Ông Triệu Vĩ Quốc (Zhao Weiguo), cựu Chủ tịch Tập đoàn Tử Quang – người từng tuyên bố sẽ mua lại TSMC và hợp nhất với MediaTek, bị tuyên án tử hình hôm thứ Tư (ngày 14/5) hoãn thi hành 2 năm, do dính đến các vụ án tham nhũng liên quan tới hơn 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 138 triệu USD).

id13796509 FZD627taIAAttFp 111
Vụ “tham nhũng trong ngành chip” của Trung Quốc gây chấn động dư luận. Trong bức ảnh chụp chung được lan truyền rộng rãi, 4 người từ trái sang đều đã “ngã ngựa” gồm Đồng Tổng giám đốc Tập đoàn Tử Quang – Đào Thạch Kinh (số 1 bên trái), Chủ tịch Đầu Tư Hoa Tâm – Lộ Quân (số 2 bên trái), Tổng giám đốc Tập đoàn Tử Quang – Triệu Vĩ Quốc (số 3 bên trái), và Tổng giám đốc Quỹ đầu tư mạch tích hợp quốc gia – Đinh Văn Vũ (số 4 bên trái). (Ảnh: MXH)

Theo truyền thông Trung Quốc, ngày 14/5, Tòa án cấp Trung thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã tuyên án công khai: Triệu Vĩ Quốc bị buộc tội tham ô, trục lợi phi pháp cho người thân và bạn bè, làm tổn hại lợi ích của công ty niêm yết. Tòa kết án tử hình với thời gian hoãn thi hành 2 năm, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân.

Bản án cho biết, từ năm 2018 – 2021, Triệu Vĩ Quốc đã lợi dụng vị trí Chủ tịch Tập đoàn Tử Quang để cùng người có liên hệ đặc biệt là Lý Lộc Viên chiếm đoạt tài sản quốc hữu trị giá hơn 470 triệu nhân dân tệ (65 triệu USD).

Ngoài ra, từ năm 2014 – 2021, Triệu Vĩ Quốc đã giao hoạt động kinh doanh có lãi của đơn vị mình cho các bên có liên hệ đặc biệt như Lý Lộc Viên quản lý, gây ra “tổn thất kinh tế trực tiếp cho quốc gia” lên tới hơn 890 triệu nhân dân tệ (123 triệu USD).

Đồng thời năm 2019, Triệu Vĩ Quốc còn chỉ đạo các giám đốc trong công ty niêm yết mà ông kiểm soát, cho thuê các dự án công ty với giá thấp hơn nhiều so với thị trường cho công ty do Lý Lộc Viên điều hành, gây tổn thất kinh tế hơn 46,45 triệu nhân dân tệ (khoảng 6,4 triệu USD).

Trang Sina từng đưa tin, trong ngành công nghiệp chip, Triệu Vĩ Quốc được gọi là “kẻ cuồng chip”. Dưới sự dẫn dắt của ông, Tập đoàn Tử Quang với các công ty nòng cốt như Cổ Phần Tử Quang, Quốc Vi Tử Quang, Triển Duệ Tử Quang và Tồn Trữ Trường Giang đã chiếm vị trí quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ cao như điện toán đám mây, chip và lưu trữ.

Từng tuyên bố mua lại TSMC, sáp nhập MediaTek – Triệu Vĩ Quốc từ đỉnh cao đến vực sâu

Triệu Vĩ Quốc, năm nay 58 tuổi, tốt nghiệp khoa Kỹ thuật điện tử (trước đây là Khoa Điện tử vô tuyến) của Đại học Thanh Hoa, sau đó làm việc tại doanh nghiệp trực thuộc trường – Thanh Hoa Tử Quang.

Năm 1997, Triệu Vĩ Quốc tham gia thương vụ tài chính đầu tiên của Đồng Phương Thanh Hoa sau khi công ty lên sàn – mua lại Nhà máy điện tử Giang Tây. Năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch Tập đoàn Tử Quang, và bắt đầu thực hiện hàng loạt thương vụ mua bán và đầu tư.

Năm 2015 khi thăm Đài Loan, ông từng công khai đề xuất mua lại 25% cổ phần của TSMC để giành quyền kiểm soát, đồng thời đề xuất sáp nhập mảng thiết kế chip của MediaTek và Tử Quang, thậm chí còn kêu gọi Đài Loan dỡ bỏ hạn chế đầu tư vào ngành chip Trung Quốc.

Tháng 4/2018, Triệu Vĩ Quốc tháp tùng Tổng Bí thư Tập Cận Bình đến thăm nhà máy bán dẫn của công ty con Tử Quang tại Vũ Hán. Từ đó Tập đoàn Tử Quang được xem là “đội quân quốc gia” trong ngành bán dẫn Trung Quốc.

Tuy nhiên, từ một doanh nghiệp rực rỡ ánh hào quang, Tử Quang rơi vào tình trạng mở rộng vô tội vạ trong những năm gần đây. Khi Triệu Vĩ Quốc nhậm chức Tổng giám đốc năm 2009, tổng tài sản của tập đoàn chỉ khoảng 1,3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 180 triệu USD).

Đến cuối năm 2019, tổng tài sản đã đạt đỉnh 297,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41,3 tỷ USD), tăng gấp 229 lần chỉ trong vòng 10 năm.

Tháng 11/2020, Tập đoàn Tử Quang vỡ nợ trái phiếu, gây ra khủng hoảng nợ nghiêm trọng.

Ngày 16/7/2021, Tập đoàn Tử Quang chính thức bước vào quy trình tái cấu trúc phá sản tại Tòa án cấp Trung số 1 Bắc Kinh.

Ngày 16/7/2022, cựu Đồng Chủ tịch Đào Thạch Kinh cùng Triệu Vĩ Quốc bị các cơ quan chức năng Trung Quốc đưa đi điều tra. Cùng ngày, Chủ tịch Tập đoàn Dịch vụ Công nghệ Tử Quang Bắc Kinh, Lý Lộc Viên, cũng bị bắt giữ.

Ngày 20/3/2023, Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc thông báo Triệu Vĩ Quốc bị nghi ngờ phạm tội tham ô, trục lợi phi pháp cho người thân và bạn bè, gây tổn hại cho công ty niêm yết; hơn nữa, ông vẫn tiếp tục hành vi sai phạm sau Đại hội 18, bản chất vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng rất xấu.

Sự sa sút của Triệu Vĩ Quốc diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trung Quốc nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào chip nước ngoài, dốc “toàn lực quốc gia” để phát triển ngành chip. Tuy nhiên, dù đầu tư hàng núi tiền, hiệu quả đổi mới công nghệ không đáng kể, trong khi tham nhũng bùng nổ dữ dội.

Người sáng lập Tập đoàn Hon Hai (Foxconn) – Quách Đài Minh từng nhận xét: “Triệu Vĩ Quốc chẳng qua chỉ là một nhà đầu tư đầu cơ chứng khoán.”

Được biết, sau khi bị bắt, Triệu Vĩ Quốc đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, chủ động thú nhận thêm các hành vi phạm tội trục lợi cho người thân và vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại cho công ty niêm yết mà cơ quan điều tra chưa nắm được.

Ông có tình tiết đầu thú đối với tội vi phạm nghĩa vụ, thành tâm hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, tài sản tham ô và vật chứng liên quan đã được thu hồi đầy đủ, và có đóng góp lớn giúp phá án, nên tòa án quyết định tuyên án tử hình nhưng không thi hành ngay; đối với các tội khác, được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Bình Minh (t/h)