Có bao nhiêu người Trung Quốc chết bất thường sau năm 1945?
- Hồng Ngọc
- •
Sau Thế chiến II, thế giới đã bình ổn trở lại. Tuy nhiên, không vì thế mà Trung Quốc trở nên thái bình, trái lại xuất hiện lớn số lượng người tử vong một cách bất thường. Những “cái chết bất thường này”, có thể là do bị chết cóng vì lạnh, chết đói, tự tử, chết trong chiến tranh, chết trong một cuộc vận động đấu tranh hay bị tra tấn, chết trong tù hay trong trại cải tạo, v.v.. Sau khi “kháng chiến thắng lợi”, không có ai thống kê lại toàn bộ số lượng những người chết bất thường, đây quả thực là một thiếu sót lớn trong lịch sử Trung Quốc.
1945-1949: Nội chiến Quốc dân đảng – Cộng sản đảng
Rốt cuộc có bao nhiêu người chết trong cuộc nội chiến Quốc – Cộng? Theo sách giáo khoa lịch sử tại Đại lục ghi chép lại, tổng cộng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc “tiêu diệt” 8,07 triệu quân Quốc dân đảng, người dân thường thiệt mạng ước tính 3 triệu người, tổng cộng 11 triệu người. Con số này đến từ số liệu thống kê “Báo cáo tổng kết thành tích chiến đấu từ tháng 7/1946 đến tháng 6/1950” của Quân đội Giải phóng Nhân dân. Còn theo ấn bản “Tư liệu lịch sử các cuộc chiến tranh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc” mới xuất bản gần đây thống kê, giải phóng quân đã “quét sạch” 10,658 triệu người. “Tiêu diệt” và “quét sạch” đều là những khái niệm mơ hồ, không nói rõ số lượng người tử thương và bị bắt làm tù binh. Vậy thì, không tính đến số lượng người mà Quốc dân đảng tiêu diệt phía giải phóng quân, thì sẽ có khoảng từ 11 đến 14 triệu binh lính và dân thường Trung Quốc thiệt mạng trong cuộc nội chiến này. Bộ phận nghiên cứu lịch sử của Viện Hoa khọc Quân sự đã viết cuốn sách “Lịch sử chiến tranh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc”, trong đó ghi lại rằng:
“Theo một thống kê chưa đầy đủ, hơn 20 triệu người dân Trung Quốc thương vong trong nội chiến (bao gồm cả binh lính hai bên quốc dân đảng và giải phóng quân).”
Nội chiến không chỉ trực tiếp gây ra thương vong cho người dân, mà còn gây ảnh hưởng đến tuổi thọ con người. Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc Stuart từng nói, trước năm 1949, bình quân mỗi năm ở Trung Quốc có từ 3 đến 7 triệu người chết đói, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh dao động từ 170-200‰, và tuổi thọ bình quân chưa đến 35 tuổi.
1950-1951: Vận động trấn phản
Cái gọi là “vận động trấn phản” chính là “vận động trấn áp phần tử phản cách mạng”. Giai đoạn đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính quyền mới chưa thực sự thiết lập được uy quyền. Trộm cướp, gián điệp, một số người thuộc Quốc dân Đảng, cường hào ác bá, những nhóm chống đối đảng đều uy hiếp đến sự tồn tại của chính quyền mới. Do đó, đến tháng 3/1950, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã ban hành “Chỉ thị về khẩn cấp tiến hành hoạt động trấn áp các phần tử phản cách mạng”. Sau đó hai năm, vận động trấn phản triển khai mạnh mẽ trên phạm vi toàn quốc.
