Dịch cúm ở Trung Quốc: Cư dân mạng nói “nhiều trẻ em tử vong” ở Thượng Hải
- Trí Đạt
- •
Gần đây, trên mạng lan truyền tin nói rằng dịch cúm ở Thượng Hải đang nghiêm trọng, bác sĩ thừa nhận có trường hợp trẻ em tử vong. Một số cư dân mạng ở Thượng Hải nói rằng “nhiều trẻ em đã chết”. Cư dân mạng ở nhiều nơi cũng phản ánh đã xảy ra trường hợp tử vong tại địa phương, bao gồm người lớn lẫn trẻ em. Nhiều người nghi ngờ làn sóng cúm này “là loại virus Corona mới (COVID-19)”.
Bác sĩ Thượng Hải: Liên tiếp khám 5 trẻ, có trẻ đã qua đời; Cư dân mạng Thượng Hải: Rất nhiều trẻ em chết vì cúm A
Gần đây, bác sĩ Vương Thành Đông (Wang Chengdong) thuộc khoa Ngoại Nhi của Bệnh viện Tân Hoa Thượng Hải cho biết trong một video trên Douyin, trong số những đứa trẻ mà ông điều trị, 5 em liên tiếp phải vào phòng cấp cứu vì cúm và một số em phải thở máy, “thậm chí có trẻ không cứu được”. Một số trẻ còn “viêm não nặng”, tình trạng sức khỏe đột nhiên xấu đi, “vẫn đang tiếp tục cấp cứu”.
Ông cho biết các triệu chứng của những em này là giống nhau. Trong 2 ngày đầu, nhiệt độ cơ thể tăng vọt lên 39 độ hoặc 40 độ, sau đó trở nên bơ phờ và khó thở, “chúng đều mắc bệnh cúm A”. Ông nói: “Cúm A không phải là bệnh cảm lạnh thông thường, lơ là là gây tổn thương lớn nhất đối với sinh mạng”.
Trong phần bình luận, một số cư dân mạng Thượng Hải cho biết:
“Đúng là làn sóng cúm A này đã giết chết nhiều trẻ em. Tôi đang ở Thượng Hải và đã tận mắt chứng kiến cái chết của trẻ em do cúm A gây ra.”
“Con của bạn tôi bị triệu chứng nặng ở trong bệnh viện và được xác nhận là chết não.”
“Con trai của bạn đồng nghiệp của tôi cũng chết vì cúm A, mới 8 tuổi.”
“Trong lớp con của bạn đồng nghiệp tôi có một bạn không bị ho gì cả, rồi bị sốt, cũng không đi khám, về sau gọi cấp cứu 120 đến bệnh viện và đã qua đời, phổi đã bị trắng!”
Phản ánh của cư dân mạng
Cư dân mạng Bắc Kinh: “Vài ngày trước, tôi cũng đọc được thông tin về một em bé tử vong vì viêm não do cúm A. Bố của em bé cho biết con mình bị sốt lâu ngày và đến bệnh viện thì đứa bé đã tử vong, mới hơn 1 tuổi.”
Cư dân mạng Thiên Tân: “Chúng tôi hiện đang ở trong ICU vì bệnh viêm phổi, và một em bé ở cùng phòng chúng tôi đã qua đời vì bệnh viêm phổi.”
Cư dân mạng Cam Túc: “Không phải nói chuyện giật gân đâu, cháu trai tôi mắc bệnh cúm A 2 ngày trước và chết vì viêm phổi nặng, mới 18 tuổi.”
Cư dân mạng Tứ Xuyên: “Một đứa trẻ 13 tuổi của một người họ hàng đồng nghiệp đã qua đời vì khối u não kèm viêm màng não hoại tử”; “Ở đây chúng tôi có một người vừa qua đời, sốt cao không dứt, mới vừa 40 tuổi.”
Cư dân mạng Sơn Đông: “Bạn cùng lớp của tôi cũng bị cúm, chỉ trong thời gian 2 ngày, mới qua đời hôm qua, cũng là bị cúm dẫn đến phổi trắng”; “Hãy nhanh nghỉ và đừng ra ngoài nữa, làn sóng dịch này rất hung dữ và mạnh, nhiều em bé đã bị mắc rồi, đã có người chết rồi”; “Trẻ em trong bệnh viện đều là viêm phổi, quá đáng sợ!”
