ĐCSTQ hạ lệnh bắt giữ Hoàng Chi Phong, Chu Đình?
- Trí Đạt
- •
Phong trào đấu tranh phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông vẫn đang tiếp diễn, ngoài việc cảnh sát phản đối không cho phép tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 31/8 của Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền ra, ngày 30/8, ít nhất 10 người đã bị bắt giữ, bao gồm Hoàng Chi Phong, Chu Đình, Trần Hạo Thiên. Dư luận chỉ trích chính phủ Hồng Kông tạo khủng bố trắng, sau đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng về việc này.
Nhiều vụ bắt bớ ngày 30/8, Trung ương ĐCSTQ khởi động khủng bố trắng?
Đảng Demosistō Hồng Kông đã đăng thông tin trên mạng xã hội cho biết, khoảng 7:30 sáng ngày 30/8, Hoàng Chi Phong đã bị cảnh sát bắt giữ khi đang trên đường đến ga tàu, sau đó anh bị giam giữ tại trụ sở cảnh sát Wan Chai.
Chu Đình cũng bị bắt vào sáng ngày 30/8 tại nhà, cô cũng bị giam giữ tại trụ sở cảnh sát Wan Chai.
Đài Á châu Tự do đưa tin, Hoàng Chi Phong và Chu Đình liên quan đến hành động bao vây trụ sở cảnh sát hôm 21/6, và liên quan đến “kích động người khác tham gia tập trung khi chưa được phê chuẩn”, “biết rõ nhưng vẫn tham gia tập trung khi chưa được phê chuẩn”, Hoàng Chi Phong bị cáo buộc thêm tội liên quan đến “tổ chức tập trung khi chưa được phê chuẩn”.
Tờ HK01 đưa tin, lúc 3:30 chiều xe chở hai người Hoàng Chi Phong và Chu Đình ra khỏi trụ sở cảnh sát Wan Chai, khoảng 10 phút sau thì đến Toà án quận Đông, khi đó tại toà oán, ngoài giới truyền thông, có rất ít người tới nghe xét xử. Nhưng cùng với việc thông tin liên tiếp được lan truyền, đến khoảng 6 giờ chiều cùng ngày, toà án mới chính thức mở, chỗ ngồi trong toà đã không còn ghế trống nào.
Cuối cùng Hoàng Chi Phong và Chu Đình nộp tiền bảo lãnh tại ngoại 10.000 Đô la Hồng Kông và phải tuân thủ lệnh cấm. Vụ án này được hoãn đến ngày 8/11 sẽ xét xử.
Còn người triệu tập đảng Dân tộc Hồng Kông (Hong Kong National Party) Trần Hạo Thiên bị bắt lúc 11 giờ tối ngày 29/8 tại sân bay. Cảnh sát cáo buộc anh “tham gia bạo lực” và “tấn công cảnh sát” trong cuộc diễu hành ngày 13/7. Một ngày trước khi Trần Hạo Thiên bị bắt, anh cũng đã chia sẻ thông tin trên mạng xã hội cho biết anh đang bị cảnh sát câu lưu điều tra.
Chiều ngày 30/8, trong cuộc họp báo cảnh sát xác nhận tiếp tục bắt giữ thêm 7 người liên quan đến sự kiện xung đột trong nhiều vụ biểu tình phản đối dự luật dẫn độ.
Về việc này, Phó Chủ tịch đảng Demosistō Hồng Kông Trịnh Gia Lãng (Isaac Cheng Ka Long) nói, chính phủ Hồng Kông ngoài việc gieo rắc “khủng bố trắng”, còn có âm mưu bắt giữ nhiều nhà hoạt động dân chủ, và người đứng sau chỉ huy hành động này muốn phân hoá phong trào phản đối luật dẫn độ.
ĐCSTQ hạ lệnh bắt người? Cảnh Sảng trả lời mơ hồ
Đối với chi tiết những sự kiện nói trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 30/8 đã lên tiếng trả lời truy vấn của truyền thông.
Cảnh Sảng hồi đáp rằng, “Về sự việc này, tôi đã đọc những thông tin liên quan, chính phủ đặc khu Hồng Kông đã đưa ra giải thích.”, chứ không muốn trực tiếp tận miệng chứng thực hoặc phủ nhận chính quyền Trung Quốc can thiệp vào.
