9 năm trước (2015) vào ngày 9/7, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một cuộc đàn áp quy mô lớn đối với các luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động nhân quyền, sự kiện này được gọi là Sự kiện 709”. Cuộc đàn áp này được coi là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong cuộc đàn áp xã hội dân sự và luật sư nhân quyền của chính quyền ĐCSTQ, nhưng nó cũng đã trở thành một cột mốc quan trọng để những người bảo vệ nhân quyền Trung Quốc không bao giờ nhượng bộ và khởi đầu lại.

709
Một số luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động nhân quyền thuộc bị ĐCSTQ đàn áp trong “Sự kiện 709”. (Ảnh Epoch Times tổng hợp)

Nhóm Luật sư Nhân quyền tuyên bố: “chuẩn bị cho dân tộc vượt qua nỗi khổ và bơi qua đêm tối”

Nhân kỷ niệm 9 năm “Cuộc bắt bớ 709“, các luật sư của Nhóm Luật sư Nhân quyền Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố trên mạng xã hội X vào ngày 7/7, nói rằng thời đại “toàn trị 2.0”, nhân quyền của công dân trung Quốc lại bị xâm phạm nghiêm trọng, rất nhiều luật sư nhân quyền không thể làm việc một cách bình thường, tương lai có thể sẽ càng khó khăn hơn. Nhưng mong rằng mọi người có thể chèo chống được và nghĩ cách bứt phá. Các luật sư nhân quyền còn nhiều việc phải làm nên không thể rời đi. Tuyên bố nhấn mạnh “trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải kiên định, trong bất cứ tình huống nào cũng không từ bỏ ý chí cao thượng”.

Tuyên bố đề cập trực tiếp đến những người bảo vệ nhân quyền, những người “không bao giờ khuất phục”, “ôm lý tưởng và giữ vững tầm nhìn”, “chuẩn bị cho dân tộc niết bàn (vượt qua nỗi khổ) và bơi qua đêm tối”

Nhân kỷ niệm 9 năm Sự kiện 709, nền tảng của Nhóm Luật sư Nhân quyền Trung Quốc đã tổ chức một hội thảo trực tuyến vào lúc 8h tối theo giờ Bắc Kinh vào ngày 9/7/2024, mời các luật sư nhân quyền, thành viên gia đình nạn nhân và các “anh hùng dân thường” tham gia để thảo luận về cách tiếp tục bảo vệ nhân quyền trong thời đại “toàn trị 2.0” của ĐCSTQ.

ĐCSTQ tiếp tục đàn áp các luật sư nhân quyền

Trong “Sự kiện 709” năm 2015, hơn 100 luật sư nhân quyền và các nhà hoạt động đã bị cảnh sát triệu tập, giam giữ, bắt giữ hoặc sách nhiễu và bức hại. 9 năm sau vụ việc, hoàn cảnh của các luật sư nhân quyền và gia đình họ bị ĐCSTQ đàn áp vẫn ngày càng tồi tệ, môi trường sống của họ còn nhiều khó khăn.

Người ta tin rằng có khoảng 10 luật sư vẫn đang bị giam giữ hoặc đang thi hành án.

Luật sư Dư Văn Sinh (Yu Wensheng) và vợ Hứa Diễm (Xu Yan) bị buộc tội “kích động lật đổ quyền lực nhà nước” và đã bị truy tố tại tòa án. Con trai duy nhất của họ Dư Trấn Dương (Yu Zhenyang) bị trầm cảm nặng do sống trong bầu không khí đáng sợ này trong một thời gian dài, nhiều lần tự tử không thành, và hiện được đưa vào bệnh viện tâm thần ở Bắc Kinh để điều trị.

Một người trong cuộc giấu tên đã nói với phóng viên của Epoch Times trước đó rằng: “Vụ án của ông Dư Văn Sinh và bà Hứa Diễm đã được đệ trình lên tòa án do bà Hứa Diễm bị lệch đĩa đệm thắt lưng, nên gia đình đang nộp đơn lên viện kiểm sát để xin tại ngoại chờ xét xử, nhưng vẫn chưa có phản hồi.”