Tháng 12/1950, ông Lưu Thiếu Kỳ từng có chỉ thị “những phần tử trộm cướp, bao gồm cả những kẻ cầm đầu, nếu thực sự đầu hàng, và sau này không tái phạm hoạt động phản cách mạng nữa, thì cho dù trong quá khứ đã từng ‘nợ máu’, thì không nên giết”. Nhưng ông Mao Trạch Đông lại sửa đổi thành: “Nếu như ‘nợ máu’ nghiêm trọng, và quần chúng yêu cầu phải xử tử hình, thì phải đánh giá xem nếu như tình hình sau xử tử có lợi hơn so với không xử tử, thì có thể đưa ra xử tử hình.” Ông Mao Trạch Đông còn ban hành “chỉ tiêu” giết người ở một số địa phương. Ông ta nói: “Thượng Hải là thành phố lớn có tới 6 triệu nhân khẩu, chiếu theo tình hình ở đây, đã bắt giữ hơn 200.000 người mà mới chỉ giết có hơn 200 người, tôi cho rằng đến năm 1951 thì phải giết ít nhất khoảng 300 kẻ cầm đầu trộm cướp, thổ phỉ, cường hào ác bá hay đặc vụ. Và trong nửa đầu năm sau thì nên giết tối thiểu khoảng 1.500 người”. Theo đề xuất này của ông Mao Trạch Đông, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã tổ chức hội thảo bàn về vấn đề giết người và “quyết định giết khoảng một phần nghìn dân số, ban đầu sẽ ra tay với một nửa số lượng này, sau đó xem xét tình hình rồi sẽ quyết tiến hành tiếp”. Khi đó, dân số Trung Quốc vào khoảng 550 triệu dân, một nửa của một phần nghìn chính là 275.000 người.
Chiểu theo tỷ lệ giết người trong “vận động trấn phản”, rốt cuộc có bao nhiêu ngời đã bị giết? Căn cứ vào số liệu công bố của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ tháng 5/1951, lúc đó trên toàn quốc có 1,5 triệu người bị bắt thì đã giết 500.000 người, đạt được mục tiêu mà ông Mao Trạch Đông đưa ra là cần giết khoảng một phần nghìn người. Tuy nhiên, cứ theo đà quán tính này, việc giết người lại tiếp tục không dừng lại. Từ tháng 5/1951 đến mùa thu năm 1953, sau khi vận động trấn phản kết thúc, lại có thêm 200.000 người thiệt mạng. Thứ trưởng Bộ Công an Từ Tử Vinh trong một báo cáo năm 1954 đã nói: “Trong vận động trấn phản, trên toàn quốc đã có 2,62 triệu người bị bắt giữ, trong đó 712.000 người bị giết, tính trung bình thì cứ 1.000 người lại có 1,31 người bị giết; 1,29 triệu người bị đưa đến các trại lao động, 1,2 triệu người bị quản chế; giáo dục cải tạo 380.000 người.” Ông Dương Khuê Tùng, giảng viên Đại học Bắc Kinh, cũng là một chuyên gia nghiên cứu lịch sử ĐCSTQ tin rằng: “Nếu như chú ý đến khoảng cuối tháng 4/1951 sẽ thấy Mao Trạch Đông từng phê bình một số địa phương đã quá chú trọng việc giết người, cho nên dẫn đến tình huống một số địa phương không khai báo chính xác số người bị giết, vì vậy số người thiệt mạng trên toàn quốc thực tế có thể vượt hơn con số 712.000 rất nhiều.”
1955-1957: Vận động túc phản
“Vận động túc phản” tức là “quét sạch phần tử phản cách mạng” khởi đầu từ sau cuộc đấu tranh “quét sạch tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong”. Cuộc đấu tranh Hồ Phong gieo vào lòng người dân ý tưởng rằng, trong nội bộ các cơ quan đảng và chính phủ, đoàn thể cách mạng cũng như các đảng phái nội bộ đều có tàng ẩn những phần tử phản cách mạng, gián điệp Đài Loan. Ngày 1/7/1955, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã ban hành “Chỉ thị về việc triển khai đấu tranh thanh trừ các phần tử phản cách mạng giấu mặt”, tiếp đó triển khai sâu rộng hoạt động đấu tranh với những nhóm phản cách mạng trên phạm vi toàn quốc. Ông Mao Trạch Đông thậm chí còn định ra một tỷ lệ giữa người tốt và người xấu, ông ta nói rằng những người tốt trong đội ngũ cách mạng chiếm 90%, trong khi những phần tử phản cách mạng chiếm khoảng 5%. Do đó, trong vận động phản túc, cần tiến hành quét sạch nhóm 5% phần tử phản cách mạng và phần tử xấu này. Các đơn vị nếu như không đạt được chỉ tiêu đề ra, sẽ bị coi là “hữu khuynh”.