Có người nói: “Hãy cẩn thận, tôi thực sự có một người bạn đã chết! Anh ấy sốt suốt một tháng và đến tất cả các bệnh viện lớn. Ngay cả Bệnh viện Hiệp Hòa cũng không cho anh ấy một câu trả lời rõ ràng. Sau đó anh ấy sốt suốt 30 ngày, cuối cùng đã qua đời.”
Có người nói: “Gần đây có rất nhiều người vào ICU vì cúm A, có người vào rồi không ra ngoài được.”
Lây nhiễm tập thể xảy ra ở nhiều nơi gây hoang mang; cư dân mạng: “Chính là COVID-19”
Làn sóng cúm này ở Trung Quốc Đại lục quả thực “rất mạnh”. Theo dữ liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, tỷ lệ dương tính với virus cúm tiếp tục gia tăng và hơn 99% trong số đó là cúm A. Theo phản ánh của cư dân mạng, tình trạng lây nhiễm hàng loạt đã xảy ra ở nhiều nơi và họ thẳng thắn cho rằng làn sóng cúm A này “chính là COVID-19”.
Cư dân mạng ở Hà Nam, Thiểm Tây, Giang Tô và Tứ Xuyên nói:
“Con trai tôi nói hôm nay có 25 học sinh trong lớp bị sốt. Tôi rất lo lắng.”
“Một nửa lớp của con gái tôi bị ho, một số nôn mửa. Hôm nay tất cả chúng đều được nghỉ.”
“Con nhà tôi nói lớp cháu có 11 bạn đã xin nghỉ.”
“Lớp mẫu giáo của con trai tôi có 34 cháu, chỉ có 15 cháu đến lớp, còn lại đều bị cúm và cúm A”.
Nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi:
“Cúm A nên con tôi ở nhà không ra ngoài, mở cửa sổ cho thông khí thì con cũng bị sốt, thực sự không biết vì sao không ra ngoài chỉ mở cửa sổ mà vẫn bị nhiễm.”
“Có lẽ nào, phải chăng là biến chủng của COVID-19?”
“Đây có thực sự là cúm A không?”
Nhiều cư dân mạng trực tiếp chỉ ra rằng đó là COVID-19, “Cúm A cúm B gì chứ, cảm giác chính là COVID-19, vị giác của tôi lại biến mất”.
“Tôi cảm thấy cúm A là COVID-19, các triệu chứng giống hệt nhau, nhưng bây giờ không ai dùng từ COVID này nữa.”
“Chắc chắn là do virus Corona mới. Nếu không thì làm sao người ta có thể chết, quá đáng sợ!”
Đối mặt với cái gọi là dịch cúm đang bùng phát mạnh hiện nay, các bệnh viện ở nhiều nơi ở Trung Quốc Đại lục chật kín. Nhiều cư dân mạng cho rằng con cái họ đã 1 tháng nay không dám đến trường, một số đã làm thủ tục “tạm nghỉ học”, và một số người nói rằng con cái của họ đã tạm nghỉ học 1 tháng “Tôi sẽ không đi học bây giờ”. Đáng nói là mặc dù công chúng đưa tin đã có nhiều trường hợp tử vong do cúm ở nhiều nơi, nhưng vẫn chưa có thông báo chính thức nào về việc này. Thế giới bên ngoài thường nghi ngờ việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn che giấu dịch bệnh.
Gia đình 6 người ở Chiết Giang đi du lịch thì 5 người nhiễm cúm A
Tờ Shanghai Morning Post tối ngày 6/1 đưa tin, thông tin từ Bệnh viện số 2 Đại học Chiết Giang đưa tin tại phòng khám sốt, một gia đình 6 người đi du lịch, sau đó 5 người đều nhiễm cúm A.
Vào lúc 1:00 sáng, bà Lý (hóa danh, khoảng 50 tuổi), đến phòng khám sốt của Bệnh viện số 2 thuộc Đại học Chiết Giang.
Bà cho biết: “Cách đây một tuần, cả gia đình chúng tôi đi du lịch. Ngày thứ hai sau khi đến nơi, chúng tôi bắt đầu sốt, ho, đau họng và đau nhức khắp cơ thể. Tôi đã mua máy nhiệt kế và đo nhiệt độ cao nhất lên tới trên 39°C, thật khó chịu. Sau khi cố đi vài ngày, đến hôm kia thì không chịu đựng được nữa, tôi đến bệnh viện địa phương để chụp X-quang ngực và được chẩn đoán là bị viêm phổi, tôi sợ quá nên nhanh chóng bay về gặp bác sĩ.” Bà Lý đưa ra tờ kết quả chụp X-quang ngực, trên đó ghi “viêm phổi dưới bên trái”.
Bác sĩ Bàng, người nhận được kết quả chẩn đoán, được biết rằng bà Lý đã được điều trị tại địa phương, nhưng nhiệt độ cơ thể của bà vẫn cao. Trong số 6 người cùng đi du lịch về nhà, 5 người trong số họ lần lượt lên cơn sốt. Bác sĩ Bàng đánh giá rất có thể bà Lý mắc bệnh hô hấp rất dễ lây lan.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bà Lý bị viêm phổi do virus và axit nucleic của virus cúm A cho kết quả dương tính. Bác sĩ nói nếu bà được điều trị bằng thuốc kháng virus ở giai đoạn đầu của bệnh thì sẽ không đến nỗi bị viêm phổi.
Theo tin tức từ Bệnh viện số 2 của Đại học Chiết Giang vào ngày 6/1, vào đầu tháng 1/2025, số lượt đến phòng khám sốt của này tăng gấp 4 – 5 lần so với đầu tháng 12/2024. Bệnh nhân có triệu chứng giống cúm (thân nhiệt ≥38°C, kèm theo ho hoặc đau họng), tỷ lệ dương tính với cúm A cao hơn 30%.
Theo báo cáo, các triệu chứng chính của nhiễm cúm A là sốt cao đột ngột, thường có các triệu chứng về đường hô hấp như ho, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, v.v., kèm theo cảm giác khó chịu chung như nhức đầu, đau cơ và một số bệnh nhân có thể cảm thấy khó chịu ở dạ dày, đau khớp…
Theo báo cáo, điều ấn tượng nhất về bệnh cúm A là cảm giác đau đớn vô cùng. Không chỉ có thể đau họng, nhức đầu, đau cơ, đau khớp… Có người mô tả, mắc bệnh cúm A giống như bị vặn xoắn khắp cơ thể như vắt một chiếc khăn, từng tấc cơ thể đều bị tra tấn.
Các trường hợp nhiễm HMPV ở người tăng đều đặn, Mỹ theo dõi chặt chẽ
CDC Mỹ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (6/1) rằng họ đang “theo dõi các báo cáo về tình trạng dịch bệnh gia tăng ở Trung Quốc”. Trung Quốc được cho là đang phải đối phó với số ca nhiễm virus gây viêm phổi ở người (metapneumovirus ở người, viết tắt HMPV) ngày càng tăng. CDC Mỹ nói thêm rằng những báo cáo này không gây lo ngại ở Mỹ vào thời điểm này.
Các chuyên gia y tế cộng đồng nói với ABC News rằng HMPV là một loại virus được quen thuộc với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe và thường lây lan trong mùa virus đường hô hấp.
Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư y tế dự phòng tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, nói với ABC News: “Đây thực sự là mùa virus hô hấp mùa đông. Vì vậy, trong mùa này, các loại virus đường hô hấp như cúm, COVID-19, RSV (virus hợp bào hô hấp) và HMPV đều gia tăng. Một phần là do khoảng cách chúng ta rất gần nhau.”
Ông nói thêm: “Thời gian chúng ta ở trong nhà (không gian kín) tăng lên, đặc biệt là trong các dịp du lịch, tụ họp gia đình và các bữa tiệc trong kỳ nghỉ. Đây đều là những cơ hội để virus lây lan.”
Dưới đây là thông tin quan trọng về HMPV, bao gồm nó là gì, lây lan như thế nào và cách điều trị.
HMPV là gì?
Theo CDC Mỹ, HMPV là loại virus có thể gây bệnh đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Nó được phát hiện vào năm 2001 và cùng với virus hợp bào hô hấp (RSV), thuộc họ pneumoviridae. Khi sự hiểu biết về virus ngày càng tăng, việc xét nghiệm được cải thiện, cho phép phát hiện nhiều trường hợp hơn.
Ông William Schaffner cho biết: “HMPV là một loại virus đường hô hấp mà chúng tôi đang xem xét nghiêm túc hơn, bởi vì chúng ta có khả năng chẩn đoán nó”. Ông nói thêm, “Hiện tại, chúng ta có các bảng chẩn đoán có thể phân biệt liệu nhiễm trùng là cúm, COVID-19, RSV hay HMPV.”
Các triệu chứng của HMPV
Theo CDC Mỹ, thời gian ủ bệnh của HMPV là từ 3 đến 6 ngày. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ho, nghẹt mũi, sốt và khó thở.
Tiến sĩ Peter Chin-Hong, giáo sư y khoa và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại phân hiệu San Francisco của Đại học California, nói với ABC News: “Nó thường khó phân biệt với các loại virus đường hô hấp khác, trừ phi tình trạng nghiêm trọng, nếu không chúng ta thông thường sẽ không đặc biệt xét nghiệm HMPV.”
Trẻ nhỏ và người lớn từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ mắc viêm phế quản hoặc viêm phổi cao nhất.
HMPV lây lan như thế nào
Theo CDC Mỹ cho biết, HMPV lây lan chủ yếu qua các đường như:
- Giọt bắn từ ho hoặc hắt hơi;
- Tiếp xúc gần với người nhiễm;
- Chạm vào mắt, mũi hoặc miệng sau khi tiếp xúc với vật gì đó có chứa virus;
Tại Mỹ, số ca nhiễm HMPV thường tăng vào mùa đông và giảm vào mùa xuân. Tiến sĩ Peter Chin-Hong chỉ ra rằng hầu hết mọi người đều đã tiếp xúc với HMPV trước 5 tuổi và mặc dù mọi người có thể bị nhiễm lại nhưng các triệu chứng thường nhẹ. Tuy nhiên, những người bị suy giảm miễn dịch hoặc tuổi tác tương đối cao có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn nếu bị tái nhiễm.
Điều trị HMPV
Hiện tại không có thuốc kháng virus đặc biệt nhắm mục tiêu đối với HMPV. Các chuyên gia cho biết việc điều trị thường bao gồm chăm sóc hỗ trợ cho những người có triệu chứng vừa hoặc nặng.
Tiến sĩ Peter Chin-Hong giải thích: “Nếu bệnh nhân thở khò khè, chúng ta sẽ cho họ dùng thuốc giãn phế quản, một loại thuốc giúp thư giãn đường thở và giúp làm sạch chất nhầy trong phổi. Nếu bệnh nhân bị mất nước, chúng ta sẽ truyền dịch; nếu bệnh nhân bị sốt, chúng ta sẽ giảm sốt.”
Thuốc kháng sinh có thể được yêu cầu ở một số bệnh nhân do khả năng đồng nhiễm vi khuẩn khác.
Làm thế nào để phòng ngừa HMPV?
Hiện tại chưa có vắc-xin phòng ngừa HMPV nên các biện pháp phòng ngừa bao gồm:
- Tuân thủ các thói quen vệ sinh cơ bản như rửa tay bằng xà phòng và nước;
- Che miệng và mũi khi ho, hắt hơi;
- Ở nhà khi bị bệnh.
Ông Schaffner gợi ý: “Đối với các nhóm có nguy cơ cao như người già và những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, nếu đến những nơi đông người, họ nên đeo khẩu trang lại và cân nhắc việc duy trì khoảng cách xã hội”.
Từ khóa metapneumovirus HMPV Dịch cúm Dòng sự kiện Recommend Dịch bệnh ở Trung Quốc Cúm A