Tờ “Ming Pao” (Minh Báo) của Hồng Kông thông báo đóng 2 chuyên mục tranh biếm họa chính trị của họa sĩ Tôn Tử. Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông bày tỏ sự tiếc nuối, và chỉ ra điều này phản ánh rằng Hồng Kông hiện tại không thể chịu đựng được những lời chỉ trích.

id13994107 Collage Maker 11 May 2023 03 43 PM 5785
Tờ “Ming Pao” của Hồng Kông đã thông báo đóng 2 chuyên mục tranh biếm họa chính trị của họa sĩ Tôn Tử. (Ảnh chụp màn hình MXH)

Ngày 11/5, tờ Ming Pao của Hồng Kông thông báo rằng họ sẽ đóng 2 chuyên mục truyện tranh của Tôn Tử, một họa sĩ truyện tranh chính trị nổi tiếng Hồng Kông, gồm “Truyện tranh Tôn Tử”“Truyện tranh nghị sĩ Khiết phiên bản thế kỷ” từ ngày 14/5, mà không đưa ra lý do. Ông Tôn Tử đăng truyện tranh chính trị trên tờ Ming Pao đã 40 năm.

Khi trả lời câu hỏi của giới truyền thông, ông Tôn Tử từ chối nói về lý do đóng chuyên mục trên Ming Pao, và rằng chỉ tòa soạn mới biết thông tin chi tiết. Ông không lên tiếng nhưng cho biết việc ngừng xuất bản cũng là một phần của “câu chuyện Hồng Kông” ngày nay. Đối với cá nhân ông, “dù đường gập ghềnh, vẫn có lối đi”.

Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông tuyên bố, như ông Tôn Tử đã nói, lý do Ming Pao đình chỉ truyện tranh của ông là “luật bất thành văn”. Vấn đề này “phản ánh rằng những tiếng nói chỉ trích không thể được dung thứ ở Hồng Kông, và không gian cho tự do ngôn luận ngày càng bị thu hẹp, điều này chỉ gây hại cho xã hội.”

Liên đoàn lao động Ming Pao bày tỏ sự hối tiếc và bất lực trong một tuyên bố trên mạng xã hội. Hãng tin cũng cho rằng tác phẩm của người phụ trách chuyên mục cũng là một phần giá trị cốt lõi của Ming Pao.

Một xã hội đa nguyên nên khoan dung với những tiếng nói khác nhau. Họ hy vọng mọi giới tôn trọng quyền tự do ngôn luận, bảo vệ các giá trị cốt lõi của Ming Pao, duy trì công bằng xã hội và lòng tốt.

Trước khi Ming Pao đóng chuyên mục chuyện tranh của Tôn Tử, ngày 9/5, Cục Nội vụ và Thanh niên Hồng Kông đã đăng trên trang Facebook của mình rằng “Nghị sĩ Khiết” trong “Chuyện tranh Tôn Tử” là ám chỉ “chính trị lấn át đạo đức”, bóp méo và bôi nhọ chính quyền trong việc bổ nhiệm các thành viên của Ủy ban Chống Tội phạm Quận và Ủy ban Phòng cháy chữa cháy Quận, v.v.

Cục trưởng Cục Nội vụ và Thanh niên Hồng Kông, bà Mạch Mỹ Quyên (Alice Mak), đã “lên án nghiêm khắc” điều này.

Ba bức tranh biếm họa của ông Tôn Tử vào ngày hôm đó đề cập rằng dù trình độ học vấn và tình trạng sức khỏe như thế nào, “miễn là trưởng ban cho rằng điều đó phù hợp, thì họ đều có thể được bổ nhiệm làm ủy ban phòng cháy chữa cháy và tội phạm, đồng thời họ sẽ kiểm tra và lựa chọn các ủy viên hội đồng quận.”

Cục Nội vụ và Thanh niên Hồng Kông chỉ trích Ming Pao “liên tiếp đưa ra một số ngôn luận sai lệch về kế hoạch đề xuất của chính phủ nhằm cải thiện quản lý khu vực, và bóp méo cách giải thích nội dung của kế hoạch đề xuất, và rằng đây là một hành động mà chính trị lấn át đạo đức.”

Theo báo cáo của BBC tiếng Trung, trong 8 tháng qua, chính quyền Hồng Kông đã 6 lần buộc tội truyện tranh của ông Tôn Tử.

Ví dụ, vào ngày 5/1, ông Tôn Tử đã viết trong một bức tranh biếm họa có tựa đề “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” do Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) diễn giải rằng: “Lần này Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc diễn giải luật không làm tăng quyền lực của Trưởng đặc khu… chỉ khẳng định là nhằm duy trì an ninh quốc gia, Trưởng đặc khu muốn làm gì thì làm.”

Sau đó, Tổng thư ký Hành chính Trần Quốc Cơ (Eric Chan), nhân vật số 2 trong Chính phủ Hồng Kông, đã chỉ trích trên Facebook rằng bức tranh biếm họa này “đưa ra những lời buộc tội mang tính thành kiến, gây hiểu lầm và sai sự thật đối với việc thực hiện trách nhiệm theo hiến pháp của trưởng đặc khu là bảo vệ an ninh quốc gia.”

Vào tháng Tư, một bức tranh biếm họa khác của ông Tôn Tử cũng châm biếm chính quyền Hồng Kông, vì đã phân bổ một khoản tiền khổng lồ cho lực lượng thực thi pháp luật, để cập nhật thiết bị.

Ngày 2/4, Cục trưởng Cục An ninh, Đặng Bỉnh Cường (Chris Tang), chỉ đích danh và buộc tội ông Tôn Tử về việc “sử dụng một số cáo buộc sai lệch, nhằm kích động sự bất mãn của người dân đối với chính phủ”.

Ông cũng nói: “Trên thực tế, Tôn Tử của Ming Pao đã hơn một lần đưa ra những cáo buộc sai lệch chống lại chính phủ trong 6 tháng qua.”

Tôn Tử tên thật là Hoàng Kỷ Quân, sinh năm 1955 tại Hồng Kông. Sau khi tốt nghiệp khoa Nghệ thuật của Đại học Trung Văn Hồng Kông (CUHK), ông làm giáo viên và sáng tác chuyện tranh chính trị bán thời gian.

Năm 1973, ông gia nhập Ming Pao với tư cách là biên tập viên cộng tác. Năm 1983, Kim Dung (Tra Lương Dung hay Louis Cha Leung-yung), người sáng lập Ming Pao, đã mời ông đảm nhận chuyên mục tranh biếm họa chính trị. Từ đó, ông bắt đầu vẽ tranh biếm họa với bút danh “Tôn Tử” “Kỷ Văn”.

Một xã hội có thể chịu đựng được những bức tranh biếm họa chính trị hay không chính là thước đo mức độ văn minh của xã hội đó, sự khoan dung càng cao thì mức độ văn minh càng cao.

Đó là dấu hiệu cho thấy sự tự tin của chính phủ, một chính phủ được lòng dân thì không thể bị mắng mỏ hay lật đổ.

Bởi tranh biếm họa chính trị là ngôn ngữ được người dân sử dụng để chỉ trích các vấn đề thời sự, là tấm gương để phân biệt thiện và ác. Biếm họa chính trị súc tích và mạnh mẽ hơn bình luận chính trị. Các bài viết có thể hằn học nhưng không bao giờ trực diện và sắc bén như biếm họa.

Bình Minh (t/h)