Giải cứu Hồng Kông bằng cách đánh vào 3 yếu điểm lớn nhất của ĐCSTQ
- Gia Hoành
- •
Việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp bạo lực phong trào chống Dự luật Dẫn độ năm 2019, bắt giữ và thanh lý quy mô lớn sau “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” năm 2020, đã thu hút tất cả các quốc gia trên thế giới cùng đồng lòng lên án. Tuy vậy, đến năm 2021, ĐCSTQ vẫn tiếp tục phớt lờ phản ứng của quốc tế. Ngoài việc lên án, các nước phương Tây còn có thể trợ giúp Hồng Kông bằng những cách nào khác? Bài phân tích dưới đây chỉ ra rằng có thể đánh thẳng vào 3 điểm yếu mà ĐCSTQ sợ hãi nhất.
ĐCSTQ đã thông qua luật mới tại phiên họp của lưỡng hội vừa kết thúc, nhằm thực thi kế hoạch “những người yêu nước cai trị Hồng Kông”, chính thức xé bỏ lời hứa của hiệp ước quốc tế về “một quốc gia, hai chế độ và người Hồng Kông cai trị Hồng Kông”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin, các nước phương Tây phản ứng mạnh mẽ trước những thay đổi của Bắc Kinh đối với hệ thống bầu cử của Hồng Kông. Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước lớn ở châu Âu cũng liên tiếp đưa ra những tuyên bố lên án và bày tỏ quan ngại sâu sắc.
Cục diện Hồng Kông không thể đảo ngược, trừ khi tình hình chính trị ở Trung Quốc thay đổi
Ông Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra tuyên bố lên án việc ĐCSTQ tiếp tục tấn công hệ thống dân chủ của Hồng Kông. Đây là một cuộc tấn công trực diện nhắm vào “Tuyên bố chung Trung-Anh”, bóp nghẹt tiếng nói của chính người dân Hồng Kông và đi ngược lại việc Hồng Kông tiến tới phổ thông đầu phiếu trong “Luật Cơ bản”.
Ông Dominic Raab, Ngoại trưởng Anh, chỉ ra rằng việc Bắc Kinh xóa bỏ không gian thảo luận dân chủ của Hồng Kông, “sẽ chỉ làm suy yếu thêm lòng tin và sự tin tưởng của người dân đối với Trung Quốc, một quốc gia với tư cách là thành viên chính của cộng đồng quốc tế, trong việc thực hiện các trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình.” Ngoài ra, G7 (nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới gồm Anh, Canađa, Đức, Italia, Nhật Bản, Pháp và Hoa Kỳ) cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về nghị quyết của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ĐCSTQ thông qua một tuyên bố chung.
Ông Tang Phổ, Luật sư Hồng Kông kiêm nhà bình luận thời sự, đã chỉ ra trên chương trình Tiếng nói Hoa Kỳ rằng Bắc Kinh đã gióng lên “hồi chuông báo tử” của nền dân chủ Hồng Kông, bằng cách cải cách hệ thống bầu cử của Hồng Kông. Thậm chí Bộ trưởng Tư pháp của Chính phủ Hồng Kông cũng thừa nhận rằng nền dân chủ của Hồng Kông đã “thụt lùi một bước nhỏ”. Ông chỉ ra rằng Hồng Kông đang ở trong thời kỳ đen tối nhất, toàn bộ hệ thống dân chủ đã bị phá vỡ. Trừ khi môi trường chính trị ở Trung Quốc hoàn toàn thay đổi, nếu không cục diện chính trị của Hồng Kông không thể đảo ngược.
Điểm yếu số 1 của ĐCSTQ: Tiền và Kinh tế
Ông Tang Phổ cho rằng mặc dù Anh, Mỹ và các nước phương Tây khác bày tỏ sự lên án, đồng thời có thể bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt, nhưng các hành động mới phải mạnh mẽ và có thể đánh trúng “điểm yếu” của Bắc Kinh. Ông tin rằng điều đầu tiên mà ĐCSTQ lo sợ và có thể ảnh hưởng đến chế độ của mình nhất là “tiền và kinh tế”.
