Blog: Viễn cảnh ‘ngày tàn của Trung Quốc’ khiến doanh nhân Mỹ bỏ chạy
- Nghiêm Thuần Câu
- •
Ngoài yếu tố đối đầu chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, việc doanh nhân Mỹ từ bỏ đầu tư vào Trung Quốc hiện nay còn dựa trên viễn cảnh ‘ngày tàn của Trung Quốc’.
Xung quanh Trung Quốc đang đầy xung đột quân sự, hàng ngày đều có tàu chiến và máy bay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xuất hiện ở eo biển Đài Loan, trong khi ĐCSTQ ở Biển Đông cũng đang leo thang xung đột với Philippines. Do Mỹ và Philippines có hiệp ước phòng thủ chung nên trong trường hợp xung đột thì Mỹ phải can thiệp. Ngoài ra còn phải kể Triều Tiên luôn tiềm ẩn khả năng cao mất kiểm soát từ Kim Jong-un gây ra xung đột quân sự Triều Tiên – Nhật Bản hoặc Triều Tiên – Hàn Quốc, khi đó Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành các bên tham chiến.
Các doanh nhân Mỹ có muốn đầu tư vào Trung Quốc cũng đang phải tạm hoãn chờ thời, vì đã đầu tư thì họ thường đầu tư lớn, nếu không may đến giai đoạn thu hồi vốn mà nổ ra xung đột Mỹ – Trung Quốc thì khi đó công toi. Các nhà máy, công ty đầu tư không thể nói bỏ đi là đi được ngay, nếu ai may mắn trốn thoát thì việc kinh doanh sẽ biếu không cho ĐCSTQ, mọi khoản đầu tư sẽ bị mất, bao nhiêu năm vất vả sẽ trở nên vô ích. Trước khi đầu tư, các doanh nhân trước tiên phải cân nhắc giữa lãi và lỗ và xem xét tình huống xấu nhất, trong thời điểm khó khăn này, thà thận trọng và chờ đợi còn hơn là lạc quan mù quáng.
Cân nhắc đến yếu tố chiến tranh bùng nổ, việc các doanh nhân Mỹ giữ thái độ chờ đợi đối với đầu tư vào Trung Quốc là lẽ thường, người hiểu biết thì không đứng sau bức tường nguy hiểm, cho nên việc tạm ngừng đầu tư vào Trung Quốc của họ là lựa chọn hợp lý.
Ngoài ra, tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc nếu không nói là ảm đạm chưa từng thấy, thì cũng phải xem là không thấy ánh sáng. Bầu không khí chính trị xã hội Trung Quốc đang ảm đạm, nền kinh tế thì hoàn toàn mất cân bằng và thiếu sức sống, xã hội tiềm ẩn rất nhiều mâu thuẫn gay gắt, cho nên rối loạn chính trị trong tương lai xảy ra sẽ không đáng ngạc nhiên. Trong tình hình nội bộ đó của Trung Quốc thì triển vọng kinh doanh là gì? Mọi người đều biết rằng Đại Lục đã rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài, đầu tư kinh doanh trong bối cảnh đó sẽ như ‘chỉ mành treo chuông’!
Đầu tư nước ngoài không phải là mang tiền ra để chơi, mà đó là hy vọng tiền đẻ ra tiền, nhưng trong bối cảnh tình hình kinh tế Trung Quốc ngày càng tệ nên chắc chắn không phải là thời điểm tốt để đầu tư. Thà kiếm được ít còn hơn thua nhiều – đó là bản năng của doanh nhân.
Sau 40 năm cải cách, các doanh nhân nước ngoài giờ đây đã nhìn thấu bản chất của ĐCSTQ: Khi cần bạn thì họ gọi bạn là bố, khi không cần thì họ cho bạn nằm dưới gót giày; hôm nay có thể dùng một ít lợi nhuận để dụ bạn, ngày mai bạn có thể bị “quốc hữu hóa” vì nhiều lý do. Tóm lại đối với ĐCSTQ, cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh cũng là của tôi, ĐCSTQ có thể điềm nhiên lấy đi tài sản riêng của người khác mà không cần có lý do. Nếu không có bảo vệ pháp lý của nền kinh tế thị trường thì doanh nhân nước ngoài không thể có cảm giác an toàn, đã như vậy thì hà tất phải tự chui vào cái bẫy?
