Vì sao Trung Quốc không tiếc kinh phí nghiên cứu phẫu thuật thay đầu người?
- Tuyết Mai
- •
Gần đây, nhà khoa học người Ý Sergio Canavero và giáo sư ngoại cơ xương Nhậm Hiểu Bình ở Cáp Nhĩ Tân đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau tuyên bố thực hiện thành công ca phẫu thuật “thay đầu” đầu tiên trong lịch sử loài người.
Ngày 17/11, Sergio Canavero tại Vienna (Áo) đã tuyên bố thực hiện phẫu thuật thay đầu thành công. Buổi phẫu thuật kéo dài 18 tiếng do nhóm của ông Nhậm Hiểu Bình thực hiện. Có người chia sẻ trên mạng rằng chi phí phẫu thuật này là 130 triệu nhân dân tệ (khoảng 19,6 triệu Đô la Mỹ). Còn ông Sergio Canavero thì cho biết, kế hoạch phẫu thuật cấy ghép đầu người sống sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu của ông Sergio Canavero cũng khiến bản thân ông Nhậm Hiểu Bình bị đưa lên “đầu sóng ngọn gió” dư luận. Trước chất vấn của các bên, ông Nhậm Hiểu Bình cho biết: “Tôi là bác sĩ, không phải nhà luận lý học. Tôi chỉ là làm khoa học, công việc của tôi là làm trong lĩnh vực y học”. Ông còn nhấn mạnh việc họ làm là “kế hoạch mô hình phẫu thuật ngoại khoa ghép đầu người”, ở đây có ý né tránh cách nói phẫu thuật “thay đầu” trên xác chết và sẽ triển khai phẫu thuật cấy ghép đầu đối với cơ thể sống. Tháng Sáu năm ngoái, New York Times (Mỹ) đăng bài viết có tiêu đề “Thay thân thể cho người bại liệt, y học Trung Quốc đột phá hay ngông cuồng?” Theo đó, ông Nhậm Hiểu Bình chuẩn bị thay thân thể mới cho một người bệnh vốn có quyền cao chức trọng nhưng đang bị bại liệt, phẫu thuật có thể thực hiện vào năm 2017.
Chưa nói độ khó của loại phẫu thuật này phức tạp đến thế nào, chỉ nhìn từ góc độ lý luận y khoa cũng thấy thật khó tiếp thu. Thử hỏi, mang đầu một người ghép lên một thân thể khác thì trở thành một người mới hay là gì? Cái thân thể đó phải xác định như thế nào? Sinh lão bệnh tử vốn là quy luật tự nhiên, còn phẫu thuật “thay đầu” không nghi ngờ gì là đi ngược lại quy luật này. Ngoài ra, việc cấy đầu vào thi thể của người chết cũng là cách làm không tôn trọng đối với người chết. Bác sĩ Nhậm Hiểu Bình nói bản thân không phải nhà luân lý học mà chỉ là bác sĩ, phải chăng ông ấy không thèm quan tâm đến luân lý?
Đáng bàn nữa là dường như không ai chất vấn chi phí thực hiện quá khủng khiếp trong khi tỷ lệ thành công lại quá thấp của loại phẫu thuật này. Trước đây, vào năm 1959, nhà khoa học Liên Xô Demichov đã thực hiện phẫu thuật ghép đầu chó, nhưng chú “chó hai đầu” này chỉ sống được 7 ngày.
Năm 1970, bác sĩ White người Mỹ cũng làm phẫu thuật thay đầu chó, sau khi phẫu thuật điện não đồ hiển thị não hoạt động bình thường. Sau đó ông lại thử phẫu thuật thay đầu đối với khỉ Rhesus, nhưng con “khỉ hai đầu” này bị liệt từ cổ trở xuống, thân thể không tuân theo mệnh lệnh của não bộ. Thí nghiệm này gây chấn động trong giới khoa học, những kẻ chống lại giải phẫu cơ thể sống còn đe dọa tính mạng, khiến bác sĩ White phải đề nghị cảnh sát bảo vệ ông và người thân, từ vị trí là một bác sĩ tiên phong White đã bị biến thành “côn đồ khoa học” trong mắt nhiều người, kinh phí nghiên cứu của ông cũng bị đình lại.
