Kinh tế Trung Quốc chững lại vì chính sách COVID
- Thiên Đức
- •
Các con số tháng 10 cho thấy dấu hiệu nền kinh tế Trung Quốc suy thoái trên diện rộng, rõ rệt ở phương diện sản lượng của các nhà máy và doanh số bán lẻ, cũng như những con số cho thấy nhu cầu cả trong và ngoài nước đều chững lại.
Theo Reuters đưa tin hôm 15/11, nguyên nhân chủ yếu là do nền kinh tế tầm cỡ 17.000 tỷ USD và đứng số hai thế giới này đang phải đối mặt một loạt khó khăn, như kiểm soát COVID-19 kéo dài, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu, và thị trường bất động sản đình trệ, cùng với kỳ vọng kinh tế phát triển không cao dẫn đến tâm lý thiếu ổn định. Mặc dù có các chính sách kích thích phát triển, nhưng chưa đủ bù đắp.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết: “Tăng trưởng hoạt động trong tháng 10 nhìn chung chậm lại và không đạt kỳ vọng của thị trường, khởi đầu yếu kém trong Quý IV do tình hình COVID ngày càng tồi tệ, suy thoái bất động sản kéo dài và tốc độ tăng xuất khẩu chậm lại đã vượt qua khả năng bù đắp của các chính sách kích thích kinh tế hiện nay”.
Sản lượng công nghiệp tháng 10 tăng 5,0% so với tháng 10 năm ngoái, thấp hơn kỳ vọng về mức tăng 5,2% như thăm dò trước đó của Reuters, và chậm lại nhiều so với mức tăng trưởng 6,3% trong tháng 9, theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) đưa ra Thứ Ba 15/11.
Doanh số bán lẻ, thước đo mức tiêu thụ, lần đầu tiên giảm kể từ tháng 5, khi Thượng Hải bị phong tỏa toàn thành phố. Doanh số giảm 0,5%, giảm nhiều so với kỳ vọng tăng 1,0%, và giảm nhiều so với mức tăng 2,5% trong tháng 9.
Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần không giúp kích thích tiêu dùng trong tháng 10, tháng vẫn được coi là có rất nhiều người du lịch trong nước.
Các đợt bùng phát COVID lan rộng trên toàn quốc vào tháng 10, gây gián đoạn thành phần kinh tế nhạy cảm với đại dịch, ví như kinh doanh nhà hàng. Số liệu của NBS cho thấy doanh thu dịch vụ ăn uống của Trung Quốc giảm 8,1%, giảm mạnh so với mức giảm 1,7% trong tháng 9.
Trước tình hình các con số sa sút như vậy, ngân hàng đầu tư JPMorgan đã điều chỉnh giảm dự báo về tăng GDP hàng năm của Trung Quốc trong Quý IV từ 3,4% xuống còn 2,7%, trong khi đó Citi cũng giảm từ 4,6% xuống còn 3,7%.
Người phát ngôn của NBS Fu Linghui cho biết các biện pháp ngăn chặn COVID trong nước đang gây áp lực “cực lớn” lên nền kinh tế, đồng thời cho biết thêm rằng những rủi ro suy giảm từ kinh tế toàn cầu đang gia tăng.
“Ba tầng áp lực lên các hoạt động kinh tế —nhu cầu giảm, nguồn cung gián đoạn, và kỳ vọng về kinh tế giảm— đang nặng dần lên”, Fu cho biết tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Zichun Huang, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics, cho biết triển vọng kinh tế vẫn ảm đạm mặc dù Bắc Kinh đã có một số động thái nới lỏng chính sách kiểm soát COVID.
“Với việc xuất khẩu hạ nhiệt, bất động sản hoạt động trì trệ, chính sách zero-COVID có thể kéo dài hơn mong muốn, dẫn đến bức tranh tiếp tục ảm đạm ít nhất là trong một tương lai gần.”
Tuy các con số khá thất vọng, nhưng chứng khoán Trung Quốc đã tăng vào Thứ Ba (15/11) sau những dấu hiệu bớt căng thẳng Mỹ-Trung ở cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, và một số hỗ trợ mới nhất của Bắc Kinh cũng giúp cải thiện tâm lý.
Thị trường bất động sản trì trệ
Đầu tư BĐS tháng 10 đã giảm 16,0% so với cùng kỳ tháng 10 năm ngoái, mức giảm lớn nhất kể từ quãng tháng 1 tháng 2/2020, theo tính toán của Reuters dựa trên số liệu từ NBS, và nếu so với tháng 9/2022 thì đã giảm 12,1%.
Doanh số bán BĐS tính theo diện tích sàn tháng 10 giảm 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái, vậy là giảm liên tiếp sang tháng thứ 15, khi người mua không muốn vay thêm nợ trước tình hình kinh tế chững lại và kéo dài chính sách kiểm soát COVID.
BĐS Trung Quốc chậm lại đáng kể khi chính phủ tìm cách hạn chế vay quá hạn mức. Một kế hoạch tăng cường thanh khoản được các nhà quản lý Trung Quốc vạch ra vào Chủ Nhật (13/11) đã khiến cổ phiếu và trái phiếu BĐS của Trung Quốc tăng vào Thứ Hai.
Cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc hôm Thứ Hai có thông báo rằng họ sẽ cho phép các nhà phát triển BĐS tiếp cận một số quỹ nhà ở trước khi bán, đó là động thái mới nhất để giảm bớt khủng hoảng thanh khoản.
“Có thể thấy rõ các chính sách mới mong kích cầu trong nước là cần thiết để tiếp sức cho phục hồi đang rất yếu của kinh tế Trung Quốc. Tiêu dùng trì trệ và đầu tư BĐS chững lại vẫn là những nhân tố gây khó khăn, bởi vì hiện nay kỳ vọng cả về thu nhập cá nhân và tăng trưởng vĩ mô đều không cao”, theo Bruce Pang, nhà kinh tế tại Jones Lang Lasalle.
Đầu tư tài sản cố định tăng 5,8% trong 10 tháng đầu năm, so với kỳ vọng tăng 5,9%, và tăng trưởng 5,9% trong quãng tháng 1-9.
Lượng tuyển dụng vẫn thấp trong khi các công ty ngày càng không yên tâm về tài chính của mình.
Khảo sát toàn quốc cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 ở mức 5,5%, không thay đổi so với tháng 9. Khảo sát tại 31 thành phố lớn thì tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 5,8% trong tháng 9 lên 6,0% vào tháng 10.
Các nhà phân tích nhận định rằng Trung Quốc sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm như dự kiến là 5,5%. Trong một cuộc thăm dò của Reuters, các nhà kinh tế dự tính kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 3,2% vào 2022 năm nay.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Zero COVID