Bầu cử Hồng Kông phản ánh cuộc chiến tại cao tầng của ĐCSTQ
- Hà Thanh
- •
Dưới thời Trưởng đặc khu mới Lâm Trịnh Nguyệt Nga, tương lai của Hồng Kông sẽ được quyết định bởi kết quả của cuộc chiến chính trị trong chính quyền Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc Đại Lục đã hứa không can dự vào việc quản lý Hồng Kông sau khi Anh trả về cho Trung Quốc năm 1997. Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn luôn đảm bảo rằng ứng viên mà họ lựa chọn sẽ được đặt vào vị trí lãnh đạo Hồng Kông.
Không khó để nhận ra việc bầu cử Trưởng đặc khu Hành chính Hồng Kông năm 2017 được diễn ra theo kịch bản có sẵn. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, một trong ba ứng viên duy nhất nhận được sự công khai ủng hộ của quan chức cao cấp Trung Quốc đã trở thành Trưởng đặc khu thứ 4 của thành phố này sau khi nhận được 777 trong tổng số 1.183 phiếu được bầu.
Nhưng kết quả của việc bầu này còn mờ hơn kết quả kiểm phiếu…
Theo Epochtimes Hoa Kỳ, hai phe phái chính trị cạnh tranh nhau tại Trung Quốc, một do cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân dẫn dắt, một do Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình đứng đầu đã tìm cách liên kết cử tri Hồng Kông theo nhóm lợi ích trước ngày bầu cử. Phe của ông Giang muốn bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga lên nắm quyền, trong khi phe ông Tập muốn tôn trọng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, không can thiệp vào cuộc bầu cử và cũng không lựa chọn ứng viên nào.
Không có người được chọn
Với tiến trình chính trị hiện nay, việc Bắc Kinh muốn uốn nắn cuộc bầu cử theo ý họ là việc hoàn toàn có thể làm được.
Trưởng đặc khu được chọn bởi một ủy ban bầu cử nhỏ – 1.194 thành viên cho lần này – bao gồm những nhân vật kinh doanh và chính trị thuận theo chính quyền Trung Quốc Đại Lục. Sau đó Bắc Kinh sẽ phê duyệt ứng viên được bầu.
Trước mỗi cuộc bầu cử, Bắc Kinh đã có một nỗ lực đồng điệu để ra hiệu ứng viên mà họ thích cho các cử tri: các cuộc điện thoại thường xuyên, các cuộc họp kín của các quan chức Trung Quốc thuộc Văn phòng Liên lạc hoặc Văn phòng Sự vụ Hồng Kông và Ma Cao, cũng như các bài viết trên các tờ báo ở Hồng Kông do Bắc Kinh kiểm soát.
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cựu Tổng thư ký chính quyền đặc khu Hồng Kông, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của ba quan chức cấp cao của Trung Quốc là: Quan chức phụ trách Hồng Kông cao cấp nhất của Trung Quốc và cũng là ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị Trương Đức Giang; Giám đốc Văn phòng Liên lạc Trương Hiểu Minh; và Phó chủ tịch Cơ quan Cố vấn Chính trị của Trung Quốc và cũng là cựu Trưởng đặc khu Đổng Kiến Hoa. Cả hai ông họ Trương đều là những thành viên nổi trội của mạng lưới chính trị ông Giang Trạch Dân kiểm soát Hồng Kông.
Cả ba quan chức này đều đã nói Bắc Kinh chỉ ủng hộ mỗi bà Lâm. Hai ứng cử viên kia, cựu Bộ trưởng Tài chính Tằng Tuấn Hoa và thẩm phản tòa án cấp cao đã về hưu Hồ Quốc Hưng đã không được cất nhắc.
Như thể tuyệt đối chắc chắn, các tờ báo do Bắc Kinh kiểm soát là mạng Đại Công và Văn Hối Báo đã cho đăng các bài càng ngày càng phê phán ông Tằng Tuấn Hoa, người đã luôn dẫn trước bà Lâm và ông Hồ một khoảng cách xa trong các cuộc thăm dò dư luận. Vào ngày bầu cử, tờ Đại Công Báo đã đăng dòng tít “Hãy bầu cho bà Lâm”.
Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình có vẻ như phản đối việc ‘tạo vua’ của phe ông Giang Trạch Dân.
Tờ Thành Báo (Sing Pao), một tờ báo ủng hộ Bắc Kinh ở Hồng Kông nghiêng về phía ông Tập, đã cho đăng các bài phê phán những nỗ lực của phe ông Giang nhằm uốn nắn các cuộc bầu cử ở Hồng Kông, và nhấn mạnh rằng ông Tập luôn có ý để các cử tri chọn bất cứ ai mà họ muốn mà không có sự chỉ đạo từ Bắc Kinh.
