Bức ảnh “Phòng mổ toàn là tiền” gây bão MXH Trung Quốc
- Dịch Phàm, Vương Gia Nghi
- •
Vào đêm trước Tết Nguyên đán (1/2), bệnh viện Khang Hoa tại thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông bất ngờ trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Tại cuộc họp tổng kết cuối năm diễn ra vào ngày 21/1, một biểu ngữ có nội dung “Phòng mổ toàn là tiền!” đã được treo trong hội trường, phản ánh một cách trắng trợn hiện tượng chữa bệnh vì kiếm lời phổ biến trong các cơ sở y tế của Trung Quốc.
Như một bản tin hình ảnh, tính đến ngày 28/1, đã có hơn 150 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Trong hình là cảnh nhiều người cùng nhau ăn tối tại một hội trường, trên đó có băng rôn ghi “Oai hùm đón năm mới, phòng mổ toàn là tiền!” Các ký tự nhỏ bên dưới băng rôn là “Đại hội tổng kết phòng mổ bệnh viện Khang Hoa năm 2022.”
Bức ảnh đã gây ra sự chỉ trích rộng rãi trong dư luận: Bệnh viện vốn là nơi cứu người trong cơn nguy kịch, giờ đây lại trở thành nơi kiếm tiền và trục lợi, và đó là tiền của bệnh nhân. Nhiều cư dân mạng Trung Quốc để lại lời nhắn rằng “Phòng mổ toàn là tiền” là câu nói thật, đây là hiện trạng của các bệnh viện tại Trung Quốc.
Bệnh viện Khang Hoa, thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông là bệnh viện cấp 3 và là công ty con thuộc sở hữu của Công ty Y tế Khang Hoa (Guangdong Kanghua Healthcare – 03689), được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Theo cách phân loại bệnh viện của Trung Quốc, hạng A cấp 3 là bệnh viện có quy mô lớn nhất và điểm bình xét tổng hợp cao nhất.
Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2021 của Công ty Y tế Khang Hoa, doanh thu nửa đầu năm của công ty này là 870 triệu nhân dân tệ (NDT, 140 triệu USD). Trong đó doanh thu y tế nội trú chiếm khoảng 56% tổng doanh thu, vượt xa các dịch vụ khác.
Trong nửa đầu năm 2021, Bệnh viện Khang Hoa có 24.191 lượt bệnh nhân nội trú, tăng 16% so với năm trước, với mức chi tiêu trung bình là 16.525,3 NDT (khoảng 2.600 USD) cho mỗi người, và tổng thu nhập nằm viện khoảng 400 triệu NDT (63 triệu USD). Khám chữa bệnh nội trú thường liên quan đến phẫu thuật, điều này cho thấy phòng mổ của bệnh viện là khoa có lãi nhất.
Báo cáo tài chính nửa năm cũng cho thấy Bệnh viện Khang Hoa có các dịch vụ y tế dành cho khách VIP, và chi tiêu trung bình của mỗi bệnh nhân nội trú VIP là 36.378,5 NDT (khoảng 5.700 USD), cao hơn gấp đôi so với chi tiêu trung bình của chăm sóc y tế nội trú thông thường. Bệnh viện Khang Hoa có một tòa nhà tổng hợp dành riêng cho các dịch vụ y tế VIP, và nhu cầu dịch vụ này khá ổn định.
Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động công cuộc “công nghiệp hóa y tế” vào những năm 1990 (khi cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân nắm quyền), nhiều bệnh viện đã cung cấp các dịch vụ với các hạng và mức chi phí khác nhau, dịch vụ VIP là một trong số đó.
Bệnh viện Khang Hoa mở cửa vào tháng 11/2006. Mặc dù là một doanh nghiệp tư nhân nhưng nó đã có một “Đảng ủy” (cơ quan lãnh đạo của ĐCSTQ) từ năm 2007. Vào tháng Hai năm ngoái, Đảng bộ Bệnh viện Khang Hoa cũng được trao tặng danh hiệu Tổ chức Đảng “5 sao” của thành phố Đông Hoản năm 2020, và là cơ quan duy nhất của thành phố được trao tặng danh hiệu này.
