Cuộc gặp gỡ thứ hai của Mã và Tập: Ông Mã Anh Cửu vô tình lỡ lời?
- Bình Minh
- •
Cựu Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Mã Anh Cửu đã đến thăm Trung Quốc. “Cuộc gặp thứ hai của Mã và Tập”, thu hút nhiều sự chú ý từ ngoại giới, đã diễn ra tại Bắc Kinh lúc 4h chiều ngày 10/4. Kể từ năm 2015, đây là lần đầu tiên cả hai gặp nhau sau 9 năm, những vấn đề họ bàn luận đều nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA), ông Mã Anh Cửu và lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã gặp lại nhau sau 9 năm. Ngày 10/4, Bắc Kinh đã sắp xếp để cuộc gặp giữa hai người diễn ra tại Sảnh Đông của Đại lễ đường Nhân Dân.
Hai bên bắt tay nhau khoảng 16 giây sau khi gặp mặt. Trong bài phát biểu của mình, ông Tập tuyên bố, “đồng bào hai bờ eo biển Đài Loan đều là người Trung Quốc”.
Ông nói, sự khác biệt trong hệ thống giữa hai bên “không thể thay đổi thực tế khách quan rằng cả hai bờ eo biển Đài Loan đều thuộc về cùng một quốc gia, một dân tộc. … Sự can thiệp từ bên ngoài không thể ngăn cản sự kiện lịch sử đoàn tụ gia đình, đất nước”.
Khi bắt đầu bài phát biểu của mình, ông Mã Anh Cửu gọi ông Tập là “Tổng bí thư Tập”, sau đó là “Ông Tập”. Cách xưng hô này ngụ ý rằng đất nước của ông Mã Anh Cửu là “Trung Hoa Dân Quốc”.
Trong khi đó, ông Tập gọi Mã Anh Cửu là “Ông Mã”, nghĩa là ông ấy không công nhận tư cách cựu tổng thống, không công nhận sự tồn tại của Đài Loan như một quốc gia.
Việc ông Mã Anh Cửu “lỡ lời” là một điều bí ẩn. Quả thực, khi ông Mã Anh Cửu đọc bài phát biểu chính thức trong buổi gặp Tập Cận Bình, ông đã nói bốn chữ “Trung Hoa Dân Quốc” rồi đổi thành “Dân tộc Trung Hoa” Đây chỉ là sự “lỡ lời” hay là sự cố ý, điều này vẫn gây tranh cãi.
Ông nói rằng mặc dù hai bờ eo biển Đài Loan phát triển theo các thể chế khác nhau, nhưng người dân hai bên đều thuộc về “Dân tộc Trung Hoa”, đều là con cháu của vua Viêm vua Hoàng, nên giúp đỡ và hợp tác với nhau. Đây cũng là niềm tin chung quan trọng đã đạt được giữa ông và Tập Cận Bình vào năm 2015.
Ông Mã Anh Cửu cũng nhấn mạnh rằng đối với Đài Loan, nếu không có sự ổn định và hòa bình ở hai bờ eo biển thì sẽ không có một Đài Loan ổn định và tiến bộ. Đối với “dân tộc Trung Hoa”, nếu không có hòa bình và thịnh vượng ở cả hai bờ eo biển Đài Loan, sẽ không có tương lai tươi sáng.
Ông chân thành hy vọng rằng cả hai bên sẽ chú ý đến các giá trị và lối sống được người dân trân trọng, bảo vệ hòa bình xuyên eo biển, đảm bảo lợi ích chung và kết quả đôi bên cùng có lợi.
Ông cũng đề cập đến tình hình căng thẳng gần đây trên eo biển Đài Loan, khiến nhiều người dân Đài Loan cảm thấy bất an. Nhưng ông tin rằng nếu chiến tranh nổ ra giữa hai bờ eo biển, đây sẽ là gánh nặng không thể chịu đựng được đối với “dân tộc Trung Hoa”.
Ông tin rằng “Người Trung Quốc hai bờ eo biển Đài Loan” chắc chắn sẽ có đủ trí tuệ để theo đuổi hòa bình, giải quyết tranh chấp và tránh xung đột.
Ông Mã Anh Cửu cũng đề cập, hai bên đã đạt được sự đồng thuận vào năm 1992, rằng “mỗi bên bày tỏ bằng lời nói rằng ‘cả hai bờ eo biển Đài Loan đều tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc”.
