Cơ chế Nhân quyền LHQ có hiệu quả với Trung Quốc không?
- Blog Đằng Bưu
- •
Nhiều người luôn nghĩ rằng những cải cách định hướng thị trường của Trung Quốc, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hội nhập vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế, tổ chức Thế vận hội, tham gia mạng internet toàn cầu, chắc chắn sẽ đưa xã hội Trung Quốc chuyển hướng cởi mở. Nhiều người luôn nghĩ rằng việc Trung Quốc tham gia Hiệp ước Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ) sẽ bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, sẽ thúc đẩy Trung Quốc đi vào con đường pháp trị. Kết quả là, hết lần này đến lần khác Trung Quốc được bầu vào Hội đồng Nhân quyền.
Do các hoạt động nhân quyền và dân chủ của tôi ở Trung Quốc mà tôi đã nhiều lần bị cảnh sát mật bắt cóc, mất tích. Ví dụ, vào ngày 19/2/2011, tôi đã bị bắt cóc và giam giữ 70 ngày, thời gian này tôi bị tra tấn tàn bạo. Khi có đại diện phương Tây đề cập với chính phủ Trung Quốc về trường hợp của tôi, câu trả lời của chính phủ Trung Quốc là: “Trung Quốc là một quốc gia cai trị bằng pháp luật, Đằng Bưu (Teng Biao) không bị bắt”. Mỉa mai thay, ngày 03/3/2011, khi một phóng viên nước ngoài hỏi về quy định pháp lý cụ thể liên quan lệnh cấm thông tin về Cách mạng hoa nhài Trung Quốc (biểu tình ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc 2011), câu trả lời của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Khương Du (Jiang Yu) là: “Đừng dùng pháp luật làm lá chắn”.
Ngày 14/9/2013, khi nhà đấu tranh nhân quyền Tào Thuận Lợi (Cao Shunli) chuẩn bị đi đến Geneva Thụy Sĩ để tham dự Hội nghị đánh giá định kỳ toàn cầu (Universal Periodic Review, UPR) của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhưng ngay tại sân bay Bắc Kinh ông đã bị cảnh sát Trung Quốc bắt đi đâu không rõ, sáu tháng sau mới có tin ông đã chết trong tù. Một số tổ chức phi chính phủ quốc tế đã yêu cầu Hội đồng Nhân quyền LHQ mặc niệm Tào Thuận Lợi, nhưng họ bị phái đoàn Trung Quốc tại Geneva ngăn chặn một cách thô bạo. Nhiều nhà đấu tranh nhân quyền Trung Quốc tham gia vào bộ máy nhân quyền LHQ vẫn còn ở trong tù, trong đó có luật sư nhân quyền Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), người đã bị bắt cóc mất tích vào năm 2015 và sau hơn ba năm thì thế giới bên ngoài mới được biết thông tin về ông, đến nay ông vẫn chưa được xét xử.
>>Trung Quốc: Luật sư mất tích hơn 1000 ngày và hành trình đầy gian nan tìm tung tích chồng
Năm nay Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch, HRW) đã công bố báo cáo chi tiết “Sự can thiệp của Trung Quốc vào Cơ chế Nhân quyền LHQ”, bao gồm việc chính phủ Trung Quốc ngăn chặn sự can thiệp của các tổ chức dân sự, đàn áp và trả thù các nhà hoạt động tham gia các cơ chế nhân quyền quốc tế, thao túng quá trình chứng thực của các tổ chức dân sự, ngăn chặn các thảo luận về vấn đề nhân quyền, thao túng cơ chế đánh giá định kỳ toàn cầu. Trung Quốc đã mua chuộc các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ, gây sóng gió tại Diễn đàn Nhân quyền LHQ.
Hội nghị đánh giá định kỳ toàn cầu đang xúc tiến đối với Trung Quốc là đánh giá lần thứ ba về Trung Quốc, nhưng đề xuất của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc vẫn vậy, đó là vấn đề nhân quyền cơ bản nhất. Tháng 03/2014, trong Báo cáo được Hội đồng Nhân quyền thông qua, Trung Quốc đã chấp nhận 204/252 kiến nghị, trong đó có tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, bảo vệ quyền lợi luật sư và người bảo vệ nhân quyền… Nhưng rõ ràng là Trung Quốc chỉ đồng ý về hình thức, thực tế hoàn toàn khác.
