Trong vòng 6 năm trở lại đây, nhà cầm quyền đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hừng hực khí thế chống tham nhũng gây chú ý trong nước và quốc tế. Thực tế, dù hiện nay vẫn tiếp tục có quan tham “ngã ngựa” nhưng dấu hiệu cho thấy có bước ngoặt kể từ sau Đại hội 19 ĐCSTQ, cho thấy xu hướng chống tham nhũng đã lặng lẽ thay đổi. Có người trong giới kinh doanh quan hệ thân thiết với giới quan to chính trị Trung Nam Hải đã đưa ra 4 nguyên nhân chính khiến chống tham nhũng của ĐCSTQ tất yếu thất bại.

tham nhũng
Có nhận định, hầu hết các quan chức ĐCSTQ đều sa đọa, từ trách nhiệm xã hội đến đạo đức cá nhân (Ảnh: Getty Images)

Doanh nhân Trung Quốc chỉ ra nguyên nhân gây sốc

Ngày 22/10, trang “Thế kỷ mới” (NewCenturyNet) công bố bài viết của nhà lãnh đạo phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989 là Vương Đức Bang (Wang Debang) chia sẻ quan điểm của một chủ doanh nghiệp thân quen của tác giả mà hiện nay thường xuyên là thượng khách của giới quan to Trung Nam Hải.

Ông Vương Đức Bang cho biết, trong một dịp tiệc tùng mọi người sôi nổi bàn về đề tài chống tham nhũng, ông chủ này đã lên tiếng như dội gáo nước lạnh khiến mọi người kinh hoảng, cho rằng chống tham nhũng là một cuộc chiến thất bại! Nhà doanh nghiệp này phân tích bốn lý do chính, như sau:

Thứ nhất, về tài nguyên, phần lớn các nguồn tài nguyên tại Trung Quốc nằm trong tay những kẻ bị gọi là tham nhũng hủ bại, dù có Hoàng đế như ngày xưa cũng không thể trảm hết hoặc cho thay thế họ, thậm chí có thể nói những người chống tham nhũng cũng phải dựa vào các nguồn lực của kẻ tham nhũng, nếu không cũng bó tay chịu trận;

Thứ hai, về đội ngũ, trong hệ thống quan liêu hiện tại của Trung Quốc, cùng với quá trình xây dựng kinh tế thị trường vài thập kỷ qua thì liệu còn tìm được ai trong sạch? Cho dù có một vài người trong sạch thì liệu những người này có thể thay đổi Trung Quốc? Do đó, bất kể tóm ai trong đội ngũ cán bộ hiện nay cũng dễ dàng bới ra những liên hệ chặt chẽ giữa quyền lực và tiền bạc trong quá khứ kẻ đó.

Thứ ba, xã hội này dựa vào tranh đấu để nắm quyền lực, cho dù thế hệ Đỏ có bao nhiêu mâu thuẫn chia rẽ thì cũng có quan điểm chung: quyền lực quốc gia của một tập đoàn, tham nhũng là vấn đề nội bộ của tập đoàn này, không liên quan gì đến đông đảo người dân thường, và quyền lực tuyệt đối không được chia sẻ với mọi người dân thường;

Thứ tư, trong bầu không khí xã hội Trung Quốc ngày nay, mặc dù giới quyền quý khiến đa số dân chúng thù ghét, nhưng mặt khác dân chúng cũng ao ước được vậy. Đa số mọi người vẫn xem giới quyền quý có tài năng, vươn lên giới quyền quý là mục tiêu theo đuổi của mọi người. Vì vậy nền tảng xã hội để giới quyền quý tiếp tục cai trị vẫn mạnh mẽ.

Ông chủ này kết luận, chống tham nhũng tại Trung Quốc ngày nay sẽ không thể kéo dài, không thể đi sâu, càng không thể thay đổi được thể chế này. Trung Quốc chống tham nhũng chỉ là trị phần ngọn mà không trị được phần gốc. Vì vậy dù chống tham nhũng khốc liệt thế nào cũng chỉ có tính tạm thời, giống như một cơn gió mạnh, sau đó mọi thứ vẫn như cũ.