Ông Cao Trí Thịnh, một luật sư nhân quyền nổi tiếng, đã bị chính quyền ĐCSTQ cưỡng bức biến mất vào tháng 8/2017. Đã gần 7 năm không có tin tức gì về sự sống chết của ông.

Vợ của ông Cao Trí Thịnh, bà Cảnh Hòa (Geng He), đã nhiều năm kêu gọi mạnh mẽ, mong ông Cao Trí Thịnh sớm được trở về nhà, sớm được đoàn tụ cùng gia đình. Những người bảo vệ nhân quyền từ khắp nơi trên thế giới cũng đã nhiều lần cùng nhau phát động các chiến dịch toàn cầu để tìm kiếm luật sư Cao Trí Thịnh bị cưỡng bức biến mất. Tuy nhiên, chính quyền ĐCSTQ đã hoàn toàn phớt lờ những lo ngại của cộng đồng quốc tế và các cuộc biểu tình dân sự.

id14117211 IMG 0611
Nội dung biểu ngữ: [Ông Cao Trí Thịn] bị bắt cóc mất tích 6 năm, hiện giờ đang ở đâu? Cảnh Hòa (vợ ông Cao Trí Thinh) hỏi Tập Cận Bình: Cao Trí Thịnh đang ở đâu? (Ảnh: Xue Mingzhu / Epoch Times)

Ông Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong), một học giả pháp lý và lãnh đạo Phong trào Công dân Mới, người đã bị chính quyền kết án 14 năm tù vì tội “lật đổ chính quyền nhà nước”, gần đây được cho là đã bị tra tấn trong tù. Xu Zhiyong hiện đang thụ án tại Nhà tù Lỗ Nam (Lunan) ở Nhật Chiếu, Sơn Đông.

Luật sư Tạ Dương (Xie Yang) trong “Sự kiện 709″ đột nhiên biến mất vào tháng 1/2022. Sau đó, người ta xác nhận rằng ông đã bị chính quyền Hồ Nam giam giữ hình sự và bị bắt chính thức vì tình nghi “kích động lật đổ chính quyền nhà nước”. Ông đã bị giam tại Trại giam số 1 thành phố Trường Sa gần 2 năm, đến nay vẫn không có tin tức gì về việc mở phiên tòa xét xử.

Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa tin vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 1/6) rằng lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã mô tả trẻ em là tương lai và hy vọng của đất nước. Tuy nhiên, con nhỏ của các luật sư nhân quyền bị ảnh hưởng bởi vụ bắt giữ hàng loạt trong “Sự kiện 709” phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn là bị tước quyền đi học. Con gái ông Lý Hòa Bình (Li Heping) và con trai của ông Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) nhiều lần bị buộc phải nghỉ học và phải dựa vào các lớp học trực tuyến để học tập và sống cuộc sống “du học”.

nhan quyen
Ngày 27/4/2020, anh Vương Toàn Chương trở về nhà ở Bắc Kinh và chụp ảnh chung với vợ con. (Ảnh chụp màn hình Twitter của Lý Văn Túc)

Sau khi Ủy ban Pháp luật của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ĐCSTQ tuyên bố sẽ bãi bỏ quy định “liên đới” đối với những người có liên quan đến tội phạm, ông Vương Toàn Chương đã chỉ ra trên mạng xã hội X rằng: “Vậy thì, con trai tôi ngày 15/10/2023 bị hạn chế xuất cảnh, đây là ‘liên đới thân thích’ hay là cái mà nhân viên biên phòng nói là ‘gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia’? “

Bà Trương Mỹ Anh (Zhang Meiying), vợ của luật sư Chu Thế Phong (Zhou Shifeng) trong “Sự kiện 709”, qua đời vì bệnh tật ở An Dương, tỉnh Hà Nam vào trưa ngày 3/7/2024, ở tuổi 56. Ông Chu Thế Phong cho biết, vợ ông bị bệnh đã lâu, ông không có khả năng và không có tiền để đóng bảo hiểm xã hội cho vợ, dẫn đến việc vợ ông không có tiền để thay máy tạo nhịp tim, nên tình trạng của bà ấy ngày càng xấu đi.

