“Bệnh dịch” lừa đảo tài chính tại Trung Quốc
Li Wenxing hy vọng bắt đầu một cuộc sống mới sau khi tốt nghiệp đại học. Vào tháng 5 vừa rồi, Li rời nhà ở nông thôn Trung Quốc đến thành phố Thiên Tân để làm việc cho một công ty phần mềm.
Nhưng công việc này là một trò lừa đảo, và cậu thanh niên tiếp tục bị cuốn vào một mạng lưới của một nhóm chuyên lừa đảo đa cấp theo mô hình kim tự pháp tài chính.
Bức ảnh chụp vào ngày 17/12/2015 cho thấy một cánh cửa vào tòa nhà của công ty Ezubao bị khóa kín. Ezubao là công ty hoạt động cho vay ngang hàng trực tuyến tại Hàng Châu, chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ 21 người của công ty này bị nghi là lừa tiền của 900.000 người với tổng số tiền lên tới 50 tỷ Nhân Dân Tệ (7,6 tỷ USD).
2 tháng sau anh Li chết.
Vụ án của anh Li vẫn đang được điều tra, nhưng thảm kịch mà cậu thanh trẻ đã gây ra sự phẫn nộ trên khắp đất nước Trung Quốc. Bi kịch này đã đưa ra ánh sáng vấn đề lừa đảo tài chính đang hoành hành như dịch bệnh tại các cộng đồng dân cư trong xã hội Trung Quốc.
Bà Violet Ho, giám đốc điều hành của công ty tư vấn về rủi ro và điều tra Kroll, có trụ sở tại New York, cho biết: “Đây gần như là một bệnh dịch, đặc biệt ở các vùng nông thôn Trung Quốc.”
Mô hình đa cấp kim tự tháp
Những mô hình lừa đảo đa cấp theo dạng kim tự tháp đang phát triển mạnh mẽ ở các vùng nông thôn Trung Quốc, nơi người dân ít có hiểu biết tài chính.
Những chương trình này nhắm vào những người ham làm giàu nhanh chóng, điển hình là những người trẻ và người già. Với vỏ bọc là hoạt động bán hàng trực tiếp các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, những kẻ thuộc tuyến trên hứa hẹn một môi trường làm việc đáng mơ ước và lợi nhuận khổng lồ.
Nạn nhân được cam đoan rằng họ sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ và sớm có “tự do tài chính” nếu tuyển thêm được nhiều người khác tham gia mạng lưới bên dưới.
Là người điều tra về hệ thống tài chính và tư vấn về Trung Quốc, bà Ho cho biết: “Họ đưa ra những ảo tưởng cho những người dân ngây thơ rằng mình có thể trở nên giàu có nhanh chóng mà không gặp rủi ro.”
Ngoài ra sự bùng phát của hoạt động cho vay ngang hàng (peer to peer) tiền ảo cũng thúc đẩy các hình thức lừa đảo tài chính khác.
Mô hình kim tự tháp Ponzi sống sót dựa vào việc thu hút liên tục những người mới tham gia. Tiền đóng góp của người mới sẽ được trả cho các tuyến trên đó.
Bà Ho cho rằng những vụ lừa đảo ở Trung Quốc là khác nhiều với những vụ lừa lọc thường thấy ở các xã hội phương Tây, do người đầu tư ở đây thiếu quan sát và các kiến thức cơ bản.
Hậu quả là nạn nhân tại Trung Quốc bị lừa mất hết mọi thứ – họ đã phải vay tiền và thậm chí bán cả nhà cửa của mình – chỉ vì lời hứa sẽ thu được lợi nhuận khổng lồ
Thậm chí mạng xã hội Weibo của Trung Quốc cũng đang tràn ngập lời mời gọi về các chương trình làm giàu nhanh hay tự chủ tài chính kiểu Ponzi.
“Tôi không thể đếm được số người đã bị mắc bẫy,” một người dùng Weibo nói.
Vấn đề xã hội
Chính phủ Trung Quốc đang phải vật lộn để kiềm chế tác động xã hội bởi các hoạt động lừa đảo đa cấp này.