Vậy rốt cuộc thành tích đạt được qua hơn 1 năm tiến hành “vận động túc phản” này ra sao? Bộ trưởng Bộ Công an La Thụy Khanh đã nói trong báo cáo công tác: “‘Túc phản’ nội bộ đã triển khai ở phạm vi 18 triệu viên chức trên toàn quốc, đã xác định được hơn 100.000 phần từ phản cách mạng và phần tử xấu, trong đó có hơn 5.000 người trà trộn vào nội bộ đảng, hơn 3.000 người trà trộn vào Đoàn Thanh niên và 260 người ở cấp cán bộ lãnh đạo. Căn cứ vào tài liệu giải mật có thể thấy được, toàn quốc có hơn 1,4 triệu phần tử trí thức và cán bộ phải chịu đả kích trong vận động, trong đó có 214.000 người bị bắt giữ, 22.000 người bị bắn và khoảng 53.000 người bị chết một cách bất thường.”
Từ 1957-1958: Vận động chỉnh phong phản hữu
Cái gọi là “vận động chỉnh phong phản hữu” chính là trong quá trình “vận động chỉnh phong” (chỉnh đốn tác phong) thì khởi tiếp lên “vận động phản hữu” (chống cánh hữu). “Chỉnh phong” là chỉnh đốn đảng cộng sản, còn “phản hữu” chính là xác định những phần tử cánh hữu ở bên trong và ngoài đảng, từ đó tiến hành đả kích.
Năm 1956, ông Mao Trạch Đông trong tác phẩm “Bàn về mười mối quan hệ lớn” đã đề xuất phương châm “trăm hoa đua nở, trăm người đua tiếng”, cổ vũ các phần tử trí thức tự do phát biểu ý kiến. Ngày 1/5/1957, tờ “Nhân dân Nhật báo” đăng tải “Chỉ thị về vận động chỉnh phong” của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, quyết định khai triển “vận động chỉnh phong” trên phạm vi toàn đảng, phản đối chủ nghĩa quan liêu, chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa chủ quan, đồng thời kêu gọi những nhân sĩ bên ngoài “lên tiếng” giúp đỡ Đảng Cộng sản “chỉnh phong”. Vì vậy mà những người trí thức bắt đầu biểu đạt những bất mãn với đảng và chính phủ, đồng thời để xuất ý kiến sửa đổi. Báo chí bắt đầu đăng hàng loạt các bài viết với đủ tiếng nói khác nhau, tiến nhập vào thời kỳ “đại minh đại phóng”. Sau thời kỳ “đại minh đại phóng”, thậm chí còn xuất hiện những bài phê bình lời lẽ sắc nhọn và gay gắt hơn đối với đảng.
Ngày 15/5/1957, ông Mao Trạch Đông đã ra bài viết “Tình hình đang thay đổi” và đưa đến cho các đồng chí trong nội bộ đảng đọc. Ngày 8/6, Nhân dân Nhật báo đăng một vài xã luận “Là vì điều gì?” Ngày 14/6, Nhân dân Nhật báo lại đăng một bài xã luận do đích thân ông Mao Trạch Đông viết, trong đó nêu rõ: “Khi để cho mọi người được cất lên tiếng nói, thì có người nói rằng đây là âm mưu, nhưng chúng ta nói rằng, đây là dương mưu. Bởi vì việc này trước tiên nói cho những kẻ địch biết rằng, viết ra những thứ quỷ quái yêu ma, nói ra những lời độc hại sẽ chỉ khiến họ xuất đầu lộ diện, từ đó thuận tiện cho chúng ta tiêu diệt.” Cũng có người nghĩ rằng đây chính là “dụ rắn ra khỏi hang”, còn “dương mưu” chẳng qua là một cách nói khác. Ông Lý Chí Thỏa, bác sĩ riêng của Mao đã nói: “Mao Trạch Đông cảm thấy động thái này đã sai rồi. Về sau Mao gần như cả ngày nằm trên giường, thần kinh căng thẳng, mất ăn mất ngủ, còn mắc cảm lạnh và gọi tôi đến. Mao cảm thấy, trước những gì mà các đảng phái dân chủ này làm, đã khiến Mao thất bại cực độ, vì vậy mà Mao đã chuẩn bị một chiến dịch ‘chỉnh đốn’ các nhân sĩ dân chủ một cách khốc liệt.” “Vận động phản hữu” bắt nguồn từ đó.