Vào ngày 9/7/2015, ông Chu Thế Phong bị bắt và sau đó bị Tòa án Thiên Tân kết án 7 năm tù vì tội “lật đổ chính quyền nhà nước”.

Vào đầu năm nay, ông Trương Văn Bằng (Zhang Wenpeng), người gốc Thiểm Tây và đang thực tập tại một công ty luật ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, nghi ngờ rằng vì trước đó khi ông thực tập tại Thâm Quyến đã tố cáo hiệp hội luật sư địa phương, nên bị cấm, do đó ông không cách nào có được chứng chỉ hành nghề. Lãnh đạo công ty luật Thanh Đảo nơi ông Trương Văn Bằng đang thực tập, đã viết một bức thư ngỏ gửi Sở Tư pháp tỉnh Sơn Đông để phản ánh vấn đề của ông Trương Văn Bằng. Tuy nhiên, chính quyền và Hiệp hội Luật sư đã cùng nhau khiếu nại và cuối cùng bức thư ngỏ bị xóa.

Luật sư Tùy Mục Thanh (Sui Muqing) trong “Sự kiện 709” từng đi cùng ông Trương Văn Bằng đến Cục Tư pháp Thanh Đảo để trao đổi về việc hành nghề của ông. Sau đó, ông Tùy Mục Thanh bị cảnh sát triệu tập tại một khách sạn địa phương vì nghi ngờ gây rối trật tự đơn vị làm việc.

Cục Tư pháp Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông đã ban hành hai “Thông báo xử phạt hành chính” liên tiếp vào tháng 6 năm nay, thực hiện việc đình chỉ hành nghề đối với luật sư Vu Khải (Yu Kai) một năm và đình chỉ hoạt động Công ty luật Hiểu Lâm (Xiaolin) trực thuộc của ông trong một năm rưỡi. Nguyên nhân là do ông Vu Khải đã liệt kê một số trường hợp trong đề xuất bãi bỏ tội “gây gổ, gây rối” gửi Nhân Đại (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc), nên bị cáo buộc thổi phồng vụ việc.

Trên đây chỉ là một phần các tình huống mà các phóng viên của tờ Epoch Times đã tạm thời nắm bắt được.

Luật sư nhân quyền chịu áp lực, giới luật pháp Trung Quốc không công bằng

Trong khi một số lượng lớn luật sư đấu tranh cho nhân quyền và lợi ích của người dân, lên tiếng đòi công lý cho tương lai đất nước, đang bị đàn áp thì những năm gần đây, các vụ thẩm phán nhận hối lộ thường xuyên bị vạch trần và phần lớn người đưa hối lộ là luật sư.

Trang web của Cục Tư pháp thành phố Tây An đã công bố vào ngày 13/6 năm 2024 rằng Lưu Đào (Liu Tao), giám đốc công ty luật Tôn Bản Thiểm Tây, với tư cách là luật sư đại diện của Công ty TNHH Bất động sản Dung Phát Tây An, đã thay đương sự chuyển tiền mặt 300.000 nhân dân tệ cho vợ của thẩm phán Vương X X, thẩm phán của Ban giám sát xét xử tòa án tối cao, để tác động đến kết quả vụ án. Vì số tiền hối lộ được coi là tương đối nhỏ, nên chỉ áp dụng một hình phạt hành chính là đình chỉ hành nghề đối với Lưu Đào trong 6 tháng.

Tuần báo Tin tức Trung Quốc (China News Weekly) đưa tin vào tháng 7/2022 rằng 3 vụ hối lộ liên tiếp của các thẩm phán tại Tòa án Nhân dân Trung cấp Tế Nam đã bị vạch trần, liên quan tới tới 58 luật sư (nhiều luật sư không chỉ tham gia vào một vụ vụ hối lộ), trong đó 10% có chức vụ của Hiệp hội Luật sư.

