Gần đây, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã ban hành một loạt chính sách kích thích kinh tế, hy vọng đạt hiệu quả thúc đẩy phục hồi kinh tế giúp ổn định xã hội. Trên kênh tự truyền thông, nhà bình luận Fang Lian (@Torontobigface) sống tại Toronto (Canada) đã phân tích về những tác động cũng như hạn chế của cải cách kinh tế này.

r shutterstock 361580648
Đồng Nhân dân tệ. (Ảnh minh họa: Frame China / Shutterstock)

Bối cảnh chính sách và thay đổi thái độ

Thứ nhất là những biến động mạnh trong quan điểm kinh tế của ĐCSTQ. Dù người dân Trung Quốc phải đối mặt với áp lực rất lớn từ suy thoái kinh tế trong một thời gian dài, nhưng chính phủ Trung Quốc không thừa nhận nền kinh tế có những vấn đề, thậm chí còn cho rằng không cần liều thuốc gì kích thích nền kinh tế Trung Quốc.

Ví dụ tại Diễn đàn Davos vào tháng 6 năm nay, Thủ tướng Lý Cường phát biểu rằng điều mà nền kinh tế Trung Quốc cần làm là “phát triển tự nhiên sâu rễ bền gốc” chứ không phải là “dùng thuốc kích thích”. Một dạo, những ngôn luận của nhà chức trách kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc kinh tế Trung Quốc suy thoái, họ thúc đẩy diễn ngôn về sự ổn định của nền kinh tế. Nhưng thái độ bắt đầu nới lỏng khi các vấn đề khó khăn ngày càng thấy rõ trong thực tế.

Gần đây, ĐCSTQ lần đầu tiên công khai thừa nhận tại một cuộc họp của Bộ Chính trị rằng nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn. Theo Bloomberg, sự thay đổi này xuất phát từ cảnh báo của một số quan chức tỉnh ven biển trong các cuộc họp kín rằng các vấn đề kinh tế của họ đã đến thời điểm không thể không có hành động quyết liệt trong thực tế.

Các chính sách kích thích do ĐCSTQ đưa ra lần này có thể được chia đại khái thành 4 khía cạnh: bất động sản, chính sách tiền tệ, tiêu dùng, và hỗ trợ ngành ngân hàng.

Bất động sản

Thị trường bất động sản từ lâu đã là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, vì thế nổ bong bóng thị trường này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái kinh tế. Nhiều người đã kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp kích thích quy mô lớn để giải cứu thị trường, thậm chí một số kênh truyền thông còn chỉ trích biện pháp giải cứu thị trường này của Trung Quốc chưa mạnh mẽ.

Cuối cùng gần đây, ĐCSTQ đã quyết định thực hiện thêm các biện pháp kích thích trong lĩnh vực bất động sản. Chính phủ đã đưa ra kế hoạch điều chỉnh lãi suất cho vay mua nhà, dự kiến ​​sẽ giảm đáng kể lãi suất cho vay mua nhà hiện tại với mức giảm trung bình khoảng 0,5 điểm phần trăm. Tóm lại, điều này có nghĩa là lãi suất thế chấp đối với những người đã mua nhà sẽ được giảm xuống mức lãi suất hiện hành để giảm áp lực tài chính cho họ.

Ngoài ra, chính quyền trung ương cũng đã thống nhất hạ tỷ lệ trả trước cho ngôi nhà thứ 2 xuống mức 15% tương tự như đối với ngôi nhà đầu tiên. Theo Reuters, Trung Quốc có thể sớm dỡ bỏ hạn chế mua nhà trên toàn quốc, cũng bỏ chính sách hộ khẩu để mua nhà.

Nhưng giới quan sát chỉ ra biện pháp kích cầu bất động sản này nhìn chung vẫn còn chưa đủ mạnh, chủ yếu nhằm mục đích duy trì sự ổn định của thị trường. Mặc dù việc giảm tỷ lệ trả trước và lãi suất vay mua nhà có thể giảm bớt áp lực cho người mua, nhưng cũng làm tăng rủi ro và áp lực cho ngân hàng.