Vậy thì có bao nhiêu người trong vận động phản hữu năm 1975 bị liệt vào phần tử “cánh hữu”? Theo số liệu được công bố hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ ngày 3/5/1958, có 3,178 triệu người bị coi là phần tử cánh hữu, 22.701 nhóm bị coi là cánh hữu, và 4.127 nhóm bị coi là chống đối đảng. Sau sự kiện “Bè lũ bốn tên”, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ căn cứ vào văn kiện số 55 năm 1978 mà tiến hành “bình phản” các phần tử cánh hữu, đã gỡ cái mũ này cho 552.973 người. Đến năm 1986, cả nước ước tính có khoảng 5.000 người thuộc phe cánh hữu. Đến khoảng năm 1990 thì ở Trung Quốc chỉ còn có khoảng hơn 1.000 người thuộc cánh hữu, trong đó cấp trung ương chỉ có đúng 5 người thuộc cánh hữu.
Tổng hợp từ các tư liệu này có thể thấy rằng, năm 1957 cả nước có 3,178 triệu phần tử trí thức cánh hữu bị bức hại, đến năm 1978, cả nước có hơn 550.000 người bị chụp mũ cánh hữu. Điều này cũng có nghĩa rằng, trong quá trình “vận động phản hữu”, cả nước có khoảng 2,62 triệu người biến mất một cách bí ẩn.
1958-1962: Nạn đói lớn ở Trung Quốc
Mọi người đều có ấn tượng rằng, khoảng thời gian từ năm 1958 và 1962, tại Trung Quốc xảy ra thảm họa tự nhiên nghiêm trọng, rồi từ đó xuất hiện nạn đói nghiêm trọng, khiến vô số người chết vì đói. Một số nhà nghiên cứu khí tượng sau này đã chỉ ra rằng, khí hậu khắc nghiệt nhất là vào năm 1954, chứ không phải là thời kỳ ba năm từ 1958-1962. Trung Quốc Đại lục có diện tích 9,6 triệu km vuông, nhờ vậy mà đới khí hậu rất phong phú, bao gồm cả hàn đới, ôn đới, cận nhiệt đới và nhiệt đới; điều kiện tự nhiên cũng hết sức đa dạng, trong tình huống thông thì thường thiên tai xảy ra chỉ mang tính cục bộ hoặc tạm thời, nếu nói là thiên tai phát sinh liên tục ba năm liên thì gần như không có khả năng xảy ra điều này trên phạm vi toàn quốc, thêm nữa tại Trung Quốc cũng không có văn bản nào ghi chép lại tình huống này trong lịch sử hơn 2.000 năm qua.
“Nạn đói lớn ở Trung Quốc” còn được đổ cho chính phủ Liên Xô ép Trung Quốc phải nhanh chóng trả các khoản vay nợ, nhưng có ai đưa ra được chứng cứ chứng minh rằng Liên Xô ép trả nợ hay không? Trái lại, khi Trung Quốc diễn ra nạn đói lớn khiến nhiều người chết vì đói, chính phủ Liên Xô và Khrushchev sau khi nghe tin tức đã nhanh chóng tổ chức một hội nghị của Bộ Chính trị, quyết định lập tức viện trợ Trung Quốc 500.000 tấn đường và 3 triệu tấn lương thực. Lúc đó Khrushchev đã rất sẵn sàng cử đại sứ Liên Xô sang Trung Quốc liên hệ với ông Chu Ân Lai để bàn về vấn đề viện trợ. Sau khi ông Chu Ân Lai và đại sứ Liên Xô bàn thảo, đã báo cáo tình hình lại cho ông Mao Trạch Đông, nhưng đã bị Mao cự tuyệt thẳng thừng. Mao đã nói những lời như “Ngay cả khi toàn bộ người Trung Quốc chết đói thì cũng không nhận lương thực viện trợ, đảng và chính phủ Trung Quốc phải có chí khí. Chúng ta không những không nhận viện trợ của Liên Xô, mà còn tiến hành trả hết nợ cho chính phủ Liên Xô.”
