CNN: COVID-19 có thể khiến Trung Quốc tăng trưởng kinh tế âm
- Trọng Đức
- •
Hậu quả của dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) là khủng khiếp đối với Trung Quốc và có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc suy giảm lần đầu tiên trong vòng gần 50 qua, theo một bài phân tích kinh tế của CNN Business.
Các hoạt động kinh tế ở khắp mọi lĩnh vực của Trung Quốc trong tháng 2 đều suy giảm trầm trọng, khi mà các công ty đều khó có thể mở lại hoạt động kinh doanh hay thuê mướn nhân công trong bối cảnh chính phủ yêu cầu đóng cửa bắt buộc, các báo cáo chính thức chính phủ và cả tư nhân tại Trung Quốc mới đây công bố, theo CNN.
Các báo cáo mới tiết lộ những tin xấu gây sốc cho toàn ngành dịch vụ và sản xuất công nghiệp của nền kinh tế thế 2 thế giới. Tập đoàn truyền thông Caixin Trung Quốc cho hay chỉ số quản lý mua hàng (PMI) đối với ngành dịch vụ giảm xuống chỉ còn 26,5 vào tháng 2/2020 so với con số 51,8 hồi tháng trước. PMI dưới 50 đã cho thấy sự suy giảm hoạt động kinh tế.
Kit Juckes, chiến lược gia tại công ty tài chính Societe Generale (trụ sở ở Pháp) nhận định: “Thực sự thì nền kinh tế Trung Quốc đang ở một trạng thái rất xấu”.
Dữ liệu của tập đoàn tư nhân Caixin, vốn theo dõi các công ty vừa và nhỏ, là khá gần với con số trong báo cáo kinh tế của Bắc Kinh công bố cuối tuần qua. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, chỉ số PMI trong ngành phi sản xuất của Trung Quốc tháng Hai giảm xuống tới mức kỷ lục là 29,1 điểm (giảm mạnh từ con số 54,1 điểm vào tháng Một). Con số này được thống kê qua khảo sát của chính phủ Trung Quốc về các công ty nhà nước và có vốn nhà nước trong ngành dịch vụ, theo CNN.
Theo số liệu từ của cả Caixin và Bắc Kinh, hoạt động nhà máy của Trung Quốc cũng ghi nhận tháng 2 là tháng tệ nhất trong lịch sử, trong khi các công ty phải đóng cửa kéo dài để kiềm chế sự lây lan của virus corona, hoặc được mở cửa những không thể thuê được công nhân do các lệnh phong tỏa trên khắp đất nước. Số liệu chính thức của Bắc Kinh về PMI ngành sản xuất là 35,7 điểm, thấp kỷ lục kể từ khi con số này được ghi nhận năm 2005.
“Sự bùng phát của dịch bệnh đã đặt chính phủ Trung Quốc và một tình thế khó”, Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng cho khu vực Đại Trung Hoa tại ngân hàng ANZ, cho biết. “Một mặt, chính sách phong tỏa là có hiệu quả nhất để kiềm chế sự lây lan của virus. Mặt khác, các biện pháp y tế này lại đang kìm hãm các hoạt động kinh tế”.
Bức tranh u ám của 2 ngành kinh tế thiết yếu của Trung Quốc được tô đậm màu hơn bằng các bằng chứng đến từ nhiều công ty lớn khác. Nhà sản xuất rượu bia lớn nhất thế giới, AB InBev (Bỉ) cho hay họ đã mất doanh thu 285 triệu USD tại Trung Quốc chỉ trong 2 tháng đầu năm 2020. Foxconn, công ty đặt các nhà máy sản xuất iPhone cho Apple tại Trung Quốc tuần qua cũng cho biết họ dự đoán việc sản xuất sẽ không thể quay trở lại bình thường cho đến cuối tháng Ba.
CNN nhận định rằng COVID-10 có thể làm què quặt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý này. Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc cho Tập đoàn Macquarie cho rằng Trung Quốc có thể sắp phải chứng kiến sự suy giảm kinh tế lịch sử.
“Dữ liệu cho thấy tình hình đang thực sự tồi tệ và chính phủ thì sẵn sàng báo cáo điều đó”, ông Hu viết trong một thông báo sau khi Bắc Kinh đưa ra báo cáo kinh tế hồi cuối tuần qua. Ông lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng quý I của Trung Quốc có thể sẽ thấp hơn nhiều mức 4% – mức ước tính hiện tại (giảm từ 6% hồi cuối năm 2019).
“Thậm chí có khả năng chính phủ sẽ báo cáo con số tăng trưởng âm [trong quý 1] lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Cách mạng Văn hóa” Hu viết thêm.
Theo CNN, năm 1976, kinh tế Trung Quốc suy giảm 1,6% khi cái chết của Chủ tịch Mao Trạch Đông chấm dứt chính sách gây ra một thập kỷ khủng hoảng và hỗn loạn chính trị – xã hội Trung Quốc. Sau đó, cải cách và mở cửa một phần nền kinh tế đối với phương Tây đã giúp nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, với tỷ lệ tăng trưởng bình quân 9,4% trong giai đoạn từ 1978-2018.
Ông Hu cho rằng Bắc Kinh sẽ sớm công bố thêm các chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế, nhưng còn quá sớm để kỳ vọng một gói kích thích quy mô lớn từ trung ương.
Các nhà kinh tế tại Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) cũng dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc trên thực tế đã tăng trưởng âm ở cả tháng 1 và tháng 2 năm nay.
Các số liệu mới công bố cho thấy nỗ lực thúc đẩy việc làm của Bắc Kinh trong năm nay đã đổ sông đổ bể. Ngành dịch vụ của Trung Quốc tạo ra khoảng 360 triệu việc làm, chiếm 46% thị trường lao động và là lĩnh vực cung cấp việc làm nhiều nhất cho người lao động Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang tìm mọi cách để giữ cho con số thất nghiệp nhỏ nhất có thể. Tháng trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố “ổn định lao động làm nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ” và Bắc Kinh đang “quan sát chặt chẽ các vấn đề về việc làm và sẽ cố gắng để ngăn chặn việc sa thải hàng loạt”. Ông nhấn mạnh vào tầm quan trọng của lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp và các lao động di cư từ các tỉnh khác đến.
Trung Quốc có tới 290 triệu người là lao động di cư và phần nhiều có khả năng thất nghiệp do phải đi từ những vùng nông thôn và xa xôi tới các thành phố để tìm việc trong các ngành như xây dựng, sản xuất nhà máy hoặc dịch vụ. Những người này khó có thể làm việc được do các lệnh phong tỏa rộng ở nhiều nơi khắp Trung Quốc. Tính đến giữa tháng 2/2020, mới chỉ có 80 triệu lao động di cư của Trung Quốc quay trở lại làm việc, theo báo cáo từ Bắc Kinh.
Một biện pháp mới mà Bắc Kinh vừa đưa ra để chống thất nghiệp tạm thời là kêu gọi sinh viên mới tốt nghiệp nhập ngũ, ra lệnh cho tất cả các trường cao đẳng công lập kéo dài chương trình đào tạo để giảm số lượng người mới ra trường tìm việc ngay lập tức.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện suy thoái kinh tế COVID-19 tăng trưởng âm