Dịp tưởng niệm 34 năm sự kiện Thảm sát Thiên An Môn (4/6/1989), ca khúc “Nhà tôi ở phía bên kia núi” của danh ca Đặng Lệ Quân lại thêm một lần được chia sẻ nóng trong cộng đồng mạng người Hoa. Đến nay, đông đảo người Hoa yêu dân chủ trên thế giới vẫn không quên dấu ấn đóng góp của cố danh ca vang bóng một thời này.

p3052581a610420960
Dịp kỷ niệm 34 năm sự kiện Thảm sát Thiên An Môn (4/6/1989), ca khúc “Nhà tôi ở phía bên kia núi” của Đặng Lệ Quân lại thêm một lần được chia sẻ nóng trong cộng đồng mạng người Hoa. (Ảnh: Wikipedia)

Con đường hoạt động nghệ thuật vì dân chủ

Danh ca Đặng Lệ Quân (Teresa Teng) đã trở thành người Đài Loan nổi tiếng nhất ở Trung Quốc kể từ cuối những năm 1970, nhưng phải đến hai ngày sau khi bà qua đời thì Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) mới lần đầu tiên đưa tin về bà, lý do vì bà ủng hộ phong trào dân chủ trong sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989, và tham gia các cuộc biểu tình chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Thời điểm cận trước và sau sự kiện ngày 4/6/1989, danh ca Đặng Lệ Quân đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối nhà cầm quyền toàn trị ĐCSTQ. Ngày 27/5/1989, trong sự kiện “Tiếng hát Dân chủ cho Trung Quốc” với 300.000 người ở khu Happy Valley – Hồng Kông, bà đã cài dòng chữ “Dân chủ muôn năm” trên tóc và đeo trên ngực khẩu hiệu “Phản đối quân đội kiểm soát”, sự kiện cũng đánh dấu lần đầu bà hát bài “Nhà tôi ở phía bên kia núi” để nói lên nỗi nhớ nhung và lo lắng đối với đồng bào tại Đại Lục.

Đặng Lệ Quân hát: “Nhà tôi ở bên kia núi, nơi có rừng rậm và đồng cỏ bao la, mùa xuân gieo đậu và lúa mì, thu hoạch vào mùa thu để chờ Tết. Chú Trương không bao giờ lo lắng, dì Lý luôn lạc quan. Mọi thứ đã thay đổi kể từ khi chuột ra khỏi hang, nó nhai cả xương khô bị chôn vùi và phá hủy bản tính thiện lương của con người”. Lời bài hát cũng có đoạn: “Nhà tôi ở bên kia núi, chú Trương mất niềm vui, dì Lý tắt nụ cười, chim bay khỏi tổ ấm, mùa xuân biến thành mùa đông lạnh giá, người thân và bạn bè mất tự do, phải rời bỏ quê hương xinh đẹp… Bạn ơi, đừng vui trong chốc lát, bạn ơi, chớ tham lam một phút bình yên, hãy quay trở lại càng sớm càng tốt, thắp sáng ngọn đuốc tự do, đừng quên rằng nơi chúng ta lớn lên là bên kia núi, bên kia núi”.

  • Mời xem video: Cố danh ca Đặng Lệ Quân và phong trào Thiên An Môn 1989

Tháng 10 cùng năm, Đặng Lệ Quân hát bài “Khi tự do bị tổn thương” có đoạn: “Tôi là người Trung Quốc, bất kể tôi đi đâu trên thế giới hay tôi sống ở đâu, tôi vẫn là người Trung Quốc. Cho nên điều xảy ra ở Trung Quốc năm nay đã khiến tôi rất buồn. Tương lai của Trung Quốc sẽ về đâu? Tôi rất lo lắng. Tôi khao khát tự do, và tất cả mọi người đều nên được hưởng tự do. Thật buồn biết bao nếu tự do bị đe dọa. Nhưng nỗi đau buồn này sẽ có ngày được xua tan, mọi người sẽ có thể hiểu nhau, tôi tin rằng ngày đó sẽ đến. Tôi sẽ hát cho điều đó…”.

Mặc dù chính quyền ĐCSTQ cấm các bài hát của Đặng Lệ Quân, nhưng bà vẫn không ngừng dùng tiếng hát của mình để bày tỏ tình đoàn kết với đồng bào Đại Lục.

Tháng 3/1991 tại Đài quan sát Mã Sơn Mashan ở tiền tuyến Kim Môn (Jinmen), Đặng Lệ Quân đã nói với đồng bào Đại Lục, “Hỡi đồng bào Đại Lục thân yêu, xin chào, tôi là Đặng Lệ Quân. Bây giờ tôi đến đài phát thanh Kim Môn để phát sóng cho đồng bào ở bờ biển của Đại Lục. Hôm nay tôi muốn nói cùng mọi người là tôi rất vui khi được đứng trên tuyến đầu của đất nước tự do: Kim Môn, tôi cảm thấy rất vui và rất hạnh phúc. Tôi hy vọng rằng đồng bào ở Đại Lục cũng được hưởng tự do dân chủ như chúng ta. Chỉ trong một môi trường sống tự do, dân chủ và thịnh vượng, người ta mới có cơ hội thực hiện lý tưởng cá nhân của mình; chỉ khi tất cả những người trẻ tuổi có thể tự do thể hiện trí tuệ và tài năng của mình, thì đất nước mới có thể có được tương lai tràn đầy ánh sáng và hy vọng. Tôi hy vọng sẽ sớm được về lại Kim Môn gặp anh em ở Kim Môn; tất nhiên tôi cũng muốn tâm sự với đồng bào Đại Lục ở vùng ven biển. Qua đây chúc mọi người sức khỏe và nền dân chủ trường tồn! Cảm ơn!”