Chính sách tiền tệ

ĐCSTQ đã có lập trường thoáng hơn về chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương hạ tỷ lệ dự trữ tiền gửi (giúp ngân hàng có thêm tiền để cho vay hoặc đầu tư) và hạ lãi suất mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày (giúp ngân hàng vay mượn được nhiều hơn và cũng có thể làm giảm lãi suất cho vay), giải phóng một lượng tiền khổng lồ. Tỷ lệ dự trữ tiền gửi đã giảm từ 7% xuống 6,5%, dự kiến ​​sẽ giải phóng thanh khoản khoảng 1000 tỷ RMB.

Ngoài ra, ngân hàng trung ương cũng cho biết, nếu giải phóng vốn hiện tại còn chưa đủ thì có thể hạ thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 0,25 đến 0,5 điểm phần trăm. Chuỗi biện pháp này cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc, việc nới lỏng tiền tệ đã trở thành phương án đáng chú ý của thị trường tài chính Trung Quốc.

Nhưng vấn đề là dù thị trường có nhiều tiền hơn, nhưng quan trọng là làm sao để doanh nghiệp và người tiêu dùng sẵn sàng vay và chi tiêu. Để hướng dòng vốn vào thị trường chứng khoán, ngân hàng trung ương cũng đưa ra khoản vay 500 tỷ RMB để hỗ trợ các quỹ, công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm mua cổ phiếu Trung Quốc, đồng thời lần đầu thiết lập một khoản cho vay lại đặc biệt khi nhà đầu tư muốn mua lại cổ phiếu nhằm tăng lượng nắm giữ.

Hỗ trợ ngân hàng

Xét đến khả năng chính sách bất động sản và tiền tệ đó sẽ gây áp lực lên ngành ngân hàng, nhà chức trách Trung Quốc cũng đã đưa ra một số biện pháp hỗ trợ ngân hàng. Theo Bloomberg, Trung Quốc dự kiến ​​sẽ sớm bơm trực tiếp khoảng 1000 tỷ RMB vào các ngân hàng quốc doanh lớn để đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng trung ương cũng đã thông qua các biện pháp như bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc… giúp ngân hàng thêm vốn nhằm giảm bớt áp lực hoạt động.

Kích thích tiêu dùng

Để thúc đẩy tiêu dùng, chính phủ cũng đã đưa ra chính sách trợ cấp sinh hoạt cho các nhóm thu nhập thấp, nhằm hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các gia đình nghèo. Đây là biện pháp rất hiếm gặp trong lịch sử Trung Quốc và cho thấy nhu cầu cấp thiết của chính phủ trong việc kích thích tiêu dùng.

Theo Reuters, Trung Quốc cũng sẽ phát hành 2000 tỷ trái phiếu, một nửa trong số đó sẽ dùng để trả nợ trong nước và nửa còn lại để kích thích tiêu dùng. Đặc biệt đối với những gia đình có 2 con trở lên, mỗi đứa trẻ có thể nhận được trợ cấp sinh hoạt hàng tháng là 800 RMB, điều này cho thấy chính phủ đang cố gắng kích thích nhu cầu trong nước bằng cách tăng thu nhập của gia đình.

Đánh giá hiệu quả chính sách

Vẫn còn phải chờ thời gian để biết được liệu các biện pháp này có thực sự đảo ngược được tình trạng suy thoái kinh tế của Trung Quốc hay không. Nhà bình luận Fang Lian tin rằng những chính sách này chỉ giải quyết bề ngọn chứ không phải gốc rễ, và không giải quyết được cơ bản các vấn đề cơ cấu mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt.

– Hạn chế của tư duy từ phía cung: Các chính sách kinh tế vẫn tập trung vào phía cung, cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách hỗ trợ các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại của Trung Quốc nằm ở chỗ nhu cầu trong nước không đủ và thiếu niềm tin vào thị trường. Những vấn đề này không thể giải quyết được thông qua các chính sách đơn giản hướng về phía cung.