Điều khiến người ta kinh ngạc hơn nữa, là trong khi Trung Quốc chịu “thảm họa tự nhiên, thiên tai khắc nghiệt” này, họ không những không nhận viện trợ từ nước ngoài, mà còn mang lượng lớn lương thực đi viện trợ cho các quốc gia khác. Theo tài liệu giải mật từ Bộ Ngoại giao, tháng 4/1960, Bộ Ngoại giao quyết định lấy danh nghĩa chính phủ, viện trợ hoàn toàn cho Guinea 10.000 tấn gạo. Cũng năm 1960, bên cạnh viện trợ Guinea thì chính phủ Trung Quốc còn chi viện cho Albania 15.000 tấn lúa mì. Tháng 8/1961, Lào gửi công hàm sang Trung Quốc đề nghị chi viện gạo. Trung Quốc cũng quyết định viện trợ 15 tấn. Trương Nhung trong cuốn “Mao Trạch Đông: Những chuyện chưa biết” đã chỉ rõ, lương thực xuất khẩu trong hai năm 1958, 1959 của Trung Quốc lên đến 7 triệu tấn, con số này có thể cung cấp cho 38 triệu dân khoảng 840 calories mỗi ngày. Đấy là còn chưa kể đến sản lượng thịt, dầu ăn, trứng… xuất khẩu.
Ba năm “thảm họa thiên tai” ở Trung Quốc, rốt cuộc có bao nhiêu người bị chết đói? Các tư liệu thống kê của các bên đến nay vẫn tồn tại những tranh luận chưa thống nhất. Cục thống kê của Ủy ban Sinh đẻ và Kế hoạch hóa Gia đình Trung Quốc từng ban hành một đề án về vấn đề này, người phụ trách đề án tính toán ra rằng, có khoảng 17 triệu người chết đói. Tuy nhiên đây chỉ là một trong số các thống kê khác nhau.
Giáo sư Tôn Thượng từ Đại học Y Bắc Kinh căn cứ theo số liệu các báo cáo dân số thường niên đã ước tính rằng, tính đến năm 1961, tại Trung Quốc có khoảng 44 triệu người chết bất thường. Giáo sư Tào Thụ Cơ tại khoa Lịch sử Đại học Thượng Hải trong bài viết “Những người Trung Quốc chết bất thường từ năm 1959-1961 và nguyên nhân”, dựa trên nghiên cứu về nhân khẩu và địa lý, đã thống kê số người dân Trung Quốc bất thường ở khắp các khu vực trên cả nước, kết quả cho thấy con số này lên đến 32,5 triệu người. Kim Trùng, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử đảng nổi tiếng trong quyển sách “Lịch sử Trung Quốc thế kỷ 20” tiết lộ, giai đoạn “ba năm chịu thảm họa tự nhiên” ở Trung Quốc có khoảng 38,6 triệu người chết đói. Giáo sư Đại học Chính trị Pháp luật Trung Quốc, ông Dương Kế Thằng cũng từng tiết lộ, tư liệu của phía các lãnh đạo trung ương đảng ghi nhận số người tử vong trong 3 năm này từ khoảng 50 đến 60 triệu người.