Các doanh nhân nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc, thứ nhất là vì chuỗi cung ứng giá rẻ, thứ hai là vì thị trường rộng lớn của Trung Quốc, bây giờ chuỗi cung ứng là vô vọng, còn Mỹ đang nỗ lực ngăn chặn công nghệ cao vào Trung Quốc và bảo vệ an ninh của chuỗi cung ứng. Việc các doanh nhân nước ngoài rút khỏi Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho Đông Nam Á, Ấn Độ và Mexico, là những nơi có trụ cột kinh tế tư nhân, pháp quyền ngày càng hoàn thiện, nhân công rẻ, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, vận chuyển sản phẩm tiết kiệm chi phí hơn… nên là những nơi lý tưởng để đầu tư hơn hẳn Trung Quốc.
Chuỗi cung ứng Trung Quốc không còn hy vọng, chỉ còn lại sức hút của thị trường tiêu dùng, nhưng nội lực thị trường này cũng không còn, giảm phát đã trở thành bình thường, tỷ lệ thất nghiệp cao, thu nhập bình quân giảm, tầng lớp trung lưu đã quay trở lại nghèo đói, mức tiêu dùng của hầu hết người dân Trung Quốc đang xuống thấp, tình trạng này rất khó cải thiện trong vòng 10 năm… , những nan đề đó khiến ai có thèm muốn thị trường Trung Quốc cũng phải ngán ngẩm. Hãy nhìn xem, ngay cả các doanh nhân địa phương ở Trung Quốc còn đang phải vật lộn để sinh tồn và đang tham gia vào cuộc chiến về giá bất kể chi phí, nói gì doanh nhân nước ngoài đến Trung Quốc xa lạ với văn hóa của đất nước này, bị phân biệt đối xử và không có lợi thế cạnh tranh với các nhà sản xuất trong nước, trong điều kiện như vậy mà muốn chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc thì chỉ có nằm mơ, việc họ bỏ chạy là đã cân nhắc những yếu tố bất lợi.
“Kế hoạch hành động thu hút đầu tư nước ngoài” được nhà cầm quyền ĐCSTQ đưa ra gần đây cho thấy hàng loạt những trò lặt vặt, theo đó phần lớn là nới lỏng một chút các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt trước đây xem như đó là ân huệ của nhà cầm quyền. Nhưng việc bạn muốn là một chuyện, người ta có đáp ứng hay không lại là chuyện khác – người ta đến hay không là xuất phát từ tính toán lợi ích cho người ta.
Từ góc độ chiến lược quốc gia, doanh nhân Mỹ sẽ không thể giúp ĐCSTQ thoát khỏi khó khăn; từ góc độ hoạt động kinh doanh, doanh nhân Mỹ sẽ không mạo hiểm tiền của họ. Tập Cận Bình có bộc lộ thiện ý đến đâu cũng không thể khỏa lấp hết ác ý mà bao nhiêu năm qua ông ta đã gây ra, gần đây lại bồi thêm Luật Phản gián và Luật Bí mật quốc gia, quan điểm Đảng cai quản tất cả cũng không thể thay đổi, bao nhiêu năm qua ĐCSTQ không ngừng đuổi cướp doanh nhân nước ngoài, hiện tại dùng lời mật ngọt dụ giỗ họ trở lại, đúng là không biết xấu hổ, nhưng giới doanh nhân nước ngoài đã nếm trải đủ những bài học…
Khung cảnh vắng vẻ tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay ở Trung Quốc phản ánh quan điểm của con người trong thế giới ngày nay. Các nền dân chủ đang không ngừng thịnh vượng, các nước độc tài đang kêu cứu, gần đây tình trạng bất ổn dân sự đã bắt đầu ở Cuba, và nước thân cộng sản nhất ở EU là Hungary cũng đang phải đối mặt khủng hoảng chính trị – tưởng tượng “ngày tàn Trung Quốc” theo đó cũng đã là xu thế phổ biến trên thế giới.
Trong trường hợp cực đoan, giả sử Tập Cận Bình đột nhiên có vấn đề tâm thần bất ngờ tuyên bố bỏ mọi luật chống người nước ngoài, một lần nữa chuyển sang kinh tế thị trường, bảo vệ tài sản cá nhân, công khai tài sản của quan chức, tự do hóa lập đảng, báo chí tự do, thực hiện Tây phương hóa toàn diện, thì liệu doanh nhân Mỹ có đến không? Tôi không nghĩ vậy, vì lúc này Trung Quốc hỗn loạn, các doanh nhân Mỹ đang đợi cho đến khi hỗn loạn qua đi và tình hình bình ổn lại. Vì vậy có thể nói việc Tập Cận Bình hy vọng doanh nhân Mỹ quay lại giúp đỡ mình chỉ là giấc mơ giữa ban ngày!
Từ khóa Nghiêm Thuần Câu kinh tế Trung quốc đầu tư nước ngoài