HK: Quan chức vi phạm nhân quyền đổi thân phận để lách luật của Mỹ
- Tuyết Mai
- •
Gần đây tờ Epoch Times (Mỹ) chia sẻ thông tin do một người giấu tên (ông Y) cho hay, đa số các quan chức cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng như đối tượng vi phạm nhân quyền tại Hồng Kông có thể dễ dàng lách luật của Mỹ về nhân quyền Hồng Kông.
Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông của Mỹ có hiệu lực từ ngày 27/11/2019 được xem như là yếu tố ngăn chặn tình trạng đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ đối với Hồng Kông. Theo Đạo luật này, những kẻ vi phạm nhân quyền cơ bản ở Hồng Kông có thể bị đóng băng tài sản tại Mỹ hoặc từ chối nhập cảnh.
Trước mắt, đạo luật nhân quyền này chủ yếu tập trung vào các bộ phận thực thi công quyền tại Hồng Kông mà đã dùng vũ lực quá mức cần thiết, đặc biệt là giới cảnh sát (thông tin dư luận xã hội Hồng Kông cho biết trong danh sách đen đầu tiên có cảnh sát trưởng Hồng Kông). Ngoài ra, các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng dự kiến sẽ sửa đổi luật để ngăn cảnh sát Hồng Kông nhập cảnh vào nước họ.
Nhưng gần đây tờ Epoch Times (Mỹ) có chia sẻ thông tin do một người giấu tên (ông Y) cho biết, hiệu quả của Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền của Mỹ đối với giới quan chức ĐCSTQ và người thân của họ còn rất hạn chế. Vì an ninh ĐCSTQ có thể làm hai bộ hồ sơ thân phận là chuyện không có gì khó khăn, rất dễ dàng để thay đổi hồ sơ lý lịch để thoát khỏi chế tài của Mỹ, nên về cơ bản luật chỉ phát huy hiệu quả với một số rất ít quan cấp cao đã nổi bật.
Ông Y này cho biết bạn của ông là một nhân viên an ninh của ĐCSTQ, là quan chức có uy thế nhất định đủ để có được những thông tin quan trọng nhất. Người bạn này kể rằng, để đàn áp phong trào dân chủ ở Hồng Kông, ĐCSTQ đã gửi rất nhiều sĩ quan cảnh sát đến Hồng Kông, ước chừng khoảng trên 500 người. Cái gọi là “cảnh sát đen” (hắc cảnh) chính là người mà Đại Lục đưa đến. Có ba nhiệm vụ chính cho cảnh sát Đại Lục ở Hồng Kông: một là bắt về nước những nhân sĩ Đại Lục tham gia hoạt động ở Hồng Kông, hai là tham gia vào việc tạo ra tình trạng hỗn loạn, ba là trấn áp.
Ông Y kể rằng, theo luật thì cảnh sát Đại Lục không được đến Hồng Kông thực thi pháp luật, cho nên không thể qua Hồng Kông bằng thân phận là công an Đại Lục, nhưng họ vẫn có thể vào Hồng Kông bằng hồ sơ mang thân phận dạng khác. Ông cho biết: “Thật khó để tưởng tượng một người đã đến Hồng Kông để tham gia đàn áp, sau đó lại có thể đến Mỹ trong nháy mắt và hưởng thụ cuộc sống vương giả. Họ vẫn đến Mỹ du lịch và mua sắm tài sản”, “Đối phó với kẻ đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ nên chú ý đến những tài sản mà chúng sở hữu, bao gồm tài sản do người thân của họ đứng tên. Chỉ hạn chế nhập cảnh vào Mỹ thì không mấy hiệu quả. Vì họ có hai hộ chiếu và tài sản do người thân gia đình hoặc bạn bè đứng tên thay”.
Thậm chí ông Y còn phân tích, cảnh sát vi phạm nhân quyền tại Hồng Kông có thể vào Mỹ bằng thân phận thứ ba nào khác, bởi vì không thể dùng bộ hồ sơ thân phận là an ninh Đại Lục, thân phận là cảnh sát Hồng Kông cũng vậy: “Nếu một người đã vào Mỹ thì có thể để lại dấu vân tay của họ. Nhưng trường hợp họ chưa từng qua Mỹ thì có thể dễ dàng thay đổi thân phận mà không thể biết được để xử lý.”
Ông Y cho rằng người Mỹ và người Hồng Kông phải tìm kiếm thêm biện pháp lấp kín những lỗ hổng luật pháp mà quan chức ĐCSTQ có thể lợi dụng để thoát khỏi chế tài, trong quá trình này cần sự tham gia của những người am hiểu tình hình tại Trung Quốc Đại Lục. Ông chỉ ra ĐCSTQ rất mạnh tay trong việc xử lý tình hình Hồng Kông, ngay từ những ngày đầu ông đã cảnh báo tình trạng đe dọa từ điệp viên của ĐCSTQ đối với Hồng Kông. An ninh Đại Lục cũng cảnh báo những tiếng nói lên tiếng vì Hồng Kông, khi người lên tiếng trở về Đại Lục sẽ bị kết án dưới danh nghĩa ‘chống khủng bố’.
Ông cũng tức giận lên án ĐCSTQ chính là tổ chức khủng bố lớn nhất, môi trường chính trị tại Trung Quốc Đại Lục ngày càng tồi tệ, đông đảo người dân bất mãn; hiển nhiên nhiều cảnh sát cũng thực sự không muốn bán mạng cho ĐCSTQ, những người thấy rõ thực trạng, chỉ cần có điều kiện và khả năng là họ lập tức rời bỏ bộ máy.
Tuyết Mai
Từ khóa Dòng sự kiện Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông Mỹ cấm nhập cảnh Cảnh sát Hồng Kông