Bí quyết của ‘ông lớn’ TMĐT Trung Quốc Temu và khả năng thách thức Amazon
- Tống Đồng, Dị Như
- •
Công ty thương mại điện tử (TMĐT) hàng đầu Trung Quốc Pinduoduo hy vọng sẽ thay đổi phương thức mua sắm của thế giới thông qua “phiên bản Amazon” nhanh hơn, hợp lý hơn và rẻ hơn có tên gọi Temu. Nhưng gần đây Temu đã vấp phải phản đối về việc phạt tiền các nhà cung cấp, điều này đã thu hút chú ý trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc. Giới quan sát bình luận có quan điểm cho rằng nguồn gốc những tranh chấp ở nước ngoài liên quan TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc nằm ở Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Người bán bất bình với Temu
Hôm 29/7, khoảng 200 chủ shop vừa và nhỏ từ nền tảng TMĐT xuyên biên giới Temu (thuộc Pinduoduo) đã xuống tầng dưới chi nhánh Quảng Châu để phản đối mức phạt cao và chính sách khấu trừ thanh toán của nền tảng này, có người thậm chí còn vào cửa hàng của Temu trên tầng 25 để bày tỏ bất bình.
Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, Temu đã đưa ra một danh sách lớn các khoản phạt, chủ yếu là do “vấn đề hậu mãi”. Được biết, Temu sẽ tự động trừ lợi nhuận hàng tháng từ tài khoản của người bán để chi trả cho các khoản bồi thường và phí dịch vụ khác, khiến người bán không hài lòng.
Một số nhà bán hàng chia sẻ rằng Pinduoduo thường xuyên có các khoản khấu trừ và phạt một cách vô lý, trường hợp nhiều thì lên tới cả triệu tệ, ít thì cũng phải vài chục nghìn tệ, đã giữ lại số tiền tới hàng trăm triệu tệ từ các nhà kinh doanh, gây khủng hoảng hoạt động cho nhiều công ty.
Chen Zhong (bút danh) đến từ Chiết Giang là một trong những người buôn giày đầu tiên ra mắt trên Temu vào năm 2022. Anh nói với Epoch Times rằng mỗi tháng anh đều bị nền tảng phạt tổng cộng hơn 300.000 nhân dân tệ.
Chen Zhong cho biết: “Họ thông báo bị phạt và số tiền sẽ bị trừ trực tiếp. Thông báo phạt cho thấy các vấn đề hậu mãi như kích thước quá lớn, giày không vừa, bao bì không phù hợp… Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu có vấn đề về chất lượng, nếu là các loại như giày thể thao, giày da thì vấn đề kích thước có vấn đề thì tôi chịu, nhưng sản phẩm tôi bán là dép lê IP cũng bị phạt 200.000 nhân dân tệ”.
Tạp chí Phố Wall (WSJ) đưa tin, người phát ngôn của Temu xác nhận rằng các shop không hài lòng với cách Temu xử lý các vấn đề hậu mãi. Các chính sách của Temu đảm bảo dịch vụ khách hàng ở mức độ cao và cần có các hình phạt để duy trì nền tảng TMĐT chất lượng cao.
Người phát ngôn cho biết phần lớn các shop của Temu đã thành công theo các quy định, nhờ doanh số bán hàng tăng và phản hồi tích cực của khách hàng.
Những khoản tiền phạt này liên quan đến chính sách “chỉ hoàn tiền” ở nước ngoài do Temu thực hiện. “Chỉ hoàn tiền” có nghĩa là đối với một số sản phẩm có giá trị thấp, miễn là người mua không hài lòng thì có thể được trực tiếp hoàn tiền sản phẩm mà không cần trả lại hàng, ý định của chính sách có thể là buộc nhà sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm. Pinduoduo ra mắt dịch vụ này lần đầu tiên vào năm 2021, và ngay sau đó JD.com và Taobao cũng bắt đầu làm theo.
Tuy nhiên, quy định này luôn vấp phải nhiều tranh cãi trong quá trình thực hiện. Nhiều chủ shop vừa và nhỏ cho biết một số kẻ xấu lợi dụng chức năng này của Temu để “mua hàng trực tuyến bằng 0 nhân dân tệ”.
