Tin hot Weibo: Trung Quốc thông báo có 4 tàu chìm ở Vịnh Bắc Bộ
- Dương Thiên Tư
- •
Thông tin Cục An toàn Hàng hải Bát Sở (Basuo) Trung Quốc đưa ra cảnh báo hàng hải vào ngày 12/7, “Có 4 tàu bị chìm ở Vịnh Bắc Bộ, các tàu thuyền xin hãy chú ý” đã lọt vào danh sách tìm kiếm nóng trên Weibo trong ngày 13/7. Tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines gần đây đang leo thang. Vào tháng 3 năm nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở chiến trường mới ở Biển Đông, và mục tiêu là Việt Nam.
4 tàu bị chìm ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ
Theo tin tức đăng trên trang web Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc ngày 12/7, giờ địa phương, Cục An toàn Hàng hải thị trấn Basuo (Basuo là một thị trấn nằm ở phía Tây tỉnh Hải Nam, Trung Quốc) đã đưa ra cảnh báo dẫn đường: Qiong Hang Jing 72/24, Vịnh Bắc Bộ, theo báo cáo, ở vị trí gần đúng 1) 19-11.3N/107-49.85E; 2)19-18.19N/107-53.90E; 3)19-21.53N/107-49.84E; 4)19-14.20N/107-42.01E có 4 tàu bị chìm ở gần đó, xin các tàu hãy chú ý.
Thông báo chính thức này không tiết lộ nhiều thông tin, nhưng nó đã đứng đầu danh sách xu hướng tìm kiếm trên Sohu ngày 13/7. Cư dân mạng Trung Quốc Đại Lục liên tục bàn tán: “Chữ ít nhưng là việc lớn đấy!”
Một số cư dân mạng đăng bài nói rằng: “Thành thật mà nói, thông tin này được đưa ra mà không có đầu đuôi, mọi người đều trong tâm trạng hoang mang, 4 chiếc tàu bị chìm cùng một lúc, lý do gì khiến chúng bị chìm cũng không nói rõ, chỉ nhắc nhở các tàu đi qua chú ý an toàn.”
Cư dân mạng Đại Lục phân tích đánh giá theo thời gian công bố thông tin trên trang web chính thức của Cục An toàn Hàng hải, nó được phát hành lúc 9h18 sáng ngày 12/7, điều này ít nhất cho thấy thông tin vụ đắm tàu đã xảy ra một hoặc hai ngày trước. Điều kỳ lạ nhất là một lần 4 tàu chìm, vụ việc này gây chú ý rất lớn, tất nhiên mọi người đều bối rối, rốt cuộc đó là tàu buôn bình thường bị chìm hay là loại nào khác? Hơn nữa lại là 4 con tàu một lúc, khiến người ta rất khó hiểu. Cư dân mạng đánh dấu vị trí xảy ra vụ tai nạn dựa trên các điểm tọa độ của thông tin cảnh báo dẫn đường. Mấu chốt là 4 điểm đó rất tập trung, điều này cho thấy ít nhất thì khoảng cách giữa 4 con tàu bị chìm là khá gần nhau.
Hôm 12/7, tài khoản Weibo “Trung Quốc Quân Hiệu” đã đưa ra thông tin liên quan. Quân đội Trung Quốc và Nga tham gia cuộc tập trận chung đã tập trung tại một cảng quân sự ở Trạm Giang, Quảng Đông. Chủ đề của cuộc tập trận này là “Phản ứng chung trước các mối đe dọa an ninh trên biển” và được chia thành 3 giai đoạn: tập trung quân, quy hoạch cảng và diễn tập trên biển. Theo kế hoạch, giai đoạn diễn tập trên biển sẽ tập trung vào trinh sát và cảnh báo chung sớm, tấn công trên biển chung, phòng không và chống tên lửa chung cùng các chủ đề khác.
“Tuy nhiên, đây là thông tin đã hoàn thành tập trung quân. Nó không cho thấy cuộc tập trận chung đã chính thức bắt đầu và cũng rất trùng khớp với thời gian cảnh báo hàng hải do Cục An toàn Hàng hải Basuo đưa ra, khi thông tin chỉ rõ “4 tàu bị chìm”, các tàu tham gia tập trận chung vừa hoàn tất tập trung, không đến nỗi dự đoán trước 4 tàu mục tiêu đấy chứ?
