Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm 12 tháng liên tiếp, chuyên gia giải thích
- Phương Hiểu, Lạc Á
- •
Dữ liệu do Bộ Thương mại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố cho thấy trong 5 tháng đầu năm nay, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc đã giảm 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục giảm trong tháng 5, giảm tháng thứ 12 liên tiếp. Các chuyên gia đã phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và thực trạng của nền kinh tế Trung Quốc.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm 12 tháng liên tiếp
Sau khi nới lỏng kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế Trung Quốc không phục hồi như mong đợi mà thay vào đó lại rơi vào suy thoái. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc giảm tháng thứ 12 liên tiếp, cho thấy rõ những thách thức mà ĐCSTQ phải đối mặt trong việc thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy nền kinh tế.
Theo số liệu do Bộ Thương mại ĐCSTQ công bố, lượng vốn nước ngoài thực tế sử dụng trên toàn quốc từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay là 412,51 tỷ nhân dân tệ, giảm 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này còn tệ hơn mức 27,9% của tháng 4, tiếp tục xu hướng giảm liên tục kể từ tháng 6/2023.
Ông Tôn Quốc Tường (Sun Guoxiang), giáo sư tại Khoa Vấn đề Quốc tế và Doanh nghiệp tại Đại học Nam Hoa (Đài Loan), nói với phóng viên tờ Epoch Times hôm 28/6 rằng nguyên nhân trước hết là do thị trường nhu cầu nội địa của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp lại, và thứ hai là do những hạn chế của ĐCSTQ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cấp độ thứ ba của vấn chính là kinh tế địa chính trị, tức là vấn đề tái cơ cấu chuỗi cung ứng.
Ông nói rằng đầu tư nước ngoài đã góp phần to lớn vào việc đưa công nghệ mới vào Trung Quốc Đại Lục và tạo ra cơ hội việc làm khổng lồ cho người dân Trung Quốc. Sự rút lui của các doanh nghiệp nước ngoài này đã làm xấu đi sự phát triển kinh tế của Đại Lục, bao gồm cả lưu thông nội bộ và bên ngoài.
Ông Tôn Quốc Tường cho rằng trong tình hình kinh tế và địa chính trị này, ĐCSTQ không còn khả năng đưa ra bất kỳ chính sách nào để cứu vãn tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay. “Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang có nhiều lỗ hổng và cần phải tiến hành cải cách cơ cấu và hệ thống, bao gồm hệ thống kinh tế, và thậm chí cả thể chế chính trị.”
“Nhưng ĐCSTQ không có cách nào tiến hành cải cách, họ chỉ biết trì hoãn những vấn đề này bằng cách đau ở đâu thì chữa ở đó. Nếu cải cách thì có thể phải cải cách về chính trị. Nói cách khác là phải quay về căn bản đó là hệ thống dân chủ được trang bị đầy đủ nền kinh tế thị trường, kiểu cải cách triệt để này là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề của nền kinh tế Đại Lục.”
Về lý do khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm 12 tháng liên tiếp, ông Davy Jun Huang, một nhà kinh tế người Hoa ở nước ngoài, bày tỏ quan điểm của mình với phóng viên Epoch Times. Ông nói rằng trước hết, do áp lực suy thoái đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện tương đối cao, mức nợ chung tương đối cao, tỷ suất lợi nhuận trên đầu tư và khả năng sinh lời đều giảm, nên quỹ thu chi ngắn hạn và trung hạn sẽ không đổ vào.
“Thứ hai, do chiến tranh thương mại, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ phải chịu mức thuế bổ sung và tình hình xuất khẩu chung không lạc quan”.
Ông nói, nguyên nhân thứ ba là do đồng đô la mạnh và xung đột địa chính trị, một lượng lớn tiền nóng đã quay trở lại Mỹ. Lý do thứ tư là một số chính sách nội địa gần đây của Trung Quốc, dù là điều tra thuế hay một số luật và quy định liên quan đối với người nước ngoài, đều không mấy thân thiện, dẫn đến việc rút một số khoản đầu tư vào Trung Quốc.
