Trang tin chính trị nổi tiếng Politico mới đây đưa tin, cựu Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã tự sát hoặc bị “tra tấn đến chết” ở Bắc Kinh từ hồi tháng 7. Tiết lộ này ngay lập tức dấy lên tranh luận trên mạng xã hội, nhiều nhà quan sát Trung Quốc của phương Tây nghi ngờ về tính xác thực.

Tan Cuong Ly Thuong Phuc
Ông Tần Cương (trái) và ông Lý Thượng Phúc. (Ảnh ghép)

Trong một nguồn thông tin công bố hôm thứ Hai (6/12) không ghi tên phóng viên, truyền thông Politico phiên bản châu Âu dẫn nguồn tin từ Trung Quốc được cho là có liên hệ cấp cao ở Bắc Kinh tiết lộ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko đã nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 6 rằng: Ngoại trưởng Tần Cương và nhiều quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc đã thỏa hiệp với tình báo phương Tây, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Sau đó các quan chức liên quan đã bị bắt.

Các quan chức quân sự cấp cao liên quan bị bắt giam chủ yếu thuộc Quân chủng Tên lửa, là bộ phận phụ trách vũ khí hạt nhân, bao gồm Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Lý Ngọc Siêu. Các nguồn tin truyền thông trước đây cho biết các quan chức này bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng.

Dẫn hai nguồn tin giấu tên, Politico cho biết ông Tần Cương chết hồi tháng 7 tại bệnh viện quân y ở Bắc Kinh, có thể do bị “tra tấn đến chết” hoặc tự sát.

Cả ông Tần Cương và ông Lý Thượng Phúc trước đây đều được coi là những quan chức được ông Tập Cận Bình tin tưởng. Politico đưa tin rằng việc giam giữ các quan chức này gây nghi ngờ về sự ổn định nội bộ của chế độ Trung Quốc.

Thông tin này ngay lập tức thu hút chú ý của giới quan sát Trung Quốc.

“Bài báo này thật điên rồ”, Matt Schrader – một nhà nghiên cứu về Trung Quốc từng làm việc tại Quốc hội Mỹ và tổ chức nghiên cứu German Marshall – viết trên X, nền tảng truyền thông xã hội trước đây gọi là Twitter.

Bill Bishop, một chuyên gia nổi tiếng về các vấn đề Trung Quốc, nhận xét: “Bài viết không có tên tác giả. Một số tiết lộ giật gân là tương đối đúng, còn một số là tin đồn đã lan truyền bấy lâu nay, nhưng những nghi ngờ là chính đáng”.

Biên tập viên Gady Epstein của The Economist (Anh), cũng cảnh báo: “Cần lưu ý nguồn tin của những tuyên bố này là không đáng tin cậy. Tin tức về giới lãnh đạo Trung Quốc này chứa đầy suy đoán, tin đồn, nghe thì giật gân nhưng khó chứng minh”.

Trong một loạt tweet, nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại Hiệp hội châu Á (Asia Society) là Neil Thomas đã đặt câu hỏi về nội dung của thông tin. Về các nguồn tin được Politico trích dẫn cho hay là “nguồn tin có tiếp xúc với các quan chức cấp cao của Trung Quốc”, Neil Thomas hỏi: “Có tiếp xúc là ý gì? Những quan chức đó cấp cao đến mức nào? Ngay cả hầu hết những người trong Đảng Cộng sản Trung Quốc còn không biết ban bệ lãnh đạo cao nhất xảy ra vấn đề gì”.

Về cáo buộc cho rằng Tần Cương đã tiết lộ bí mật về chương trình hạt nhân của Trung Quốc cho các cơ quan tình báo phương Tây, ông Neil Thomas hỏi: “Ông Tần Cương làm sao có thể có bí mật hạt nhân? Tại sao một nhà ngoại giao lại có thể chạm vào những bộ phận nhạy cảm nhất của hệ thống quân sự Trung Quốc được kiểm soát chặt chẽ?”

Người làm truyền thông Trung Quốc là Michael Anti cũng chia sẻ trên X: “Tôi nghĩ độ tin cậy của thông tin này từ Politico là dưới 40%”.

Tuy nhiên cũng có những nhà quan sát cho rằng thông tin này đáng tin cậy. Nhà Hán học Kevin Carrico tại Đại học Macquarie ở Sydney – Úc cho hay: “Việc ông Tần Cương biến mất quá đột ngột và kỳ lạ, tôi chưa thấy lời giải thích nào hợp lý. Theo tôi lời giải thích này liên kết nhiều sự kiện kể từ tháng 7. Nhưng có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được toàn bộ sự thật”.

Gordon Chang, nhà bình luận người Mỹ và là tác giả cuốn sách “Trung Quốc sắp sụp đổ” (The Coming Collapse of China), nhận xét: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang gặp khủng hoảng, một phần vì nước Trung Quốc sắp sụp đổ”.