Hơn nữa, Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, mặc dù thực sự rất gần đảo Hải Nam. Khi tôi nhập ngũ, điểm dừng cuối cùng của tôi là đảo Hải Nam, và phải đi phà từ Trạm Giang, nhưng về lý thuyết thì khu vực diễn tập có lẽ chính là gần Trạm Giang. Cuối cùng có người đã kiểm tra thông diễn tập quân sự chung được công bố vào ngày 11/7, theo đó từ ngày 15 đến ngày 16/7, sẽ có các cuộc tập trận ở phía đông đảo Hải Nam, tuy nhiên vị trí tàu chìm nằm ở phía Tây, khả năng bắn mục tiêu toàn cảnh trên đảo Hải Nam thực sự là rất thấp, và thời gian diễn tập quân sự được nhắc đến vào ngày 15/7, rõ ràng là thời gian không khớp.”
Phân tích của chuyên gia: Tại sao ĐCSTQ vẽ đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ?
Sau khi bùng nổ tranh chấp và xích mích giữa ĐCSTQ và Philippines ở Biển Đông, Bắc Kinh đã mở chiến trường mới ở Biển Đông vào tháng 3/2024, và mục tiêu là Việt Nam.
Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã ra tuyên bố về đường cơ sở của lãnh hải phía bắc Vịnh Bắc Bộ vào đầu tháng 3 năm nay, cho rằng nguồn gốc pháp lý của đường cơ sở này xuất phát từ “Luật về lãnh hải và vùng tiếp giáp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được thông qua vào tháng 2/1992, do đó đường cơ sở lãnh hải phía bắc Vịnh Bắc Bộ đã được công bố, đồng thời liệt kê một loạt đường thẳng nối liền các điểm cơ sở liền kề.
Ngày 14/3, Bộ Ngoại giao Việt Nam kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như các quyền và lợi ích của các nước khác nhằm đáp lại tuyên bố của ĐCSTQ hồi đầu tháng 3 về “đường cơ sở lãnh hải” ở phía bắc Vịnh Bắc Bộ.
Vịnh Bắc Bộ nằm trong vùng biển nhạy cảm giữa lãnh thổ Trung Quốc và Việt Nam. Khu vực này là vùng nước có tầm quan trọng chiến lược đối với cả hai nước trong nhiều năm.
Reuters bình luận, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã đến thăm Hà Nội vào tháng 12 năm ngoái, hai bên đã nhất trí tiến hành tuần tra quân sự chung ở Vịnh Bắc Bộ. Việt Nam và Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 2 cuộc tuần tra chung ở vùng biển này vào năm 2024. Vậy tại sao Trung Quốc lại có hành động về vấn đề Vịnh Bắc Bộ vào thời điểm này?
Trang web BBC tiếng Trung dẫn lời ông James R. Homes, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, người đã phân tích rằng các hành động của ĐCSTQ đều có thể truy nguyên được trong lịch sử. Ông tin rằng có một khuôn mẫu trong chiến lược của ĐCSTQ ở Biển Đông, có thể bắt nguồn từ ít nhất là từ những năm 1970, khi Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam và miền Nam Việt Nam đang trên bờ vực thất thủ. Lực lượng hải quân và dân quân biển của ĐCSTQ có cơ hội chiếm một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa từ phía Nam Việt Nam vì lúc đó Trung Quốc nhận định rằng Mỹ sẽ không quay lại khu vực này để chiến đấu. Mô hình này tái diễn với sự cố Đá Vành Khăn vào những năm 1990 và với các hoạt động cải tạo đảo vào những năm 2010.
Giáo sư Holmes nói với các phóng viên: “ĐCSTQ sẽ đợi cho đến khi đối thủ của họ bị cô lập khỏi sự hỗ trợ từ bên ngoài.” Nói cách khác, ĐCSTQ sẽ đợi khi đối thủ bận rộn ở nơi khác thì mới hành động, cuối cùng là để tạo ra “sự thực đã rồi”, sau đó thách thức đối thủ xem họ có dám dùng vũ lực để đảo ngược kết quả mà ĐCSTQ giành được hay không: “Bắc Kinh thấy Mỹ bị mắc kẹt từ Đông Địa Trung Hải đến Biển Đỏ, rồi đến Ấn Độ Dương. Giới lãnh đạo ĐCSTQ có thể tin rằng bây giờ là thời điểm thích hợp để hành động.”
