Nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei đã công bố báo cáo thường niên năm 2022, trong đó doanh thu bán hàng tăng nhưng lợi nhuận ròng giảm mạnh 68,7% so với cùng kỳ năm trước.

Huawei
(Ảnh minh họa: Mrfiza/Shutterstock)

Cùng với những tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và chính sách phòng chống dịch bệnh “zero-COVID” của chính quyền Bắc Kinh đang đè nặng lên nền kinh tế, Huawei đã công bố báo cáo thường niên tồi tệ vào ngày 31/3.

Trong năm qua, Huawei đã gặp khó khăn khi bị “khí lạnh” bao phủ, điều này được thể hiện trực quan qua hiệu quả hoạt động của hãng: Năm 2022, Huawei đạt doanh thu bán hàng 642,3 tỷ nhân dân tệ (RMB), tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng là 35,6 tỷ RMB, giảm 68,7% so với cùng kỳ năm trước, với tỷ suất lợi nhuận ròng là 5,5%, mức thấp kỷ lục.

Vào ngày 31/3, tại cuộc họp báo về báo cáo thường niên năm 2022 của Huawei, ông Từ Trực Quân (Xu Zhijun), Chủ tịch luân phiên của Huawei, đã đổ lỗi cho việc lợi nhuận ròng giảm mạnh là do giá cả hàng hóa tăng cao, các biện pháp kiểm soát và phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc vào năm ngoái cũng như chi tiêu cho R&D (nghiên cứu phát triển) ngày càng tăng. Ông cho biết, môi trường bên ngoài đầy thách thức và các yếu tố phi thị trường tiếp tục tác động đến hoạt động của Huawei.

Đồng thời, ông Từ Trực Quân cũng thẳng thắn cho biết: “Năm 2023 là một năm quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của Huawei. Chúng ta đang ở trong mưa bão, và chúng ta tiếp tục chạy dưới mưa.”

Tuy nhiên, ông Từ Trực Quân cũng khoe khoang: “Huawei của ngày nay giống như hoa mai. Hoa mai thơm vì chúng đã trải qua quá trình tôi luyện lạnh giá khắc nghiệt… Chúng ta cũng có cơ hội tăng trưởng, khả năng phục hồi tổng thể và lợi thế khác biệt…”.

Từ ngày 1/4, bà Mạnh Vãn Châu bắt đầu giữ chức chủ tịch luân phiên của Huawei. Nhưng bố của bà Mạnh, người sáng lập Huawei – ông Nhậm Chính Phi, vẫn là nhân vật quyền lực nhất tại Huawei.

Tại buổi họp báo báo cáo thường niên năm 2022 của Huawei, đối mặt với tình hình hiện tại, bà Mạnh nói: “Chúng ta không nhất định ‘thành công’, nhưng chúng ta ‘sống để dẫn tới cái chết’ (đề cập trong cuốn sách ‘Tồn tại và thời gian’ của nhà triết học Martin Heidegger), làm sao có thể không ‘thành nhân’ được?”

Bà Mạnh Vãn Châu bị chính quyền Canada bắt giữ khi đang quá cảnh ở Vancouver trên đường đến Nam Mỹ vào tháng 12/2018. Vào thời điểm đó, bà bị Mỹ truy nã vì liên quan đến việc Huawei bị cáo buộc bán trái phép thiết bị viễn thông cho Iran. Sau vụ bắt giữ bà Mạnh, hai người Canada ở Trung Quốc cũng bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, được nhiều người coi là hành động trả đũa của Bắc Kinh, gây ra bế tắc ngoại giao 3 bên. Cho đến tháng 9/2021, bế tắc kết thúc bằng một cuộc trao đổi tù nhân. Bà Mạnh đồng ý thừa nhận hành vi sai trái để đổi lấy việc Mỹ bỏ cáo buộc. Phía Mỹ đã bỏ các cáo buộc vào tháng 12 năm ngoái.

Khi địa vị của bà Mạnh ở Huawei đã được nâng cao, bà không còn đi vòng quanh thế giới để gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia và khách hàng của Huawei nữa. Báo cáo thường niên kém cỏi của Huawei cũng mang đến thách thức cho bà, trong “mùa đông dài” này, Huawei sẽ đi về đâu tiếp theo? Ông Nhậm Chính Phi đã từng cảnh báo rằng Huawei vẫn đang chiến đấu để tồn tại.

Dưới thời Chính phủ Mỹ dưới thời ông Trump, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào “Danh sách Thực thể” kiểm soát xuất khẩu công nghệ vào năm 2019. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Mỹ cũng cho phép các công ty Mỹ được cấp phép bán một lượng nhỏ công nghệ cho Huawei mà không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, các hãng truyền thông quốc tế như Reuters, Bloomberg đã đưa tin vào ngày 31/1 rằng Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị ngừng cấp giấy phép cho các nhà cung cấp Mỹ để xuất khẩu hầu hết các sản phẩm và công nghệ cho Huawei. Động thái ngừng cấp giấy phép lần này nêu thể hiện rõ việc Mỹ siết chặt hơn nữa các quy định, chính sách liên quan về xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc.

Ngày 3/2, tờ Wall Street Journal lại đưa tin về vấn đề này, theo đó, những người quen thuộc với vấn đề tiết lộ rằng chính quyền Biden đang xem xét thu hồi giấy phép xuất khẩu cần thiết để bán hàng cho Huawei. Đây là một phần trong động thái rộng lớn hơn nhằm thắt chặt thương mại công nghệ xuất phát từ những lo ngại về an ninh quốc gia.

Một cựu quan chức an ninh cấp cao quen thuộc với các cân nhắc chính sách của chính quyền cho biết: “Mặc dù có sự tồn tại của Danh sách Thực thể, nhưng chính sách của Mỹ vẫn cho phép xuất khẩu sang Huawei, hiện tại thì chính sách này đang dần kết thúc.”

“Nhà Trắng hiện đang nói với Bộ Thương mại rằng việc cắt đứt tiêu thụ 4G là lúc để Huawei thể nghiệm nhiều đau đớn hơn, và là lúc dồn Huawei vào chỗ chết,” cựu quan chức này cho biết.

Văn Long, Vision Times