Chen Zhong nói: “Ngay khi khách hàng vừa trả hàng là tôi đã bị phạt. Bây giờ tôi không thể kiếm được chút tiền nào, rất nhiều tiền đã bị trừ vào tài khoản Temu.”
Trái ngược với những khoản tiền phạt và thua lỗ mà các shop phải gánh chịu, hiệu suất hoạt động của Temu đã tăng 5,6 lần trong nửa đầu năm nay.
Cạnh tranh khốc liệt trong TMĐT tại Trung Quốc
Những người trong ngành cho biết, kể từ khi Pinduoduo xuất hiện, sự phát triển của TMĐT ở Trung Quốc đã trở nên nghiêm trọng hơn.
Pinduoduo (thành lập vào năm 2015) đã phát triển chiến lược giá thấp nhằm cạnh tranh với các đối thủ trực tuyến trong nước, Pinduoduo đôi khi được gọi là “vua TMĐT” và “chạy đường dài bằng tốc độ của chạy nước rút”.
Pinduoduo giới thiệu họ là “công ty sung mãn và năng động”, và “cam kết mang đến cho nhân viên môi trường làm việc tích cực và hiệu quả”.
Pinduoduo được biết đến với số lượng nhân viên ít và hiệu quả cao: Năm 2019 công ty chỉ có hơn 6.000 nhân viên, trong khi cùng năm đó số lượng nhân viên của Alibaba đạt 108.000 và số lượng nhân viên của JD.com đã vượt quá 220.000.
Lợi nhuận và hiệu quả của Pinduoduo năm 2023 cao hơn Tencent và Alibaba, nhưng để đạt được mục tiêu đó thì nhân viên Pinduoduo phải làm việc vất vả hơn.
Trước hiện tượng trên, một phóng viên của Epoch Times đã gửi thư đến Công ty Pinduoduo yêu cầu bình luận, nhưng chưa nhận được phản hồi nào.
Một điểm gây tranh cãi khác của Pinduoduo là mô hình “mức giá cực thấp” hoạt động hoàn toàn do Pinduoduo định đoạt, trong khi đối với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới khác thì giá của sản phẩm do shop tự chủ quyết định.
Temu có cơ chế rà soát giá nghiêm ngặt. Nếu giá hàng hóa của người bán trên Temu cao hơn giá hàng hóa tương tự trên TMĐT bán buôn trong nước, nền tảng sẽ yêu cầu người bán báo giá lại.
Sau khi sản phẩm được đưa lên kệ, Temu sẽ tiến hành giám sát theo thời gian thực. Sau khi phát hiện thấy mức giá thấp của cùng một mẫu mã thì “lời nhắc giảm giá” sẽ xuất hiện gửi cho người bán.
Chuyên gia tài chính Đài Loan Edward Huang nói với Epoch Times rằng sự nổi lên của Pinduoduo phản ánh tình trạng tiêu dùng hiện tại của Trung Quốc đang bị xuống cấp. Trước đây, Taobao và JD.com chủ yếu phục vụ tầng lớp trung lưu và thượng lưu, trong khi Pinduoduo chuyên về các thành phố hạng hai và hạng ba, tiếp thị với giá thấp nhắm đến các nhóm người tiêu dùng nhạy cảm về giá. Khi hiệu suất của Pinduoduo được cải thiện, hiệu suất của JD.com và Alibaba lại giảm, điều đó có nghĩa là tổng nhu cầu nội địa của Trung Quốc đang giảm đáng kể.
Ngoài ra, CNN đưa tin rằng các chuyên gia bảo mật Mỹ phát hiện phần mềm mua sắm của Pinduoduo đã khai thác khoảng 50 lỗ hổng hệ thống Android, cho phép Pinduoduo truy cập vị trí, danh bạ, lịch, thông báo và album ảnh của người dùng mà không có sự đồng ý của họ. Phần mềm cũng có thể thay đổi cài đặt hệ thống và truy cập tài khoản mạng xã hội cũng như lịch sử trò chuyện của người dùng.