Ông Tào Tư Nguyên từng là viên chức trong Quốc Vụ viện trong một bài phát biểu đã tiết lộ, số lượng người chết đói trong thời kỳ Đại nhảy vọt (1958-1960) đã được giải mật là 37,56 triệu người. “Khi đó Chu Ân Lai để cho các tỉnh và thành phố thống kê, sau khi thống kê xong thì tiêu hủy toàn bộ số liệu, nhưng sau đó bản thân ông ta lại tự gọi điện thoại cho từng người để hỏi, vậy thì rốt cuộc là số liệu đó có bị hủy đi hay không? Tài liệu này thực tế chỉ có 2 người xem, một người là Chu Ân Lai và người còn lại là Mao Trạch Đông. Tài liệu này khi đó được cấp trung ương bảo quản, nay đã được giải mật.” Con số 37.560.000 triệu người chết này cho thấy điều gì? Để so sánh thì “từ khi Bàn Cổ khai thiên địa, Tam Hoàng Ngũ Đế cho đến năm 1949, qua không biết bao nhiêu hạn hán thiên tai hay động đất lũ lụt, số người tử vong ở Trung Quốc cũng chỉ đến 29 triệu người.”
Theo thông tin giải mật “Số người chết bất thường trên cả nước từ năm 1959-1962”: Năm 1959 trên 17 tỉnh và khu vực, có 5,2 triệu người chết bất thường và chết vì đói, trong đó có 958.000 người sống ở thành thị; năm 1960, ở 28 tỉnh thành cả nước có 11.550.000 người chết bất thường, trong đó có 2.720.000 người ở thành thị; năm 1961 các tỉnh thành trên cả nước có 17,37 triệu người tử vong, trong đó 2.112.000 triệu người ở thành thị; đến năm 1962, cả nước có 7.518.000 người tử vong, trong đó có 1.078.000 triệu người ở thành thị. Dựa theo số liệu thống kê này, thì từ 1859-1962, toàn quốc có 37.558.000 người tử vong. Đáng chú ý hơn là, theo tài liệu giải mật, vào năm 1959, nếu dựa theo số lượng người chết bình quân ở mỗi tỉnh mà tính, thì tổng số người chết phải lên đến 8,9 triệu người (vì năm đó mới thống kê có 17 tỉnh). Vậy thì, từ 1859-1962 thực tế toàn quốc phải có đến 41.650.000 người bị chết đói.
Đến nay, giới nghiên cứu trong ngoài nước đều nhìn nhận, trong nạn đói lớn ở Trung Quốc có khoảng 37 đến 43 triệu người tử vong.
1966-1976: Đại Cách mạng Văn hóa
Ông Mao Trạch Đông tin rằng, một xã hội theo mô hình xã hội chủ nghĩa sẽ có tồn tại giai cấp, mâu thuẫn giai cấp, đấu tranh giai cấp cũng như những mâu thuẫn giữa con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội và con đường tiến lên chủ nghĩa tư bản. Trên cơ sở này, Mao đã xây dựng lý luận về chuyên chính giai cấp vô sản tiếp tục cách mạng, và nó cũng trở thành căn cứ cho việc phát động cuộc Đại Cách mạng Văn hóa. Một số người nhận định, Mao Trạch Đông muốn mượn Đại Cách mạng Văn hóa để tiêu diệt những người bất đồng qua điểm và đả phá các đối thủ chính trị. Tháng 5/1966, hội nghị chính trị mở rộng đã thông qua “Thông báo cho các Ủy viên Trung ương ĐCSTQ”, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc Cách mạng Văn hóa. Chỉ đến năm 1976, sau khi ông Mao Trạch Đông chết, “bè lũ bốn tên” bị bắt giữ xét xử thì Cách mạng Văn hóa mới kết thúc.
