Chuyên gia nói về hiện tượng cơn sốt đồ gốm cổ tại Trung Quốc
- Tôn Vân
- •
Theo CNN đưa tin ngày 21/3, gần đây một số đồ gốm sứ Trung Quốc “chưa từng được phát hiện” liên tục được chào bán với giá cao ngất ngưởng đã khiến nhiều người Trung Quốc đi lục tìm đồ trong nhà mình, hy vọng có thể phát hiện được “kho báu” ẩn giấu ở đâu đó.
Tại Trung Quốc, một số đồ gốm sứ vô tình được phát hiện đã khiến dân chơi trong lĩnh vực này vài năm qua trở nên bận rộn hơn. Tiêu biểu như chuyện có một cái tách mà nếu bày bán ở chợ trời thì chỉ vào khoảng 3 USD, nhưng vào năm 2013 tại một cuộc bán đấu giá ở New York đã bán được với giá 2,2 triệu USD (Đô la Mỹ).
Theo ông Nicolas Chow, Phó Chủ tịch hãng bán đấu giá Sotheby, chuyên phụ trách về sản phẩm nghệ thuật Trung Quốc cho biết, phát hiện này là một ngoại lệ, rất hiếm xảy ra.
Ông nói, giá những đồ gốm tinh xảo của Trung Quốc đang tăng cao, vì thế khiến cho một số sản phẩm hiếm thấy có cơ hội được phát hiện, nhưng nó đã khích lệ sự xuất hiện của hàng loạt sản phẩm nhái.
Ông Nicolas Chow từng nói, tại buổi bán đấu giá của Sotheby năm 2014 từng bán được một cái “tách gà” cỡ nhỏ vô cùng hiếm thấy với giá kỷ lục là 36 triệu USD. Sau đó nó đã trở thành thứ bị làm giả khủng khiếp nhất.
Trả lời phỏng vấn CNN, ông Nicolas Chow đã giải thích tại sao đồ gốm Trung Quốc lại đặc biệt như thế; khi đánh giá một đồ gốm cần chú ý gì, làm sao tránh được bị lừa gạt.
Phóng viên CNN hỏi “Tại sao đồ gốm sứ Trung Quốc trong lịch sử quan trọng thế?”. Ông Nicolas Chow trả lời rằng, vì nó trải qua cùng lịch sử hàng ngàn năm của Trung Quốc, theo thời gian dài thì kỹ thuật của Trung Quốc ngày càng tinh xảo hơn, vì thế mà nó có giá trị đặc biệt cao.
Nicolas Chow còn nói, truyền thống giám định và thu gom đồ gốm sứ Trung Quốc cũng đã có lịch sử lâu đời; từ triều Đường (thế kỷ 8) và triều Minh (thế kỷ 9 – 13) đã có nhiều học giả và nhà thơ ca ngợi trong các tác phẩm của họ. Điều này cũng liên quan đến truyền thống uống trà của người Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi điều gì làm cho một đồ gốm Trung Quốc trở nên đáng giá hơn những thứ khác, ông Nicolas Chow nhắc đến vài tiêu chí cần lưu ý: tính hiếm thấy, chất lượng, độ thẩm mỹ, tình trạng sản phẩm và nơi làm ra. Một tiêu chí khác nữa phải kể là giá trị lịch sử.
“Chén chim én” từ thế kỷ 18 bán đấu giá được 19,5 triệu USD vào năm 2006, phá kỷ lục thời điểm đó.
Với những người đang muốn trở thành nhà sưu tập đồ gốm sứ Trung Quốc, Nicolas Chow kiến nghị: “Hãy đi thăm các bảo tàng để nhận rõ cảm hứng của mình, sau đó mới tham gia triển lãm đấu giá. Lần đầu bạn không nhất định phải mua, nhưng đó là cơ hội giúp có thêm am hiểu. Dù không mua nhưng qua quan sát và tiếp xúc bạn có thể có thêm những cảm giác thú vị”.
Ông cũng khuyên những người muốn thu thập đồ gốm sứ Trung Quốc hãy trang bị kiến thức liên quan thật am tường, từ đó tìm được cảm hứng cho bản thân là gì, vì chủ đề đồ gốm Trung Quốc rất rộng. Ông kiến nghị, hãy nghiên cứu kỹ về giá cả và tìm hiểu thị trường như thế nào.
CNN hỏi: “Ông đã gặp nhiều người như thế phải không, những người đã thu thập phải sản phẩm giả mạo mà ban đầu tưởng là thật?”
Nicolas Chow: “Về cơ bản tôi đã gặp nhiều. Điều khiến tôi lo lắng là, có những người mới vào nghề chọn sai đường nhưng không thoát ra được, tôi từng gặp những người mà suốt đời mua phải đồ giả”.
“Đối với nhiều người thu mua đồ gốm sứ Trung Quốc, khi nghe điều này có vẻ thật đáng sợ, nhưng thực tế là nếu giới chuyên gia đấu giá, kinh doanh sản phẩm nghệ thuật và giám đốc nhà bảo tàng không có nhận thức chung đâu là sản phẩm thật, sản phẩm nhái, vậy thì lĩnh vực của chúng ta sẽ rất khó khăn. Vì thế mà tôi kiến nghị cần xây dựng một môi trường trong sạch”.
Như vậy, làm thế nào để những người sưu tầm mới không bị lừa bởi sản phẩm nhái? Theo Nicolas Chow, đối với người thu thập gốm sứ mà nói, đồ gốm sứ xem vẻ như quá hoàn mỹ lại có khi không phải đồ thật.
Vấn đề đánh giá thật giả, Nicolas Chow nói: “Chuyện này quá phức tạp, nhưng nó tương tự bạn nhận diện người mẹ của bạn, đó là tổng hợp của các yếu tố như âm thanh, cử chỉ, bề ngoài…”.
“Việc cảm nhận một đồ gốm sứ Trung Quốc bao gồm trọng lượng, nước men và phần đế, ký hiệu khắc dưới đế như thế nào…”.
“Ngoài ra, khi bạn quyết định bạn cũng nên ngủ một giấc cho tỉnh táo, vì khi bạn mệt mỏi sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhận diện của bạn”.
Nicolas Chow còn kể lại quá trình trải nghiệm của ông: Khoảng 17 năm trước, khi mới bắt đầu thu thập đồ gốm sứ, một lần ông gặp một nhà kinh doanh rất tinh quái. Người này đã mời ông chút rượu, lúc đó đã khuya, chỉ có cái đèn nhỏ. Người kinh doanh kia bày ra vài đồ gốm sứ… Khi đó Nicolas Chow tưởng mình phát hiện một kho báu!
“Nhưng hôm sau tôi mới biết mình đã gặp tai nạn. Vì thế bạn cần giữ tinh thần tỉnh táo và cảnh giác”, Nicolas Chow nói.
Tôn Vân
Xem thêm:
Từ khóa Đồ gốm cổ Gốm sứ Trung Quốc Đồ cổ Sưu tầm đồ cổ