Chuyên gia: Hơn 30 triệu “nam thừa” tại Trung Quốc, mất cân bằng giới tính nghiêm trọng
- Mộc Vệ
- •
Thống kê về thực trạng hôn nhân gia đình của Trung Quốc chỉ ra nước này có hơn 30 triệu “nam thừa” (nam giới muốn kết hôn nhưng không thể vì nhiều nguyên nhân). Có chuyên gia cho hay, lý do là vì thực trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tỷ lệ giới tính bên cạnh vấn đề áp lực cuộc sống gia đình.
Về vấn đề này, Giáo sư Yuan Xin của Đại học Nankai là Phó chủ tịch Hiệp hội Nhân khẩu học Trung Quốc cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh kéo dài gần 40 năm ở Trung Quốc là lý do quan trọng trong vấn đề hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc hiện nay thiếu phụ nữ phù hợp độ tuổi kết hôn, đây là chuyện đã rồi.
Do tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao, đã ẩn chứa vấn đề xã hội chênh lệch số lượng nam và nữ trong độ tuổi kết hôn sau này, hiện vấn đề đã nổi rõ. Trong bối cảnh này, hiện nay vấn đề áp lực cuộc sống gia đình lại góp phần nổi cộm lên vấn đề giảm số người kết hôn, tăng tỷ lệ ly hôn, cần phải có chính sách xã hội chủ động giải quyết.
Ông cho hay, dù ở Trung Quốc hay các nước khác trên thế giới, trong hoàn cảnh bình thường, cứ 100 bé gái được sinh ra thì có 103 đến 107 bé trai được sinh ra. Trên bình diện quốc tế, tỷ lệ 103:107 được coi là giá trị bình thường của tỷ lệ giới tính khi sinh. Nhưng tại Trung Quốc kể từ những năm 1980, với việc thực hiện toàn diện chính sách “một con” của nhà cầm quyền Trung Quốc khiến tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh đã ngày càng tăng cao.
Trong cuộc điều tra dân số quốc gia lần thứ 3 của Trung Quốc vào năm 1982, tỷ lệ giới tính khi sinh của Trung Quốc là 108,5 [trên 100 đối với nữ], cao hơn mức trần giới hạn bình thường (107). Kể từ đó, tỷ lệ giới tính khi sinh của Trung Quốc không ngừng tăng lên, đạt giá trị cao nhất là 121,2 vào năm 2004. Cuộc điều tra dân số năm 2010 cho thấy tỷ lệ giới tính khi sinh của Trung Quốc là 118, vượt xa so với mức bình thường là 103 – 107.
Vấn đề nữa là quan niệm trọng con trai hơn con gái đã ăn sâu vào tâm trí một số người dân Trung Quốc, bối cảnh xã hội như vậy chịu tác động tiêu cực của kế hoạch hóa gia đình trước đây đã làm trầm trọng thêm mất cân đối về tỷ lệ nam và nữ trong dân số Trung Quốc.
Theo thông tin từ Thời báo Tài chính Anh (FT) đưa vào tháng 7/2011, số bé trai được sinh ra ở Trung Quốc nhiều hơn 20% so với bé gái. Theo điều tra tổng dân số Trung Quốc năm 2010 cho thấy nam nhiều hơn nữ 34 triệu – con số ‘nam thừa’ này tương đương với tổng dân số nam giới cả nước Pháp. Giáo sư Yuan Xin chỉ ra rằng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh này dẫn đến vấn đề xã hội “người độc thân thụ động”, theo đó ít nhất 30 triệu đàn ông trên khắp đất nước Trung Quốc không thể tìm được vợ trong nước Trung Quốc nếu họ muốn kết hôn.
Liên quan bất ổn xã hội
Giới chuyên gia Trung Quốc cũng chỉ ra những vấn đề xã hội liên quan như:
– Một là tính chất cạnh tranh của hôn nhân ngày càng gia tăng, theo đó gây vấn đề là sự gia tăng quà đính hôn (giá cô dâu), tính chọn lọc người kết hôn nâng cao và chi phí hôn nhân tăng cao.
– Thứ hai là vấn đề ổn định của gia đình sau hôn nhân sẽ bị thử thách, việc hơn 30 triệu nam giới không thể kết hôn cũng có thể dẫn đến tỷ lệ ly hôn tăng cao.
