Chuyên gia phân tích về chính sách mới của Bắc Kinh đối với Hồng Kông
- Trí Đạt
- •
Cùng với tình hình phong trào phản đối dự luật dẫn độ đang tiếp tục bùng nổ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 24/7 đã nói trong một cuộc họp báo rằng, tình hình ở Hồng Kông đã thách thức giới hạn “một nước hai chế độ”, nếu chính phủ Hồng Kông có yêu cầu, quân đội Trung Quốc có thể xuất binh bất cứ lúc nào để “duy trì ổn định”; nhận định về vấn đề này, ông Bonnie Glaser cố vấn của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ cho rằng, đây “chắc chắn là một tín hiệu”.
ĐCSTQ phát ra tín hiệu đầu tiên
Tờ Hoa Nam Tảo báo (SMCP) tại Hồng Kông đưa tin, trong cuộc họp công bố “Sách trắng An ninh Quốc phòng Trung Quốc” hôm 24/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đang theo dõi chặt chẽ tình hình Hồng Kông, cho rằng hàng loạt những hành động của người biểu tình trong thời gian gần đây là “thách thức quyền uy của chính phủ Bắc Kinh, thách thức giới hạn ‘một nước hai chế độ’, và đây là điều không thể tha thứ”.
Ông Ngô Khiêm còn nói, theo điều 14 “Luật đồn trú” quy định, chính phủ Hồng Kông có thể yêu cầu chính phủ trung ương hỗ trợ bằng lực lượng đồn trú ở Hồng Kông để duy trì trật tự công cộng hoặc cứu trợ thảm họa. Khi yêu cầu của chính phủ Hồng Kông được chấp thuận, lực lượng đồn trú tại đặc khu sẽ điều binh sĩ đến thực hiện nhiệm vụ, sau đó lập tức trở về nơi đóng quân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 22/7 nhấn mạnh, người biểu tình Hồng Kông đã động chạm đến giới hạn thấp nhất của nguyên tắc “một nước hai chế độ”; Tân Hoa Xã đăng bài viết chỉ ra, “ tuyệt đối không thể cho phép bất cứ hành vi nào nguy hại đến an ninh chủ quyền quốc gia, thách thức quyền lực trung ương”.
Cố vấn Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Mỹ đã chia sẻ một bài viết của tờ Financial Times trên Twitter về vấn đề này, nội dung nhắc đến “Bắc Kinh nói, quân đội có thể can dự vào Hồng Kông”, một cư dân mạng để lại bình luận bên dưới nói, “theo Tuyên bố chung Trung – Anh, cơ quan cảnh sát Hồng Kông có toàn quyền phụ trách chấp pháp và duy trì trật tự ổn định tại Hồng Kông”, bởi vì mục đích tồn tại quân đội ở đây là để “phòng vệ đối với bên ngoài”.
Đối với bình luận của cư dân mạng, ông Bonnie Glaser cho rằng quân đội ĐCSTQ lựa chọn đúng thời điểm này để lên tiếng, “không nghi ngờ gì, đó là một tín hiệu”.
Thực tế, từ trước đó, Tập đoàn quân 74 của quân đội Trung Quốc cũng đăng thông tin trên Weibo cho biết, một lữ đoàn thuộc Tập đoàn quân 74 tiến hành diễn tập xử lý tình huống bạo động đột phát tại một bãi tập gần bờ biển ở Trạm Giang tỉnh Quảng Đông, cuộc diễn tập này nhằm “đảm bảo có biện pháp xử lý khi xảy ra sự kiện đột phát”.
Sau khi đăng tải không lâu, dòng Weibo này đã bị xoá, tuy nhiên thông tin này cũng đã thu hút sự chú ý của truyền thông bên ngoài Trung Quốc. Tờ Now News tại Hồng Kông dẫn phân tích của nhà bình luận quân sự, Thượng tá giải ngũ Nhạc Cương nói rằng, lần diễn tập này cho thấy, nếu tình hình Hồng Kông tiếp tục leo thang, trong tình huống cần thiết, chính quyền Trung Quốc có thể sẽ điều động Giải phóng quân đến Hồng Kông để hoàn thành cái gọi là nhiệm vụ “duy trì trị an”.