Muốn đánh vào huyết mạch kinh tế của chính quyền Bắc Kinh, chúng ta nên làm gì? Ông Tang Phổ chỉ ra rằng các vấn đề hiện tại như Huawei và Tập đoàn truyền thông ZTE là mắt xích rất quan trọng trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Rốt cuộc là nên dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc hay tăng cường nỗ lực chống lại ĐCSTQ vào thời điểm này? Đây là sự cân nhắc đầu tiên của phương Tây.
Giải cứu Hồng Kông, Mỹ dẫn đầu gây sức ép quân sự
Điều thứ 2 và quan trọng hơn là áp lực quân sự. Ông Tang Phổ nói: “Mọi người đều thấy rằng tàu Roosevelt và tàu Nimitz đang tuần tra trên Biển Đông và nhiều nơi khác nhau. Nhiều cường quốc lớn và nhiều nước phương Tây cũng đã cử hàng không mẫu hạm của họ tới. Ví như, Vương Quốc Anh có tàu “Nữ hoàng Elizabeth”, Đức cũng điều hạm đội đến Biển Đông. Có thể thấy tình trạng này sẽ ngày càng gia tăng.”
Ông Tang Phổ nói rằng trọng tâm của Hoa Kỳ khi muốn giải cứu Hồng Kông hiện nay, là làm thế nào gây áp lực quân sự lên ĐCSTQ trong các biện pháp trừng phạt, “Điều này vừa hay có thể dồn ĐCSTQ vào con đường chết. Đây là việc mà dưới thời chính quyền Trump vẫn luôn như vậy. Liệu dưới chính quyền Biden có tiếp tục chính sách này hay không, chúng ta vẫn phải chờ xem.” Nhưng trong mọi trường hợp, xu hướng gây áp lực lên ĐCSTQ của Hoa Kỳ là sự đồng thuận giữa các bên, và không ai được dao động. “Nếu sự đồng thuận này phát triển một cách khách quan, tôi nghĩ nó sẽ là áp lực lớn nhất đối với ĐCSTQ.”
‘Vây Ngụy cứu Triệu’ có thể thay đổi “Chính sách Một Trung Quốc”
Cũng trong chương trình này, ông Dương Kiến Lợi (Yang Jianli), người sáng lập tổ chức nhân quyền “Lực lượng công dân”, chỉ ra một điểm yếu khác của ĐCSTQ là Đài Loan.
Bởi ĐCSTQ đã hoàn toàn đánh mất tính độc nhất của Hồng Kông, về cơ bản Hồng Kông hiện không khác gì so với các thành phố Đại Lục bình thường. Đồng thời ĐCSTQ coi “Tuyên bố chung Trung-Anh” ràng buộc về mặt pháp lý là “mớ giấy vụn”, ngay cả “Luật cơ bản” cũng không còn giá trị. Vì vậy, các quốc gia phương Tây cũng nên xem xét sửa đổi lập trường “Chính sách Một Trung Quốc”, đánh vào điểm yếu của ĐCSTQ.
“Vương quốc Anh vừa chính thức tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm “Tuyên bố chung Trung-Anh” năm 1984 … Bởi Trung Quốc có thể coi tuyên bố chung của hai nước như mớ giấy vụn và vứt ra bãi rác, thì tại sao các nước phương Tây vẫn phải coi cam kết về “Chính sách một Trung Quốc” với Trung Quốc vào thời điểm đó như một văn kiện có hiệu lực? Tôi nghĩ hãy thay đổi suy nghĩ về chiến lược “vây Ngụy cứu Triệu”, để tìm ra điểm yếu của ĐCSTQ”, Ông Dương Kiến Lợi cho biết.
