Chiến tranh thương mại: TQ tìm cách khơi dậy tình cảm yêu nước của người dân
- Huệ Anh
- •
Sau khi Bắc Kinh công bố biện pháp trả đũa thuế quan của Mỹ hôm 13/5, truyền thông của nhà nước Trung Quốc cũng bắt đầu ra sức châm ngọn lửa khơi dậy tình cảm yêu nước của người dân. Có nhận định cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang có thể làm tăng khả năng diễn biến thành cuộc chiến kinh tế trường kỳ.
Ngày 9 – 10/5, vòng đàm phán thương mại Mỹ – Trung thứ 11 đã kết thúc một cách vội vàng và không có bất cứ đột phá nào. Nhật báo Phố Wall (WSJ) đưa tin, ngày 10/5, sau khi Tổng thống Trump nâng thuế quan từ 10% lên 25% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, hai bên Mỹ – Trung đã không còn bất cứ hy vọng nào trong lần đàm phán này, mục đích duy nhất của đàm phán chủ yếu là tránh bị đổ bể hoàn toàn.
Mồi lửa khiến ông Trump tăng thuế quan là công điện ngoại giao được Bắc Kinh gửi cho phía Mỹ tối ngày 3/5, nội dung về việc tiến hành sửa đổi có hệ thống đối với bản dự thảo cam kết thương mại Mỹ – Trung. Trong 7 chương mục của bản thảo cam kết thương mại, phía Trung Quốc đã xóa bỏ cam kết sửa đổi luật để giải quyết những phàn nàn quan trọng của Mỹ về cách làm trong thương mại của Trung Quốc, hất đổ thành quả mà hai bên đã đạt được trong 10 tháng đàm phán. Nội dung bị xóa bỏ gồm có: đánh cắp sở hữu trí tuệ, đánh cắp bí mật thương mại, cưỡng chế chuyển giao công nghệ, chính sách cạnh tranh, tiếp cận dịch vụ tài chính và thao túng tiền tệ.
3 điều kiện thấp nhất của Bắc Kinh
Bắc Kinh cho rằng những điều kiện của Mỹ khiến họ mất hết mặt mũi. Hôm 10/5, sau cuộc đàm phán với Mỹ, Phó Thủ tướng Lưu Hạc – người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc lần đầu tiên nêu ra 3 giới hạn thấp nhất của Trung Quốc: (1) Sau khi đạt được thỏa thuận, Mỹ phải hủy bỏ toàn bộ thuế quan đã tăng trước đó trong một lần; (2) Số tiền mua hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc cam kết phải phù hợp với thực tế; (3) Cải thiện tính cân bằng trong văn bản cam kết.
Ông Lưu Hạc nói, trong vấn đề liên quan đến điều kiện thấp nhất trong các nguyên tắc này, phía Trung Quốc tuyệt đối không nhượng bộ.
Phân tích về 3 điều kiện
Học giả Lịch sử Văn hóa Văn Chiêu (Wen Zhao) phân tích, năm ngoái, phía Trung Quốc cam kết giảm thâm hụt thương mại Mỹ – Trung mỗi năm 200 tỉ USD, cách hiểu của phía Mỹ là Trung Quốc dùng số tiền 200 tỉ USD để mua hàng hóa Mỹ, còn Trung Quốc lại chơi chữ, cho rằng giảm thâm hụt thương mại mỗi năm 200 tỉ USD không đồng nghĩa với việc lấy 200 tỉ USD ra mua hàng Mỹ, điều này khiến cho hai bên giằng co.
Về phương diện hủy bỏ thuế quan, Mỹ muốn giữ lại một phần thuế quan để đảm bảo phía Trung Quốc chấp hành đúng cam kết.
Tính cân bằng của văn bản cam kết có nghĩa là, phía Trung Quốc không cho phép phía Mỹ có quyền lực đơn phương trong cam kết, ví dụ như đơn phương thẩm tra việc chấp hành cam kết, đơn phương đưa ra kết luận, có quyền quyết định khôi phục thuế quan.
Dựa vào lịch sử chấp hành cam kết không tốt bấy lâu nay của Trung Quốc, Văn Chiêu cho rằng, trong phương diện hủy bỏ thuế quan và tính cân bằng của văn bản cam kết, phía Mỹ có thể đưa ra một nhượng bộ, nhưng không thể đồng thời hủy bỏ thuế quan.
