Theo một báo cáo của Wall Street Journal (WSJ), vì nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi các vấn đề “dư thừa” nên không còn khả năng tăng trưởng nhanh như quá khứ. Trước đây, các nhà kinh tế đã dự đoán quy mô kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào giữa thế kỷ này, nhưng giờ đây muốn hiện thực hóa điều đó e rằng phải mất thêm nhiều thập kỷ.

Bat dong san Trung Quoc
Một “thành phố ma” ở khu Ordos, Nội Mông, Trung Quốc, ảnh chụp ngày 12/09/2011. (Nguồn ảnh: MARK RALSTON/AFP qua Getty Images)

Theo báo cáo phân tích tin tức dữ liệu của WSJ, do vỡ bong bóng bất động sản khiến những ngày tăng trưởng cao của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc đã trở thành quá khứ, bây giờ Trung Quốc muốn thay thế Mỹ trở thành số 1 có lẽ phải mất thêm nhiều thập kỷ nữa so với kỳ vọng của Bắc Kinh.

Nền kinh tế Trung Quốc bị cản trở bởi nhiều vấn đề dư thừa, bao gồm như hàng triệu căn hộ trống, hàng ngàn tỷ USD nợ nần hạn chế các địa phương Trung Quốc phát triển, và vấn đề sản xuất công nghiệp quá thừa thãi phải thúc đẩy xuất khẩu giá rẻ gây căng thẳng quan hệ kinh tế và thương mại toàn cầu.

Vấn đề bất động sản

Thị trường bất động sản Trung Quốc đã trải qua một cuộc suy thoái mạnh vào năm 2021, theo ước tính của hãng dịch vụ tài chính Barclays, tổng tài sản hộ gia đình Trung Quốc đã mất 18.000 tỷ USD.

Tờ WSJ ước tính mỗi hộ gia đình Trung Quốc trung bình mất khoảng 60.000 USD, tổng giá trị của số tài sản thất thoát đó lớn hơn toàn bộ thị trường chứng khoán Trung Quốc và tương đương với năng lực sản xuất quốc gia của Trung Quốc vào năm 2024. Ngoài ra, việc Bắc Kinh xử lý dịch bệnh COVID-19 một cách hà khắc cũng ảnh hưởng đến chi tiêu của mọi người.

Trong sóng thần tài chính năm 2008 – 2009 khiến người dân Mỹ đã mất khoảng 6.500 tỷ USD giá trị bất động sản, và tổng thiệt hại về bất động sản và các tài sản khác là khoảng 11.000 tỷ USD (tương ứng khoảng 17.000 tỷ USD ngày nay). Hiện mức độ nghiêm trọng của vấn đề bất động sản ở Trung Quốc đã cao hơn ở Mỹ vào thời điểm đó.

Giảm lực lượng lao động

Giới quan sát kinh tế quốc tế từng kỳ vọng Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, theo đó quy mô kinh tế của nước này có thể vượt qua Mỹ trước giữa thế kỷ này (chẳng hạn như năm 2030), và sẽ trở thành nước đứng đầu thế giới.

Nhưng ngày nay, Mỹ vẫn dẫn đầu động lực toàn cầu, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có vấn đề khiến rất ít học giả tin Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trong thế kỷ này. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (Centre for Economic and Business Research), vào năm 2035 Trung Quốc sẽ đạt tương ứng khoảng 80% quy mô nền kinh tế Mỹ.

Trung Quốc, giống như các nước phát triển, đang phải đối mặt vấn đề thay đổi nhân khẩu, việc họ sụt giảm lực lượng lao động khiến không thể duy trì tăng trưởng nhanh chóng. Theo số liệu dân số của Liên Hợp Quốc, dân số lao động Trung Quốc trong độ tuổi từ 20 – 64 bắt đầu giảm vào khoảng năm 2020.

Vấn đề dư thừa

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ lâu đã được thúc đẩy bởi đầu tư, trong giai đoạn đầu có thể mở rộng cơ sở hạ tầng hiện đại để thúc đẩy sản xuất và phát triển các thành phố lớn, nhưng sau vài thập niên thì một lượng lớn nguồn vốn đã tiêu tan do vấn đề nợ nần tăng mạnh đi cùng nhu cầu bất động sản suy giảm và năng lực sản xuất dư thừa.

WSJ chỉ ra tổng nợ của các cấp chính quyền, hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc đã lên đến mức bằng gần 300% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của họ – tình hình có thể nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng nợ của Mỹ hoặc châu Âu trước cơn sóng thần tài chính hơn 10 năm trước.

Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc năm 2024 đã vượt qua Mỹ và Khu vực đồng Euro.

Vấn đề bong bóng bất động sản chưa từng có ở Trung Quốc vẫn đang diễn ra, Chính phủ Trung Quốc vào năm 2020 đã thực hiện các bước để điều chỉnh thị trường, và gần đây đã liên tục đề xuất các phương pháp như giảm hạn chế mua nhà và nới lỏng tín dụng để cố gắng ổn định thị trường, nhưng nguồn cung vẫn còn dư thừa.

Do tăng trưởng kinh tế chậm lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chuyển nhiều dự án đầu tư sang lĩnh vực sản xuất công nghiệp vốn cũng đang nóng quá nhu cầu, kết quả là năng lực sản xuất càng tăng nhanh và giá cả không ngừng sụt giảm, khiến Trung Quốc hiện phải tìm kiếm thị trường bên ngoài và hệ quả gây những vấn đề thương mại đối với châu Âu, Mỹ, Brazil, Ấn Độ…

Vương Quân, Vision Times