Ông Dương Kiến Lợi nói rằng việc thay đổi “Chính sách Một Trung Quốc” không chỉ có thể đánh trúng điểm yếu của ĐCSTQ, mà còn gây ra những thay đổi về chính trị. “Chúng ta phải nhìn nhận sự thật rằng Hồng Kông không còn là Hồng Kông nữa, Hồng Kông và Thâm Quyến hiện không khác gì Thượng Hải … Nếu tình hình chính trị của Trung Quốc không thay đổi, thì Hồng Kông cũng không thể thay đổi. Vì vậy, khi xem xét vấn đề này, chúng ta phải xem xét một chiến lược lớn.”
Sau 2 cuộc khủng hoảng lớn của ĐCSTQ, phương Tây phải tổ chức lại chiến lược của mình
Ông Dương Kiến Lợi cũng tin rằng sau khi Bắc Kinh sống sót sau cuộc khủng hoảng Thiên An Môn năm 1989 và đại dịch viêm phổi Vũ Hán hiện nay, thì giờ đây họ lại “tự tin chưa từng có” và tin rằng họ vẫn có thể thu hút các nhà tư bản quốc tế đến Trung Quốc. Về vấn đề này, phương Tây phải ban hành lại các biện pháp trừng phạt có mục tiêu.
“Ảnh hưởng của các nhà tư bản và tư bản quốc tế đối với chính trị và chính sách sẽ là những yếu tố rất quan trọng trong tương lai. Bạn nên đối phó như thế nào? Nếu bạn vẫn đối đãi giống như sự kiện Lục Tứ (thảm sát Thiên An Môn năm 1989), tất nhiên bạn sẽ rơi vào tay ĐCSTQ. Các biện pháp trừng phạt của bạn cuối cùng cũng vô dụng… Chúng ta luôn nói trong cộng đồng quốc tế rằng chúng ta nên ngừng sa vào bẫy của ĐCSTQ”, Ông Dương Kiến Lợi nói.
Bắc Kinh chỉ mới bắt đầu “trở lại lần thứ 2” trên đất Hồng Kông
Khi phong trào chống Dự luật Dẫn độ ở Hồng Kông bùng phát mạnh mẽ năm 2019, các cơ quan tư vấn, truyền thông nhà nước và các học giả tại Trung Quốc Đại Lục bắt đầu lên tiếng rằng Hồng Kông phải đón việc “trở lại lần thứ 2” của Bắc Kinh. Quan điểm này bắt nguồn từ việc sau khi Bắc Kinh lấy lại chủ quyền Hồng Kông vào năm 1997, nhưng quyền lực cai trị vẫn thuộc về phương Tây, Hoa Kỳ và Anh.
Ông Tang Phổ cảnh báo rằng việc Bắc Kinh “trở lại lần 2″ trên đất Hồng Kông chỉ mới bắt đầu. Sau khi bóp nghẹt cải cách chính trị, Bắc Kinh sẽ nhắm mục tiêu vào xã hội dân sự đang hoạt động của Hồng Kông.
“Quá trình quay trở lại lần 2 có thể rất nhanh chóng đánh vào các lực lượng quan trọng ở Hồng Kông. Vì vậy, các lực lượng bên ngoài thể chế sẽ là mục tiêu tiếp theo của ĐCSTQ. Nếu người dân Hồng Kông thực sự muốn bám trụ tại nơi này thì cứ bám trụ, muốn nói gì thì hãy nói nấy, những điều có thể thay đổi có lẽ sẽ không nhiều. Nhưng điều quan trọng nhất là bảo tồn nguyên khí, có thể âm thầm thành lập tổ chức của chính mình, hoặc một tổ chức ẩn mình, để tiếp tục cuộc đấu tranh này, bảo vệ nền văn hóa của mình, tiếp tục vòng tròn kinh tế màu vàng (nền kinh tế ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông) của chính mình.”
Ông Tang Phổ nói, là những người đã ra hải ngoại, họ cũng hy vọng sẽ thành lập một nhóm di dân Hồng Kông vững mạnh, nhằm tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ Hồng Kông.
Lý Gia Hoành, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Dự luật dẫn độ Hồng Kông luật an ninh Hồng Kông Hồng Kông