Diệt chủng văn hoá: ĐCSTQ phá huỷ nhà truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ
- Massimo Introvigne
- •
Nghiên cứu của ông Timothy Grose cho thấy cách thức xóa bỏ bản sắc của người Duy Ngô Nhĩ trong chiến dịch tàn bạo “Ba điều mới” tại Tân Cương của ĐCSTQ.
Từ lâu tôi đã học được từ nhà xã hội học người Brazil Gilberto Freyre (1900-1987) về tầm quan trọng của kiến trúc và cách trang trí ngôi nhà trong việc định hình bản sắc văn hoá [của một dân tộc].
Một nghiên cứu mới của ông Timothy Grose, giáo sư về Trung Quốc Học tại Viện công nghệ Rose-Hulman ở Terre Haute, bang Indiana được công bố trên tạp chí học thuật “Dân tộc và Chủng tộc Học” đã cho thấy ĐCSTQ đang muốn xóa bỏ tất cả các dấu vết của văn hóa người Duy Ngô Nhĩ, từ ngôn ngữ đến tôn giáo. Hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại giáo dục khủng khiếp và một triệu người Hán “họ hàng thân thuộc” đã được ĐCSTQ gửi đến sống cùng với các gia đình người Duy Ngô Nhĩ để giám sát và “cải tạo” họ tại nhà.
Những người “họ hàng thân thuộc” là nam giới này của ĐCSTQ không chỉ thường ngủ chung giường với các phụ nữ Duy Ngô Nhĩ có chồng đang bị giam trong các trại tập trung, mà họ còn vào sống trong nhà người Duy Ngô Nhĩ, quản lý vấn đề nhà cửa.
Ông Grose tập trung vào việc ĐCSTQ muốn phá hủy những ngôi nhà truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ. Ở giữa nhà, người Duy Ngô Nhĩ thường xây một Supa – nền làm bằng đất hoặc gỗ đặt cách mặt đất 40-50cm. Các gia đình Duy Ngô Nhĩ và khách của họ ngồi, ăn và thực hiện các nghi lễ tôn giáo như lễ đặt tên, cắt bao da quy đầu, và trao đổi lời thề hôn nhân trên Supa. Người Duy Ngô Nhĩ thường phủ những tấm thảm quý lên Supa.
Một số nhà người Duy Ngô Nhĩ cũng có những cái hốc merhab chỉ hướng của thánh địa Mecca và được sử dụng để chứa các vật dụng tôn giáo, các ấn bản kinh Koran và các vật dụng phòng ngủ. Một số Supa có các khoang bên trong dùng để sưởi ấm, và người Duy Ngô Nhĩ ngủ ở đó.
Kiến trúc bên trong của các ngôi nhà và cuộc sống gia đình hội tụ trên Supa, khác với khái niệm phân chia rõ ràng giữa khu vực sinh hoạt và ngủ trong các ngôi nhà phương Tây. Tương tự theo cách như thế, các ngôi nhà người Duy Ngô Nhĩ hội tụ xung quanh một nhà thờ Hồi giáo địa phương, và đây là lý do chính xác tại sao thành phố cổ Kashgar, trái tim của văn hóa Duy Ngô Nhĩ, đã bị phá hủy.
Ông Grose đã ghi chép lại cách thức mà các ngôi nhà với Supa ở trung tâm đang bị dỡ bỏ một cách có hệ thống tại Tân Cương. Những người Duy Ngô Nhĩ cố gắng chống lại điều này bị dán nhãn là “những kẻ cực đoan” và bị đưa đến giam giữ tại các trại giáo dục. Đồ nội thất truyền thống được thay thế bằng các bàn ghế tiêu chuẩn kiểu IKEA. Nếu không thể cải tạo ngôi nhà, thì nó đơn giản sẽ bị san bằng và người Duy Ngô Nhĩ được chuyển đến các khu chung cư.
Tất cả điều này đã được hoạch định cẩn thận và được biện minh do ý thức hệ. Supa bị tố cáo là biểu tượng của sự lạc hậu của người Duy Ngô Nhĩ.