Cùng với đó, hôm thứ Hai, nhiều cư dân mạng cũng chia sẻ trên Twitter rằng, có nhiều xe chuyên dụng của quân đội di chuyển về hướng Hồng Kông, dự đoán họ được điều động đến Hồng Kông để “chấp hành nhiệm vụ”.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ chỉ ra, Hồng Kông đang đối mặt với nguy cơ chưa từng có, cục diện tưng tự như sự kiện “Lục Tứ” xảy ra cách đây 30 năm tại Bắc Kinh, e là có thể đi vào vết xe đổ.
Bắc Kinh tạm thời không có khuynh hướng dùng vũ lực giải quyết vấn đề Hồng Kông
Điều đáng lưu ý là, còn có thông tin cho biết, Bắc Kinh tạm thời không có khuynh hướng dùng vũ lực trấn áp Hồng Kông.
Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn hai nguồn tin cho biết, đối với hoạt động biểu tình hiện đang xảy ra tại Hồng Kông, đối sách của Bắc Kinh về cơ bản giống như “Sự kiện chiếm Trung Hoàn” hồi năm 2014, vẫn cố gắng dùng phương thức hoà bình “xử lý ổn thoả tốt đẹp”, do đó, Bắc Kinh không muốn xảy ra cảnh đổ máu tại Hồng Kông.
Ông Tra Kiến Quốc – học giả độc lập tại Bắc Kinh, người từng trải qua sự kiện “Lục Tứ” phân tích chỉ ra, nếu người dân Hồng Kông tiếp tục duy trì phương thức diễu hành, biểu tình trong hoà bình để biểu đạt yêu cầu, thì chính phủ Hồng Kông và cảnh sát vẫn cho phép, bởi vì dù sao đây cũng là hình vi hợp pháp tại Hồng Kông. Nhưng nếu xuất hiện xuất hiện tình huống chiếm lĩnh một khu vực nào đó trên quy mô lớn và lâu dài, hoặc xuất hiện hoạt động bạo lực quy mô nhỏ, thì cảnh sát Hồng Kông sẽ “động thủ”.
Ông nói, “chính phủ Trung Quốc và quân đội tuyệt đối sẽ không cho phép Hồng Kông xuất hiện bạo loạn lớn, không phải nói là chỉ cần không gây phiền phức gì, thì Hồng Kông có thể tự do làm gì thì làm. Nhưng khả năng Hồng Kông xảy ra bạo loạn lớn là rất thấp. Do đó, xác suất quân đội can dự cũng rất thấp”.
Nhà bình luận kinh tế chính trị Hồng Kông Tang Phổ cho rằng, khi đối mặt với nguy cơ, ĐCSTQ không thể từ bỏ lựa chọn dùng đến quân đội, nhưng tình hình hiện nay, Bắc Kinh có lẽ tạm thời sẽ không dùng đến vũ lực để giải quyết vấn đề Hồng Kông, bởi vì “Tháng 1 năm sau (2020) là bầu cử Đài Loan, nếu đánh Hồng Kông quá mạnh, bằng như giúp đỡ bà Thái Anh Văn vận động bầu cử. Bởi vì một nước hai chế độ bị chỉ trích quá mạnh mẽ, ảnh hưởng này đối với Trung Quốc sẽ rất lớn. Do đối tôi tin rằng, trước ngày 11/11 năm nay, Bắc Kinh sẽ không dùng đến chiêu lớn.”
Theo nguồn tin SCMP có được trước đó, hiện tại Văn phòng sự vụ Hồng Kông và Macau của Quốc vụ viện Trung Quốc đang tập hợp ý kiến, có thể sẽ cho ra một cái gọi là sách lược cai trị Hồng Kông mới, để giải quyết khủng hoảng chính trị hiện nay tại Hồng Kông, nhưng việc trực tiếp điều động quân đội sẽ không nằm trong chính sách này.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông Dòng sự kiện phản đối luật dẫn độ