Câu chuyện bố ông Tập Cận Bình khóc suốt hai tiếng trong ngày sinh nhật con
- Tuyết Mai
- •
Ngày 15/6 là ngày sinh nhật của lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khi cùng ông Tập Cận Bình gặp nhau tại Bắc Kinh đã có lời chúc mừng sinh nhật ông Tập. Nhân dịp này, câu chuyện người cha Tập Trọng Huân đã khóc suốt hai tiếng vào ngày sinh nhật lần thứ 23 của ông Tập Cận Bình lại một lần nữa được một số cơ quan truyền thông ngoài ĐCSTQ nhắc đến.
Ngày 15/6/2018 là sinh nhật lần thứ 65 của ông Tập Cận Bình. Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã gặp ông Tập cùng các quan chức cấp cao ĐCSTQ tại Bắc Kinh, ông Pompeo đã có lời chúc sinh nhật ông Tập sớm hơn một ngày. Tuy nhiên những cơ quan truyền thông quan trọng nhất của ĐCSTQ như Tân Hoa xã và Nhân dân Nhật báo đều không có chút thông tin gì về sinh nhật của ông Tập.
Vào hai năm trước đã có trang Weixin Trung Quốc đại lục đăng bài viết của tác giả Dương Bính (Yang Bing) là “bạn vong niên” của ông Tập Trọng Huân, bài viết chỉ ra: Dịp sinh nhật thứ 23 của ông Tập Cận Bình, ông Tập Trọng Huân đã khóc suốt hai giờ đồng hồ.
Qua bài viết trên tờ “Người già Sống vui” (laoren.com) của Dương Bính có tựa “Bạn vong niên của Tập Trọng Huân kể chuyện tình cảm cha con nhà họ Tập”, tác giả đã kể lại ông và ông Tập Trọng Huân đều bị đưa đi lao động tại Lạc Dương tỉnh Hà Nam, vì thế họ thành bạn vong niên.
Vào hơn 8 giờ tối một ngày tháng 6/1976, Dương Bính đến nơi ở của ông Tập Trọng Huân tại một khu vực thuộc nhà máy vật liệu chịu lửa (Refractory) ở Lạc Dương, căn nhà tổng diện tích chỉ gần 40 mét vuông bao gồm một phòng ngủ, nơi tiếp khách, nhà bếp.
Khi ông Dương Bính đẩy cánh cửa vào thì trông thấy ông Tập Trọng Huân ngồi cúi gằm khác thường bên cạnh bàn bát tiên, không buồn ngước lên nhìn ông, cũng không chào hỏi, trên khuôn mặt vẫn còn vệt nước mắt. Trên bàn có đĩa đậu phộng rang, một cái ly và bình rượu trắng.
Sau giây lát, ông Tập Trọng Huân chỉ ông đi vào nhà bếp lấy cái ly để cùng nhau uống rượu, và nói nghẹn ngào: “Hôm nay là sinh nhật thằng lớn Cận Bình, ông đến thì cùng tôi uống một ly, chúc sinh nhật cho nó”. Ông vừa nói vừa lau nước mắt vài lần: “Vì tôi và thằng lớn Cận Bình đúng là thập tử nhất sinh!”
Dương Bính nhớ lại, đêm hôm đó ông Tập Trọng Huân đã khóc liền hơn hai tiếng, vừa khóc vừa thường nhắc lại câu “xin lỗi các con, xin lỗi tất cả mọi người trong nhà”.
Qua lời kể của Tập Trọng Huân mà Dương Bính biết thời niên thiếu của Tập Cận Bình trải qua trong đọa đày khác người.
Khi mở đầu “Cách mạng Văn hóa”, ông Tập Cận Bình mới có 13 tuổi, nhưng đã chỉ vì một vài lời nói chống lại “Cách mạng Văn hóa” mà bị liệt vào “phần tử phản cách mạng”, bị giam giữ tại Trường Đảng Trung ương.
Khi trường Đảng mở đại hội lên án “5 đối tượng phe tư bản”, 5 người đầu là người lớn, người cuối cùng chính là ông Tập Cận Bình nhỏ tuổi nhất, những người bị đấu tố phải đội chiếc mũ cao làm bằng sắt, do mũ quá nặng quá khả năng chịu đựng của ông Tập Cận Bình, khiến ông Tập phải dùng hai tay cố sức nâng đỡ để chịu đựng.