Một số chuyên gia pháp lý ở Trung Quốc Đại Lục nói với tờ Epoch Times rằng môi trường tư pháp tham nhũng của ĐCSTQ đã sản sinh ra nhiều “luật sư chóp bu”, họ nắm giữ các vị trí quan trọng trong các hiệp hội luật sư. Những luật sư như vậy thường trở thành kênh để khách hàng ủy thác và thẩm phán nhận hối lộ, hay họ được gọi là “găng tay trắng” của thẩm phán.

Một học viên Pháp Luân Công nói với tờ Epoch Times rằng đây là phần mở rộng của cuộc đàn áp toàn diện do ĐCSTQ phát động nhắm vào các học viên Pháp Luân Công, những người tin vào “Chân, Thiện, Nhẫn”, sức mạnh của chính nghĩa bị tà ác tấn công, những thế lực thuộc về âm tà nhân cơ hội lộ đầu lộ mặt, và thực hiện các hành vi xấu ác của mình trong các lĩnh vực của xã hội. Hiện nay sứ mệnh bảo vệ quyền lợi của người dân của đã không thể thực hiện được. Thấy những luật sư tử tế bị đàn áp trong thời gian dài, những luật sư khác chỉ muốn “lặng lẽ phát tài” hoặc trở thành công cụ chính trị của ĐCSTQ.

Trên thực tế, giới luật sư của Trung Quốc nói chung đã trở thành nạn nhân của sự kiểm soát chính trị của ĐCSTQ. Ngoài nhiều lệnh cấm làm việc, họ (kể cả những người không thuộc đảng) thậm chí còn bị buộc phải vào các trường đảng để “học tập” theo hình thức kín. Tuy nhiên, những người trong cuộc tiết lộ rằng nhiều luật sư cho biết họ tỏ ra chán ghét cách làm này của ĐCSTQ.

Ông Ngô Thiệu Bình (Wu Shaoping), một luật sư Trung Quốc phải lưu vong ở Mỹ do các vụ bắt giữ hàng loạt của ĐCSTQ liên quan đến “Vụ tập trung Hạ Môn”, đã nói với tờ Epoch Times trước đó rằng dưới chế độ độc tài của ĐCSTQ, ngay cả trong những thập kỷ được gọi là cải cách và mở cửa, đều không có nền pháp trị có bất cứ ý nghĩa hiện đại nào, mà ngược lại còn thụt lùi hơn trong những năm gần đây, gây ra những thảm họa to lớn cho xã hội Trung Quốc.

Trong xã hội Trung Quốc, ngày càng có nhiều vụ việc gây tổn hại lẫn nhau ở tầng lớp dưới, chẳng hạn như lao xe vào người và giết người, ông Ngô Thiệu Bình nói, “Nguyên nhân chính là khi con người gặp phải sự bất công, con đường tư pháp mà họ có thể dựa vào đã bị chặn lại”, “Mọi người đều chán nản khi ở trong bình áp suất cao, đến khi khi tức giận và tuyệt vọng, họ sẽ làm tổn thương những người yếu thế hơn mình.”

“Giải thưởng Luật sư Nhân quyền 709” ở nước ngoài trở thành điểm nhấn

Sau “Sự kiện 709”, các hoạt động hỗ trợ ở nước ngoài được tổ chức hàng năm và “Giải thưởng Luật sư Nhân quyền 709” cũng trở thành một điểm nhấn quốc tế mới.

Trước thềm kỷ niệm 9 năm của “Sự kiện 709”, một sự kiện trao giải kỷ niệm do “29 Nguyên tắc” (The 29 Principles), “Thay đổi Trung Quốc” (China Change), “Nhân quyền ở Trung Quốc” (Human Rights in China) và “Trung Quốc Nhân đạo” (Humanitarian China) đồng tổ chức, đã được tiến hành tại trụ sở chính ở London, Anh của Tổ chức Ân xá Quốc tế, vào tối ngày 3/7/2024.

