Diệp Vấn đào thoát sang Hồng Kông để trốn phe nào?
- Nhạc Thanh Sâm
- •
Dịp 1/7 kỷ niệm 27 năm ngày Hồng Kông trở về Trung Quốc, xin lưu lại bài viết này như “tiếng thở dài” trước một biến cố mà văn minh bị man rợ tiếm quyền, hệ quả là nhiều sự thật lịch sử bị bóp méo xuyên tạc.
Kể từ khi bộ phim Diệp Vấn (Ip Man) do Chân Tử Đan đóng chính được phát hành vào năm 2008, Diệp Vấn trong vai sư phụ của siêu sao võ thuật Lý Tiểu Long đã được công chúng yêu thích. Thực tế trước đó sự nổi tiếng của Diệp Vấn kém xa so với Hoàng Phi Hồng – một người cũng xuất thân từ Phật Sơn. Đại đa số người dân Phật Sơn thậm chí không biết Diệp Vấn là ai.
Dù bộ phim nỗ lực gợi cho khán giả cảm giác đây là một bộ phim tiểu sử về cuộc đời của võ sư Diệp Vấn, nhưng bất kể bỏ qua những tình tiết võ thuật hư cấu, thì những vấn đề khác như chủ nghĩa anh hùng, lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc của Diệp Vấn do Chân Tử Đan thể hiện vẫn khác xa với thực tế lịch sử.
Chúng tôi phát hiện ra, vị tôn sư đáng trọng ở mảnh đất tự do Hồng Kông năm nào mở lớp dạy Vịnh Xuân quyền, dù sau nhiều năm đã may mắn được công chúng biết đến rộng rãi trên màn ảnh rộng; nhưng không may là đã trở thành con tốt để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lợi dụng phủ lên những tình tiết bài Nhật, kích động lòng yêu nước và tham gia vào các hoạt động tuyên truyền đối nội và đối ngoại của ĐCSTQ.
Bài viết này nói về tập phim “Diệp Vấn 1”, thảo luận về khoảng cách giữa bộ phim và sự thật lịch sử.
Diệp Vấn có tham gia đánh quân Nhật Bản?
Tập đầu tiên của bộ phim có bối cảnh cuộc kháng chiến kéo dài 8 năm của Trung Quốc chống Nhật Bản xâm lược, kể về quá trình Nhật Bản chiếm đóng Phật Sơn – Quảng Đông vào những năm 1930, khi đó người dân khu vực buộc phải di dời và chịu phân biệt đối xử và bóc lột. Trong phim, Diệp Vấn buộc phải cùng vợ con chuyển đến một ngôi nhà bỏ hoang vì dinh thự của ông đã bị quân đội Nhật Bản chiếm giữ làm trụ sở chính. Tình tiết này là đúng thực tế lịch sử. Trong Chiến tranh chống Nhật Bản, vườn dâu Phật Sơn nơi gia đình Diệp Vấn sinh sống đã bị chiếm đóng bởi quân đội Nhật Bản và những kẻ phản bội người Hán, vì vậy Diệp Vấn buộc phải rời khỏi nhà và trải qua thời gian sống gian khó.
Sự khác biệt là trong phim Diệp Vấn đi làm trong một nhà máy than, nhưng trên thực tế Diệp Vấn đã chuyển sang làm việc trong đội thám tử ngay từ khi bắt đầu Chiến tranh chống Nhật Bản năm 1937. Ông tham gia lớp huấn luyện tình báo do Chính phủ Quốc Dân Đảng tổ chức (Trần Lập Phu/Chen Lifu lãnh đạo), từng được đào tạo sĩ quan ở Quý Châu. Sau khi tốt nghiệp lớp đào tạo, Diệp Vấn trở về quê làm Bí thư Đại đội Tình báo Phật Sơn.
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống Nhật Bản đang diễn ra sôi sục, Diệp Vấn vừa tham gia vào công việc tình báo của Ủy ban Trung ương vừa mở lớp dạy Vịnh Xuân quyền. Trong “Diệp Vấn 1”, không thể nghi ngờ câu nói kinh điển nhất của Diệp Vấn là “Tôi chấp cả 10 tên” chắc chắn là bịa đặt. Vì đối với một người trong nhiều năm làm việc tình báo như Diệp Vấn, việc giữ kín đáo bản thân phải là nguyên tắc ứng xử. Với người như vậy, liệu có thể tham gia đấu võ với lính Nhật không? Mặc dù không có dữ liệu lịch sử để làm bằng chứng nhưng khả năng đó là rất thấp.
Đúng vậy, không có dữ liệu lịch sử nào cho thấy tình hình thực tế khi ông tiếp xúc với lính Nhật. Do đó, các cuộc xung đột giữa Diệp Vấn và quân đội Nhật Bản trong phim, cũng như cuộc đọ sức giữa ông và tướng quân Miura, hoàn toàn là hư cấu. Vài năm qua, có phải việc ĐCSTQ tuyên truyền kích động tâm lý bài Nhật Bản đã là chuyện thường thấy? Trước đây [trong chiến tranh chống Nhật], thực ra ĐCSTQ không hề tham gia đánh Nhật, nhưng bây giờ đang giương cao ngọn cờ chống Nhật trong dòng máu yêu nước của người dân Trung Quốc, lừa mị người dân Trung Quốc bằng cách làm xóa nhòa việc phân biệt giữa Trung Quốc với ĐCSTQ, tuyên bố “yêu Đảng là yêu nước” và “yêu nước là yêu Đảng”. Loạt phim “Diệp Vấn” là một trong những quân bài tuyên truyền của ĐCSTQ.
Diệp Vấn rời Đại Lục đến Hồng Kông để trốn quân đội Nhật Bản?
Ở cuối phim “Diệp Vấn 1”, Diệp Vấn dựa vào tuyệt kỹ Vịnh Xuân mà ông đã luyện tập nhiều năm để đánh bại tướng quân Miura, truyền cảm hứng cho người Trung Quốc, nhưng ngay lập tức bị Sato bắn vào vai. Tận dụng thời cơ bạo loạn và nhờ giúp đỡ của người thân và bạn bè, ông đã thành công cùng vợ con trốn khỏi Phật Sơn đến Hồng Kông sống phần đời còn lại.
Câu hỏi là Diệp Vấn trong thực tế lịch sử có đến Hồng Kông để trốn quân Nhật?
Câu trả lời vấn đề này rất đơn giản là không phải. Tại sao? Vì Diệp Vấn rời Đại Lục năm 1949 là thời điểm đã kết thúc cuộc nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và ĐCSTQ, cũng là năm Chính phủ Quốc Dân Đảng rút về Đài Loan và ĐCSTQ đã thành công trong việc chiếm được quyền lực. Lúc đó đã cách 4 năm thời điểm Nhật Bản đầu hàng và Trung Quốc giành chiến thắng trong kháng chiến, vậy còn gì liên quan Nhật Bản?
Do đó thực tế là Diệp Vấn đến Hồng Kông để trốn tránh ĐCSTQ.
Trong 8 năm chiến tranh chống Nhật Bản, Diệp Vấn đã âm thầm làm công việc tình báo cho chính phủ quốc gia của Quốc Dân Đảng. Trong cuộc nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và ĐCSTQ, Diệp Vấn được thăng chức Thanh tra trưởng, năm 1949 ông trở thành Đội trưởng Đội tuần tra phía nam của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Quảng Châu, công việc chính là điều tra và trấn áp các lực lượng địa phương của ĐCSTQ.
Vào thời điểm đó, sự thất bại của chính phủ Quốc Dân Đảng là điều đã thấy rõ, vì thế Diệp Vấn lo lắng bản thân sẽ bị ĐCSTQ thanh trừng sau khi lên nắm quyền vì đã tham gia cùng Quốc Dân Đảng. Ông bỏ lại người vợ Trương Vĩnh Thành (Zhang Yongcheng) và ba đứa con nhỏ ở Phật Sơn, chỉ đưa được con gái lớn trốn sang Ma Cao rồi đến Hồng Kông. Sau khi đến Hồng Kông, để tránh tai mắt của ĐCSTQ, Diệp Vấn thậm chí còn đổi tên thành Diệp Dật (Ye Yi) khi xin chứng minh nhân thân Hồng Kông. Trong cuộc đời sau đó, ông chưa bao giờ đề cập đến sự nghiệp ở Đại Lục với bất kỳ ai, kể cả con của ông.
Đúng vậy, Diệp Vấn là một trong số hàng trăm nghìn người Trung Quốc đào thoát sang Hồng Kông.
Thực tế chứng minh quyết định của Diệp Vấn là đúng. Ông sinh ra trong một gia đình giàu có sở hữu gia trang dâu ở Phật Sơn (Quảng trường Hoa Sen ở Phật Sơn ngày nay), vào năm 1949 ĐCSTQ sau khi thành lập đã quốc hữu hóa gia trang nhà họ Diệp này. Nếu hồi đó ông không trốn sang Hồng Kông, rất có thể ông sẽ bị bức hại và chết trong nhục nhã khi ĐCSTQ cải cách ruộng đất, chống cánh hữu.
Phim “Diệp Vấn” không đề cập việc ông chiến đấu chống ĐCSTQ
Đúng vậy, Diệp Vấn là người chống ĐCSTQ, nhưng phim “Diệp Vấn” trong công tác tuyên truyền của ĐCSTQ tất nhiên không nhắc đến sự thật lịch sử này.
Ngay từ khi Diệp Vấn còn là Bí thư của Đại Đội Tình báo Phật Sơn, nhiệm vụ của ông là truy lùng và trấn áp người của ĐCSTQ. Khi ở Hồng Kông, Khách sạn Công đoàn Cửu Long – Hồng Kông nơi Diệp Vấn từng sống là một trong những tổ chức công đoàn cánh hữu ủng hộ Quốc Dân Đảng, cũng là một trong những tổ chức tiền thân của Liên đoàn Công đoàn Cửu Long – Hồng Kông.
Trước thềm ĐCSTQ xây dựng chính quyền mới vào năm 1949, Diệp Vấn là một trong những người chạy trốn đến Hồng Kông, thứ mà ông muốn thoát khỏi là ĐCSTQ mà ông từng tham gia cùng Quốc Dân Đảng chống lại.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là sau nhiều thập niên từ khi ĐCSTQ soán ngôi quyền lực, vào ngày 1/7/1997, Hồng Kông vốn do Vương quốc Anh quản lý đã trở lại “vòng tay của Trung Quốc”, chỉ là “Trung Quốc” này không còn là “Trung Hoa Dân Quốc” sở hữu bản chính Hiệp ước Nam Kinh mà là “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” do ĐCSTQ thành lập – thế lực mà hàng trăm ngàn người Trung Quốc sợ hãi đã đào thoát sang Hồng Kông.
Còn loạt phim “Diệp Vấn” ra mắt từ năm 2008 cũng là một điển hình thu nhỏ cho “Hồng Kông trở lại Trung Quốc”, đến nỗi con người thật của Diệp Vấn cũng nhuốm bóng đỏ mà hồi đó ông phải tìm đường bỏ chạy.
Vào ngày 1/7, kỷ niệm 27 năm ngày Hồng Kông trở về đất mẹ, xin nhắc lại tiếng thở dài này!
Nhạc Thanh Sâm
Từ khóa Hồng Kông Diệp Vấn Chân Tử Đan