– Củng cố mô hình kinh tế hiện tại: Ông Tập Cận Bình đang cố gắng thiết lập một chu kỳ kinh tế mới thông qua “3 ngành công nghiệp mới” (công nghệ, năng lượng, và công nghiệp quân sự) để thay thế mô hình dựa vào bất động sản và cơ sở hạ tầng đã gặp vấn đề. Dù các chính sách hiện nay cho thấy ý thức được những vấn đề, nhưng vẫn chưa tìm được giải pháp thực sự cho vấn đề kinh tế.

– Vấn đề từ pháp luật và môi trường kinh doanh: Phát triển kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi một môi trường pháp lý tốt hơn và một thị trường cạnh tranh công bằng. Doanh nghiệp cần được pháp luật bảo vệ, trong khi người dân cần thu nhập cao hơn và phúc lợi xã hội. Nhưng chế độ độc tài khiến những vấn đề đó khó có thể giải quyết, vì chi tiêu chính phủ nặng nề và nạn tham nhũng quan liêu của chế độ độc tài làm suy yếu sức sống của nền kinh tế.

Tương lai của nền kinh tế Trung Quốc

Chuyên gia Fang Lian tin rằng mặc dù chính sách kích thích hiện tại có tác dụng hạn chế, nhưng vẫn đáng chú ý liệu trong tương lai ông Tập có thể hành động một cách triệt để cải thiện phúc lợi xã hội cũng như tạo dựng được nền tảng pháp lý tốt hơn bảo vệ quyền sở hữu hay không. ĐCSTQ có những khả năng tự sửa chữa nhất định khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế, ông Tập Cận Bình không có chỗ cho sự thỏa hiệp. Ví dụ, sau “Phong trào Giấy trắng”, Tập Cận Bình đã nhanh chóng từ bỏ chính sách phong tỏa COVID-19, điều này cho thấy ông có thể nhanh chóng điều chỉnh chính sách trước áp lực của người dân.

Vì vậy, không thể loại trừ khả năng trong tương lai ông Tập Cận Bình sẽ từ bỏ mô hình kinh tế hiện tại để chuyển sang chính sách lấy con người làm trung tâm. Tuy nhiên, khó khăn thực sự nằm ở chỗ liệu ĐCSTQ có thể thực hiện hiệu quả các chính sách này hay không. Cải thiện phúc lợi xã hội và cải thiện môi trường kinh doanh đòi hỏi phải cắt giảm chi tiêu của chính phủ và hạn chế tham nhũng quan liêu, đây là một nhiệm vụ gần như rất khó xảy ra đối với một chế độ toàn trị.

Dù chính sách cứu trợ thị trường của ông Tập có vẻ táo bạo, nhưng về cơ bản không thể giải quyết được những vấn đề sâu xa mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt. Những chính sách này có thể trong ngắn hạn thúc đẩy được thị trường, nhưng về dài hạn cũng không thể đảo ngược được xu hướng đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc. Điều thực sự có thể thúc đẩy kinh tế Trung Quốc phục hồi là cải cách triệt để mô hình chính trị chỉ đạo kinh tế.

Cốt lõi của các vấn đề kinh tế Trung Quốc không chỉ nằm ở những sai lầm thuần túy về chính sách kinh tế, đó còn ở vấn đề mang tính hệ thống liên quan chính trị. Trong một thị trường thiếu nhà nước pháp quyền và cạnh tranh công bằng, sức sống kinh tế sẽ luôn bị đàn áp. Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc sẽ khó được giải quyết thực sự trừ khi ĐCSTQ thực hiện những cải cách chính trị triệt để thúc đẩy nền kinh tế thị trường.

Tóm lại, dù chính sách cứu trợ thị trường của ông Tập Cận Bình đã nhất thời mang lại động lực cho nền kinh tế Trung Quốc, nhưng chỉ những cải cách thể chế toàn diện mới có thể mở đường cho phục hồi nền kinh tế Trung Quốc một cách bền vững.