Vương Đức Bang: Thế lực tham nhũng ngày càng mạnh mẽ

Ông Vương Đức Bang bùi ngùi nhận định rằng, ông chủ này có thể đưa ra lý luận vĩ mô như vậy, bởi vì ông ta thường xuyên qua lại với giới quan chức cấp cao ở Bắc Kinh và chính quyền nhiều tỉnh, thường nghe được những chia sẻ riêng tư của họ về tình hình chính trị. Có thể nói ông chủ này đã nói rõ quan điểm chung của một số lượng lớn các quan chức và dân kinh doanh Trung Quốc.

Ông Vương Đức Bang cho rằng việc chống tham nhũng cho đến nay, nhiều dấu hiệu cho thấy, đội ngũ quan liêu bây giờ đã không còn hoảng sợ như ban đầu mà bình tĩnh đối diện. Bây giờ khi các quan chức bàn về vấn đề ai đang bị điều tra cũng không còn lo lắng như trước. Điều này cho thấy các quan chức không còn sợ hãi chuyện chống tham nhũng, mọi người đã trở nên quen với chuyện này. Điều này phản ánh cơn bão chống tham nhũng của Trung Quốc dường như ngày càng cạn kiệt và suy yếu.

Ông cho rằng hiện nay phe lo lắng có khi lại đảo ngược không phải là phe tham nhũng mà là phe chống tham nhũng. Bởi vì các thế lực tham nhũng hùng mạnh đoàn kết nhau, làm cho bất kỳ chính sách nào liên quan đến cải cách cơ bản sẽ không thể làm được. Theo ông, trong bối cảnh này, có ba thay đổi quan trọng dù muốn nhưng không thể làm được.

Thứ nhất, không bao giờ xúc tiến được bất kỳ cải cách chính trị nào hữu ích thực sự cho quyền lợi dân chúng;

Thứ hai, không thể thu hút được những người trong sạch bên ngoài hệ thống vào hệ thống, hoặc nếu vào thì những người này cũng cô lập, hoặc bị hại chết;

Thứ ba, nhà cầm quyền kiên quyết ngăn chặn những cá nhân có lý tưởng cải cách để đảm bảo đất nước không xảy ra biến động lớn, để việc thực hiện những chính sách tuân theo ý chí của nhóm cầm quyền.

Vương Đức Bang kết luận rằng, dưới bức tranh chống tham nhũng như vậy, thế lực thông đồng quyền lực và tư bản vẫn sẽ chi phối Trung Quốc, và hệ thống chính trị Cộng sản Trung Quốc vẫn sẽ chỉ đại diện cho thế lực quyền quý thống trị.

Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy đều là tội phạm

Kể từ Đại hội 18 ĐCSTQ đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ, hơn 254 quan chức từ cấp phó Bộ trở lên (bao gồm phó của Quân đội) bị “ngã ngựa”. Bên cạnh thực tế 67 quan chức cấp phó Quân “ngã ngựa” nhưng chưa công khai, có đến 30 quan tham nhũng trên 100 triệu Nhân dân Tệ. Những quan tham nhũng này là từ cấp thôn bản đến cấp chủ quan một bộ phận thuộc trung ương.

Tiêu biểu như tại Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Bắc khóa trước, bắt đầu từ  tháng 11/2011 do ông Chu Bản Thuận đứng đầu cho đến 31/7 năm nay khi ông Phó Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Hà Bắc là Ngải Văn Lễ (Ái Wenli) bị điều tra thì toàn bộ đã bị xử lý hết.

Bào Đồng, người từng là thư ký của cố lãnh đạo Triệu Tử Dương vào ngày 02/8 đã trả lời Đài Á châu Tự do (RFA) rằng, toàn ban lãnh đạo của các Tỉnh ủy trong thể chế ĐCSTQ đều là tội phạm. Ông cũng cho biết ông “không ngạc nhiên” về chuyện này. Bởi vì thực tế trong Đảng toàn tội phạm, đây là điều hiếm ai không biết, nhưng “cảm giác của tôi là sợ hãi”.

Chính quyền tiếp tục hủ lạn cho đến khi sụp đổ

Lại Tiểu Dân (Lai Xiaomin), cựu chủ tịch của Công ty Quản lý Tài sản Huarong Trung Quốc bị “ngã ngựa” vào tháng Tư năm nay, vào ngày 15/10 bị khai trừ Đảng và loại khỏi bộ máy công chức. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, vụ án này gây sốc, không chỉ vì tìm thấy gần 3 tấn tiền mặt của ông ta mà còn phát hiện 300 triệu tiền gửi ngân hàng trong tài khoản của mẹ ông ta.