Tại sự kiện này, “Giải thưởng Luật sư Nhân quyền 709”, được tổ chức trong 8 năm, đã được trao cho các nhà bảo vệ nhân quyền Trung Quốc Trương Triển (Zhang Zhan) và Lý Dục Hàm (Li Yuhan) để ghi nhận những đóng góp xuất sắc của họ cho sự nghiệp nhân quyền. Hơn nữa, bộ phim tài liệu “Cô ấy đang ở trong tù” (She’s in Jail) nói về luật sư Hồng Kông và là cựu chủ tịch Liên đoàn Công dân Hồng Kông ủng hộ Phong trào Dân chủ Yêu nước Trâu Hạnh Đồng (Chow Hang-tung) cũng được trình chiếu trong sự kiện này.

Cô Trương Triển, 40 tuổi, từng là luật sư. Cô đã bị chính quyền thu hồi giấy phép luật sư vì tham gia bảo vệ quyền lợi cho người dân. Trương Triển đã đến Vũ Hán với tư cách là một nhà báo công dân vào tháng 2/2020 để theo dõi và đưa tin về dịch bệnh COVID-19, sau khi bị bắt vào tháng 5/2020, cô bị kết án 4 năm tù vì tội “gây gổ,  gây rối”  được tại ngoại vào tháng 5/2024.

Truong Trien
Trương Triển, một người đưa tin tự do tại Trung Quốc bị kết án nặng vì đưa tin về dịch bệnh COVID-19 (Nguồn: MXH)

Vào ngày 9/10/2017, luật sư Trung Quốc Lý Dục Hàm đã bị cảnh sát Thẩm Dương “đưa đi”. Cho đến ngày 25/10/2023, Tòa án quận Hòa Bình của thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh kết án bà Lý Dục Hàm sáu năm rưỡi tù giam vì cái gọi là tội “gây gổ, gây rối và lừa đảo”. Ngoại giới hầu hết cho rằng nguyên nhân thực sự đằng sau việc bắt và kết án bà, đó là do bà đã từng bào chữa cho luật sư Vương Vũ (Wang Yu) trong vụ án “709”.

Vào ngày 24/3/2024, luật sư Lý Dục Hàm, 74 tuổi, được trả tự do sau khi mãn hạn tù.

Mỹ và Đức lên tiếng về “Sự kiện 709”

Chủ tịch Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về vấn đề Trung Quốc (CECC) nhấn mạnh rằng các luật sư nhân quyền bị cầm tù trong vụ đàn áp “709” phải được phép đi lại mà không bị hạn chế, đồng thời kêu gọi “Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Tài chính Yellen nên buộc các quan chức Trung Quốc liên quan phải chịu trách nhiệm về việc tra tấn và giam giữ tùy tiện mà các luật sư này phải gánh chịu, bao gồm cả việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với họ.”

Ủy ban cũng kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Türk và các chuyên gia Liên hợp quốc cùng lên án “sự trừng phạt tập thể” và những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc đối với gia đình của những người bảo vệ nhân quyền.

Đại sứ quán Đức tại Trung Quốc cũng đưa ra một tuyên bố trên weibo chính thức, ca ngợi các luật sư nhân quyền Trung Quốc đã đứng lên bảo vệ những người không thể lên tiếng. Sau khi ra tù, họ vẫn phải hứng chịu sự trả thù của ĐCSTQ, không chỉ mất quyền tự do cơ bản, mà còn bị loại khỏi đời sống kinh tế và xã hội bình thường, gia đình và con cái chưa thành niên của họ đều bị liên lụy.

Đức kêu gọi Trung Quốc hủy bỏ phán quyết đối với “Luật sư 709” và đưa ra biện pháp đền bù chính trị cho các nhân sự liên quan để thể hiện sự công bằng.

Trí Đạt (t/h)