Cũng có nước độc tài đưa ra kiến nghị. Ví dụ, kiến nghị của Pakistan là “Tiếp tục cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố ‘Đông Turkistan’, ngăn chặn tổ chức này hoạt động bạo lực, giúp đa số công chúng bị tổ chức này lừa dối và làm hại trở lại cuộc sống bình thường”. Kiến nghị của Uzbekistan là “Tăng cường các biện pháp đưa những kẻ xúi giục người khác tự thiêu ra công lý”. Ả Rập Xê-út kiến nghị Trung Quốc “Tăng cường pháp luật mạnh hơn để ngăn chặn người phạm pháp và lấy danh nghĩa bảo vệ nhân quyền làm tổn hại đến lợi ích của người khác”.
Trung Quốc chấp nhận những đề xuất này, và đã thực hiện quyết liệt. ĐCSTQ tăng cường đàn áp chống lại các luật sư, NGO, tôn giáo, dân tộc thiểu số, mạng internet và giới trí thức, sửa đổi Hiến pháp để xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước, kích động tệ sùng bái cá nhân; đồng thời xây dựng “chủ nghĩa độc tài công nghệ cao” chưa từng có: sưu tập ADN, nhận dạng khuôn mặt, công nghệ nhận dạng giọng nói, công nghệ nhận dạng mống mắt, dữ liệu lớn, dày đặc camera đường phố, giám sát mạng, hệ thống tín dụng xã hội, trí thông minh nhân tạo, cảnh sát mật…
Vi phạm của Trung Quốc về nhân quyền và tự do từ lâu đã vượt khỏi biên giới quốc gia, tiêu biểu như cài cắm gián điệp khắp nơi, chính trị hối lộ, Viện Khổng Tử, xâm nhập vào truyền thông phương Tây, tấn công mạng internet, ủng hộ chế độ độc tài; đặc biệt còn ra tận nước ngoài bắt cóc người: nhà kinh doanh ngành xuất bản Quế Dân Hải (Gui Minhai) có hộ chiếu Thụy Điển đã bị bắt cóc từ Thái Lan về Trung Quốc, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) có hộ chiếu Canada và nhà kinh doanh sách tại Hồng Kông Lý Ba (Li Bo) có hộ chiếu Anh đã bị bắt cóc từ Hồng Kông về Trung Quốc. Những vụ này chỉ là phần nổi của tảng băng.
Quốc gia đông dân hàng đầu và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, theo lý nên cống hiến cho nền văn minh và hòa bình nhân loại. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lại “ẩn núp chờ thời”, và từng bước đi khắp nơi vung cơ bắp. Trung Quốc đang cố gắng xây dựng lại trật tự thế giới như vậy: luật pháp bị thao túng, dân chủ bị lạm dụng, tôn nghiêm bị hạ thấp, và công lý bị chà đạp. Đồng thời, tham nhũng tràn lan, dung túng cho tội ác chống lại loài người, bao che tài trợ các chính quyền lưu manh.
>>Sự thật về mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc
Hội nghị đánh giá định kỳ toàn cầu lần này đối với Trung Quốc là một chỉ số quan trọng để quan sát về khả năng và tâm nguyện của cộng đồng quốc tế trong bảo vệ giá trị nhân quyền. Độ tin cậy của LHQ và tính hợp pháp của Hội đồng Nhân quyền sẽ được thử thách. Có cách nào để kiềm chế chính phủ Trung Quốc đàn áp nhân quyền quy mô lớn một cách tùy tiện ở trong nước? Tại sao trong Hội đồng Nhân quyền lại tràn ngập quốc gia mà tình hình nhân quyền tồi tệ cùng cực? Trước tình trạng Cộng sản Trung Quốc thao túng ác ý hệ thống LHQ, phá hoại quy tắc, gây xói mòn tự do vượt biên giới, vi phạm nhân quyền tràn lan, chúng ta có tiếp tục thờ ơ hay không?
(Bài viết đại diện cho quan điểm của cá nhân tác giả)
Blog Đằng Bưu (theo RFA)
Xem thêm:
Từ khóa nhân quyền ở Trung Quốc Nhân quyền Hội đồng Nhân quyền LHQ