Ông nói trong tương lai, cả hai bên nên lấy việc đảm bảo phúc lợi của người dân làm mục tiêu lớn nhất, tuân thủ “Sự đồng thuận năm 1992” và phản đối “Đài Loan độc lập”, tìm kiếm điểm chung trong sự khác biệt, gạt bỏ tranh chấp, tạo thế đôi bên cùng có lợi và cùng nhau phát triển hòa bình.
Ông cũng hy vọng rằng cả hai bên có thể hợp tác cùng nhau vì lợi ích chung và sự thịnh vượng chung.
Liberty Times tuyên bố, để đáp lại “cuộc gặp lần thứ hai của Mã và Tập” ngày 10/4, bà Vương Mỹ Tú (Michelle Wang), Chủ tịch Quỹ Hiến pháp Đài Loan, nói rằng các cuộc thăm dò của Mã Anh Cửu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông chỉ ở mức 9,2%, tương đương với tỷ lệ người dân ở Đài Loan tự coi mình là người Trung Quốc.
Điều này cho thấy, đề xuất “độc lập và từng bước thống nhất” của ông Mã Anh Cửu không nhận được sự ủng hộ của người dân Đài Loan. Nhưng họ thường nhân danh “hòa bình”, phụ họa lại tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ, cố gắng tạo ra một hình ảnh thân thiện của kẻ độc tài, điều này chẳng khác nào bôi trơn cho chế độ chuyên quyền.
Bà chỉ ra rằng hành vi hợp tác với tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ của ông Mã Anh Cửu không chỉ nhàm chán, mà còn là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết và áp đặt “tình cảm Trung Quốc” của bản thân lên người dân Đài Loan.
Điều này không chỉ hoàn toàn phớt lờ xu hướng chống cộng của các nền dân chủ quốc tế lớn, mà còn mâu thuẫn với xã hội dân chủ quốc tế, đi ngược lại với dư luận chính thống tại Đài Loan.
Giám đốc điều hành của Quỹ Hiến pháp Đài Loan Lâm Nghi Chính cho rằng ông Mã Anh Cửu chỉ bày tỏ “mong muốn hòa bình” bằng lời nói, mà không có bất kỳ thực lực nào làm cơ sở, giống như việc “leo lên cây bắt cá”. Chỉ khi Đài Loan có đủ sức mạnh để chống lại chủ nghĩa cộng sản, thì quốc đảo này mới thực sự có hòa bình.
Ông chỉ ra rằng hiện tại ở Đài Loan chỉ còn lại hai phe, gồm phe chống ĐCSTQ, bảo vệ Đài Loan và phe đầu hàng thân ĐCSTQ. Phe bảo vệ Đài Loan không ôm giữ ảo tưởng về ĐCSTQ, mà kiên quyết bảo vệ dân chủ, tự do và tự lực tự cường. Phe thân cộng có những ảo tưởng phi thực tế về ĐCSTQ, phớt lờ lịch sử và thân cận với ĐCSTQ.
Ông cho biết, nếu không có thực lực làm cơ sở sẽ bị đàn áp và xâm lược như những tiền lệ đẫm máu. Hành động này chính là coi thường sự an toàn của người dân Đài Loan, và là nguồn gốc của mối nguy hiểm thực sự của chiến tranh ở eo biển Đài Loan.
Trong bối cảnh bầu cử tổng thống Đài Loan vào giai đoạn chạy nước rút năm nay, ĐCSTQ đã liên tục tăng cường quấy rối quân sự, nhằm đe dọa nền dân chủ và tự trị của Đài Loan.
Ngày 17/12/2023, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, trong khoảng thời gian 24 giờ trước đó, họ phát hiện 9 máy bay quân sự Trung Quốc băng qua đường trung tuyến nhạy cảm của eo biển Đài Loan.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt việc bán thiết bị trị giá 300 triệu USD để giúp duy trì hệ thống thông tin chiến thuật của Đài Loan. Ngày 15/12/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đây là khoản hỗ trợ mới nhất của Hoa Kỳ cho hoạt động phòng thủ của quốc đảo dân chủ này.
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Mã Anh Cửu Ông Mã Anh Cửu thăm Trung Quốc Đài Loan Quan hệ Trung Quốc - Đài Loan