HK: Người nhà các quan chức bị Mỹ chế tài khó tránh khỏi liên lụy
- Y Bình
- •
Liên quan đến thực trạng suy thoái dân chủ nhân quyền tại Hồng Kông gây ra bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hiện nay Mỹ đang xem xét bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt giới quan chức Hồng Kông vi phạm.
Nguồn tin cho biết phóng viên của Đài Á Châu Tự Do (RFA) phát hiện gia đình nhiều quan chức cấp cao và cả giới nghị sĩ Hồng Kông thân ĐCSTQ có quốc tịch nước ngoài và có tài sản ở Anh và Mỹ. Ngay cả bà Đặc khu Trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cũng có hai người con đang học tập tại Anh và Mỹ. Có học giả đã hình dung lệnh trừng phạt của Mỹ lần này giống kiểu “tùng xẻo”, sẽ gây áp lực dần theo giai đoạn và tạo ra một bầu không khí gây sợ hãi đối với giới quan chức vi phạm, tin rằng những người thân trực tiếp của gia đình quan chức đã nằm trong kế hoạch chế tài, ngay cả việc họ mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài cũng trở thành vấn đề.
Hôm thứ ba (14/7) Tổng thống Mỹ Trump đã ký “Đạo luật tự trị Hồng Kông” (Hong Kong Autonomy Act) và ban hành lệnh hành pháp bãi bỏ đối xử đặc biệt đối với Hồng Kông, điều này càng khẳng định về khả năng áp đặt trừng phạt quan chức Hồng Kông làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông. Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết hiện đã có danh sách quan chức bị chế tài, trong danh sách này có những nhân vật tiêu biểu như Phó Thủ tướng Chính phủ ĐCSTQ Hàn Chính (Han Zheng), Đặc khu Trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) và Cảnh sát trưởng Đặng Bính Cường (Chris Tang). Cũng có tin cho biết Mỹ đang xem xét lệnh cấm du lịch đối với các đảng viên ĐCSTQ và gia đình họ.
Quan chức đầu não Hồng Kông có người thân và tài sản tại nước ngoài
Mặc dù Điều 61 Luật cơ bản Hồng Kông không cho phép “quan chức nòng cốt” của Chính phủ Hồng Kông có quyền thường trú nhân nước ngoài, nhưng không giới hạn thành viên gia đình của họ. Có phóng viên của Đài Á Châu Tự do (RFA) đã kiểm tra hồ sơ quan chức chính phủ Hồng Kông và phát hiện nhiều quan chức có vợ/chồng hoặc con cái có quốc tịch nước ngoài, trong phổ biến nhất là quốc tịch Anh Quốc.
Người thân gia đình của Phó chủ tịch Chính hiệp ĐCSTQ Lương Chấn Anh đã được nhập quốc tịch Anh từ rất sớm, trong khi người chồng và hai con trai của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga cũng có quốc tịch Anh. Mới đây cộng đồng mạng đã chia sẻ hình ảnh của con trai thứ hai Lâm Trịnh Nguyệt Nga là Lâm Yêu Hy (Lam Yeuk-hei) đang học tiến sĩ toán học tại Đại học Harvard, trong khi con trai cả là Lâm Tiết Tư (Lam Jit-si) đang học tại Đại học Dublin ở Ireland.
Mặc dù quan chức đứng đầu phụ trách đàn áp người biểu tình ở Hồng Kông là Bộ trưởng An ninh Lý Gia Siêu (John Lee) đã từ bỏ quyền công dân Anh, nhưng vợ và hai con trai của ông này có quốc tịch Anh; trong khi chồng của bà Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) – Bộ trưởng Tư pháp Hồng Kông, là ông Phan Lạc Đào (Otto Poon Lok To) thì có quốc tịch Canada.
Bộ trưởng Tư pháp có cổ phần trong doanh nghiệp tại Mỹ
Đối với tài sản cũng như cổ phiếu doanh nghiệp tại nước ngoài, hầu hết các quan chức đã không công khai. Nhưng nguồn tin cho hay, chồng của bà Bộ trưởng Tư pháp Trịnh Nhược Hoa (Teresa Cheng) là ông Phan Lạc Đào (Otto Poon Lok To) là Chủ tịch và cổ đông lớn của Tập đoàn Analogue Hldgs, trong khi bản thân bà Trịnh Nhược Hoa cũng sở hữu hơn 60% cổ phần của tập đoàn này. Những năm gần đây Analogue Hldgs đã tích cực mở rộng kinh doanh ở nước ngoài, trước đó đã mua lại Transel Elevator & Electric – một công ty kỹ thuật thang máy và thang cuốn của Mỹ. Một khi Mỹ trừng phạt bà Trịnh Nhược Hoa thì cũng sẽ liên quan Analogue Hldgs.
Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết nhóm của ông Trump đã lập danh sách trừng phạt trước khi ký dự luật, trong đó dĩ nhiên bao gồm Phó Thủ tướng ĐCSTQ Hàn Chính là người phụ trách Hồng Kông và Ma Cao, Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga và Cảnh sát trưởng Đặng Bính Cường.