Ông Jeffrey, một nhà đầu tư mạo hiểm cấp cao, người đã điều hành các quỹ đầu tư ở Trung Quốc từ năm 2008, nói với VOA: “Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không còn đủ chỗ để đáp ứng một lượng lớn đầu tư nước ngoài tham gia vào.” Ông tin rằng xu hướng của ngành đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đã qua.
Davy Jun Huang: Tình hình thực tế của nền kinh tế Trung Quốc
Ông Davy Jun Huang đã phân tích tình hình kinh tế thực tế hiện nay ở Trung Quốc.
Ông cho rằng: “Trước hết, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán (thị trường đầu tư) thực tế đang ở tình trạng tồi tệ. Nhìn chung, có thể tồi tệ hơn một chút so với tình hình (khủng hoảng kinh tế) năm 2008. Còn đối với các thực thể kinh tế, cho dù đó là ngành dịch vụ ăn uống hay ngành công nghiệp, tình hình chung đều là không hoạt động hết công suất, đơn đặt hàng không đủ, lợi nhuận giảm. Đây là một hiện tượng phổ biến.”
“Thứ hai, liên quan đến tình hình của người dân bình thường, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên và trung niên hiện nay rất cao. Sinh viên tốt nghiệp đại học không dễ tìm được việc làm”.
Ông Davy Jun Huang cho biết: “Khía cạnh thứ ba là xuất khẩu. Các đơn hàng có giá trị cao từ châu Âu và Mỹ hiện đang bị mất vào tay một số nhà máy ở nước ngoài khiến hoạt động kinh doanh xuất khẩu trong nước bị thu hẹp. Tuy nhiên, đơn hàng sang Đông Nam Á và Nga lại tăng lên, và những đơn đặt hàng này nhìn chung có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn một chút và tình hình nhìn chung hiện nay không lạc quan.”
Ông cho rằng để nền kinh tế trong nước Trung Quốc muốn thoát khỏi khó khăn, trước tiên phải giảm thuế đáng kể, cho dù đó là doanh nghiệp tư nhân hay toàn bộ ngành bất động sản, bao gồm cả các doanh nghiệp khác.
Mặt khác, phải cải thiện một cách hiệu quả phúc lợi xã hội của người dân, bao gồm bảo hiểm y tế, an sinh xã hội và sinh kế để họ có thể giảm bớt gánh nặng cho toàn xã hội, giảm bớt các vấn đề như dân số già và tỷ lệ sinh thấp.
Ông tin rằng nếu những vấn đề nêu trên không thay đổi, tình hình kinh tế có thể trở nên khó khăn hơn.
Ông Davy Jun Huang đã nói về những biện pháp ứng phó có thể được thực hiện để đảo ngược tình hình kinh tế hiện tại.
Ông chỉ ra rằng khía cạnh đầu tiên là chính sách kinh tế công nghiệp. Cần tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ và doanh nghiệp tư nhân. Giảm thuế, tăng đầu tư vốn và cho phép nhiều khoản vay ngân hàng chảy vào nền kinh tế tư nhân. Đối với công chúng, phúc lợi và an ninh xã hội cần được tăng cường để giảm thuế cá nhân và gánh nặng phân bổ khác cũng như tăng khả năng chi tiêu của họ.
Ông cho rằng về mặt quan hệ quốc tế và thương mại quốc tế, nếu quan hệ thương mại với Châu Âu, Mỹ và các nước láng giềng được cải thiện, đặc biệt nếu trao đổi kinh tế và thương mại với Châu Âu và Mỹ được thúc đẩy thì có thể thúc đẩy đáng kể xuất khẩu và trao đổi công nghệ.
Từ khóa Dòng sự kiện kinh tế Trung quốc FDI