Mỹ giục Trung Quốc nói rõ về sự kiện thảm sát Thiên An Môn
- Trí Đạt
- •
Nhân kỷ niệm 28 năm vụ thảm sát Thiên An Môn tại Bắc Kinh, Mỹ thúc giục Trung Quốc tôn trọng nhân quyền. Ngoại trưởng Mỹ Rex Wayne Tillerson kêu gọi Trung Quốc nói rõ về sự kiện đàn áp Lục Tứ xảy ra năm 1989.
Theo hãng tin AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Trung Quốc tôn trọng nhân quyền. Từ khi nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ, đây cũng là lần đầu tiên ông Rex Tillerson lên tiếng kêu gọi Trung Quốc nói rõ về vụ thảm sát Lục Tứ. Ông nói: “Chúng tôi lần nữa kêu gọi Trung Quốc nói rõ về vụ thảm sát, việc giam giữ người xảy ra ngày 4 tháng 6 năm 1989, và những người mất tích liên quan tới sự kiện này.”
Ông Rex Tillerson nói, sau khi sự kiện Lục Tứ xảy ra, nhiều người dân duy trì thỉnh nguyện hòa bình đã bị bỏ tù, họ thúc giục Trung Quốc xử lại và thả những người người bị giam giữ vì sự kiện này. “Nước Mỹ coi việc bảo vệ nhân quyền là trách nhiệm cơ bản của các nước. Chúng tôi đề nghị và yêu cầu chính phủ Trung Quốc tôn trọng quyền lợi và sự tự do cơ bản của người dân.”
Trước sức ép của quốc tế đối với Bắc Kinh về sự việc này, giới quan sát cho rằng, những người trước đây cùng ông Giang Trạch Dân tham gia đàn áp Lục Tứ có thể đang đứng ngồi không yên.
Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đầu năm nay đã có tài liệu giải mật sự kiện Lục Tứ. Theo tài liệu, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bố trí 300.000 quân nhân để giới nghiêm Bắc Kinh, nhằm chuẩn bị cho một cuộc thanh trừng. Mặc dù khi đó, phần lớn quân nhân đều không muốn tham gia đàn áp sinh viên và người dân, nhưng cuối cùng chỉ có quân đoàn 38 là không hành động gì. Cũng vì sự việc này mà Trưởng quân đoàn 38, Thiếu tướng Từ Cần Tiên bị tòa án quân sự giam giữ 5 năm. Lúc đó, Phó quân đoàn 38 Trương Mỹ Viễn nhận được lệnh trực tiếp từ Quân ủy Trung ương, nhậm chức chỉ huy thay cho ông Từ, tức tốc chạy về đơn vị. Sau đó, ông Trương Mỹ Viễn cúc cung tận tụy chấp hành mệnh lệnh của ông Đặng Tiểu Bình, xuất động quân đoàn 38 tiến vào Bắc Kinh, trấn áp những sinh viên, những thị dân tay không tấc sắt, nhờ đó mà được ông Đặng Tiểu Bình tưởng thưởng.
Ngoài ra, Nhật báo Apple Daily Hồng Kông đưa tin, khi ĐCSTQ hạ lệnh dùng vũ lực trấn áp thì 7 vị Thượng tướng từng một thời rất trung thành với Trung ương gồm Diệp Phi, Dương Đắc Chí, Trương Ái Bình, Trần Tái Đạo, Tống Thời Luân, Tiêu Khắc, Lý Tụ Khuê đã phản đối hành động này nhưng không có kết quả.
Năm 2014, tờ Next Magazine (Hồng Kông) đưa tin, tài liệu của Nhà Trắng cho biết Washington có được văn kiện nội bộ của Trung Nam Hải từ bộ đội giới nghiêm của phía Trung Quốc. Theo đó dự đoán sau sự kiện Lục Tứ, số người thương vong vào khoảng 400.000 người, trong đó số người bị giết lên đến 10.454 người.
Ngày 26/5/1989, Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông, Ma Cao là ông Anderson đã báo cáo về Washington rằng thông qua một doanh nhân người Hồng Kông có quan hệ mật thiết với gia đình ông Giang Trạch Dân cho biết, ông này sẽ thay thế ông Triệu Tử Dương để làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Doanh nhân Hồng Kông này hình dung ông Giang Trạch Dân là kẻ thuộc chủ nghĩa cơ hội. Tài liệu này còn cho biết trong thời gian sự kiện Lục Tứ, ông Giang Trạch Dân đã trực tiếp có mặt tại Bắc Kinh để tham gia thảo luận và ra quyết sách.
Theo cuốn “Sự thật về Giang Trạch Dân” tiết lộ, năm 1989, có 4.000 sinh viên Thượng Hải tập trung trước cửa Thành ủy Thượng Hải, yêu cầu được đối thoại với Bí thư Thượng Hải (lúc bấy giờ là ông Giang Trạch Dân), đồng thời mong ông ta giải thích rõ vì sao ủng hộ việc đàn áp sinh viên, nhưng ông Giang đã không ra mặt. Sự việc này đã làm cho mấy ngàn sinh viên rất tức giận.
Trước khi thôi chức Tổng Bí thư và Chủ tịch nước Trung Quốc vào năm 2002, ông Giang đã để lại một số quy định cho Thường ủy Bộ Chính trị, trong đó có một quy định là không được lật lại vụ thảm sát Thiên An Môn.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Nhân quyền Thiên An Môn Thảm sát Thiên An Môn Sự kiện Lục Tứ