bất hợp pháp để bỏ qua cơ chế hợp tác quốc tế, và sử dụng các tổ chức ở nước ngoài liên quan đến Mặt trận Thống nhất ĐCSTQ để hỗ trợ hoạt động răn đe. Những thủ đoạn đó tác động tiêu cực đến pháp quyền quốc tế và đe dọa nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ nước khác.