> Trung Quốc buộc người Duy Ngô Nhĩ kiểm soát sinh đẻ để giảm dân số
Ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch “Ba điều mới” đối với người Duy Ngô Nhĩ: đời sống mới, môi trường mới, trật tự mới. Theo diễn giải của một quan chức chính phủ tại Tân Cương, “đời sống mới” có nghĩa là “cám ơn Đảng, lắng nghe Đảng, và đi theo Đảng” đồng thời “loại bỏ bốn hoạt động” gồm lễ đặt tên Hồi giáo, cắt bao da quy đầu, đám cưới, đám tang. Điều này được gọi là “hướng dẫn quần chúng nông thôn đến một lối sống thế tục”. “Môi trường mới” yêu cầu loại bỏ các ngôi nhà truyền thống và “những quần áo kỳ lạ”. “Trật tự mới” có nghĩa là “không bao giờ cho phép tôn giáo can thiệp vào hành chính, pháp luật, giáo dục, hoặc kế hoạch hóa gia đình.”
Thực hiện chiến dịch này, các ngôi nhà truyền thống Duy Ngô Nhĩ đang bị phá hủy hoặc tái cấu trúc, xoá bỏ các Supa, áp đặt ba không gian riêng biệt để “sống, trồng trọt và chăn nuôi,” và trang trí các phòng bằng đồ nội thất kiểu phương Tây rẻ tiền, gồm có bàn cà phê và ghế sofa.
Đến năm 2018, 300.000 ngôi nhà người Duy Ngô Nhĩ đã được “cải tạo”. Những người “họ hàng thân thuộc” người Hán của ĐCSTQ sống trong những ngôi nhà này để đảm bảo rằng trật tự mới sẽ được tuân thủ và nhằm “cải biến suy nghĩ” của người Duy Ngô Nhĩ thông qua một chiến lược mà Đảng gọi là “bốn điều chung, bốn món quà”. Điều này có nghĩa là “những họ hàng thân thuộc” ĐCSTQ sẽ “ăn, sống, làm việc và học tập” cùng với các gia đình Duy Ngô Nhĩ và tặng cho họ “bốn món quà” là lòng tốt của người Trung Quốc và kiến thức về chính sách, luật pháp và văn hóa của ĐCSTQ.
Những hình phạt nặng nề sẽ được giành cho người Duy Ngô Nhĩ nào không hợp tác. Các cán bộ đảng kiểm tra các ngôi nhà và đưa cho họ một lá cờ đỏ nếu họ được xem là “hiện đại hóa” và “Hán hóa” một cách đúng đắn và ngược lại là một lá cờ đen. Lá cờ đen là một vấn đề nghiêm trọng. Các gia đình nhận được lá cờ đen ba lần sẽ bị bắt giữ và “bị đưa lên sân khấu” trước mặt những dân làng khác, tại đó họ phải nhận lỗi và “hứa sửa chữa lỗi lầm của mình,” theo phong cách của Cách mạng Văn hóa.
Như ông Grose đã lưu ý trong phần kết luận, mặc dù chiến dịch “Ba điều mới” không phổ biến đến mức gây ra sự phản kháng, nhưng việc phá hủy ngôi nhà truyền thống của người Duy Ngô Nhĩ là một trong số các cách thức chủ yếu nhằm diệt chủng văn hóa. Ông Magnus Fiskesjö, giáo sư về nhân chủng học của Đại học Cornell, gần đây đã viết bình luận về “việc diệt chủng văn hóa với đặc trưng Trung Quốc” tại Tân cương:
“Dựa trên những gì đang xảy ra, Trung Quốc có nên có đại diện trong bất kỳ tổ chức quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa hay không? UNESCO? hoặc đại diện của họ có thể nhận được bất kỳ sự tôn trọng nào không? Tôi nghĩ là không.”
Massimo Introvigne (Gia Huy biên dịch từ Bitter Winter)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện đàn áp người Duy Ngô Nhĩ Diệt chủng văn hóa