Truyền thông nhà nước muốn “chiến đấu để mở ra vùng trời mới”
Cùng với đó, các kênh truyền thông lớn của chính quyền Trung Quốc cũng bắt đầu mở hết tốc lực, chỉ trích Mỹ nâng thuế quan, nhưng lại tránh nhắc đến nguyên nhân dẫn đến tăng thuế. Trong chương trình thời sự hôm 14/5 của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, người dẫn chương trình nói, “Dân tộc Trung Hoa trải qua 5000 năm đầy sóng gió, có tình thế nào mà chưa gặp qua”, “Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà Mỹ phát động, chẳng qua chỉ là một chướng ngại trong tiến trình Trung Quốc phát triển, không có gì quá ghê gớm, Trung Quốc cần kiên định niềm tin và đương đầu khó khăn, hóa giải nguy cơ, chiến đấu mở ra vùng trời mới”.
Nhiều bài bình luận trên các kênh truyền thông nhà nước khác cũng nhắc đến việc Trung Quốc sẽ không khuất phục dưới mọi áp lực từ Mỹ.
Tờ Financial Times đưa tin nói rằng, sự nâng cấp ngôn luận của chính quyền Bắc Kinh là vì để tăng cường sự ủng hộ trong nước cho cuộc chiến tranh lâu dài với Mỹ.
Steve Bannon: Đây là cuộc chiến kinh tế
Hôm 7/5, cựu cố vấn Nhà trắng Steve Bannon cho biết, đây không phải là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, thực tế là cuộc chiến tranh kinh tế. Cuộc chiến kinh tế giữa đảng Cộng sản Trung Quốc và Mỹ đã diễn ra 20 – 25 năm. Chính quyền Trung Quốc đã lấy công nghệ của Mỹ, đánh cắp sở hữu trí tuệ, lợi dụng trợ cấp doanh nghiệp nhà nước để cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân Mỹ, những điều này cần phải dừng lại. Đàm phán thương mại khó khăn như vậy, là vì Bắc Kinh đều dùng cách làm như đối với chính quyền Bill Clinton, George W. Bush, Obama. Trước tiên là đạt được thỏa thuận, sau đó là lật lọng, và lần này họ lại diễn lại trò cũ.
Bannon nói, thực tế Tổng thống Trump muốn tăng thuế quan 25% đối với tất cả hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ, nhiều danh mục thuế vẫn đang được chuẩn bị.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định vị lại
Có bằng chứng cho thấy, rất nhiều công ty đang tiến hành định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Paul Triolo, Trưởng phòng phân tích chính sách công nghệ toàn cầu của Eurasia Group cho biết, hiện nay các công ty trong lĩnh vực công nghệ và thông tin đã bắt đầu tách khỏi chuỗi cung ứng ban đầu, tình hình này cũng xuất hiện trong các ngành nghề như đồ gia dụng, may mặc, nông nghiệp.
Ông nói, các công ty công nghệ của Mỹ đã bắt đầu dừng các khoản đầu tư mới vào các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc và chuyển chuỗi cung ứng sang Đông Nam Á và các quốc gia khác, hiện tại các bộ phận dễ đều được chuyển đi. Tuy nhiên, các sản phẩm điện tử tiên tiến thì tình hình phức tạp hơn nhiều.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, đây là một quá trình lâu dài và khó khăn.
“Những chuỗi giá trị và mạng lưới cung ứng có mức độ chuyên nghiệp hóa cao, và có đặc tính riêng”, ông Scott Miller – cố vấn cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế nói, “Công ty A và công ty B có thể cùng một lĩnh vực, nhưng cách tổ chức chuỗi cung ứng của họ có thể rất khác nhau”.
“Còn về suy nghĩ ‘tách khỏi chuỗi cung ứng cũ’, nếu một công ty cần công việc lắp ráp quy mô lớn, vậy thì việc thay thế chuỗi cung ứng tại Trung Quốc là rất khó”, Scott Miller nói, “không phải là không thể, nhưng mà là cần phải làm rất nhiều công việc”. Nếu một công ty đã xây dựng được một mạng lưới chuỗi cung ứng đủ tiêu chuẩn tại Trung Quốc, thì việc thay thế sẽ càng khó hơn. Thay thế mạng lưới cung ứng này không phải là việc như gạt một cái công tắc, ông nói “xây dựng một chuỗi cung ứng cần phải có thời gian, công sức và tài chính”.
Các nhà kinh tế học cũng cảnh báo, nếu thực sự xảy ra tình huống này, thì hai nước Trung – Mỹ đều sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, dù là ở cấp độ kinh tế vĩ mô hay hay vi mô.
Huệ Anh
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh thương mại đàm phán thương mại Mỹ Trung cam kết thương mai