Luật an ninh HK: Người bị kết án có thể phải đối mặt với tù chung thân
- Lê Vy
- •
Các cá nhân bị kết án về tội vi phạm an ninh quốc gia theo luật mới mà Bắc Kinh đang áp đặt đối với Hồng Kông có thể phải đối mặt với án tù chung thân, theo các nguồn tin nói với SCMP khi cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc đang bắt đầu phiên họp đặc biệt kéo dài ba ngày từ hôm Chủ nhật để thảo luận về luật này.
Được biết, luật an ninh là ưu tiên hàng đầu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến sẽ được thông qua ngay trong tuần này. Bắc Kinh cho rằng dự luật là tối cần thiết để ngăn chặn và trừng phạt các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố, cấu kết với thế lực bên ngoài gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia.
Hai nguồn tin đến từ các đại biểu Hồng Kông nói với SCMP rằng các cá nhân bị kết án theo luật mới sẽ có thể phải đối mặt với án tù cao nhất là chung thân, thay vì giới hạn 10 năm như trước đó được đưa ra. Nguồn tin cũng cho hay Bắc Kinh quyết tâm làm mạnh tay, và “luật này không chỉ đơn thuần là một con hổ giấy”.
Việc đưa án chung thân vào luật mới đã mâu thuẫn với tuyên bố của Tam Yiu-chung, đại biểu duy nhất của thành phố trong Uỷ ban thường trực. Trước đó ông này nói rằng hình phạt được ấn định từ 5 đến 10 năm tù.
Trước thềm cuộc họp vào Chủ nhật, ông Tam cho biết sẽ thông báo cho các nhà lập pháp ở Bắc Kinh về đề nghị thực hiện luật hồi tố và các hình phạt cao hơn phải được áp dụng để tăng cường hiệu lực răn đe
Ip Kwok-him, một đại biểu NPC địa phương, nói rằng luật an ninh ở các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, cũng đều có án chung thân. “Vậy tại sao những vi phạm nghiêm trọng ở Hồng Kông không được xử giống như vậy?” ông đặt câu hỏi.
Ông Ip cũng tiết lộ dự luật quy định ba kịch bản theo đó Bắc Kinh có thể khẳng định quyền tài phán đối với các vụ việc an ninh quốc gia ở Hồng Kông, nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Theo ông Ip, dự luật dự kiến sẽ được thông qua vào sáng thứ Ba (30/6) và sẽ được thi hành tại Hồng Kông ngay sau khi được chính quyền địa phương công bố.
Trước việc Bắc Kinh kiên quyết thông qua dự luật, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu (26/6) đã loan báo rằng họ sẽ áp đặt hạn chế thị thực lên các quan chức Trung Quốc liên quan tới việc làm xói mòn tự trị và nhân quyền tại Hồng Kông.
Các hạn chế thị thực này sẽ ảnh hưởng tới các quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu của chế độ Trung Quốc mà chịu trách nhiệm về việc gây tổn hại tới quyền tự trị, nhân quyền và các quyền tự do của Hồng Kông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố. Thành viên gia đình của các quan chức này có thể cũng phải chịu các hạn chế thị thực.
Những nhà phê bình lo ngại rằng luật an ninh mới sẽ cho phép chế độ Trung Quốc đàn áp thẳng tay những người phê phán chế độ. Họ nói động thái này đánh dấu chấm hết cho quyền tự trị của Hồng Kông vốn được chế độ Trung Quốc cam kết duy trì theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.
Đáp lại ngay sau đó, văn phòng Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông hôm 28/6 đã kịch liệt phản đối và kêu gọi phía Mỹ “sửa chữa lập tức những sai lầm của họ, ngừng can thiệp vào công việc của Hồng Kông”.
“Hồng Kông thuộc về Trung Quốc, các công việc nội bộ của Hồng Kông hoàn toàn là công việc nội bộ của Trung Quốc, Hoa Kỳ cần chấm dứt ngay lập tức bất kỳ sự can thiệp vào vấn đề nội bộ của Hồng Kông và công việc nội bộ của Trung Quốc, nếu không Trung Quốc nhất định sẽ đáp trả đích đáng”, cơ quan ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông tuyên bố.
Đồng thời, trong thông cáo nhấn mạnh, quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc thúc đẩy thông qua dự luật về an ninh quốc gia của Hồng Kông là không thể lay chuyển.
> Mỹ hạn chế thị thực các quan chức Trung Quốc làm xói mòn tự do tại Hồng Kông
Tuần trước, văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông đã tiến hành một buổi tư vấn kéo dài hai ngày để gặp 120 đại diện mà họ cho là “đã đưa ra những quan điểm trung thực” và “bày tỏ sự nhất trí ủng hộ” cho dự luật cũng như việc thực thi nhanh chóng của dự luật.
Tuy vậy, các chính trị gia đối lập và các luật sư không được mời tham dự đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh vì động thái này.
Chủ tịch Đảng Dân sự và cựu chủ tịch Hiệp hội Luật sư, ông Alan Leong Kah-kit đã bác bỏ quy trình lập pháp, cho rằng đây là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được” khi các chi tiết về dự luật bị che giấu trong bí mật.
“Chúng tôi có ít hơn hai ngày trước khi luật được thông qua, nhưng cả chủ tịch lẫn thư ký về luật của chúng tôi đều không nhìn thấy dự luật này, làm sao điều đó có thể đúng?… trong khi luật này nói về việc áp đặt tù chung thân, tước đi quyền tự do của công dân Hồng Kông suốt cả cuộc đời họ. Tôi rất ngạc nhiên,” ông Alan nói.
Trong khi đó, Hoàng Chi Phong, thủ lĩnh đảng Demosisto cho rằng mình sẽ trở thành “mục tiêu hàng đầu” của luật an ninh quốc gia nếu nó được thông qua, theo Reuters. Những năm qua, Hoàng Chi Phong đã liên tục kêu gọi sự ủng hộ từ nước ngoài với phong trào dân chủ ở Hồng Kông, gặp gỡ nhiều chính trị gia ở Mỹ, châu Âu. Chính phủ Bắc Kinh đã gọi Hoàng Chi Phong là “bàn tay đen” của các thế lực nước ngoài.
Ngoài ra, theo Hoàng Chi Phong, các nhà báo, các tổ chức nhân quyền, tổ chức phi chính phủ từng có quan điểm đi ngược lại chủ trương chính phủ đại lục cũng có thể là mục tiêu của luật an ninh mới này.
Vào Chủ nhật (28/6), nhiều người Hồng Kông đã xuống đường ở Cửu Long để phản đối dự luật.
Lê Vy (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa án chung thân Dòng sự kiện Luật An ninh quốc gia Hồng Kông