Người mẹ của ông Tập Cận Bình là bà Tề Tâm bị buộc phải giơ tay lên và hô vang khẩu hiệu đả đảo con trai mình. Sau khi màn đấu tố kết thúc, hai mẹ con cũng không thể được gặp nhau.
Vào một đêm mưa lớn, thừa lúc các lính canh không chú ý, ông Tập Cận Bình nhảy ra khỏi cửa sổ và chạy về nhà. Trong lúc đang đói bụng, ông Tập Cận Bình muốn mẹ Tề Tâm làm chút đồ ăn, nhưng người mẹ không muốn bị bắt vì “bao che phản cách mạng” khiến hai con Tập Viễn Bình và An An rơi vào cảnh không ai chăm sóc, thế là bà Tề Tâm bỏ đi ngay trong khi trời mưa to để báo cáo lãnh đạo, trong khi ông Tập Cận Bình không hiểu rõ tình hình.
Ông Tập Cận Bình “khóc lóc tuyệt vọng khi gặp em gái An An và anh trai Tập Viễn Bình, sau đó tuyệt vọng chạy vào đêm mưa”.
Cuối cùng, một ông già canh gác công trường xây dựng tại Di Hòa Viên đã giúp đỡ ông Tập. Ngày hôm sau, ông già bị bắt đi cải tạo lao động tại Trại Thiếu Quan.
Tháng 1/1969, ông Tập Cận Bình chưa đầy 16 tuổi đã bị bắt vào Đội sản xuất Lương Gia Hà ở huyện Diên Xuyên phía bắc Thiểm Tây, cuộc sống ở đó khổ đến mức ông Tập thường xuyên mất ngủ vì đói vì lạnh. Khi em trai Tập Viễn Bình đến thăm, chỉ trong một ngày đã bị phát mụn nước khắp người, nguyên nhân vì ông Tập Cận Bình muốn ngăn bọ chét cắn nên đã rắc một lớp dày bột 666 dưới chiếu trải giường lò đất, quanh năm suốt tháng ông Tập ngủ trên lớp bột 666 đó.
Sau sự việc, Tập Cận Bình đã liên tục xin lỗi em trai, dặn em về nhà đừng kể lại cho mẹ biết. Nhưng khi trở về nhà, người em Tập Viễn Bình vẫn kể cho mẹ, vì khi đó thân thể Tập Viễn Bình đầy thương tích lở loét, người mẹ thấy cảnh đã khóc lóc đau khổ.
Tập Cận Bình đã phải lao động 7 năm ở thôn Lương Gia Hà, không việc lao động nặng nhọc nào không làm qua (làm ruộng, kéo than, đắp đập, gánh phân…).
Trong bài viết Dương Bính kể, sau một tháng kể từ ngày sinh nhật thứ 23 của Tập Cận Bình, Tập Trọng Huân đã cho gọi Tập Cận Bình và Tập Viễn Bình đến Lạc Dương, ông nói với Dương Bính: “Nhờ cậu dẫn Viễn Bình ra ngoài chơi giúp tôi, tôi có chuyện muốn nói với Cận Bình.”
Hôm đó Dương Bính đưa Tập Viễn Bình đi xem phim đến gần 12 giờ trưa mới trở lại nhà. Thời điểm đó Tập Viễn Bình chưa đầy 20 tuổi, là con út trong nhà, cậu ta vừa bước vào nhà đã kể đủ thứ chuyện, nói như không để cho ai nói. Lúc này Dương Bính đã hiểu lý do tại sao người cha nhờ ông đưa Dương Bính ra ngoài chơi.
Khi chỉ còn hai người ở nhà, Dương Bính nói với Tập Trọng Huân rằng đối xử khác với hai đứa con, ông Tập Trọng Huân đã không phủ nhận, ông nói: “Chúng (Tập Cận Bình và Tập Viễn Bình) trong tương lai không đi chung con đường”.
Trong Tiểu sử Tập Trọng Huân có ghi lại: “Tập Trọng Huân gia phong nghiêm khắc, trong con mắt nhiều người có vẻ ông là con người lạnh lùng”.
Trong màn đấu tranh chính trị liên miên của ĐCSTQ, ngay cả một nguyên lão như Tập Trọng Huân cũng phải sống trong sợ hãi. Ông chỉ cho phép mình Tập Cận Bình đi theo chính trị, cũng chỉ dạy cho con biết con đường làm quan phải như thế nào.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Tập Cận Bình Tập Trọng Huân