Năm 1992, ba năm sau biến cố thảm sát Thiên An Môn 4/61989, Đặng Lệ Quân đã tham dự lễ tưởng niệm biến cố Thảm sát Thiên An Môn ở Paris và chia sẻ “Tôi tuyệt đối không cúi đầu trước chuyên chế, tuyệt đối không thỏa hiệp với áp lực”. Tại sự kiện, bà hát những bài như “Vinh quang nhuốm máu” (Bloodstained Glory), “Câu chuyện của một thị trấn nhỏ” (The Story of a Small Town), “Vết thương của lịch sử” (Wound of History)…

Đặng Lệ Quân cũng nói trong một cuộc trò chuyện với ông Thái Tôn Quốc (Cai Chongguo), “Những người ĐCSTQ ở Hồng Kông cho tôi công việc và yêu cầu tôi đến Đại Lục để xem và hát. Sau đó tôi đã đồng ý. Các con Kiều Quân Hoa (Qiao Guanhua) và Hạ Long (He Long) của tôi đã sắp xếp sẵn sàng… thì phong trào ủng hộ dân chủ nổ ra. Họ đã nổ súng, tôi làm sao quay về? Tôi nói với họ rằng nếu không nhận lỗi và sửa sai về biến cố Thiên An Môn thì tôi sẽ không tới Đại Lục”.

Trong chương trình “Kể chuyện” tháng 3/1994, Đặng Lệ Quân bày tỏ mong muốn xây dựng Trung Quốc “Bởi vì Đại Lục quá lạc hậu… Tất nhiên tôi hy vọng rằng việc xây dựng sẽ càng sớm càng tốt để cuộc sống của mọi người tốt hơn. Tôi hy vọng những người yêu nước có thể thường xuyên hơn trở lại Đại Lục”.

Vài nét về danh ca Đặng Lệ Quân

Theo thông tin công khai, Đặng Lệ Quân là một ca sĩ nhạc pop, diễn viên và nhà từ thiện người Đài Loan. Vào những năm 1960 – 1980, hoạt động ca hát và biểu diễn phim ảnh của bà đã được yêu thích rộng rãi trong các cộng đồng người Hoa trên khắp thế giới, giúp kết nối văn hóa đại chúng giữa các cộng đồng người Hoa ở các vùng. Nhưng Đặng Lệ Quân cũng có thể hát bằng những ngôn ngữ khác được người dân nhiều vùng ở châu Á yêu thích. Khoảng năm 1989, hoạt động văn hóa của Đặng Lệ Quân bị ĐCSTQ cấm hoàn toàn.

Mặc dù vậy, các bài hát của Đặng Lệ Quân vẫn được người dân Trung Quốc Đại Lục âm thầm yêu thích. ĐCSTQ đã muốn lợi dụng tình cảm với quê hương Đại Lục của bà để mới bà tham gia chương trình “Dạ tiệc Lễ hội Mùa xuân” của CCTV; chi nhánh Hồng Kông của Tân Hoa Xã – một trong những cơ quan đặc vụ bí mật của ĐCSTQ tại Hồng Kông – cũng đã thúc đẩy lôi kéo Đặng Lệ Quân.

Nhưng bà cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Kể từ sau sự kiện Thiên An Môn, tôi không muốn tổ chức các buổi biểu diễn nữa”.

Vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 đã khiến một nhóm người Đại Lục khác phải lưu vong khắp thế giới, bao gồm cả Đài Loan, và Paris cũng là nơi định cư của không ít người. Sau nay Đặng Lệ Quân về sống ở Paris, tại đây có ít nhất 3 lần bà tham gia các hoạt động tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989 được tổ chức tại Paris, đồng thời dự định tự chi trả cho hoạt động biểu diễn ở Paris cổ vũ phong trào dân chủ Đại Lục.

Đặng Lệ Quân từng nói rằng giấc mơ Trung Quốc của bà là “Ngày tôi trở lại Đại Lục để hát là ngày Chủ nghĩa Tam dân [của Tôn Trung Sơn] thống nhất Trung Quốc”. Nhưng không may vào tháng 5/1995, bà qua đời tại Chiang Mai – Thái Lan do suy hô hấp vì hen suyễn, hưởng thọ 42 tuổi.

Tiểu Quỳ, Vision Times

  • Mời xem video: Cuộc thảm sát 3 thế hệ của Giang Trạch Dân là lời cảnh báo cho tương lai