Mặc dù phiên bản Temu ở nước ngoài khó có thể giống phần mềm của Pinduoduo, nhưng điều này chắc chắn làm dấy lên nghi ngờ về tính bảo mật của phiên bản Temu ở nước ngoài trực thuộc Pinduoduo.
Vào tháng 6 năm nay, Temu đã bị kiện ở bang Arkansas Mỹ, cáo buộc nền tảng do Trung Quốc tài trợ vi phạm luật riêng tư của bang, liên quan các giao dịch lừa đảo và sử dụng hàng hóa giá rẻ để lấy thông tin cá nhân của khách hàng “gần như không giới hạn”.
Vụ kiện cáo buộc Temu đã sử dụng hàng hóa giá rẻ sản xuất tại Trung Quốc để dụ người dùng vô tình cung cấp “quyền truy cập gần như không giới hạn vào thông tin nhận dạng cá nhân của họ”. Sau khi người dùng cài đặt phầm mềm thì Temu có thể tự biên thay đổi các thuộc tính, bao gồm quyền kiểm soát và thiết lập cách thức thông tin thu thập, sử dụng và chia sẻ của người dùng.
Bình luận: Lý do nước ngoài cảnh giác với các hãng kinh doanh Trung Quốc
Nhà bình luận chính trị Lý Lâm Nhất (Li Linyi – người Mỹ gốc Hoa) có nhận định rằng với sự đàn áp của ĐCSTQ đối với các công ty như Alibaba và sự suy thoái liên tục của nền kinh tế Trung Quốc, sự tồn tại của các công ty TMĐT như Temu hiện đã bị đe dọa nghiêm trọng. Để mở rộng thị trường, việc các công ty TMĐT xuyên biên giới đẩy mạnh phát triển kinh doanh ở nước ngoài là tất yếu. Thực tế TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc thường xuyên gây tranh cãi ở nước ngoài có nguyên nhân sâu xa nằm ở ĐCSTQ.
Ông Lý Lâm Nhất đưa ra ví dụ: Từ góc độ môi trường chung, việc mở rộng TMĐT của Trung Quốc ra nước ngoài, trong bối cảnh đối đầu ngày càng gia tăng giữa phương Tây và ĐCSTQ, sẽ tự nhiên khơi dậy cảnh giác ở châu Âu và Mỹ, thậm chí gây ra nhiều cuộc điều tra khác nhau; ĐCSTQ hoạt động trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như trong các lĩnh vực như quyền riêng tư, không có sự giám sát và trừng phạt nghiêm ngặt đối với các hoạt động bất hợp pháp trong nước. Trên thực tế còn ngược lại, chính ĐCSTQ đã tìm mọi cách để lấy thông tin của người dân một cách bất hợp pháp.
“Vậy chúng ta thấy, thông tin cá nhân của người Trung Quốc ở Trung Quốc được rao bán công khai trên mạng nhưng rất ít bị xử lý. Vì vậy Arkansas ở Mỹ có lý do để đâm đơn kiện Temu; hơn nữa, Tân Cương thực sự tồn tại lao động cưỡng bức, mặc dù ĐCSTQ luôn phủ nhận điều đó. Nhưng hiện nay chuỗi cung ứng TMĐT không minh bạch, đương nhiên sẽ bị nghi ngờ,” ông nói.
Kế hoạch của Amazon
Nền kinh tế Trung Quốc trong những năm gần đây bị suy thoái, khiến chính quyền ĐCSTQ càng khuyến khích mạnh mẽ các công ty TMĐT hướng hoạt động ra nước ngoài, còn cung cấp trợ cấp cho hoạt động đó.
Pinduoduo hy vọng nhân cơ hội này sẽ thay đổi phương thức mua sắm của thế giới thông qua Temu, tạo ra một phiên bản nhanh hơn, gọn hơn và rẻ hơn để thay thế ông trùm TMĐT Amazon. Nhưng so với Amazon thì nền tảng mới nổi này vẫn còn khoảng cách.