Phân tích của ông Holmes về việc mở rộng sức mạnh biển của ĐCSTQ có thể liên quan đến sự chú ý của tuần trước đối với tiến độ đóng tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc. Tờ Lianhe Zaobao của Singapore cho biết, tàu sân bay thứ tư của Trung Quốc được đồn đại là chạy bằng năng lượng hạt nhân và lớn hơn tàu sân bay “Phúc Kiến” đã được hạ thủy, cho thấy rõ rằng Trung Quốc không ngừng mở rộng sức mạnh trên biển.
Vùng Vịnh có tầm quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự.
Tiến sĩ Satoru Nagao, chuyên gia quân sự Nhật Bản và là nhà nghiên cứu không thường trú tại Viện Hudson, cơ quan cố vấn ở Washington, Mỹ, phân tích với trang BBC tiếng Trung rằng xét về vị trí chiến lược, đảo Hải Nam cạnh Vịnh Bắc Bộ là mấu chốt của tranh chấp này.
Ông nói: “Đối với Trung Quốc, đảo Hải Nam là pháo đài quân sự của Quân đội ĐCSTQ, và vị trí địa lý của Việt Nam có thể đe dọa đến ĐCSTQ. Vì vậy, để bảo vệ đảo Hải Nam, Bắc Kinh hy vọng mở rộng khu vực để phát hiện các cuộc tấn công, đây có thể là nguyên nhân chính dẫn đến việc mở rộng lực lượng quân sự quanh đảo Hải Nam thời gian gần đây.”
Ông Satoru Nagao phân tích với BBC rằng tầm quan trọng của đảo Hải Nam đối với Trung Quốc là hòn đảo này có thể bảo vệ các thành phố ven biển của Trung Quốc. Để bảo vệ các thành phố ven biển của mình, Trung Quốc đang xây dựng nhiều đảo, rạn san hô nhân tạo ở Biển Đông và triển khai các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa tới lục địa Mỹ.
“Nếu họ phát triển thành công tên lửa Julang-3, đảo Hải Nam sẽ là căn cứ hỗ trợ để đạt được mục tiêu này”. Ông Satoru Nagao cho biết, hầu hết các tài sản hàng không và hải quân của Quân đội Cộng sản Trung Quốc đều nhận được sự chi viện từ đảo Hải Nam. Hơn nữa, để triển khai lực lượng hải quân đến Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đảo Hải Nam là căn cứ ngầm nơi các tàu hải quân có thể được sửa chữa và các tàu ngầm có thể được ẩn náu.
Tuy nhiên, ông Satoru Nagao nhấn mạnh, việc Hà Nội có khả năng tấn công đảo Hải Nam cũng là sự thực. Ông chỉ ra rằng nếu Việt Nam sở hữu tên lửa tầm xa có tầm bắn hơn 500 km thì đảo Hải Nam cũng sẽ nằm trong tầm bắn. Hơn nữa, Việt Nam hiện có 6 tàu ngầm lớp Kilo được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất Klub có tầm bắn là 300 km. Vì vậy, “Trung Quốc cũng sẽ lo ngại nếu tàu ngầm lớp Kilo tiến vào Biển Đông. Trong những năm gần đây, chiến thuật của Ukraine chống lại Nga cho thấy các cuộc tấn công chung của tàu không người lái, máy bay không người lái và tên lửa tầm xa là mối đe dọa rất lớn đối với tàu hải quân căn cứ.”
Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, nhấn mạnh với trang BBC tiếng Trung rằng việc tiếp tục đối thoại với Trung Quốc “dường như không mang lại bất kỳ triển vọng thiết thực nào, vì ĐCSTQ không có dấu hiệu kiềm chế”.
Dương Thiên Tư, Vision Times
Từ khóa biển Đông tàu Trung Quốc Hải quân Trung Quốc quan hệ Trung Quốc - Philippines Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam