Điểm lại những quan tham Trung Quốc bị kết án tử hình trong 10 năm qua
- Minh Anh
- •
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết: Trương Trung Sinh là quan chức đầu tiên kể từ sau Đại hội 18 “phải thi hành án tử hình ngay” sau khi kết án. Sau khi Trương Trung Sinh bị kết án, truyền thông Trung Quốc đại lục chỉ ra, trong 10 năm qua có ít nhất 5 quan chức đã bị kết án tử hình vì tham nhũng.
Buổi sáng ngày 28/3, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tuyên án Phó Thị trưởng Trương Trung Sinh thuộc đô thị Lữ Lương tỉnh Sơn Tây vì tội tham ô với số tiền lớn, mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Quan chức này bị xử án tử hình vì tội ăn hối lộ, 8 năm tù giam vì sở hữu số tài sản lớn không xác định được nguồn gốc, phán quyết cuối cùng là án tử hình.
Từ sau Đại hội 18, quan tham đầu tiên “thi hành án tử hình ngay”
Trương Trung Sinh 66 tuổi là người tỉnh Sơn Tây, làm phó thị trưởng đô thị Lữ Lương được 9 năm (từ năm 2004). Theo báo chí địa phương đưa tin, quan chức này chủ yếu tham nhũng trong ngành than đá, số tài sản ăn hối lộ tương đương giá trị 1,04 tỷ nhân dân tệ (khoảng 165,4 đô la Mỹ).
Ngày 29/5/2014, Trương Trung Sinh bị điều tra, ngày 26/12/2015 bị lập án, tháng 1/2016 bị khai trừ khỏi Đảng, bãi bỏ chế độ đãi ngộ hưu trí, chuyển giao cơ quan tư pháp.
Theo một bài báo trên Nhật báo Pháp chế (Legaldaily) vào ngày 28/3, trong án tử hình đối với Trương Trung Sinh, tội tham ô hơn tỷ nhân dân tệ không phải là lý do duy nhất.
Trả lời phỏng vấn Nhật báo Pháp chế, chuyên gia về hình luật là Giáo sư Cao Minh Xuân (Gao Mingxuan) thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh chỉ ra, Trương Trung Sinh từng ra giá với người khác chi số tiền lên đến 88,68 triệu nhân dân tệ, “tình tiết phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”; sau Đại hội 18 quan viên này vẫn chưa chùn tay, tiếp tục điên cuồng vơ vét, gây tác động xã hội đặc biệt xấu; thường xuyên can thiệp vào các hợp đồng, dự án liên quan đến nguồn tài nguyên than đá, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Tòa án đô thị Lâm Phần cho biết, sau điều chỉnh luật hình sự vào năm 2015, hình phạt đối với các trường hợp tham nhũng sẽ không còn giống như trước là “hình phạt theo số tiền”, mà là “số tiền + tình hình”. Tòa án cho rằng, Trương Trung Sinh sử dụng quyền lực để vụ lợi bất chính, vấn đề không chỉ là nhận hối lộ số tiền lớn, mà còn là “ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương… gây tổn thất nặng nề đối với lợi ích của nhà nước và nhân dân, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.”
Trước đó (sau Đại hội 18), một số quan to cấp tỉnh nhận hối lộ với số tiền hơn 100 triệu nhân dân tệ như cựu Bí thư ký của Tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi, cựu Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Quảng Đông Chu Minh Quốc cũng bị phán tội tử hình nhưng được hoãn thi hành án. Trong đó, Bạch Ân Bồi ăn hối lộ đến 246 triệu nhân dân tệ (khoảng 39,1 triệu đô la Mỹ) dù bị xử án tử hình nhưng được treo trong 2 năm mới thi hành; Chu Minh Quốc bị kết án tử hình vì nhận hối lộ 141 triệu nhân dân tệ (khoảng 22,4 triệu đô la Mỹ) và cũng được treo án 2 năm mới thi hành.
Tuy nhiên, lời giải thích từ giới chức Trung Quốc về lý do Trương Trung Sinh bị kết án tử hình dường như khó thuyết phục, trước hết vì mức tham ô của các quan to cấp tỉnh trở lên luôn bị nghi ngờ, và thứ hai là có rất nhiều trường hợp tội trạng liên quan đến đảo chính không được tiết lộ. Ví dụ, hiện nay, trong các quan chức cấp tỉnh trở lên liên quan đến tham nhũng trên trăm triệu nhân dân tệ thì cựu Bí thư Ban Chính pháp và Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang chỉ đứng hạng thứ 8. Giới chức Trung Quốc đã thông báo tội tham nhũng của Chu Vĩnh Khang chỉ liên quan số tiền 130 triệu nhân dân tệ (khoảng 20,68 triệu đô la Mỹ), nhưng theo Reuters đưa tin thì Chu Vĩnh Khang tham nhũng đến gần 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15,9 tỉ đô la Mỹ). Không chỉ thế, Chu Vĩnh Khang cũng đã bị chính thức xác định tham gia vào âm mưu đảo chính.
Những quan tham đã bị tử hình
Theo bản kiểm kê của Dabai News (ID weixin: dabaixinwen), trong 10 năm qua, có ít nhất 5 quan chức “ngã ngựa” đã bị tử hình vì tham nhũng, bao gồm:
– Triệu Lê Bình (Zhao Liping), cựu phó chủ tịch Khu tự trị Nội Mông đã bị xử tử vào tháng 5/2017 vì cố ý giết người.
– Tháng 2/2015, hai quan chức là Bành Thự (Peng Shu) và Hồ Hạo Long (Hu Haolong) thuộc hệ thống đường cao tốc tỉnh Hồ Nam đã bị tử hình vì tham nhũng. Theo thông tin, hai quan chức này là Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị một doanh nghiệp nhà nước thuộc Cục Quản lý Đường cao tốc tỉnh Vân Nam, đều tham ô trên 200 triệu nhân dân tệ.
– Hai quan chức khác bị tử hình là Hứa Mại Vĩnh (Xu Maiyong) và Khương Nhân Kiệt (Jiang Renjie). Hứa Mại Vĩnh từng làm phó thị trưởng tại Hàng Châu tỉnh Chiết Giang, đã bị kết án tử hình vì ăn hối lộ. Khương Nhân Kiệt từng giữ chức phó thị trưởng thành phố Tô Châu, bị kết án tử hình và bị tước quyền tham gia chính trị trọn đời vì chiếm đoạt tài sản công và ăn hối lộ. Án tử hình của cả hai đã được thi hành vào sáng ngày 19/7/2011.
Tuy nhiên, hiện nay chắc hẳn hiếm ai phủ nhận quan trường Trung Quốc không quan nào không tham, cấp bậc càng lớn thì càng ít có khả năng bị xử tử hình. Nhiều nhà quan sát cho rằng, thực tế chứng minh trong bối cảnh đạo đức quan chức Trung Quốc suy thoái toàn diện như hiện nay, dù cho có kết nhiều án tử hình hơn nữa cũng không có tác dụng răn đe được những kẻ tham lam khác đang không ngừng vơ vét tài sản công bằng những thủ đoạn tinh vi hơn.
Minh Anh
Xem thêm:
Từ khóa Quan trường Trung Quốc tham quan Trung Quốc