Nhà khoa học Trung Quốc Nhậm Hiểu Bình cũng từng thí nghiệm “thay đầu” cho chuột bạch, nhưng tỷ lệ thành công chỉ có 30%, còn ca thành công nhất là con chuột sống được một ngày.
Hiển nhiên, cho dù loại phẫu thuật này có thành công thì cũng chỉ có lợi cho một số ít người chứ không thể tạo phúc cho toàn loài người. Vì lợi ích của một thiểu số mà chi ra số kinh phí lớn như thế để tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm trời sẽ gây ra hàng loạt vấn đề, vậy thì loại phẫu thuật này có cần phát triển không?
Đáng nói là chính phủ Mỹ và nhiều tổ chức khoa học ở châu Âu và Mỹ hiện nay cũng không ủng hộ loại phẫu thuật gây tranh cãi này, tại sao bác sĩ Nhậm Hiểu Bình vẫn cho nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện kéo dài đến 5 năm? Nguồn tài chính lấy từ đâu? Ông Nhậm Hiểu Bình từng học phẫu thuật cấy ghép ở Mỹ, tại sao vừa về nước năm 2012, năm 2013 đã nghiên cứu phẫu thuật “thay đầu”? Lẽ nào có người quyết định cho phép chi tiêu không giới hạn đối với loại nghiên cứu loại phẫu thuật này? Đối mặt với chỉ trích của chuyên gia y học Bắc Kinh rằng, “Khoe khoang phẫu thuật thay đầu đồng nghĩa thừa nhận Trung Quốc ‘là quốc gia không có giới hạn đạo đức’” và “là điều sỉ nhục của giới y học Trung Quốc”, chẳng lẽ ông Nhậm Hiểu Bình cùng nhóm nghiên cứu không chút băn khoăn?
Cần nhắc lại câu chuyện thương nhân giàu có Quách Văn Quý chạy trốn đến Mỹ đã tiết lộ tấm màn đen “mổ cướp nội tạng” phục vụ giới quyền quý Trung Quốc, trong đó thương nhân này nhấn mạnh tội ác của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và người con ông ta là Giang Miên Hằng cùng cựu Bí thư Ban Chính pháp Mạnh Kiến Trụ. Ngày 20/9 năm nay, có người tung lên mạng đoạn đối thoại bí ẩn của “quan to Ủy ban An ninh quốc gia và một ‘thái tử Đảng’”, câu chuyện có đề cập đến vấn đề này. Đại khái có ý rằng, sau khi kẻ thống trị Trung Quốc leo đến vị trí cao nhất chỉ có hai mục đích: một là làm sao bảo vệ chính quyền kiên cố nhất; hai là tìm cách trường sinh bất lão, làm sao để sống tiếp càng lâu và chất lượng sống càng cao. Để kéo dài tuổi thọ, có thể không tiếc phải trả mọi giá.
Trong đoạn đối thoại này còn nhắc đến nguồn tài nguyên lớn nhất của Trung Quốc chính là dân số, đó là kho dự trữ DNA bất tận. Các lãnh đạo đều có tài sản kếch xù đến hàng trăm thậm chí hàng ngàn tỷ, ngày nay khoa học phát triển, tiền nhiều như thế phải tính cách kéo dài tuổi thọ, trường sinh bất lão. Lợi ích gom được về kinh tế phải chuyển nó sang thân thể! Họ có thể thay mọi thứ, từ thận, gan, tim, phổi, sau khi thay hết nội tạng thì thay đến não.
Hiện nay các quan to Trung Quốc không phải lo chuyện thay thận, gan, tim, phổi, vì những phương diện này Trung Quốc đang đi đầu thế giới, còn ẩn sau công việc này là tội ác “mổ cướp nội tạng” người sống khiến thế giới căm phẫn. Còn đối với những người có “phản ứng phụ” do cấy ghép nội tạng, họ có thể thay huyết thanh, thay máu theo định kỳ, nguồn lấy từ những binh sĩ trẻ trong quân đội. Cũng phải, đối với ảo tưởng “trường sinh bất lão” của những quan to Trung Quốc mà nói, “thay đầu” chính là mục tiêu tiếp theo sau thay nội tạng, có lẽ đây là nguyên nhân chính giúp ông Nhậm Hiểu Bình không chút băn khoăn chuyện kinh phí nghiên cứu.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Mổ cướp nội tạng Phẫu thuật thay đầu Sergio Canavero Nhậm Hiểu Bình