Học giả Trung Quốc Đặng Luật Văn (Deng Yuwen) đã viết bài trên  BBC chỉ ra, năm ngoái Lại Tiểu Dân đã từng giải thích nguyên nhân Huarong phát triển được nhanh chóng là do công tác xây dựng Đảng. Thật bất ngờ, viên chức tham nhũng lớn nhất Trung Quốc lại là đây, cho thấy sự thất bại của phong trào chống tham nhũng.

Thời báo Tài chính (Financial Times) tại Anh có nhận định, hành động chống tham nhũng của Bắc Kinh dường như không đạt được các mục tiêu mong đợi. Một nghiên cứu cho thấy chính quyền trung ương còn tham nhũng nhiều hơn chính quyền địa phương. Khả năng các quan chức ĐCSTQ bị trừng phạt nặng vì tham nhũng vẫn không đáng kể. Hầu hết các quan chức liên quan chỉ bị cảnh cáo hoặc ghi lỗi.

Đáng kể là “huấn luyện viên trưởng tham nhũng” Giang Trạch Dân đại diện cho giới quyền quý hủ bại của ĐCSTQ lại không bị phong trào chống tham nhũng chạm vào. Ngoài ra hàng loạt quan tham gây vô số scandal mà dân chúng đều biết như Hàn Chính (Han Zheng), Quách Thanh Côn (Guo Shengkun), Lý Hồng Trung (Li Hongzhong), Cát Bính Hiên (Ji Bingxuan), Trần Nhuận Nhi (Chan Yuner), Nguyễn Thành Phát (Yuan Chengfa), Phó Chính Hoa (Fuzheng Hua) vẫn được thăng chức.

Tình trạng tham nhũng, hành vi bừa bãi, hay đơn giản là biếng nhác không làm việc của bộ máy quan liêu ĐCSTQ chỉ ngày càng gia tăng. Những vụ án quan tham đã “ngã ngựa” dường như không khiến những quan tham khác khiếp sợ. Truyền thông nhà nước cũng cho biết, thậm chí những quan tham nhũng còn rút được những bài học kinh nghiệm từ các quan “ngã ngựa” để tìm cách tránh thoát bị truy cứu.

Theo báo cáo điều tra của cơ quan giám sát chống tham nhũng “Minh bạch Quốc tế” công bố tháng 3/2017, có 73% số người Trung Quốc được hỏi cho rằng, mặc dù cơ quan chức năng đẩy mạnh chống tham nhũng nhưng tham nhũng của ĐCSTQ lại trở nên nghiêm trọng hơn.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cũng đã dẫn nhận định của học giả cho rằng, ở Trung Quốc có văn hóa tham nhũng, tham nhũng đã trở thành triệu chứng phổ biến trong xã hội Trung Quốc, loại văn hóa tham nhũng này nở rộ hơn vào năm 2002 khi cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đưa ra chính sách “Ba đại diện” cho phép giới nhà giàu mới nổi tham gia chính trị, cách làm này khiến loại văn hóa tham nhũng có môi trường thuận lợi phát triển tràn lan. Các nhà chức trách không thể điều tra tất cả các quan tham nhũng, và vấn đề này không thể giải quyết được bằng một lệnh hành chính hoặc một chiến dịch chống tham nhũng.

Vụ việc mới nhất gây nhiều nghi ngờ là sự kiện ông Trịnh Hiểu Tùng (Zheng Xiaosong) Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Macau nhảy lầu chết tại một nơi cư trú ở Macau vào ngày 20/10. Giới chức Trung Quốc nhanh chóng giải thích rằng quan chức này bị trầm cảm, nhưng nhiều người nghi ngờ quan này tự sát vì dính líu đến tham nhũng. Trên tờ Vision Times tại Mỹ, nhà bình luận Trịnh Trung Nguyên (Zheng Zhongyuan) cho biết, tất cả do thể chế, tính Đảng của ĐCSTQ đã định trước nạn tham nhũng và bạo ngược của hệ thống này không thể sửa chữa được, chính quyền đang trên đà thoái hóa không thể cứu vãn cho đến khi sụp đổ.

Trí Đạt

Xem thêm: