Chuỗi cung ứng của Apple dần rời Trung Quốc, quan chức thay nhau xoa dịu
- Bình Minh
- •
Các quan chức cấp cao của Bộ Thương mại Trung Quốc và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã lần lượt gặp ông Tim Cook – Giám đốc điều hành của Apple, trao đổi quan điểm về các vấn đề như ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, toàn bộ chuỗi cung ứng của Apple đã dần di chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Theo một báo cáo từ The Beijing News, hãng truyền thông chính thức của Trung Quốc, ngày 28/3, ông Trịnh San Khiết (Zheng Shanjie) – Giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, đã gặp Tim Cook – Giám đốc điều hành của Apple Inc. của Hoa Kỳ.
Hai bên đã trao đổi quan điểm về các chủ đề như triển vọng của thị trường Trung Quốc và sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp.
Ông Trịnh San Khiết cho biết, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, gồm có Apple, trong hoạt động kinh doanh của họ tại Trung Quốc.
Nhóm thu nhập trung bình khổng lồ của Trung Quốc sẽ mang lại thị trường rộng lớn cho các công ty đa quốc gia gồm cả Apple. Ông hy vọng rằng Apple sẽ tiếp tục tích cực thực hiện các trách nhiệm xã hội của mình.
Chuyến thăm Bắc Kinh lần này của ông Cook chủ yếu là để tham gia cuộc họp thường niên “Diễn đàn cấp cao phát triển Trung Quốc 2023”. Đây cũng là lần đầu tiên ông đến thăm Trung Quốc sau 3 năm kể từ khi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát.
Ngày 27/3, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào (Wang Wentao) đã gặp ông Cook. “Hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề như sự phát triển của Apple tại Trung Quốc, và sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp”, thông cáo báo chí từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
Bộ trưởng nói rằng ông sẵn sàng cung cấp một môi trường và dịch vụ tốt cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm Apple.
Các quan chức cấp bộ của Trung Quốc đã lần lượt gặp Cook, chủ yếu là do việc chuyển chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp của Apple ra khỏi Trung Quốc đang tăng tốc.
Gần đây, Apple đã nộp đơn sang Ấn Độ xin cấp phép xây dựng nhà máy, và giúp 14 công ty trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc có được giấy phép, gồm các nhà cung cấp linh kiện của Apple khá nổi tiếng với người Trung Quốc, như Luxshare Precision, Sunny Optical. Thái độ của Apple đối với việc chuyển giao chuỗi công nghiệp sang Ấn Độ rất kiên quyết.
Việc chuyển giao chuỗi cung ứng của Apple chắc chắn sẽ có tác động sâu sắc đến ngành sản xuất của Trung Quốc. Những tác động này đã được bộc lộ ngay từ đầu, từ việc giảm đơn đặt hàng, tuyển dụng chậm lại cho đến việc di dời dây chuyền sản xuất.
Sau Tết cổ truyền là mùa tuyển dụng cao điểm. Nhưng năm nay, đối với hầu hết các công ty điện tử ở Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải và Thâm Quyến, ngành này đặc biệt ảm đạm.
Một phần nguyên nhân là do sự yếu kém toàn cầu trong thị trường điện tử tiêu dùng kéo dài từ năm ngoái, không có đơn hàng thì không có nhu cầu tuyển dụng.
Từ nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu đến nhà máy Luxshare Precision tại thành phố Cát An, tỉnh Giang Tây, cho đến các khu công nghiệp sản xuất khác nhau ở Giang Tô và Chiết Giang, các nhà quản lý đều có phản hồi chung rằng khách hàng đang liên tục chuyển trọng tâm sản xuất của họ sang Ấn Độ và Đông Nam Á.
Từ số lượng các công ty chuỗi cung ứng và công nhân của Apple tại Trung Quốc có thể thấy, việc chuyển năng lực sản xuất của Apple sang Ấn Độ, Việt Nam và những nơi khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngành sản xuất của Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, chuỗi cung ứng quốc tế đã trải qua những thay đổi, cho thấy các đặc điểm của “khử Trung Quốc hóa”.
Vào tháng 1, công ty sản xuất màn hình Trung Quốc BOE Technology – nhà cung cấp cho Apple Inc. và Samsung Electronics, đã lên kế hoạch đầu tư mạnh, xây dựng 2 nhà máy tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư có thể lên tới 400 triệu USD.
Kế hoạch này là nỗ lực của các công ty công nghệ, nhằm giảm rủi ro của chuỗi cung ứng với Trung Quốc, dẫn đầu là Apple Inc. có trụ sở tại Hoa Kỳ và nhà lắp ráp thiết bị Đài Loan Foxconn trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington, cũng như sự gián đoạn sản xuất do các biện pháp ngăn chặn COVID-19 của Trung Quốc gây ra.
Năm ngoái, Apple thông báo rằng họ sẽ yêu cầu các nhà cung cấp đẩy nhanh việc bổ sung dây chuyền sản xuất tại các quốc gia như Việt Nam và Ấn Độ. Sự việc này đã thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội đối với sự phát triển của chuỗi cung ứng quốc tế “khử Trung Quốc hóa”.
Giới quan sát cho rằng Apple đi đầu trong việc rời khỏi Trung Quốc có thể gây ra hiệu ứng domino trong tương lai.
Ông Stephen Ezell, Phó chủ tịch của Tổ chức Sáng tạo và Công nghệ Thông tin (ITIF), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Washington, nói với VOA rằng môi trường sản xuất của Trung Quốc đang trở nên kém hấp dẫn hơn. Đây là tác nhân thúc đẩy việc di dời các dây chuyền sản xuất.
“Apple có tác dụng dẫn đầu thị trường. Điều này có thể khiến nhiều ngành sản xuất công nghệ cao toàn cầu rời khỏi Trung Quốc,” ông cho biết.
Ngày 1/3, Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (AmCham China) đã công bố “Báo cáo Khảo sát Môi trường Kinh doanh Trung Quốc” năm 2023.
Chỉ 45% các công ty Mỹ được khảo sát coi Trung Quốc điểm đến đầu tư hàng đầu hoặc 1 trong 3 điểm đến đầu tư hàng đầu của họ, mức giảm lớn nhất trong lịch sử 25 năm của cuộc khảo sát. Nói cách khác, 55% số công ty Mỹ được hỏi không còn ưu tiên đầu tư vào Trung Quốc.
Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cho biết, theo khảo sát, mối quan hệ Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng đã nhảy vọt lên top 5 thách thức hàng đầu mà các công ty Mỹ ở Trung Quốc phải đối mặt trong 3 năm liên tiếp.
Từ khóa Thị trường Trung Quốc Tim Cook Apple