Cũng theo Epochtimes Hoa Kỳ, khoảng một tuần trước ngày bầu cử, ông Tập đã cử một số phái viên tin cẩn đi làm rõ bốn điểm với các cử tri: Không có ứng viên nào được thiên vị; Hồng Kông phải tiếp tục ổn định; các cử tri nên bỏ phiếu như họ muốn mà không sợ bị trả thù; Trương Hiểu Minh và Đổng Kiến Hoa không đại diện cho tiếng nói của chính quyền trung ương.
“Bất cứ ai được lựa chọn cũng sẽ được bổ nhiệm,” một quan chức họ Trần theo phe của ông Tập Cận Bình phát biểu.
Ông Trần cũng đã bác bỏ những tuyên bố của tờ Đại Công Báo rằng ông Tằng Tuấn Hoa được nhiều người ủng hộ nhưng không được ban lãnh đạo của ông Tập tin tưởng. “Ông Tằng đã được phép phụ trách tài chính của Hồng Kông, một bộ quan trọng, trong 9 năm,” ông này nói. “Chính quyền trung ương rất tin tưởng ông Tằng.”
‘Hàn gắn chia rẽ?’
Cuộc bầu cử ở Hồng Kông “tương phản rõ ràng những khác biệt giữa hai phe phái chính trị trong chính quyền Trung Quốc,” theo Trương Sơn, một nhà báo lâu năm ở Hồng Kông, trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Cuộc chiến phe phái này rất khốc liệt và nghiêm trọng.”
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập đã triển khai kế hoạch chống tham nhũng nhằm loại trừ thẳng tay phe cánh của ông Giang Trạch Dân. Tuy nhiên, phe ông Giang cũng tìm cách chống phá ông Tập thường xuyên tại Hồng Kông, nơi họ đặc biệt có tầm ảnh hưởng.
Ônng Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu sắp mãn nhiệm, người từ lâu liên kết với phe của ông Giang Trạch Dân, đã làm dân chúng Hồng Kông phẫn nộ vì châm ngòi cho những vụ biểu tình lớn trong nhiệm kỳ của mình. Năm ngoái, cơ quan lập pháp của Trung Quốc do ông Trương Đức Giang đứng đầu đã gián tiếp phế truất hai nhà lập pháp Hồng Kông mới được dân bầu bằng cách đưa ra một diễn giải luật pháp hiếm có và gây tranh cãi, một động thái khiến người dân Hồng Kông càng gián cách với Bắc Kinh hơn nữa.
Từ đó, ông Tập đã tăng tốc hành động để loại bỏ phe Giang tại Hồng Kông. Các nhà điều tra chống tham nhũng lên án Văn phòng Sự vụ Hồng Kông, Ma Cao sau một vòng điều tra. Tháng 12 năm ngoái, hai phái viên của ông Tập đã đến gặp ông Lương ở Hồng Kông và bảo ông này “hãy từ chức”, theo Epochtimes.
Trương Sơn, một nhà báo lâu năm ở Hồng Kông chuyên quan sát mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hồng Kông, nói rằng có thể ông Tập muốn ông Lương thôi chức để cho một người ít cứng rắn hơn thay thế và giúp hàn gắn và ổn định thành phố này.
Tại một cuộc họp báo sau khi kết quả bầu cử được công bố, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói rằng “ưu tiên của bà sẽ là hàn gắn sự chia rẽ và xoa dịu sự tức giận cũng như đoàn kết xã hội của chúng ta để tiến về phía trước.”
“Cuối cùng thì không quan trọng là ứng cử viên nào đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Trưởng đặc khu này,” Trương Sơn nói. Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ông Tằng Tuấn Hoa, và ông Hồ Hưng Quốc đều là những người thuộc giới thượng lưu lâu nay không có mối liên hệ chính trị sâu sắc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, và đều đã cho thấy rằng họ “thực thi nhiệm vụ của mình một cách mẫn cán và tuân thủ các quy tắc và quy định.”
“Và ông Tập Cận Bình có vẻ như sẵn lòng để Hồng Kông cho người Hồng Kông quyết định,” nhà báo này cho biết.
Hà Thanh (T/H)
Xem thêm:
Từ khóa Giang Trạch Dân Trương Đức Giang Bầu cử Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga Tằng Tuấn Hoa Tập Cận Bình