Một là tốc độ vận chuyển. Một số nhà cung cấp Trung Quốc hàng đầu của Amazon có kho hàng ở Mỹ và các thị trường quan trọng khác, có thể cung cấp dịch vụ giao hàng trong ngày hoặc ngày hôm sau. Nhưng đối với Temu thì các kho hàng đều nằm ở Trung Quốc, tất cả hàng hóa cần được vận chuyển bằng đường hàng không, thường mất 9 – 12 ngày để chuyển các gói hàng từ Trung Quốc đến tay người mua hàng nước ngoài.
“Amazon là thị trường trọng điểm”, ông Hu của Brand Factory nói với Financial Times, “Hầu hết những người bán thành công đều phụ thuộc nhiều vào Amazon, điều này khiến họ càng tin tưởng vào nền tảng này hơn. Ngược lại, các nền tảng mới nổi vẫn chưa giành được mức độ tin cậy tương tự”.
Các nhà phân tích của Bank of America cho biết trong một báo cáo hồi tháng 5 rằng Amazon và Walmart có vị thế tốt nhất để “chống chọi” trước sự tấn công dữ dội của các đối thủ Trung Quốc.
Sở giao dịch chứng khoán London cho biết báo cáo gần đây của Amazon dự kiến doanh thu của hãng sẽ tăng khoảng 11% lên 148,6 tỷ USD.
Để đối phó với thách thức giá rẻ của Temu, hãng Amazon cũng đã bắt đầu sao chép mô hình Temu, tuyển dụng các nhà cung cấp Trung Quốc và có kế hoạch khai trương các cửa hàng giảm giá chủ yếu bán hàng không có thương hiệu có giá dưới 20 USD.
Edward Huang cho biết Amazon đã thành lập nhiều kho hàng như kho phụ và kho tập trung tại Mỹ, có thể giao sản phẩm rất nhanh. Ngoài ra vì Amazon cũng là một thương hiệu của Mỹ khiến người tiêu dùng Mỹ sẵn sàng mua hàng từ Amazon hơn, nếu có hàng giả thì kênh khiếu nại cũng sẽ thuận tiện hơn.
Các nhà phân tích chỉ ra thách thức lớn nhất mà Temu phải đối mặt có thể vẫn nằm ở việc tuân thủ những quy chế, các vấn đề như tránh thuế quan và bền vững môi trường đã thu hút sự chú ý của các nước châu Âu và Mỹ.
Quốc hội Mỹ mùa hè năm ngoái đã báo cáo rằng giá TMĐT thời trang nhanh [mẫu mới liên tục] của Trung Quốc thấp là do lao động cưỡng bức và việc sử dụng các lỗ hổng bưu chính của Mỹ; năm 2023, Ủy ban châu Âu đã công bố cải cách thuế quan nhằm bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu dưới 150 euro; năm ngoái Pháp đã thông qua “Luật 2129” để chống lại ngành thời trang nhanh giá rẻ, theo đó sẽ áp dụng phí phụ thu vấn đề tác động môi trường của sản phẩm.
Các nhóm người tiêu dùng châu Âu trong năm nay đã đệ đơn kiện Ủy ban châu Âu, cáo buộc Temu không bảo vệ người tiêu dùng và áp dụng các chiến thuật thao túng.
Nói về phản đối của các nhà cung cấp đối với Temu, ông Edward Huang cho rằng suy cho cùng thì mọi người kinh doanh đều vì kiếm lợi nhuận: “Thông thường việc cạnh tranh không ngừng sẽ gây ra triệt tiêu nhau. Trừ khi nền kinh tế Trung Quốc có thể cải thiện giúp chia phần cho mỗi người tốt hơn, nhưng nếu chiếc bánh không ngừng nhỏ đi làm cho áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, thì sản phẩm mà người tiêu dùng nhận được cũng theo xu thế kém đi, nhà cung cấp sẽ không thể cung cấp sản phẩm tốt hơn cho Pinduoduo, đây là tình trạng đang diễn ra với Pinduoduo”.
Từ khóa Amazon thương mại điện tử Pinduoduo Temu