Đằng sau bí mật sinh viên Trung Quốc không dám nói về chính trị
- Lê Tử Hy
- •
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA, nhà tội phạm học nổi tiếng người Mỹ Perry Link cho biết sinh viên Trung Quốc sợ nói về chính trị, vì nếu nói sai và lời đồn truyền đến tai chính quyền thì cuộc sống sau này của họ, hoặc người thân của họ ở Trung Quốc Đại Lục sẽ bị ảnh hưởng. Hiện tượng này là một tình trạng mới, đặc biệt là trong 10 năm qua.
Theo báo cáo của VOA ngày 24/2, ông Perry Link hiện đang giảng dạy tại Đại học California, Riverside, đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trong một cuộc phỏng vấn độc quyền.
Ông cho biết từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tăng cường kiểm soát tư tưởng các trường đại học. Một số giáo viên đã bị tố cáo, cách chức, thậm chí bị sa thải vì bày tỏ quan điểm cá nhân trong lớp, hoặc trên các trang mạng xã hội.
“Lòng trung thành” và “văn hóa tố cáo” này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ trẻ Trung Quốc, thậm chí còn lan rộng ra nước ngoài.
Thông tin công khai cho thấy ông Perry Link có quan hệ bạn bè thân thiết với nhiều nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc.
Một trong những hành động gây chấn động nhất của ông là đưa vợ chồng ông Phương Lệ Chi (Fang Lizhi), nhà lãnh đạo phong trào dân chủ ngày 4/6, vào Đại sứ quán Hoa Kỳ để tị nạn hôm 6/6/1989. Khi đó, ông giữ chức Giám đốc Văn phòng Bắc Kinh của Ủy ban Trao đổi Học thuật Hoa Kỳ-Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
Động thái này đã khiến nhà cầm quyền Trung Quốc tức giận đến mức năm 1996, ông Perry Link đã bị trục xuất tại sân bay Trung Quốc. Từ đó, ông mới biết mình bị chính quyền Trung Quốc đưa vào danh sách đen.
Theo Perry Link, sau vụ Thảm sát Lục Tứ tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989, ông ít thấy giới trẻ Trung Quốc có nhu cầu dân chủ mạnh mẽ. Đây là kết quả đàn áp của ĐCSTQ.
Họ chỉ có thể yêu đất nước và yêu ĐCSTQ, đây là hai con đường duy nhất. Họ không thể động đến bất kỳ tư tưởng, tôn giáo, quyền tự do hay bất kỳ tổ chức, nhóm, hiến chương nào, v.v. Nếu không họ sẽ bị cảnh cáo, bắt giữ và bỏ tù.
Một số người cho rằng văn hóa Nho giáo của Trung Quốc, văn hóa cộng sản của Mao Trạch Đông và văn hóa tư bản quyền lực xác định rằng Trung Quốc không có quyền tự do cá nhân, sự tham gia xã hội, sự khoan dung và các yếu tố hợp lý của các xã hội dân chủ phương Tây.
Nhưng Perry Link không đồng ý với điều này, ông tin rằng trong bất kỳ nền văn hóa, đất nước hay sắc tộc nào, con người đều có quyền theo đuổi tự do. Mặc dù một số trí thức và sinh viên có tư tưởng không công khai bày tỏ lý tưởng này, nhưng giá trị cơ bản này là bẩm sinh.
Tuy nhiên, ông lo ngại rằng quá trình chuyển đổi sang dân chủ của Trung Quốc có thể sẽ rất đẫm máu. Việc chuyển đổi từ chế độ toàn trị sang dân chủ không hề dễ dàng. Đây là vấn đề khiến ông lo lắng, vì ĐCSTQ sẽ không dễ dàng bỏ cuộc.
Ông Perry Link chỉ ra rằng nếu nền kinh tế tốt, chế độ này sẽ không có động lực cải cách, nhưng đợi sau khi khủng hoảng kinh tế xảy ra mới cải cách thì đã quá muộn.
Bóp méo nhận thức của người Trung Quốc: “ĐCSTQ = Trung Quốc = người Trung Quốc”
Ông cũng đề cập rằng người dân Trung Quốc ngày nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hệ tư tưởng của ĐCSTQ, và trở nên méo mó về nhận thức, đến mức họ không biết lịch sử đất nước mình.
Ông ví dụ về một khóa học được tổ chức trong học kỳ trước. Khi đó, ông giới thiệu về nền văn minh Trung Quốc, với nội dung đa dạng, từ những bản giáp cốt văn (chữ viết được khắc trên yếm rùa và xương thú) đến chính quyền Tập Cận Bình.
Tuy nhiên, khoảng 1/3 đến một nửa sinh viên Trung Quốc Đại Lục không biết lịch sử của đất nước họ, bao gồm cả “Đại nhảy vọt”, “Nạn đói lớn”, cuộc Thảm sát Lục Tứ và cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Họ chỉ biết tới những tuyên truyền dối trá của chính quyền.
Perry Link còn chỉ ra rằng một sinh viên Trung Quốc từng bất ngờ hỏi ông, vào ngày 4/6, binh lính giết nhiều học sinh hơn hay học sinh giết nhiều binh lính hơn? Điều này khiến ông rất sốc.
Ông Perry Link từng viết bài bình luận có tựa đề “‘Đừng nói về chính trị!’ Những trở ngại đối với du học sinh Trung Quốc”, chỉ ra rằng khi thực hiện “cải cách ruộng đất” ở nông thôn từ năm 1950-1953, ĐCSTQ đã giết chết từ 2-5 triệu “địa chủ” (con số chưa xác định).
Từ năm 1959-1962, Mao Trạch Đông chủ trương “Đại nhảy vọt”, khiến 30-40 triệu (con số chưa xác định) nông dân Trung Quốc chết đói. Cuộc “Cách mạng Văn hóa” từ năm 1966-1969 đã giết chết thêm vài triệu người, đồng thời phá hủy những giá trị cơ bản nhất của văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Năm 1989, học sinh, sinh viên và những người dân đòi dân chủ đã bị thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, trung tâm của Bắc Kinh. Hầu như tất cả sinh viên đến từ Trung Quốc đều chưa bao giờ nghe nói về điều này.
Sau khi nhậm chức vào năm ngoái, ông Tạ Phong (Xie Feng), Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, đã gửi một bức thư ngỏ tới các sinh viên Trung Quốc và Hoa kiều, hy vọng sinh viên quốc tế sẽ “kể những câu chuyện hay về Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ông Perry Link chỉ ra rằng điều mà ĐCSTQ muốn thúc đẩy là “Trung Hoa Mộng”, nhằm che đậy những hành động xấu xa mà họ đã làm trong lịch sử.
Khi ông giới thiệu lịch sử mà ĐCSTQ cố gắng che đậy cho các sinh viên Trung Quốc, nhận thức tức thì của họ thường là việc chỉ trích ĐCSTQ đồng nghĩa với việc tấn công Trung Quốc và chính họ.
Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc tích cực thúc đẩy “tình cảm chủ nghĩa dân tộc”, đồng thời cổ vũ “yêu nước là yêu Đảng, yêu ĐCSTQ” và cáo buộc người phương Tây tội xúc phạm Trung Quốc, hoặc phân biệt chủng tộc.
Từ khóa Chính trị Trung Quốc sinh viên Trung Quốc du học sinh Trung Quốc Dòng sự kiện Thanh niên Trung Quốc Giới trẻ Trung Quốc