Ngoài ra, nền tảng điều tra doanh nghiệp Trung Quốc “Qi Chacha” cho thấy Công ty TNHH Bệnh viện Khang Hoa Đông Hoản có liên quan đến 88 vụ án, phần lớn là do tranh chấp hợp đồng dịch vụ y tế và tranh chấp trách nhiệm bồi thường thiệt hại về y tế. Trong đó 24 vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ y tế là do công ty này đòi các khoản chi phí y tế mà các bị đơn nợ.
Trước sự chỉ trích mạnh mẽ từ ngoại giới, tài khoản WeChat của bệnh viện Khang Hoa Đông Hoản đã đưa ra một bản “thuyết minh tình hình” vào sáng sớm ngày 27/1, giải thích rằng một số nhân viên trong phòng mổ tại trung tâm của bệnh viện này đã “tự phát tổ chức” liên hoan. Để tạo không khí ăn uống thoải mái, một y tá đã treo biểu ngữ “tự chế” này.
Trên thực tế, những vụ việc tương tự đã xảy ra ở các thành phố khác tại tỉnh Quảng Đông. 10 năm trước, vào tháng 11/2012, một biểu ngữ dọc đã được treo trên bức tường bên ngoài tòa nhà Bệnh viện Nhân dân thành phố Ngô Xuyên, tỉnh Quảng Đông, có nội dung “Nhiệt liệt chúc mừng bệnh viện của chúng ta có số bệnh nhân nội trú vượt quá 40.000 người năm 2012.”
Tháng 2/2020, Bệnh viện Nhân dân số 2 của thành phố Thâm Quyến đã đăng một bài báo có tựa đề “Nhiệt liệt chúc mừng khoa phẫu thuật lồng ngực đạt vượt mức 1.000 ca vào năm 2020.”
Nhà bình luận thời sự Vương Đới nói với Epoch Times rằng với tư cách là một doanh nghiệp, lợi nhuận của một bệnh viện là điều dễ hiểu. Nếu tiền là tối quan trọng, thậm chí là hám lợi, thì rất đáng sợ, đó là nơi mà tính mạng con người bị đe dọa.
Ông Vương Đới tin rằng dưới sự cai trị của ĐCSTQ, toàn bộ xã hội đang ở trong tình trạng suy đồi đạo đức, và bệnh viện chỉ là một mô hình thu nhỏ. Ông cũng nói rằng “công nghiệp hóa y tế” của ĐCSTQ là chất xúc tác khiến bệnh viện sa sút.
Kể từ khi ĐCSTQ thực hiện công nghiệp hóa y tế, viện phí đã thay đổi theo nhiều cách khác nhau và mọi người thường phản ứng rằng việc điều trị y tế ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Vì vậy, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở được gọi là “3 ngọn núi lớn” sánh ngang nhau.
Gia Cát Minh Dương, một nhà văn độc lập, cho biết: “Mặc dù hệ thống y tế ở xã hội phương Tây không thể nói là hoàn hảo, nhưng mục đích ‘trị bệnh và cứu người’ luôn được đặt lên hàng đầu. Đối với những bệnh nhân cấp cứu, viện phí sẽ luôn được thảo luận sau khi xuất viện. Nếu bệnh nhân không có bảo hiểm y tế cũng như không có khả năng tài chính để thanh toán các chi phí, thì cuối cùng các tổ chức từ thiện hoặc chính phủ liên bang sẽ chi trả.”
Nhà văn Gia Cát Minh Dương nói rằng dưới sự cai trị của ĐCSTQ, việc “trị bệnh cứu người” từ lâu đã trở thành “chữa bệnh vì tiền”. Hiện nay, hiện tượng “thiếu một xu cũng không đỡ đẻ”, “thiếu một xu cũng không cấp cứu” tại các bệnh viện của Trung Quốc là một sự báng bổ đối với chủ nghĩa nhân đạo!
Theo Dịch Phàm, Vương Gia Nghi / Epoch Times
VIDEO: Video bí mật phơi bày tội ác thu hoạch tạng tại Trung Quốc
Xem thêm:
Từ khóa Y tế Trung Quốc