Trong Cách mạng Văn hóa, tinh hoa dân tộc Trung Quốc đều đã bị thiêu rụi. Những người bị bức hại đến chết gồm có: Trần Dần Khác, Trương Đông Tôn, Cố Chuẩn, Lý Đạt, Triệu Thụ Lý, Thi Kim Mặc, Điền Hán, Tiền Nhạc Hải, Hướng Đạt, Dương Đoan Lục, Trần Khắc Lễ, Ngộ La Khắc, Lâm Chiêu, Trương Chí Tân… Những người tự sát gồm có: Hùng Thập Lực, Trần Mộng Gia, Tiễn Bá Tán, Lưu Thụ Tùng, Ngô Hàm, Dương Sóc, Lão Xá, Lý Bình Tâm, Hoàng Thiệu Hoành, Phó Lôi, Lưu Phán Toại, Lưu Vĩnh Tế, La Quảng Bân, Đặng Thác, Cố Thánh Anh, Thẩm Tri Bạch, Tiêu Khải Nguyên, Thượng Quan Vân Châu, Nghiêm Phượng Anh, Triệu Cửu Chương, Hiệp Dĩ Quần, Lý Lập Tam, Trần Xương Hạo, Vạn Hiểu Đường, Diêm Hồng Ngạn, Chu Tiểu Chu…
Trong Cách mạng Văn hóa, phàm là các học giả có khí chất, các chính trị gia đều rơi vào vòng nguy hiểm. Những người sinh tồn qua nhiều lần vận động đã rút ra được bài học về tự bảo vệ bản thân mình, chỉ có xu nịnh chính quyền mới có thể tồn tại. Nếu như nói, trong “vận động phản hữu”, phần tử trí thức mới bị hủy hoại về tinh thần, thì đến Cách mạng Văn hóa, phần tử trí thức bị tiêu diệt cả về thể xác lẫn tinh thần. Cách mạng Văn hóa còn đề xuất cái gọi là “phá tứ cựu”, “Phê bình Lâm Bưu phê bình Khổng Tử” cùng những khẩu hiệu khác, họ “oai phong lẫm liệt” đi phá hủy các di tích văn vật, đốt các sách cổ, thực sự dã phạm phải đại tội đối với dân tộc Trung Hoa. Đến nay, văn hóa truyền thống dân tộc Trung Hoa đã bị phá hủy triệt để, không còn gì sót lại.
Trong Cách mạng Văn hóa, trình độ các phòng ban chức năng của Trung Quốc có sự chênh lệch khác nhau, do đó mà số người tử vong thực tế trong thời kỳ này rất khó thống kê chính xác. Các nhà khoa học nước ngoài căn cứ vào những tài liệu xuất bản trong nước, tính rằng từ năm 1966-1971, khu vực nông thôn của Trung Quốc có khoảng từ 500.000-2.000.000 người bị bức hại đến chết. Tuy nhiên, con số này chỉ là thiểu số. Giáo sư R.J.Rummel trong tác phẩm “Một trăm năm Trung Quốc đẫm máu” đã ước tính, khoảng 7.730.000 người thiệt mạng trong Cách mạng Văn hóa.
Năm 1980, ông Đặng Tiểu Bình cũng nói với phóng viên Oriana Fallaci nước Ý như sau: “Vĩnh viễn không bao giờ thống kê được, bởi vì có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến thiệt mạng, Trung Quốc là một nước lớn như vậy, tóm lại là số người chết rất nhiều.” Trung tâm nghiên cứu lịch sử đảng của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã biên tập cuốn sách “Sự thật các cuộc vận động chính trị lịch sử từ khi kiến quốc đến nay”, trong đó thống kê: “Hơn 4,2 triệu người bị bắt giữ xét xử, hơn 1.728.000 người tử vong, 237.000 người bị đánh đến chết; 703.000 người bị thương tật, hơn 71.2000 gia đình bị phá hủy.” Ngày 13/12/1978, ông Diệp Kiếm Anh trong lễ bế mạc Hội nghị công tác Trung ương ĐCSTQ đã nói: Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, trên toàn quốc đã tiến hành “chỉnh đốn” khoảng 100 triệu người, dẫn đến 20 triệu người chết, và hao tổn 800 tỷ nhân dân tệ.
Nếu tính tổng số người chết bất thường chỉ trong những cuộc vận động nói trên, số người chết bất thường ở Trung Quốc cũng đã rơi vào khoảng 60 triệu đến 100 triệu người. Theo Wikipedia thì “Có khoảng 6 triệu người Do Thái bị Hitler diệt chủng và thảm sát.” So sánh sẽ thấy con số này còn quá xa so với hàng chục triệu người Trung Quốc bị chết bất thường sau Thế chiến II.
Hồng Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Chỉnh phong Mao Trạch Đông Người Trung Quốc Cách mạng Văn hóa Đại nhảy vọt Lịch sử Trung Quốc Chu Ân Lai Đặng Tiểu Bình Lưu Thiếu Kỳ Chống Cánh hữu Quốc Dân Đảng