– Đồng thời, sự mất cân bằng về tỷ lệ nam và nữ có thể dẫn đến các vụ án về an ninh trật tự xã hội, thậm chí là các vụ án hình sự, ảnh hưởng đến ổn định xã hội; người độc thân khi bước vào tuổi già sẽ không có con cháu, vợ chồng, điều này làm tăng tính phức tạp và áp lực trong vấn đề xã hội chăm sóc người già.
Phó Giám đốc Wang Peian của Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa Gia đình Quốc gia của Trung Quốc cho hay, mất cân bằng giới tính sẽ là mối nguy hiểm tiềm ẩn lớn ảnh hưởng đến sự phát triển cân bằng của cơ cấu dân số, cũng như sự hài hòa và ổn định xã hội của Trung Quốc. Ông lưu ý: “Các vấn đề xã hội do kéo dài thực trạng tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao đã chuyển từ trạng thái ‘tiềm ẩn’ sang ‘nổi rõ’, tác động trực tiếp nhất là gây ra hiện tượng ‘áp lực hôn nhân’ – chỉ một số người khó lấy vợ hoặc chọn cách sống độc thân”.
Trong khi đó, Giáo sư Lu Yilong tại Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng, cơ cấu giới tính của dân số ở một mức độ nhất định gây ảnh hưởng đến thị trường hôn nhân, nhưng yếu tố ảnh hưởng quan trọng hơn là yếu tố kinh tế, xã hội và văn hóa: “Bản chất của vấn đề đàn ông dư thừa có liên quan vấn đề bất bình đẳng về kinh tế và xã hội. Đàn ông nghèo ở khu vực nông thôn nghèo và gia cảnh nghèo có nguy cơ rơi vào ‘khủng hoảng độc thân’ cao hơn”.
Chủ đề “hơn 30 triệu đàn ông độc thân” của Trung Quốc thu hút nhiều chú ý của xã hội nước này. Một bài viết trên Sina Finance có tựa đề “Dự án sưởi ấm giường cho những người đàn ông lớn tuổi là cần thiết” đã làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi trong cộng đồng mạng Trung Quốc. Bài viết chỉ ra nhiều đàn ông lớn tuổi ở nông thôn Trung Quốc không thể lấy vợ, thậm chí có làng còn trở thành “làng độc thân”, việc số lượng lớn đàn ông lớn tuổi độc thân là một vấn đề nghiêm trọng của xã hội Trung Quốc. Những lý do chính khiến khó tìm được vợ bao gồm: mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, chi phí hôn nhân cao, và các cô gái không muốn sống trong cảnh nghèo khó.
Số người đăng ký kết hôn ở Trung Quốc đang giảm dần qua từng năm và số người chưa kết hôn ngày càng tăng. Theo báo cáo thống kê hàng năm do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố, số lượng cuộc hôn nhân được đăng ký hợp pháp ở Trung Quốc đã giảm hàng năm từ 13,0674 triệu cặp đôi năm 2014 xuống chỉ còn 9,131 triệu cặp đôi vào năm 2020. Điều này cho thấy số người kết hôn ở Trung Quốc ngày càng giảm, quy mô nhóm người chưa kết hôn ngày càng tăng. “Báo cáo Hiện trạng phụ nữ Trung Quốc năm 2021” do công ty cung cấp dịch vụ giải pháp tổng thể nguồn nhân lực Zhaopin (Trung Quốc) công bố cho thấy về lý do của nhóm người không có kế hoạch kết hôn: đối với nữ có 64,1% cho biết “hôn nhân không phải là lựa chọn bắt buộc”, tiếp theo là “lo lắng về chất lượng cuộc sống do kết hôn” chiếm 43,5%; đối với nam giới, “điều kiện tài chính không hỗ trợ” là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 53,6%. Ngày 28/5/2020, tại họp báo kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa 13, ông Thủ tướng khi đó là Lý Khắc Cường cho hay, Trung Quốc là nước đang phát triển với dân số đông, thu nhập bình quân đầu người Trung Quốc hàng năm là 30.000 nhân dân tệ nhưng vấn đề là có tới 600 triệu người với thu nhập hàng tháng chỉ là 1000 nhân dân tệ, nếu sống ở một thành phố cỡ trung bình của Trung Quốc thì số tiền 1000 nhân dân tệ thậm chí chỉ vấn đề thuê nơi ở thôi cũng khó khăn. |
Mộc Vệ (t/h)
Từ khóa Xã hội Trung Quốc điều tra dân số Trung Quốc Thanh niên Trung Quốc Chính sách 1 con