Ngoài ra, có phóng viên còn trích dẫn báo của nước ngoài nói rằng, “chính phủ Trung ương Trung Quốc trước đó đã từ chối kế hoạch rút lại hoàn toàn dự luật dẫn độ mà chính phủ Hồng Kông đề xuất”, Cảnh Sảng cho biết, “Ngày 15/6, sau Đặc khu hành Hồng Kông tuyên bố quyết định tạm hoãn công tác sửa đổi dự luật dẫn độ, chính phủ Trung ương Trung Quốc biểu thị ủng hộ, tôn trọng và thấu hiểu. Do đó về vấn đề này, tôi không có bổ sung gì mới.”
ĐCSTQ dùng hình thức đe doạ hòng dẹp yên phong trào phản đối dự luật
Thực tế, phong trào kháng nghị phản đối dự luật dẫn độ đã kéo dài gần 3 tháng, chính phủ Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chính phủ Hồng Kông vẫn không hề hồi đáp về 5 yêu cầu lớn của người dân, do đó khiến sự oán hận trong người dân Hồng Kông cũng sôi sục, và tiếp tục xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa cảnh sát với người biểu tình.
Dư luận chú ý đến ngọn lửa tức giận của người biểu tình dưới áp lực của Trung ương ĐCSTQ, và ĐCSTQ bắt đầu dùng đến bộ máy quốc gia để tiến hành “văn công võ hạ” (đe doạ) người Hồng Kông.
Ngày 29 và 30/8, nhiều kênh truyền thông của ĐCSTQ như Nhân Dân Nhật báo, Thời báo Hoàn Cầu, Tân Hoa Xã, liên tiếp đăng các bài bình luận, xã luận hoặc video chỉ trích hoạt động biểu tình ở Hồng Kông, đồng thời tuyên bố, nếu cần thiết, quân đội trú tại Hồng Kông sẵn sàng chấp hành “nhiệm vụ trấn áp”.
Ngoài ra, ngày 29/8, Cảnh sát vũ trang và Công an Trung Quốc tiếp tục diễn tập liên hợp lần 3 tại Thâm Quyến, trong quá trình diễn tập, còn hô lớn bằng tiếng Quảng Đông ra lệnh cho người biểu tình “giải tán và rút lui”, điều này có ý nhắm vào Hồng Kông.
Ngoài doạ nạt sử dụng vũ lực, truyền thông của ĐCSTQ cũng không quên dùng các bài viết để tấn công.
Ngày 29/8, Tân Hoa Xã đăng một đoạn video ngắn lồng tiếng Quảng Đông, dùng giọng điệu của “bà mẹ Hồng Kông” kêu gọi “Con trai, canh nấu xong vẫn còn ấm, hãy về nhà đi”, đồng thời còn chỉ trích hoạt động biểu tình có “người nước ngoài ở hiện trường chỉ huy”.
Trong bài bình luận hôm 30/8 của Tân Hoa Xã có tự đề “Giới hạn thấp nhất của nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’ tuyệt đối không cho phép chạm đến”, bài bình luận cáo buộc người biểu tình cấu kết với thế lực bên ngoài, vọng tưởng đem “cách mạng màu” thâm nhập vào Trung Quốc Đại lục.
Bên cạnh đó, trả lời phỏng vấn của Reuters, bà Đàm Tuệ Chu (Maria Tam), Đại biểu Hồng Kông của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc kiêm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Luật pháp cơ bản Hồng Kông, cho biết, việc Hồng Kông tuyên bố trạng thái khẩn cấp hoặc yêu cầu sự trợ giúp của quân đội đồn trú vẫn còn “khoảng cách rất xa”, bởi vì trong “Điều lệ Lực lượng cảnh sát” và “Điều lệ Công an” còn có rất nhiều điều luật có thể xử lý tình huống Hồng Kông, tuy nhiên, nếu luật pháp liên quan không thể đạt hiệu quả, chính phủ Hồng Kông buộc phải cân nhắc đến việc dùng “Luật khẩn cấp”.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Hoàng Chi Phong Dòng sự kiện phản đối luật dẫn độ Chu Đình Hồng Kông