Ông Victor Shih, phó giáo sư kinh tế chính trị và chuyên gia về Trung Quốc tại trường Đại học California San Diego, nói rằng sự kết hợp nhiều yếu tố đã khiến các trò lừa đảo này lan rộng khắp Trung Quốc.
“Sự gia tăng nhanh chóng của các chương trình kim tự tháp là do chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là chi phí nhà ở, khiến cho nhiều người dân phải tìm kiếm thu nhập cao hơn, cộng với quy định lỏng lẻo cấp địa phương,” giáo sư Shih cho biết.
Dưới áp lực tăng trưởng kinh tế, trước đây các chính quyền địa phương đã thông qua một số kế hoạch đầu tư mơ hồ bất chấp họ không hiểu rõ chúng, với niềm tin rằng các kế hoạch này sẽ mang lại doanh thu cao và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương.
Giáo sư Ning Zhu, phó viện trưởng Viện nghiên cứu Tài chính Quốc gia thuộc trường Đại học Thanh Hoa nói: “Các chương trình kim tự tháp từng là một ý tưởng được ưa chuộng mà người ta nghĩ rằng có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.”
“Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ xảy ra nữa,” ông Ning Zhu nói thêm.
Chính phủ trấn áp
Các nhà chức trách Trung Quốc đang bắt đầu chú ý tới các chương trình lừa đảo dạng kim tự tháp.
Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng số lượng các chương trình kim tự tháp đã tăng lên nhanh chóng, và những kẻ tổ chức đang sử dụng các kênh khác nhau để cám dỗ và lừa gạt những đối tượng không có kiến thức tài chính và không hề nghi ngờ gì về các khoản đầu tư tiền bạc và tài sản của mình.
Trong một tuyên bố gần đây, chính quyền Bắc Kinh cho biết “các kế hoạch kim tự tháp làm ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự kinh tế của thị trường, sự hài hòa và ổn định xã hội.”
Trung Quốc đang tiến hành chương trình 3 tháng hành động để điều tra và quét sạch các hoạt động bán hàng theo mô hình kim tự tháp.
Trong quá trình này, hơn 100 vụ bắt giữ đã được thực hiện ở miền nam Trung Quốc chỉ trong tháng 8. Những người bị bắt là các cá nhân có mối liên hệ đáng ngờ với chương trình kim tự tháp trị giá 360 triệu Nhân dân tệ (54,6 triệu USD).
Vụ lừa đảo tài chính lớn nhất mà Trung Quốc can thiệp là một dịch vụ trực tuyến có tổng trị giá 50 tỷ Nhân dân tệ, được cho là đã lừa tiền của 900.000 người tham gia.
Nhưng trong khi Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ hơn thì thủ đoạn của những kẻ lừa đảo đang hoạt động cũng trở nên tinh vi hơn.
Thủ đoạn lừa đảo
Những ngày trước khi Li Wenxing qua đời, anh thanh niên này được cho là đã nói với gia đình mình rằng “bất kể ai gọi điện đòi tiền, không được đưa cho họ.“
Ngay sau khi đến thành phố Thiên Tân, anh Li đã trở nên lạnh nhạt, có thái độ cách biệt với người nhà, không nghe điện thoại. Anh ta cũng bắt đầu đi vay tiền bạn bè.
Theo báo cáo của cảnh sát, anh Li đã được tìm thấy bị đuối nước tại một ao nước nhỏ, ngoại ô Thiên Tân. Cảnh sát cho biết anh Li đã tham gia vào một chương trình kim tự tháp và cuộc điều tra vẫn chưa kết thúc.
Bà Violet Ho của công ty Kroll nói rằng, các phương pháp như tống tiền, được cho là nhóm băng đảng đã sử dụng trong trường hợp của anh Li, là rất phổ biến.
Bà Ho nói rằng những kẻ cầm đầu trong đường dây lừa đảo ở Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng hơn. Họ tổ chức bắt giữ người bất hợp pháp, sử dụng các thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần nạn nhân.
Virginia Harrison – Phóng viên kinh doanh, Singapore
Duy Minh biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa Trung Quốc Bán hàng đa cấp