Nghị sĩ cấp cao thân Bắc Kinh có thành viên gia đình ở Anh và Mỹ
Ngoài ra, trong giới lập pháp Hồng Kông thân Bắc Kinh có không ít người nắm giữ cổ phần hoặc tài sản ở các công ty nước ngoài. Ví dụ chủ tịch Đảng Dân chủ mới và cựu Thư ký Văn phòng An ninh là bà Diệp Lưu Thục Nghĩa (Regina Ip), thông tin chỉ ra bà này hiện đang sở hữu hai công ty tại nước ngoài đăng ký ở Quần đảo Virgin thuộc Anh, một trong số đó được cho là đã từng nắm giữ cổ phiếu của Mỹ, trong khi công ty còn lại được cho là tham gia đầu tư ở Hồng Kông. Ngoài việc sở hữu cổ phần trong các công ty ở nước ngoài, bà Diệp Lưu Thục Nghĩa còn đích thân bay sang Mỹ để học cùng con gái, thậm chí đã có hành động thiết thực bằng cách bỏ phiếu không tin tưởng vào hệ thống giáo dục của Hồng Kông.
Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hồng Kông là Lương Quân Nghiêm (Andrew Leung) đã tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Luật An ninh Quốc gia tại Hồng Kông, quan chức này đã công khai cho biết sở hữu tài sản ở Anh, nhưng không cung cấp số liệu cụ thể. Theo hồ sơ của Lương Quân Nghiêm, quan chức này đang là thành viên ban giám đốc của 18 công ty liên quan đến nhiều ngành công nghiệp, bao gồm đầu tư bất động sản, tài chính, logistics …, và ông này cũng sở hữu cổ phần trong một công ty đã đăng ký tại Anh. Gần đây ông Lương Quân Nghiêm tiết lộ có ý định rút lui khỏi “đường lửa”, muốn được nghỉ ngơi.
Hôm thứ Sáu (17/7) ông Hoàng Vĩ Quốc (Wai-Kwok Benson Wong), cựu trợ lý giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Baptist Hồng Kông (HKBU) cho biết rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ lần này làm theo kiểu “tùng xẻo”, tạo ra một bầu không khí gây sợ hãi đối với giới quan chức vi phạm. Ông tin rằng người thân các quan chức vi phạm đã nằm trong chương trình nghị sự về các biện pháp trừng phạt, nhưng việc áp dụng khi nào và thế nào phụ thuộc vào sự phát triển chính trị trong tương lai của Hồng Kông. Một số nghị sĩ thân Bắc Kinh cũng sẽ bị chú ý và gây áp lực, tiêu biểu như ủy viên lập pháp Lương Mỹ Phấn (Priscilla Leung) có cả chồng và con trai định cư tại Mỹ.
Ông Hoàng Vệ Quốc nói: “Đã thấy rõ là trong cuộc họp báo bà ấy (Lương Mỹ Phấn, Priscilla Leung) trốn phía sau, im lặng, cố gắng để không bị người khác nhìn thấy. Rõ ràng là không chỉ giới nghị sĩ thân Bắc Kinh đã bị lộ trên truyền thông, một số có thể vừa có hộ chiếu Mỹ lại vừa làm tay sai cho ĐCSTQ, cho nhà cầm quyền Hồng Kông, tình hình hoặc tình trạng của họ sẽ khó khăn như thế nào? Thời kỳ bất ổn này sẽ thực sự tạo thành áp lực chính trị.”
Người nhà các quan chức bị chế tài, khó tránh bị liên lụy
Phó giáo sư Thành Danh (Dixon Sing Ming) của Khoa Khoa học Xã hội – Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nói với RFA rằng, nếu Mỹ thực thi lệnh trừng phạt một cách mạnh mẽ thì sẽ tác động đến những ngân hàng, khiến cho đối tượng nằm trong lệnh trừng phạt khó thực hiện các hoạt động giao dịch, cho dù ngân hàng bên ngoài nước Mỹ cũng không thể không cân nhắc. Ông nói: “Trừ khi bạn đặt tất cả tiền của mình vào một ngân hàng quốc gia duy nhất không có bất kỳ giao dịch nào với các ngân hàng quốc tế. Còn không thì thực sự có nguy cơ tài khoản bị hủy. Thực sự phạm vi tham gia là rất rộng.”
Ông Thành Danh cũng cho biết nếu bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga bị từ chối nhập cảnh, điều đó có nghĩa là một số chuyến thăm nước ngoài sẽ khó thực hiện, sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực đối với vị thế của Hồng Kông với tư cách là một thực thể chính trị. Ngoài ra vì Mỹ là một siêu cường nên biện pháp trừng phạt cũng sẽ ảnh hưởng đến các nước khác cân nhắc làm theo các hành động trừng phạt tương tự. Liên minh Five Eyes đã thực hiện một số hành động, chẳng hạn như trong các chính sách nhập cư đã có nới lỏng với những mức độ khác nhau.
Y Bình
Xem thêm:
Từ khóa Lâm Trịnh Nguyệt Nga Dòng sự kiện quan chức Hồng Kông Hồng Kông